Xin chia sẻ lại một số suy nghĩ của mình về vấn đề này với các phân tích dưới góc độ hiệu quả kinh tế để mọi người cùng tham khảo.
A. Một số nguyên tắc nên biết khi học ngoại ngữ
1. Một người nắm vững và sử dụng nhuần nhuyễn một ngôn ngữ sẽ thuận lợi hơn khi học một ngôn ngữ khác. Như vậy, một người giỏi tiếng Việt sẽ học ngoại ngữ dễ dàng hơn những người không thành thạo ngữ pháp tiếng Việt và có vốn từ tiếng Việt ít ỏi.
2. Ngôn ngữ, cho dù là tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ, cần phải được sử dụng liên tục. Khi một người không có điều kiện hay môi trường để sử dụng một ngôn ngữ thường xuyên, người ấy sẽ quên ngôn ngữ đó rất nhiều, kể cả tiếng mẹ đẻ của mình.
3. Không có hạn chế về độ tuổi bắt đầu học một ngoại ngữ. Có nhiều người suy nghĩ rằng việc học ngoại ngữ chỉ dễ dàng ở độ tuổi còn nhỏ, khi lên đến cấp 3 là bắt đầu khó học một ngôn ngữ mới. Suy nghĩ này đã khiến cho nhiều học sinh, sinh viên bó tay đầu hàng với môn ngoại ngữ ở độ tuổi này mà không cố gắng tìm hiểu lý do tại sao mình học ngoại ngữ không vào.
Trên thực tế, không hề có giới hạn về độ tuổi để bắt đầu học một ngôn ngữ mới. Điều quan trọng khi học ngoại ngữ là có phương pháp học đúng và có môi trường để sử dụng ngoại ngữ đó thường xuyên.
B. Khi nào thì nên cho trẻ học ngoại ngữ
Một số bạn có hỏi tôi khi nào thì nên tập trung cho con học ngoại ngữ. Xin trả lời các bạn bằng một số phân tích dưới đây:
Có một thực tế là những năm gần đây, rất nhiều gia đình cho con học ngoại ngữ từ tuổi mẫu giáo. Mặc dù không phủ nhận việc cho trẻ em học ngoại ngữ sớm có những lợi ích nhất định, tuy nhiên ở đây tôi muốn phân tích hiệu quả của việc cho trẻ học ngoại ngữ từ mẫu giáo ở môi trường Việt Nam để các cha mẹ cân nhắc. (Rất muốn nói rằng người Việt thì nên giỏi tiếng Việt trước vì đó là tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng không muốn đem truyền thống và văn hóa ra để áp đặt quan điểm cho việc học ngoại ngữ, tôi sẽ chỉ phân tích tính hiệu quả thuần túy mà thôi)
Thứ nhất, ở Việt Nam khó có môi trường cho trẻ có thể học và sử dụng ngoại ngữ thành thạo như tiếng mẹ đẻ, vì ở nhà và ở trường trẻ em chỉ tiếp xúc với những người dùng tiếng Việt. Trừ phi gia đình nào có điều kiện thuê hẳn bảo mẫu người nước ngoài để tạo môi trường nói tiếng Anh hay tiếng Pháp cho trẻ thường xuyên từ nhỏ, hoặc trẻ học trường quốc tế xung quanh có các thầy cô và bạn bè luôn nói tiếng Anh và tiếng Pháp thì mới có thể có môi trường như vậy. Hai, ba buổi học 1-2 tiếng một tuần với 10-15 học sinh trong lớp (kể cả với thầy, cô giáo là người nước ngoài) sẽ không đủ để gọi là môi trường sử dụng ngôn ngữ liên tục. Thậm chí với những cháu nhút nhát, nhiều khả năng cả buổi bé chỉ ngồi và nói được 1-2 câu khi thầy, cô giáo hỏi tận nơi. Như vậy cách tiếp cận ngoại ngữ cho trẻ ở Việt Nam thích hợp nhất là tiếp cận nó như một ngôn ngữ thứ hai.
