''Lạc lối'' một trong những trạng thái mà có lẽ ai cũng một lần cho rằng mình đã, đang và có thể sẽ trải qua trong cuộc đời. Chỉ cần vài cú click chuột đơn giản, ta có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều bài viết hỏi đáp, xin lời khuyên, kinh nghiệm về việc làm thế nào để thoát khỏi sự lạc lối.
Đa phần chúng ta sử dụng cụm từ này để gọi tên cho một giai đoạn khó khăn, vô định, không biết phải làm gì của bản thân, tuy nhiên, có những người sử dụng cụm từ này nhưng bản chất những vấn đề của họ thực chất lại không phải là ''lạc lối''. Vậy nên, trước khi gắn mác cho rằng bản thân đang rơi vào lạc lối, hãy ngẫm lại xem bạn đã thật sự hiểu về "lạc lối'' như cách định nghĩa của nó chưa nhé.

''Lạc lối'' ở đây được hiểu như thế nào?

Hãy thử tưởng tượng bạn đang đi trên một chặng đường dài, phải rơi vào tình trạng nào thì bạn mới có thể biết được mình đang thật sự bị lạc nhỉ?
Câu trả lời đơn giản thôi. Một người chỉ có thể biết mình bị lạc và thật sự bị lạc khi họ có bản đồ trên tay và biết chính xác đích đến của mình, nhưng bất chợt nhận ra mình đi chệch hướng so với trên bản đồ. Nói cụ thể hơn bạn chỉ có thể gọi mình bị lạc nếu biết chính xác được bạn muốn đi đến đâu. Nhưng chẳng qua bạn vô tình cua vào một ngõ cụt, hoặc một con đường nào đó lạ hoắc và rồi nhờ tấm bản đồ bạn đang sở hữu, bạn biết bạn cần tìm một con đường như bản đồ hướng dẫn để tìm đúng hướng về đích.
Nếu thật sự hoàn cảnh của ai cũng rơi vào tình trạng ''lạc lối'' theo đúng nghĩa đen này thì có vẻ việc tìm kiếm giải pháp lại không quá khó. Điều đơn giản bạn cần làm là lần tìm con đường đúng và tiếp tục cuộc hành trình theo như bản đồ đã định.
<i>Photo by Andrew Neel on Unsplash</i>
Photo by Andrew Neel on Unsplash
Thế nhưng, mình hiểu rằng, trên thực tế, khi một cá nhân nhận định tình trạng của bản thân là ''lạc lối'' thì vấn đề của họ không chỉ đơn thuần nằm ở việc rẽ nhầm hướng đi. Nếu vấn đề không nằm ở việc là bạn đi nhầm đường, mà nguyên nhân lại có thể là do chiếc xe của bạn đang bị chết động cơ, hay có thể tấm bản đồ mà bạn đang nắm giữ đã không còn phù hợp với chính mình nữa, hoặc nghiêm trọng hơn bạn thật ra chẳng hề có tấm bản đồ nào ngay từ lúc bắt đầu. Vậy thì khi đấy vấn đề lại không chỉ đơn giản là ''lạc lối'' nữa đâu.
Song nhiều người thường nhầm tưởng và gọi chung tất cả những trạng thái trên của mình là ''lạc''. Vậy thì điều này lại chẳng đúng với cái định nghĩa gốc mà ''lạc lối'' đang có nữa. Cái định nghĩa của ''lạc lối'' có thể hẹp hoặc có thể rộng hơn nhiều so với vấn đề bạn đang thật sự gặp phải. Vậy nên nếu không gọi tên đúng vấn đề và nhìn nhận được bản chất của sự việc, sẽ thật sự rất khó để bạn có thể ''mở nút'' cho những rắc rối mình đang gặp phải.
