Khi bạn làm một ứng dụng nào đó, có những lúc bạn sẽ gặp phải những nghiệp vụ liên quan đến thanh toán. Khi này bạn cần phải đưa ra một số giải pháp cho các cổng thanh toán bên ngoài rồi tích hợp vào hệ thống của bạn. 
Việc chuyển tiền giữa người sử dụng hệ thống và ứng dụng của bạn sẽ hình thành những giao dịch. Những giao dịch này có thể thông qua bằng một số cách cơ bản như sau:
– Giao dịch chuyển khoản ngân hàng, đây có lẽ là cách đơn giản nhất, bạn để lại số tài khoản và khách hàng sẽ chuyển khoản cho bạn. Sau khi nhận được tiền thì bạn mới xử lý quy trình trên hệ thống của bạn. Tuy nhiên với cách này thì một hai giao dịch trong năm mười phút thì okay nhưng mà nhiều giao dịch thì bạn không thể xử lý kịp và không thể tích hợp một cách tự động quy trình của bạn mà buộc phải gây gián đoạn quá trình thanh toán và bắt người dùng phải chờ xử lý.
– Giao dịch thông qua tiền mà bạn định nghĩa, hay còn gọi là tiền ảo do hệ thống bạn quy định như xu hay coin hay điểm sau đó đến một ngưỡng thanh toán nào đó thì có thể quy đổi qua tiền mặt thông qua hình thức chuyển khoản giao dịch thật. Ở dạng này thì bạn có thể gặp đâu đó ở Momo, VinID, ShareCode,…
– Giao dịch thông qua bên thứ ba chuyển nhượng quyền thanh toán, ví dụ hệ thống của bạn sẽ cùng một đơn vị tiền của một bên thứ ba nào đó, bạn chỉ quan tâm đến việc quy đổi giao dịch của hệ thống sang cho bên thứ ba, việc thanh toán sẽ nằm ở phía bên họ. Người dùng và kể bạn là chủ ứng dụng cũng phải tự rút tiền hoặc nạp tiền thông qua kênh này, họ sẽ ăn một phần trăm nhất định. Ở dạng này bạn có thể biết đến một số kênh như Ngân lượng, Palpal,…
– Giao dịch cổng thanh toán trực tuyến ngân hàng với hình thức trung gian, việc thanh toán này thì hệ thống của bạn dường như sẽ làm việc và xử lý thông tin với ngân hàng hay tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên sẽ có một bên trung gian nào đó tổ chức giao dịch giữa người dùng và ngân hàng, số tiền thanh toán của người dùng cuối cùng được tổng hợp và đổ về tài khoản gốc của bạn mà bên thứ trung gian này chỉ có mục đích quản lý và tổ chức giao dịch chứ không nắm giữ số tiền thực trong tài khoản của bạn. Khi này bên trung gian sẽ tính theo lượng giao dịch hoặc theo thời gian sử dụng tùy từng bên Ở dạng này phải kể đến Mpos, Momo, Vn-pay, Zalo pay, 123 pay, Air pay,…
Để lựa chọn được loại hình giao dịch nào thì sẽ phải tùy vào hình thức, nghiệp vụ thương mại điện tử của bạn. Đôi khi còn tùy vào giai đoạn phát triển hệ thống nữa. Từ thô sơ đến chuyên nghiệp. Ngoài ra bạn còn quan tâm đến chi phí vận hành để giao dịch cho bên thứ ba hay trung gian cũng là một chi phí không hề nhỏ.
Nếu bạn tự xây dựng hệ thống thanh toán và chọn hai hình thức giao dịch đầu thì bạn cũng cần phải quan tâm đến luật pháp liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ khi thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó bạn còn phải chịu trách nhiệm thuế má hay những tình huống lừa đảo, mất mát phát sinh nữa.
Nếu bạn chọn việc sử dụng hệ thống bên thứ ba hay cổng thanh toán điện tử trung gian thì ngoài việc lựa chọn hình giao dịch thì bạn còn phải quan tâm đến những tiêu chí sau:
– Khả năng tương thích: Khi tích hợp với hệ thống của bạn bạn cần hiểu rõ nền tảng công nghệ cũng như cách thức tích hợp, các lỗi xử lý và các trường hợp ngoại lệ, những trường hợp xấu nhất khi tiền của khách hàng sẽ đi đâu và về đâu. Bên nào sẽ chịu trách nhiệm khi gặp sự cố.
– Khả năng bảo mật: Một khi đã dính đến tiền và thông tin tài khoản của khách hàng, mọi thứ phải được đảm bảo và chắc chắn, rủi ro thấp nhất có thể. Đừng để uy tín và thương hiệu của bạn bị mất đi và có thể bạn sẽ ôm một khối nợ khổng lồ nếu một ngày hệ thống của bạn khiến cho bao khách hàng mất mát.
– Phí dịch vụ: Tất nhiên rồi, chẳng có hệ thống hay cổng thanh toán trực tiếp nào làm giúp bạn mà không lấy phí cả, mỗi hệ thống đều có. Mỗi bên có một cách tính và chi phí khác nhau nên việc bạn cần làm là phải hạch toán từng mức chi phí và những thứ phát sinh rồi hãy quyết định lựa chọn bên nào nhé!
– Khả năng tùy biến: Thanh toán thì thực sự có rất nhiều loại và đa dạng, việc lựa chọn đơn vị nào thì bạn cũng nên cân nhắc khả năng tùy biến của hệ thống bên họ. Ví dụ như quét mã QR, nhập thẻ ATM, nhập thẻ visa, debit, thanh toán qua card điện thoại…
Hiện tại thì những ứng dụng thương mại điện tử dần đã và đang bùng nổ trong thời đại 4.0 rồi. Vậy nên nếu bạn muốn xây dựng một ứng dụng hay một trang web mà có thể tích hợp được các hình thức thanh toán online để giải quyết được vấn đề quy trình trong hệ thống của bạn thì thật là một lợi thế.
Ngoài lề một chút là có một số hình thức COD, một hình thức thanh toán khi nhận hàng không nằm trong danh mục mà mình đã nêu. Tuy nhiên bạn có thể cân nhắc vì rất nhiều hệ thống cũng đã sử dụng cách này, nhưng nó không phải là một cách tối ưu do có rất nhiều rủi ro cũng như một số nghiệp vụ chỉ thanh toán một phía không trao đổi hàng hóa thì rất khó để sử dụng cách này. Ngày xưa thì có đã có hình thức biến thể kiểu như ship card mã thẻ thanh toán cho khách hàng sau đó nhập mã vào hệ thống của bạn. Bạn cũng có thể xem tham khảo qua.
Trên đây là một số cách mà mình biết khi xây dựng cũng như tích hợp hệ thống thanh toán vào ứng dụng của bạn. Bạn còn biết hình thức nào thì có thể bổ sung giúp mình nhé! Bài viết sau mình sẽ đi cụ thể hơn vào một hình thức thanh toán mà mình đã từng làm đó là Vn-pay. Đón đọc nhé!