Những thứ na ná tình yêu thì có 1000 nhưng tình yêu thì chỉ có MỘT.

Tình yêu là gì?

Tình yêu là ý chí mở rộng lòng mình để rèn luyện sự trưởng thành tinh thần cho chính mình hoặc cho người khác. Một trong những cảm xúc thường bị nhầm lẫn với tình yêu nhất, đó là phải lòng.
Khi cảm thấy phải lòng ai đó, chắc chắn bạn sẽ thốt lên “Mình yêu cô ấy/ anh ấy.” Nhưng sự thật là yêu và phải lòng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tình yêu có thể bắt nguồn từ phải lòng hoặc không. Nhưng phải lòng không phải lúc nào cũng đi đến tình yêu.
img_0

1. Phải lòng là cảm xúc có liên quan đến hấp dẫn tình dục

Tình cảm gia đình, tình cha con, mẹ con, dù sâu sắc đến đâu, cũng không được gọi là phải lòng. Tình bạn bè thân thiết, cũng không phải là phải lòng. Chúng ta chỉ phải lòng khi có hấp dẫn về giới tính, một chút yếu tố tình dục trong đó.
Phải lòng là: “phản ứng đặc trưng của con người trước các bản năng tình dục bên trong kết hợp với các kích động bên ngoài, nhằm thúc đẩy khả năng kết đôi và giao phối để duy trì nòi giống. Hay nói theo cách trần trụi hơn, phải lòng có thể chỉ là một mánh khóe mà bộ gen của chúng ta tác động lên tâm trí để dẫn dụ chúng ta tiến đến hôn nhân và sinh con đẻ cái mà thôi.

2. Phải lòng chỉ mang tính chất nhất thời

Phải lòng là tình trạng xảy ra khi bản ngã có sự nứt gãy. Bản ngã là gì? Bản ngã nói dễ hiểu là ý thức về sự riêng biệt của bản thân, về cái tôi.
Trẻ sơ sinh không phân biệt được điều này. Các em bé sẽ nghĩ rằng mình và thế giới là một. Khi nó chuyển động, thế giới chuyển động theo. Khi nó đói, vạn vật đều đói theo. Bạn sẽ thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi muốn điều gì sẽ gào khóc đòi có ngay lập tức. Đó là vì nó chưa ý thức được nó là cá thể tách biệt với thế giới. Nó gấp nên nó nghĩ mọi thứ đều gấp.
Càng lớn, trẻ càng nhận ra ranh giới giữa bản thân và thế giới xung quanh. Nó biết khi nó hươ chân, cái trần nhà đứng im. Nó biết cái tay, cái chân, giọng nói, cơn đói thuộc về cơ thể nó, còn cái trần nhà, cái cửa hay ba mẹ, đều không thuộc về. Từ đây, hình thành ý thức về bản ngã.
Càng lớn, con người càng học được cách kiểm soát cảm xúc, kiểm soát cái tôi để hòa hợp trong tập thể. Một người có thể mang nhiều mặt nạ khác nhau. Thậm chí, phải che giấu đi bản ngã của mình.
Nhưng bên trong ranh giới bản ngã hầu hết là sự cô đơn, nhất là với những người có sang chấn thời thơ ấu. Nhìn chung, ai cũng có nhu cầu được vượt qua những ranh giới, để sống đúng với bản ngã và để hòa hợp bản ngã với ai đó.
Phải lòng là trường hợp như vậy. Nó tạo ra điểm đứt gãy đột ngột nơi ranh giới bản ngã, cho phép hai cá thể chạm đến nhau. Khi ranh giới tạm thời đứt gãy, ta cảm giác được sống như đứa trẻ, khi thế giới phải chiều chuộng, phục tùng mình. Ranh giới nứt gãy nên ta cảm giác ta và người đó hoà làm một, như cái cách mà trẻ sơ sinh ngỡ nó và thế giới là một.
Thực tại đã chặn đứng suy nghĩ cả thế giới phục tùng mình của những đứa trẻ sơ sinh, thì nay, thực tại cũng chặn đứng cảm giác phải lòng. Những va chạm, mâu thuẫn thường nhật sẽ dần dần xây lại ranh giới cái tôi của cả hai. Người thích ăn món Âu, người lại thích món Việt. Anh muốn ra ngoài vào cuối tuần, em muốn ở nhà nấu ăn, đọc sách. Anh muốn đi xây những thiên đường, em chỉ mơ hạnh phúc bình thường.
Những ranh giới bắt đầu mọc sừng sững trở lại, và ta không còn phải lòng nhau. Đây chính là thời điểm quyết định, một là đi đến tình yêu, hai là đường ai nấy đi.
img_1