Tóm lại, ý mình ở đây, cần phải biết gọi tên và nhìn nhận đúng vấn đề bản thân đang đương đầu. Đừng nên nghĩ rằng việc xác định đúng vấn đề không quan trọng, bởi lẽ nếu không biết chính xác vấn đề, không xác định được nguyên nhân cốt lõi thì làm sao có thể giải quyết dứt khoát được nó. Cũng giống như nếu không tìm ra đúng căn bệnh, bạn sẽ không bao giờ có thể chữa trị tận gốc căn bệnh đó. Đây chính là bước quan trọng đầu tiên chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện, thế nhưng nhiều người lại ''nhảy cóc'' mà quên đi giai đoạn này, họ hối hã chạy đi tìm cho mình những giải pháp, trong khi lại không hề biết bản chất thật sự của những khó khăn mình đang gặp phải là gì.
Vậy nên, trước khi bắt tay vào tìm kiếm những cách giải quyết, giờ đây hãy cùng mình dành một chút thời gian để bóc tách từng trường hợp có thể xảy ra, để rồi từ đó có thể điểm qua một số cách thức để có thể giải quyết cho từng vấn đề nhé.

1. Nếu vấn đề nằm ở cái bản đồ

Mình nghĩ đây là vấn đề khó nhằn nhất, bởi lẽ đây chính là nền tảng quan trọng cần phải đảm bảo trước khi bắt đầu khởi hành, đây cũng sẽ là điểm tựa vững chắc để ta bám vào trong suốt hành trình. Sẽ rất tốt nếu tấm bản đồ ấy do bạn tự vạch ra, tự thiết kế, và rồi bạn tin tưởng vào nó. Nhưng sẽ tệ hơn nếu chiếc bản đồ ấy được thiết kế bởi gia đình, xã hội, và rồi họ trao cho bạn mà cần chẳng quan tâm đến ý kiến, sở thích, mong muốn của bạn. Mình không cho rằng điều này là hoàn toàn không tốt, bởi lẽ, suy cho cùng những người đấy xây dựng cho bạn tấm bản đồ đều xuất phát từ ý nghĩ muốn tốt cho chính bạn. Thế nhưng ''cái tốt'' mà họ nghĩ đến chưa hẳng lại cái mà bạn thật sự mong muốn đạt được.
Vậy nên nếu bạn đang được người khác trao tặng một tấm bản đồ, việc đầu tiên bạn cần làm là hãy dành thời gian để nhìn nhận lại liệu rằng đích đến, lộ trình đi của tấm bản đồ có phải là điều bạn thật sự khát khao hay không. Song song với đó, hãy suy xét liệu rằng nguồn lực của bạn hiện có đủ đáp ứng cho những chuyến đi trên tấm bản đồ đấy, liệu bạn có sẵn sàng đầu tư những nguồn tài nguyên cá nhân để theo đuổi hành trình đấy không.
<i>Photo by Geojango Maps on Unsplash</i>
Photo by Geojango Maps on Unsplash
Một điều nữa bạn cũng nên nhận ra rằng bản đồ có thể linh động thay đổi khi có những chất xúc tác từ ngoại cảnh hoặc từ chính bản thân. Cho dù bạn có dành nhiều thời gian, đặt nhiều tâm tư để cố gắng vẽ ra một bản đồ hoàn chỉnh nhưng cần phải thừa nhận rằng trong quá trình bạn bước đi trên chặng đường đó, sẽ có một thời điểm nào đó bạn cần phải thay đổi lộ trình hoặc thậm chí có thể là điểm đến.
Đó có thể là vì các biến động trong đời sống, những đòi hỏi của xã hội khiến bạn phải đi đến quyết định thay đổi. Chúng ta là những cá nhân thuộc về một cộng đồng, vậy nên khi tập thể ấy có những thay đổi thì không thể tránh khỏi sự tác động của các yếu tố ấy trong kế hoạch xây dựng hướng đi cá nhân. Thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn răm rắp chiều lòng để thỏa mãn ông bạn ''xã hội'' đấy. Những yếu tố ngoại cảnh có thể tác động phần nào đến bản đồ của bạn, thế nhưng chắc chắn rằng bạn vẫn sẽ luôn là người kiểm duyệt những sự thay đổi đó. Trong phần lớn các trường hợp bạn luôn là người đưa ra quyết định cho phép liệu những điều đó có thể tác động đến lộ trình cá nhân của mình hay không.
