Bàn một chút về xu hướng loại bỏ thể thao địa phương trong SEAGAME
Những quan điểm cá nhân về xu hướng loại bỏ thể thao địa phương tại các kỳ SEAGAME
Mỗi lần SEAGAME diễn ra, Hội đồng Liên đoàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á sẽ tổ chức cuộc họp nhằm chọn ra những môn thi đấu và nước chủ nhà sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc đưa ra những nội dung. Tại SEAGAME 31, Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà, đã tiên phong trong việc loại bỏ một số nội dung thi đấu xuống còn 40 môn so với 56 môn của SEAGAME 30. Nội dung được cắt giảm gồm những môn thể thao địa phương, vốn ít người chơi và không xuất hiện trong Olympic hay Asiad. Thể thao Thái Lan cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện theo xu hướng này.
Với thành tích của các đoàn thể thao Đông Nam Á tại các kỳ Olympic là khá “nghèo nàn” và thường xuyên phải về nước trong tình trạng trắng tay. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những yếu tố khách quan về mặt thể lực, vốn đầu tư và trình độ chuyên môn. Nhìn chung, con người Đông Nam Á vẫn có một nền tảng thể lực chưa thực sự vững chắc do nhiều yếu tố xã hội và lịch sử tác động. Hơn nữa việc đầu tư về lâu dài vẫn còn khá hạn chế, điều kiện phát triển của thể thao trong môi trường học đường vẫn ít được chú trọng. Dù vậy, theo đà phát triển của kinh tế, xã hội, trình độ thể thao của các nước Đông Nam Á cũng dần trở nên chuyên nghiệp hơn, chất lượng chuyên môn dần được cải thiện nhờ việc đầu tư được đẩy mạnh hơn, nhưng nếu nói là đúng đắn thì vẫn phải chờ đợi khá lâu. Trong khi đó, những khu vực khác vẫn tiếp tục phát triển và luôn đặt những thử thách lớn cho chúng ta vượt qua. Trong bối cảnh như thế, SEAGAME là một sân chơi hữu ích cho những vận động viên có thể tranh tài, thể hiện mình trong một môi trường “nhẹ thở” hơn, giúp họ dễ dàng khám phá được thế mạnh và yếu của mình cũng như hướng phát triển hợp lý.
Với xu hướng loại bỏ thể thao địa phương, SEAGAME đang dần trở thành một Olympic thu nhỏ. Nếu nói mục đích của việc làm này là tập trung vào chất lượng chuyên môn thì điều này khá là vô lý. Việc loại bỏ những môn thể thao địa phương chỉ hướng sự chú ý của những người hâm mộ đến những môn phổ biến, hoặc cùng lắm là nâng cao cơ sở vật chất trong việc thi đấu những môn đó tại các kỳ SEAGAME. Còn về việc nâng cao chuyên môn là việc lâu dài, đòi hỏi cả những yếu tố khác nhau và cần những chiến lược đúng đắn của người cầm quyền. Điển hình như Campuchia đã vạch được một chiến lược lâu dài hơn trong bóng đá, đặt những nền móng vững chắc hơn trong việc nâng cao chất lượng cầu thủ, và đã có những bước tiến khá rõ rệt.
Còn về những môn thể thao thuộc về địa phương, tính phổ biến của chúng vốn dĩ khá là thấp. Có nhiều môn thi đấu mình chỉ được nghe nói khi xem SEAGAME, và mình khá chắc mình không phải người duy nhất như thế. Nếu những môn thể thao phổ biến có khá nhiều sân chơi lớn từ cấp khu vực, châu lục đến thế giới, thì sân chơi của thể thao địa phương chỉ gói gọn trong chính cái tên của nó. Và khi SEAGAME không thể tạo điều kiện cho những môn thể thao đó được phát triển, giá trị và tính phổ biến của chúng sẽ không được củng cố và có thể sẽ biến mất dần.
Có thể thấy, những môn thể thao địa phương có góp mặt hay không trong SEAGAME sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến những môn thể thao phổ biến, nhưng sự biến mất của nó khỏi một đấu trường lớn ở tầm khu vực sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị riêng. Có thể nói, những môn thể thao địa phương là thứ khiến cho SEAGAME trở nên đặc biệt so với các Đại hội Thể thao khác trên thế giới, nhưng tầm nhìn hiện tại của các Liên đoàn Thể thao lại đang hướng tới một Olympic thu nhỏ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất