Bài viết lược dịch từ blog của Dave Smith trên website DEV Community (dev.to)
Freelance không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề của công việc “làm công ăn lương”. - Dave Smith said.
Có nhiều người yêu thích và thậm chí đã thành công với kiểu làm việc “tự kiếm sống” (self-employed) như freelancer. Có thể đối với bản thân họ đó là sự lựa chọn phù hợp. Nhưng không phải bất kỳ ai, nó cũng là sự lựa chọn đúng đắn.
Gần đây có rất nhiều khoá học cổ vũ người ta rời bỏ những công việc “làm công ăn lương” để đi làm công việc self-employed. Những khoá học này mô tả rằng freelance chính là giải pháp cho tất cả những vấn đề khó chịu mà công việc full-time mang lại.
            Không thích chế độ làm việc “9-5” (nine five – 09 tiếng một ngày và 05 ngày một tuần). Đi làm Freelance!!
             Không muốn làm việc theo khung giờ cố định?? Đi làm Freelance!!
            Ghét sếp?? Đi làm Freelance!!
            Muốn ở bên gia đình?? Đi làm Freelance!!
……..
            Hay đôi khi bạn muốn thực hiện bất kỳ một ý tưởng điên rồ nào (mà nhiều khả năng sẽ không được tập thể chấp nhận)?? Đi làm Freelance!!
            Tuy nhiên, những ý tưởng điên rồ kia đôi khi lại …. được công chúng đón nhận theo một cách nào đó – giống như trên Dead Parrot
            Ta cũng cần phải khẳng định rằng sự nghiệp của chúng ta nên được xây dựng trên nền tảng những công việc mà chúng ta yêu thích, và việc học tập để thay đổi công việc, chuyển đổi nghề nghiệp theo ý muốn là điều nằm trong khả năng của tất cả mọi người.
            Kể cả những khoá học cổ vũ người ta đi làm freelance, nó cũng là những khoá học không hề kém về chất lượng, và đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của một tác giả đã thành công trên con đường freelance. Khoá học đó truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm, tiếp lửa những đam mê cho những người đi sau muốn tiếp bước thành công của họ.
            Tuy những khoá học đó truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm có thể rất bổ ích. Nhưng sự thật là chẳng có con đường thành công chung nào cho tất cả mọi người. Và những kinh nghiệm của người tạo ra các khoá học nhiều khi chỉ ứng nghiệm với một số ít người có hoàn cảnh, khả năng giống họ mà thôi.
Chuyển nghề
          Bạn đi xe trên đường cao tốc và muốn chuyển làn, bạn không thể cứ cắm đầu bẻ lái sang bên đường được. Bạn phải nhìn trước ngó sau, chờ đợi thời điểm thích hợp, rồi mới cua vô-lăng rẽ sang đường.
            Chuyển đổi sang một công việc khác phù hợp cũng cần mất thời gian. Đó có thể là một quá trình đơn giản hay phức tạp còn tuỳ theo tình huống, hoàn cảnh của bạn.
            Chuyển đổi qua một công việc self-employed là cả một quá trình. Thứ nhất, bạn cần phải kiếm được khách hàng. Không chỉ là một hoặc hai đối tác có sẵn công việc để giao cho bạn, mà đó phải là một thị trường với nhu cầu liên tục hẳn hoi.
            Thứ hai là vấn đề cạnh tranh. Thị trường mà bạn phục vụ đang ngày càng mở rộng và phát triển, hay chúng đã đạt tới ngưỡng bão hoà?? Và những thứ có khả năng quyết định đến lợi thế cạnh tranh của bạn: thù lao, năng lực, các điều khoản giao kèo, khuyến mãi, triển vọng phát triển …. Bạn sẽ cần dành một khoảng thời gian đáng kể để xây dựng, cải thiện khả năng cạnh tranh của mình. Kể cả khi bạn có thể học mọi thứ ở trên mạng, thì việc giải quyết tất cả những thứ trên cũng sẽ tốn rất nhiều công sức.  Những khoá học trên mạng dạy nhiều về kỹ năng, kiến thức, quy trình và vô vàn lời khuyên hữu ích. Nhưng rõ ràng chúng không thể đảm bảo một gã tay mơ vừa học xong là đã có thể đi làm kiếm tiền ngay được.
Thực trạng freelance
            Làm Freelance không hề dễ, ngay cả khi bạn đã nắm vững toàn bộ quy trình, thao tác để xây dựng nên sự nghiệp của mình, thì cái sự nghiệp đó vẫn không tránh khỏi cảnh lên voi xuống chuột. Nhất là ở giai đoạn mới bắt đầu.