Bên cạnh đó, chính bản thân bạn cũng có thể là tác nhân tạo nên sự thay đổi trên. Sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu bản thân chủ động tạo ra sự thay đổi, thế nhưng chúng ta sẽ khó đón nhận hơn nếu không nhận thức được sự thay đổi của bản thân đang tác động một cách lặng lẽ đến lộ trình đã vạch ra. Con người đa phần đều luôn an tâm và cảm thấy an toàn với sự ổn định, họ ngại sự thay đổi. Vậy nên khi nhận ra bản thân đột nhiên mong muốn thay đổi đích đến hay cách thức di chuyển trên hành trình, chúng ta liền e ngại, và tìm cách phủ nhận sự biến động ấy.
Nếu bạn đang rơi vào trạng thái trên, đừng quá hoang mang, lo lắng, đừng vội trách mắng bản thân là một người không kiên trì. Con người chúng ta luôn luôn thay đổi hằng ngày, dù đó chỉ là những thay đổi nhỏ, thế nhưng chắc chắn chúng vẫn luôn xuất hiện. Những sự vật, sự việc diễn ra mỗi ngày sẽ luôn tác động lên suy nghĩ, cách nhìn nhận của mỗi cá nhân. Và rồi khi những thay đổi nhỏ ấy tích tụ đủ lớn nó sẽ tạo ra tác động khiến bạn đi đến quyết định quan trọng thay đổi lộ trình hoặc đích đến trên tấm bản đồ của mình. Xét theo góc nhìn này, sự thay đổi của bản thân có thể được đánh giá là một sự thay đổi bị động bởi đôi khi chính bạn cũng không chủ động để đón nhận lấy nó, thế nhưng mọi việc trong cuộc sống diễn ra đều có một lý do của nó, bạn của ngày hôm nay chính là kết quả của những bạn trong quá khứ vậy nên nếu sự thay đổi gọi cửa và tìm đến bạn. Hãy rộng mở đón chào để cho phép bản thân trải nghiệm một hành trình mới nhé.
<i>Photo by Annie Spratt on Unsplash</i>
Photo by Annie Spratt on Unsplash
Thế nhưng, mọi việc có thể trở nên phức tạp hơn nếu như bạn đang đi nhưng rồi nhận ra mình chẳng hề có một tấm bản đồ nào.
Đây chắc hẳn là một trạng thái khiến đa phần chúng ta hoang mang nhiều nhất. Bởi lẽ, lúc này bạn giống như một đứa trẻ bị ném vào một khu trung tâm thương mại và rồi không biết phải đi về đâu. Việc này khác với trường hợp tấm bản đồ được thiết kế bởi gia đình hay xã hội, chí ít trường hợp này bạn còn được người khác giúp đỡ và chỉ bảo nên đi đâu. Nhưng nếu chẳng ai cho bạn tấm bản đồ, bạn bước vào một hành trình không biết đường đi, không biết điểm đến, thì lúc đấy vấn đề mới dần trở nên nghiêm trọng hơn hẳn.
Khi đấy bạn hoàn toàn không biết bản thân nên làm gì, cần phải làm gì, bạn hoàn toàn không biết bản thân là ai. Nếu rơi vào trường hợp như thế, đừng vội bắt tay vào những công việc gắn mắc hào nhoáng mà đa phần người khác đều lao theo, đừng bị cuốn theo và đừng hối hã ép bản thân một làm điều gì đó thật sự cool ngầu chỉ để thể hiện rằng mình cũng có một giá trị nào đó. Thay vào đó, điều tốt hơn mình nghĩ bạn nên làm là hãy dành thời gian để ngẫm nghĩ, đánh giá lại bản thân và đặc biệt, hãy ra sức trải nghiệm.