Thứ hai, việc cho con học ngoại ngữ sớm sẽ đòi hỏi cha mẹ phải đầu tư tiền bạc cho môn ngoại ngữ trong một thời gian rất dài, vì muốn duy trì kết quả thì các cha mẹ phải cho con học liên tục, nếu bỏ một vài tháng hay một năm thì các con đã có thể quên đi rất nhiều. Điều này sẽ vô cùng tốn kém cho các gia đình, nhất là đối với những gia đình muốn con học tiếng Anh với người bản ngữ để có được tiếng Anh “xịn”. Các bạn hãy thử làm một con tính, nhân số tiền 2 triệu đồng với 12 tháng và 12 năm sẽ là cả một con số không nhỏ = khoảng gần 300 triệu đồng (bằng nửa số tiền để con học đại học quốc tế ở Việt Nam). Chưa kể nếu không lựa chọn được trường và thầy cô tốt, số tiền và thời gian bỏ ra có thể bị uổng phí mà con không thu được mấy kiến thức. Trong khi đó, bạn chỉ cần dùng một phần nhỏ của số tiền này là đủ để chi cho con học 1 thầy 1 trò liên tục trong một năm vào một giai đoạn nào đó sau này mà hiệu quả lại cao hơn nhiều.
Thứ ba, một số bạn có nêu là do gia đình đã có định hướng cho con đi du học, nên muốn tập trung đầu tư học tiếng Anh từ nhỏ, tiếng Việt chỉ cần đủ biết vì học tiếng Việt bây giờ khó hơn học tiếng Anh mà sau này các con đi du học thì cũng không cần lắm. Vâng, tôi cũng nhất trí với các bạn là nếu sau này con sẽ sinh sống, học và làm việc ở nước ngoài là chính thì con sẽ cần ngoại ngữ hơn tiếng Việt. Tuy nhiên, đó là sau này. Trước mắt, con bạn sẽ cần tiếng Việt để có thể học và qua được các kỳ thi ở trường PT trước khi đủ điều kiện để đi du học (ít nhất là 9-10 năm), còn ngoại ngữ thì đến cấp 3 mới cần để con có thể du học.
Thứ tư, để học giỏi tiếng Việt là điều vô cùng đơn giản, dễ dàng vì các con có môi trường sử dụng tiếng Việt hàng ngày là tất cả những người xung quanh. Con có thể luyện tiếng Việt bất kỳ lúc nào với bất kỳ ai. Các con có thể tích lũy vốn từ tiếng Việt và nâng cao ngữ pháp bằng cách đọc sách báo hàng ngày miễn phí trên mạng. Môi trường học tiếng Việt này hoàn toàn không mất tiền mua. Vậy thì hãy tận dụng môi trường miễn phí này đi và để con học giỏi ngôn ngữ mẹ đẻ mà cả cha mẹ và các con đều không cần phải nỗ lực nhiều, cả về thời gian lẫn tiền bạc. Khi đã giỏi tiếng Việt rồi, việc học một ngôn ngữ thứ hai sẽ rất nhẹ nhàng, thuận lợi. Và giỏi hai ngôn ngữ nghĩa là cơ hội việc làm, đi lại, cư trú của các con cũng sẽ tăng lên.
Với ba nguyên tắc và 4 điểm phân tích kể trên, tôi nghĩ rằng các gia đình nên cân nhắc phương án đầu tư cho con học ngoại ngữ một cách thích hợp để đỡ lãng phí nhiều về thời gian và tiền bạc cho cả bố mẹ và các con. Theo kinh nghiệm với bản thân tôi và các con, ở cấp tiểu học nên dành nhiều thời gian cho việc trau dồi tiếng Việt để thành thạo tiếng mẹ đẻ, bắt đầu làm quen với ngoại ngữ từng bước, sau đó lên cấp 2 sẽ đầu tư cho ngoại ngữ nhiều hơn để đến khoảng giữa cấp 3 con có thể thi lấy chứng chỉ. Việc phân chia thời gian như vậy sẽ giúp con đỡ vất vả trong việc học hành, có thời gian vui chơi, phát triển toàn diện, còn cha mẹ cũng tiết kiệm được tài chính để dành cho những mục tiêu quan trọng sau này trong hành trình giáo dục của con (ví dụ để cho con đi du học ở bậc đại học hoặc cao học).
Theo: chị Mai Phạm