            Tuy nhiên, các khoá học online chỉ chăm chăm quảng bá freelance như một … “liều thuốc ma thuật” có thể giải quyết mọi vấn đề, thay vì đúng ra chúng phải phơi bày những thực tế của công việc self-employed. Bản thân các freelancer từng trải cũng quá đề cao những lợi ích của một công việc tự do, và thường vô tình quên mất đi những tháng họ đứng ngồi không yên vì thất thu, hay thù lao bị khách hàng thanh toán trễ ….  
            Và vẫn còn muôn kiểu “vấn đề khó nói” khác mà chắc chắn những ai mới chuyển từ công việc full-time sang freelance khó hình dung được. VD như:
            Phúc lợi.
            Sẽ không còn những khoản trợ cấp khi ốm đau hay tiền thưởng lễ, tết. Và chúng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của một freelancer. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, việc tìm trợ giúp pháp lý của freelancer cũng sẽ khó khăn hơn.
            Bảo hành máy móc.
            Bạn có những máy móc, công cụ lao động như Laptop, điện thoại, ….cần được thường xuyên bảo trì để duy trì hoạt động. Nhưng bạn cần biết rằng dịch vụ Bảo hiểm nhà ở (dịch vụ Bảo hiểm rủi ro đối với ngôi nhà, và các tài sản trong ngôi nhà của khách hàng trước các rủi ro như thiên tai, cháy nổ, tai nạn ….) sẽ không chịu trách nhiệm bảo hiểm nếu như bạn dùng những vật dụng đó vào mục đích kinh doanh.
            Tuy nhiên, bạn vẫn có thể được bảo vệ bởi dịch vụ Bảo hiểm trách nhiệm cộng đồng, trong trường hợp bạn cùng làm việc chung với khách hàng. Tuy nhiên, sự bảo vệ đó cũng chấm dứt ngay khi hợp đồng của bạn với khách hàng kết thúc.
            Thuế
            Thuế không phải là một vấn đề lớn đối với những người làm việc tự do. Vấn đề ở đây là …thủ tục liên quan đến thuế.
            Trước hết, là các khoản “tạm nộp thuế” (tính trên mỗi khoản thù lao bạn nhận được), chúng có thể là một con số đáng kể, đến mức nhiều freelancer bỏ cuộc ngay trong năm đầu tiên, trong khi thực tế số thuế cả năm bạn phải cần nộp (tính trên tổng thu nhập cả năm) đúng ra không lớn đến thế. Và để lấy lại khoản tiền mà bạn “nộp dư”, bạn phải làm thủ tục xin hoàn lại số tiền đó. (Tham khảo khái niệm “hoàn thuế” và các thủ tục liên quan tại đây)
            Trong trường hợp bạn làm việc cho khách hàng bên Châu Âu, bên đó còn có luật Thuế Giá trị gia tăng sản phẩm kỹ thuật số của Liên Minh Châu Âu (EU Digital VAT laws), áp dụng cho tất cả các khoá học online và các sản phẩm số. Chúng là một bộ luật rất phức tạp và cũng rất khắt khe. Ngoài ra còn có GDPR… (GDPR - Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu áp dụng đối với thông tin, dữ liệu của bất kỳ ai trên lãnh thổ EU trước khi chúng được cung cấp cho người khác). Tuy nhiên, chúng không hẳn là vần đề của các freelancer, bởi khách hàng của chúng ta nhiều khi đã lo xong chúng trước khi liên hệ với ta rồi.
Freelance vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời.
            Bài viết này không định làm phật ý những ai có ý định chuyển nghề thành freelancer. Tuy nhiên, để có một sự nghiệp freelance thành công thì nhất thiết phải cân nhắc kỹ càng. Còn nếu khó khăn trong nghề freelance có thể khiến bạn chùn bước, bạn cần biết rằng thu nhập từ những nghề có thể rất đáng kể. Ở Anh, thu nhập bình quân của những người làm nghề tự do vào khoảng 17.000 euro.
            Ngoài ra, còn một điều khác khiến freelance trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc. Thời gian làm việc linh động của nó giúp ta cân bằng giữa công việc và cuộc sống dễ dàng hơn. Tuy nhiên, freelance cũng mất khá nhiều thời gian trước khi có thể thay thế nguồn thu nhập chính của bạn.
            Freelance thực sự không tốt hơn, hay cũng chả tệ hơn một công việc full-time. Nó chỉ là một lựa chọn để chúng ta cân nhắc, định hướng phát triển sự nghiệp của mình. Một công việc full-time cũng sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có một môi trường làm việc tích cực và những người đồng nghiệp tốt.