Hãy thử tưởng tượng bạn được ném vào một hành trình không biết lộ trình, không biết đích đến, vậy thì làm bạn làm gì để không phí hoài thời gian nhỉ?
Ừ đúng rồi, đó là đi lang thang, tham quan và thử nghiệm trên nhiều con đường để tìm ra đích đến mình muốn dừng chân đúng không? Điều đấy cũng đúng với ý trải nghiệm mình muốn đề cập. Thế nhưng, việc trải nghiệm ở đây không phải cứ trải nghiệm một cách bừa bãi mà là một sự trại nghiệm có tính toán hơn và dựa trên những mối quan tâm của mỗi cá nhân.
Mình nghĩ trong cuộc đời của mỗi người sẽ luôn tồn tại ít nhất 1 công việc khiến người đó quan tâm, một việc gì đó khiến họ thấy hứng thú. Có thể chưa đến mức có thể gọi là sở thích và cũng không tới mức có thể gọi là đam mê, hay ước mơ, nhưng sẽ luôn tồn tại thứ mang đến cho bạn sự ''tò mò''. Vậy thì hãy cứ làm và thực hiện điều đó, bởi lẽ chí ít đó là điều duy nhất khiến bạn thấy quan tâm trong thời điểm hiện tại. Và khi đã bắt tay vào thực hiện, nếu may mắn, bạn có thể phát hiện đó thực sự là điều bạn muốn làm lâu dài, bạn muốn phát triển hơn và muốn lựa chọn đi tiếp trên lộ trình này. Nhưng nếu nó không phải là ''mai - đẹt - ti - ni'' mà bạn đang thầm mong ước, không sao cả, dẫu có thế nhưng mình chắc chắn nó sẽ không hề lãng phí thời gian của bạn đâu bởi vì trải nghiệm đó sẽ dạy cho bạn nhiều điều và hé lộ phần nào về điểm mạnh, điểm yếu của con người bạn. Và rồi khi đã dần khám phá được các khía cạnh của bản thân, bạn sẽ có nhiều dữ liệu và cơ sở hơn để có thể vẽ nên tấm bản đồ cho riêng mình rồi đấy.
<i>Photo by Delfi De la Rua on Unsplash</i>
Photo by Delfi De la Rua on Unsplash
Thế nhưng liệu có bắt buộc phải có bản đồ cho riêng mình hay không?
Câu trả lời đương nhiên là không, bởi lẽ chả luật pháp hay chuẩn mực đạo đức nào quy định bạn cần vạch ra một lộ trình cụ thể cho tương lai, hay không phải lúc nào việc định hướng rõ rệt sẽ chắc chắn giúp bạn đi đến đích một cách dễ dàng. Việc có hay không một lộ trình cụ thể chắn chắn sẽ luôn tồn tại những mặt lợi và hại song hành.
Rõ ràng khi có một bản đồ được vạch ra chi tiết, chúng ta sẽ biết được nên đi đâu, cần đi đâu, chúng ta sẽ chủ động trang bị trước những công cụ để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể phát sinh trên hành trình ấy. Và rồi những trải nghiệm trên hành trình đó sẽ an toàn, đảm bảo hơn rất nhiều. Thế nhưng việc được biết trước phần nào những sự việc sẽ xảy ra trên hành trình ấy khiến cho quá trình di chuyển trên con đường đấy dường như cũng giảm bớt đi sự thú vị.