3. Phải lòng không đòi hỏi nỗ lực

"Tình yêu không phải là sự hụt hơi, không phải là sự phấn khích, không phải là sự ban bố những lời hứa hẹn về tình yêu vĩnh cửu.
Bản thân tình yêu là thứ còn sót lại khi tình yêu đã cháy rụi..."
—Louis de Bernières, Correlli's Mandolin
Tình yêu không chỉ là công việc của cảm xúc, mà còn đòi hỏi nhiều ý chí và nỗ lực. Tình yêu không dễ dàng. Yêu rất nhọc lòng. Trái lại, khi phải lòng, bạn hầu như không phải nỗ lực gì cả. Đó hoàn toàn là câu chuyện của cảm xúc.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, phải lòng còn được dùng như một cái cớ hoàn hảo để che đậy tổn thương mà nó gây cho chính mình hoặc cho người khác. Tôi phải lòng anh ta và điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tôi biết làm gì đây, đó là cảm xúc của tôi mà. Nhiều cuộc tình sai trái vì vin vào lý do này. 
Phải lòng chủ yếu là sự tự luyến, trong khi yêu là sự hào phóng và vị tha. 
Tình yêu giúp bạn và đối phương phát triển tinh thần, trong khi phải lòng thì không. Mục đích duy nhất của phải lòng chỉ là chấm dứt sự cô đơn. Phải lòng bắt đầu khi có sự nứt gãy của ranh giới bản ngã, và kết thúc khi ranh giới đó được xây dựng lại.
Khi phải lòng, bạn thấy mình và đối phương không có nhu cầu để phát triển. Tất cả đã quá hoàn hảo rồi, quá đẹp rồi. Anh ấy/ cô ấy là người hoàn hảo trong mắt mình, thậm chí những khuyết điểm cũng trở nên dễ thương, ngọt ngào. Bởi vào lúc này, ranh giới cái tôi của bạn đã bị đứt gãy.
Rồi chính những khiếm khuyết đó, khi ranh giới cái tôi được khôi phục, bạn lại thấy nó là chấm đen to đùng.
Điều này lý giải cho những trường hợp, các cặp vợ chồng không chịu nổi tính xấu của nhau sau khi lấy nhau. Trong khi cũng là người đó, cũng tính xấu đó, nhưng khi đang phải lòng nhau, họ lại thấy nó bé như con kiến.
img_2
Phải lòng không phải là tình yêu, nó chỉ là một phần trong tiến trình yêu. Phải lòng là khi ranh giới giữa hai cá thể đứt gãy, ta lao vào nhau và những tưởng chúng ta là một. Phải lòng gieo vào bạn mộng tưởng rằng sự tương hợp này sẽ kéo dài mãi mãi. Trong khi, tình yêu lại là sự can đảm chấp nhận sự riêng biệt của đối phương. Phải lòng chỉ đơn thuần là cảm xúc. Trong khi, tình yêu gắn liền với sự cân nhắc, nỗ lực và trách nhiệm. 
(Bài viết tham khảo từ sách Con đường chẳng mấy ai đi)