Bạn đã từng mơ ước mình có đủ tiền để muốn mua cái gì thì mua cái đó chưa? Phấn đấu để mua đồ không cần nhìn giá, ở một căn nhà to, xa hoa lộng lẫy, đi xe hơi sang trọng và ăn uống bất cứ thứ gì mình muốn. Nghe có vẻ như là một cuộc sống trong mơ nhỉ? Quần áo, xe cộ, nhà cửa, điện thoại nhìn như có vẻ đang phục vụ bạn, khiến cuộc sống của bạn tốt hơn. Nhưng khi bạn có quá nhiều, chưa chắc ai phục vụ cho ai.
1. Đồ vật lấy hết tiền của bạn
Mua đồ thì phải tốn tiền. Ai cũng biết. Nhưng bạn có biết ngoài cái giá bạn trả lúc đầu để mua, đồ vật còn có thêm một thứ gọi là "phí bảo quản" không. Lấy ví dụ một chiếc xe hơi, giá mua vào 2 tỷ, mỗi ngày bạn phải tốn bao nhiêu tiền để đổ xăng, bao lâu phải đem xe đi rửa, bao lâu phải đem xe đi bảo trì, phải tốn bao nhiêu tiền mua bảo hiểm, .vv.. Hay như quần áo, bạn biết giá mua vào, nhưng bạn có biết bạn phải tốn bao nhiêu tiền để giặt, ủi, bảo quản nó khỏi chuột, bọ không? Đồ vật đang thầm lặng lấy tiền ra khỏi túi bạn không ít thì nhiều.
2. Đồ vật chiếm hết không gian của bạn
Mua đồ về bạn đâu thể cất vào không khí được. Đồ nhiều bao nhiêu thì cần không gian nhiều bấy nhiêu. Có rất nhiều người cảm thấy nhà mình chật chội, bức bối, họ muốn xây nhà to hơn trong khi họ không nhận ra không gian sống của mình bị đồ đạc lấp đầy. Hơn nữa càng có nhiều đồ thì càng khó sắp xếp cho gọn gàng, mà càng lộn xộn lại càng chiếm nhiều diện tích. Trước đây mình từng có một chiếc giường ngập gấu bông. Đó là ước mơ của bao nhiêu đứa trẻ nhưng nằm twrên giường mình chỉ thấy chật chội và ngột ngạt. Có bao nhiêu người cũng từng như mình, bị đồ đạc chiếm hết không gian mà không biết.
3. Đồ vật vắt kiệt sức của bạn
Một căn nhà to đòi hỏi chủ nhà phải lau dọn nhiều. Nhiều quần áo thì luôn phải giặt, ủi cho thẳng thớm, phải tốn công ngồi xếp vào tủ quần áo sao cho gọn. Nếu không, thì phải đi cày kiếm tiền và dùng tiền đó thuê người khác làm. Tóm lại đều phải làm để phục vụ ngược lại cho đồ vật. Cuối cùng không biết ai mới là chủ của ai.
 Mình rất thích câu nói của Dave Ramsey
 "We buy things we don't need with money we don't have to impress people we don't like." 
Chủ nghĩa tiêu thụ đã tác động đến suy nghĩ của mọi người rằng thành công, giàu có và hạnh phúc gắn liền với việc sở hữu nhiều đồ vật, dẫn tới việc chúng ta sở hữu quá nhiều thứ mà chúng ta không cần. Vậy để thoát khỏi "ách đô hộ" của đồ đạc, chúng ta cần làm gì? Mình xin mạn phép đưa ra các giải pháp sau:
1. Giải tán những món đồ thừa
Soạn ra những món đồ nào bạn đã lâu không mặc tới, những chiếc quần "thiếu nhi", đồ quá cỡ, những món chẳng còn " "spark joy", đem cho từ thiện hoặc tái chế, hoặc vứt. Tùy cách và tùy món. Đồ công nghệ nếu còn tốt thì nên bán lại. Với những món lâu lâu dùng thì không nên sở hữu quá nhiều. Nếu bạn chẳng đi đâu mấy thì nhà đừng trữ tám, chín cái ba lô. Một hoặc hai là vừa vặn nhé.
2. Bớt mua thêm
Có tiền để thích mua gì thì mua không nên là một ước mơ. Trước khi mua cái gì mới, nếu bạn nhận định không phải đồ cần thiết (nhu yếu phẩm, đồ không có nó là bạn không sống được hoặc khó sống) thì hãy suy nghĩ từ 2 tuần tới 1 tháng. Nếu sau khoảng thời gian đó bạn vẫn muốn mua thì hãy rước em ấy về nhé. Vì một đồ đạc đón vào thì dễ mà tiễn đi khó lắm.
3. Mua đồ tốt
Đồ tốt thì dùng được nhiều và phí bảo quản sẽ đỡ hơn. Một chiếc xe tốt sẽ ít hư hỏng. Máy lạnh, máy giặt tốt thì đỡ phải sửa chữa. Với quần áo nên chọn loại vải tốt, bền màu, ít nhăn. Và khi đồ không hư hỏng, bạn sẽ hạn chế mua đồ mới hơn. 
Hi vọng các giải pháp trên có thể giúp bạn phần nào trong công cuộc giải cứu bản thân khỏi quá tải đồ đạc và sống hạnh phúc hơn. Cảm ơn vì đã đọc