Ngược lại với đấy, việc không xây dựng một lộ trình cụ thể đặc biệt phù hợp với những cá nhân thích trải nghiệm và dám thử sức với những điều bất ngờ. Khi không có một hướng đi cụ thể, bạn có thể linh động xoay sở khi gặp phải những tình huống trớ trêu trên đường. Việc không dựa vào một tấm bản đồ cũng khiến bạn không rơi vào cảm giác phụ thuộc, và bó buộc bản thân vào một vòng an toàn. Bạn sẽ cần và buộc phải ra sức trải nghiệm để tìm kiếm cho mình những điều phù hợp với mong muốn tương lai. Tuy nhiên phương án này sẽ chỉ hiệu quả đối với ai những ai có tính kỷ luật cao và không dễ bị chi phối quá nhiều bởi các tác động bên ngoài. Bởi lẽ nếu không biết bản thân nên hướng vào đâu, bạn sẽ dễ dàng lạc lối, và không thể quyết định lựa chọn một hướng đi nhất định, bạn dễ dàng bị phân tâm hơn và có thể quên đi việc xác định mục tiêu trọng tâm mà bản thân thật sự muốn hướng đến.

2. Nếu vấn đề nằm ở những nguồn tài nguyên

Trên một chuyến đi dài, bên cạnh việc cần bản đồ để định hướng, bạn sẽ luôn cần những công cụ khác để phục vụ cho cả hành trình như phương tiện di chuyển, quần áo hay đồ ăn, thức uống. Tất cả những điều trên đều là những hình ảnh ẩn dụ mình sử dụng đế ám chỉ đến những nguồn tài nguyên trong thực tế mà chúng ta cần trang bị khi bắt đầu cho một hành trình.
Sức khỏe, tài chính, kỹ năng, kiến thức hay thời gian. Những yếu tố này đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hành trình của mỗi người, chúng tác động rất lớn đến cách thức cũng như tiến độ di chuyển trên lộ trình của chúng ta. Nếu thiếu hụt hay mất đi chúng, ta dễ dàng rơi vào cảm giác hoang mang, lo lắng, bên cạnh đó, nó còn tác động đến những suy nghĩ của bản thân khiến ta cảm tưởng rằng mình đang sai hướng và cảm thấy nản lòng trên hành trình. Thế nhưng, việc tiêu hao hay mất đi những nguồn tài nguyên là một việc không thể tránh khỏi trên bất kỳ hành trình của mỗi cá nhân. Vậy nên nếu bản thân đang trải qua giai đoạn trên, đừng suy nghĩ rằng đây là một điều hết sức tồi tệ mà hãy nhìn nhận nó một cách tích cực hơn.
<i>Photo by Ian Dooley on Unsplash</i>
Photo by Ian Dooley on Unsplash
Mình biết rằng chỉ nói suông thôi thì nghe thật dễ dàng, vì trên thực tế việc bổ sung những nguồn tài nguyên ấy cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Không phải đơn giản có thể chuẩn bị một sức khỏe thật tốt một sớm một chiều, hay có thể trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong ''ngày một ngày hai''. Vậy nên, đối với việc này, lời khuyên của mình đó là ''đừng để đến khi nước tới chân rồi mới nhảy'', hãy luôn chủ động kiểm tra hành trang của mình trong suốt chặng hành trình. Hãy biết dự liệu, tính toán khả năng duy trì chúng, và rồi lên phương án, đề ra những phương pháp để có thể duy trì hoặc đổi mới những nguồn công cụ ấy. Thay vì chỉ ngồi chờ đợi các yếu tố ngoại cảnh tác động làm thiếu hụt, hay mài mòn những công cụ đó. Bạn hãy để bản thân nằm ở thế chủ động tìm đến sự thay đổi, chính bạn nên là người thường xuyên ngẫm lại để đánh giá và rồi chính bạn có thể tự tay đào thải và bỏ đi những nguồn tài nguyên mà bản thân bạn thấy không còn hữu ích nữa.
Nên nhớ rằng, đừng để đến khi hết xăng hoàn toàn thì mới chật vật dắt xe đi đổ, hay luôn chú ý nhìn mức thang đo xăng trên bảng tín hiệu để biết khi nào nên nạp lại nhiên liệu một cách kịp thời.
