Cuộc sống đôi lúc chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người và chính bản thân chúng ta. Bài viết này sẽ chỉ tập trung vào những quyết định sống còn mang tính chất cá nhân, không phải mang tính tổ chức như quyết định đầu tư vào một thị trường hoặc thay thế một người giám đốc được quyết định bởi ban điều hành.

Hãy định nghĩa chi tiết hơn về quyết định sống còn và quyết định bình thường từ góc độ cá nhân. Quyết định bình thường là cho dù bạn chọn phương án A, B hay C thì kết quả đầu ra cũng không quá khác biệt. Ví dụ, bạn nhân được mời mời của ba công ty với các điều kiện khác nhau, thì tôi cho rằng với năng lực của bạn thì giả sử nếu bạn giỏi, bạn cũng sẽ leo lên được vị trí tương xứng một lúc nào đó. Tuy quá trình có thể ngắn dài, khác biệt đôi chút. Còn theo tôi, những quyết định mang tính sống còn đó là kết quả đầu ra sẽ có sự khác biệt cực kỳ lớn. Quyết định đúng, bạn sẽ một bước lên mây; còn quyết định sai, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội mà có thể cả đời này chỉ đến một lần duy nhất.

Vậy chúng ta phải làm gì khi bị đưa đẩy đến những quyết định này? Và nhân tố nào sẽ tác động đến quyết định của bản thân ta? Bản thân tôi thực sự không quá mặn mà với những tình huống này, vì tôi không muốn phải sống trong hối tiếc về sau. Thường chúng ta sẽ tìm đến sự trợ giúp của mentor, bạn bè, người thân, người đi trước để hỏi ý kiến; đó là một cách tiếp cận vấn đề tốt. Tuy nhiên, bạn nên nhớ hai điều sau: chúng ta vẫn là decision-maker, người sẽ chịu trách nhiệm và sống cùng với quyết định của mình mãi về sau, và liệu rằng người tư vấn cho bạn đã sỡ hữu một góc nhìn đủ khách quan, đầy đủ thông tin, kinh nghiệm, trải nghiệm để "ra quyết định hộ" bạn chưa. Chính những lúc mà bạn mất đi mọi sự trợ giúp và phải tự đứng trên đôi châm của mình, con người sẽ được phân hóa thành hai nhóm "bản lĩnh" và "không bản lĩnh". Quy trình sau đây được một số người áp dụng và dẫn đến kết quả tích cực:

1. Tập hợp mọi thông tin, từng mẩu nhỏ nhất mà bạn có thể thu thập được về quyết định. Ví dụ như chi phí bao nhiêu, bạn sẽ được gì mất gì trong từng giai đoạn, các yếu tố bất ổn và các yếu tố có thể nắm bắt được...
2. Mang những thông tin trên đi hỏi những người bạn cho là có thể sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích cho bạn. Xem họ sẽ quyết định như thế nào, và nhớ chỉ rõ ra nguồn lực, tình cảnh cụ thể của bạn để phán quyết của họ mang tính khách quan hơn.
3. Đến giai đoạn xử lý dữ liệu rồi đây. Ở bước này, bạn cần phải xử lý lượng dữ liệu khổng lồ mà mình đã thu thập cho đến hiện tại. Suy ngẫm lại xem vì sao người tư vấn mình lại đưa ra quyết định như vậy, vì có thể họ dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tư duy và hoàn cảnh của họ. Và cuộc sống thì muôn màu bạn ạ, quyết định họ đưa ra có thể sẽ phù hợp cho họ, nhưng chắc gì đã mang đậm cá tính của bạn. Cố gắng loại bỏ hết những yếu tố chủ quan, chỉ giữ lại những yếu tố khách quan.
4. Bước cuối cùng: quyết định. Giờ bạn đã có một bức tranh tổng quan về cái được và cái mất, việc chọn lựa như thế nào là tùy vào quyết định bản thân thôi.
Tip: có thể thực hành thiền ở bước 3 và 4 để đầu óc minh mẫn, nhanh nhạy hơn. Đối với mình thì là để tránh bị overthinking.
5. Thực ra bước này không thuộc quy trình ra quyết định, nhưng mình vẫn cứ bỏ vào. Hãy chiến đấu đến cùng cho định hướng, quyết định của mình bất kể mọi lời gièm pha hoặc không ủng hộ của mọi người. Vì bạn là người duy nhất biết được mình đang đi đúng hay sai đường. Câu trả lời sẽ sáng tỏ nơi cuối đường hầm.
Sau khi trải qua các bước trên thì chúc mừng bạn, bạn đã trưởng thành rồi đấy. Vác balo lên và đi tìm câu trả lời nơi cuối hành trình nào. Cho dù sóng gió cuộc đời có to đến đâu thì bạn vẫn sẽ đứng vững thôi.

Ký tên
Người Lữ Hành