Nếu chiếc xe đã được nạp nhiên liệu đầy đủ. Thậm chí, bạn còn đầu tư cho chiếc xe bằng một động cơ mới toanh. Thế nhưng, đâu đấy trong bạn vẫn cảm thấy có gì đấy không ổn trên hành trình này, vậy thì bấy giờ, vấn đề thật sự nằm ở chính bạn đấy.

3. Vấn đề nằm ở chính bạn

Chúng ta có xu hướng dễ dàng phát hiện ra lỗi hay nhìn ra được những vấn đề xuất phát từ các yếu tố ngoại cảnh. Nhưng đôi khi, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những bất cập lại nằm ở chính chúng ta. Trong trường hợp này, điều khó nhất trước khi giải quyết vấn đề đó chính là thừa nhận việc bản thân chính là nguyên nhân dẫn đến vấn đề đó. Vậy nên trước khi đánh giá hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác hay các yếu tố khách quan bên ngoài thì hãy chậm lại một nhịp để nhìn nhận lại chính bản thân mình nhé.
<i>Photo by Dan Burton on Unsplash</i>
Photo by Dan Burton on Unsplash
Liệu có phải bạn đang hối hã ép bản thân vượt quá tốc độ an toàn trên hành trình, có phải bạn chỉ đang chăm chăm hướng về cái gọi là đích đến và rồi quên đi việc để tận hưởng quá trình. Hay liệu bạn có đang liên tục tăng ga tiến về phía trước mà không biết mình đang tiến lên vì điều gì. Có thể bạn làm thế vì e sợ rằng bị bỏ lại phía sau và không theo kịp người khác, nhưng bạn lại không nhận ra rằng dẫu cho có di chuyển trên cùng con đường nhưng tất cả mỗi chúng ta đều có một hành trình riêng, không chặng đường của ai là giống nhau cả. Tất cả những dấu hiệu trên đều là một vài trạng thái mà chúng ta thường có xu hướng sa vào khi di chuyển trên lộ trình của mình. Chính bản thân chúng ta đã tự sản sinh ra những suy nghĩ không lành mạnh để rồi đẩy bản thân và ép mình thực hiện những hành động có tác động tiêu cực đến chính mình.
Thay vào đó, hãy luôn biết lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể nhiều hơn, đừng ép mình cứ mãi chăm chăm vào đích mà bỏ bê và không chăm sóc bản thân. Nếu bạn để cơ thể cứ liên tục bị tác động theo chiều hướng xấu thì có thể khi chưa được tới đích, bạn đã gục ngã trước đó rồi đấy.
Vậy nên, hãy cứ chầm chầm, bình tĩnh và chắc chắn di chuyển trên lộ trình của mình. Khi cảm thấy mệt mỏi hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Một chiếc xe không thể cứ chạy mãi và luôn cần được nghỉ ngơi để được nạp nhiên liệu, huống chi là một con người, hoạt động mãi mà không nghỉ ngơi thì sao có thể chịu đựng nỗi, nhỉ?

KẾT

Nói tóm lại, đừng cố phóng đại tình trạng của bản thân và cũng đừng đơn giản hóa tính nghiêm trọng của vấn đề. Thay vì cứ vinh vào một thực trạng chung của số đông và rồi không đủ lý trí để tìm ra vấn đề, hãy chậm lại để bình tĩnh xác định khó khăn thật sự mà bản thân đang gặp phải.
Mình hiểu rằng mỗi người đều có một cuộc đời riêng, ẩn chứa trong đấy là những câu truyện, những vấn đề khác nhau của mỗi cá nhân. Vậy nên, đừng quá vội tin những lời khuyên, những lời áp đặt mà người khác dành cho chính bạn (ngay cả những gì mình viết ở đây). Tự bản thân bạn nên và cần là người tự ra quyết định để giải quyết vấn đề của mình.
Hy vọng rằng bài viết này có thể phần nào gỡ rối những trăn trở bạn đang mắc phải. Cảm ơn mọi người đã đọc nhé ^^.