Bạn của hôm nay chính là những gì bạn đã trải qua?
Nếu nó có thể làm bạn cảm thấy được động viên thì mình muốn đoạn kí ức xấu xa đó trở nên có giá trị.
Tụi mình thường nghĩ những gì tụi mình được trải nghiệm khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến tính cách của tụi mình. Thế nhưng, các nhà khoa học đã chứng minh những trải nghiệm thời thơ ấu của tụi mình mới đóng vai trò lớn trong sự hình thành và phát triển con người sau này.
Không có gì là hoàn hảo, cũng không có gì là trọn vẹn, càng không có bất cứ điều gì chắc chắn một trăm phần trăm. Tuổi thơ của tụi mình cũng thế. Không phải ai cũng may mắn có cho mình một tuổi thơ hạnh phúc.
Tuổi thơ của các bạn có những tổn thương mà mình chắc là đã không còn nhớ nó xảy ra ở hoàn cảnh nào nhưng lại ảnh hưởng đến chính mình hôm nay. Làm sao để biết mình có những tổn thương đó hay không. Mình đã tìm hiểu một chút và thu thập được một vài dấu hiệu cho thấy bạn đang có những vết thương thơ ấu chưa được chữa lành:
Bạn là một người luôn muốn làm hài lòng người khác?
Bạn luôn tìm kiếm sự chấp nhận từ những người xung quanh?
Bạn phụ thuộc vào tình yêu?
Bạn sợ bị bỏ rơi?
Bạn xem trọng những nhu cầu và mong muốn của người khác?
Bạn cảm thấy bản thân mình thấp kém?
Bạn chăm chỉ kiếm tiền và chưa bao giờ cảm thấy đủ?
Bạn vô cảm với mọi thứ xung quanh?
Nếu câu trả lời ở trên phần lớn là có hoặc phần lớn các bạn cảm thấy mình không thể sống vì bản thân mình thì có lẽ những tổn thương, những sang chấn tâm lý trong quá khứ vẫn đang bám lấy bạn của hôm nay.
Bản thân mình không thể (rất khó) nói lời từ chối những nhờ vả dù mình đồng ý nhưng lại chẳng mấy vui vẻ khi thực hiện. Mình luôn phải làm hài lòng những người xung quanh dù bản thân mình gần như kiệt sức. Mình xem trọng quan điểm của người khác hơn quan điểm của chính mình. Mình luôn nghĩ rằng bản thân mình kém cỏi, không có một tí năng lực nào cả.
Mình bị xâm hại tình dục. Chẳng kể với ai vì tự khắc mình nhận ra đó không phải là chuyện tốt, sẽ bị người lớn la. Mình chọn im lặng. Lúc mình mới sáu-tám tuổi, khi mà việc được mẹ mua bánh cho hay mang về nhà con điểm mười hoặc được mua một con búp bê mới là tất cả những gì mình có thể làm mình vui vào thời điểm đó. Nên mình đã chóng quên và mình đã may mắn được não bộ bảo vệ bằng cách che đậy tổn thương đó dưới hàng ngàn lớp tế bào não làm mình chẳng còn bận tâm gì đến nó.
Nhưng từ rất lâu, một cách âm thầm mà những tổn thương đó đã mải miết rượt đuổi mình bằng những nỗi sợ vô hình.
Khoảng thời gian ở tiểu học, khi những đứa trẻ khác sẽ mến ba của chúng hơn vì mẹ quá khắc khe và là con gái nên chắc chắn được ba chiều chuộng nhiều hơn. Nhưng đối với mình. Việc ở cạnh ba lại làm mình sởn gai ốc. Có lần òa khóc khi bà con đến nhà chơi lại có trên người nồng nặc mùi thuốc lá. Những kẻ say xỉn làm mình tỏ ra dè bỉu. Sẽ giật bắn người và la thét nếu ai đó chạm vào vai mình. Phải đứng cạnh các thầy làm tim mình đập thật nhanh. Mình đã sống cùng với những nỗi sợ đó trong một thời gian rất dài. Việc sợ hãi khi ở cạnh ba (người sinh ra mình) làm mình cảm thấy có lỗi và ghét bản thân mình hơn bao giờ hết.
Mình không thể nói ra.
Đến dạo cấp ba, sau khi xem “Hope” – bộ phim được dựng trên sự việc có thật về cô bé gái bị cưỡng bức. Thì những hình ảnh đáng sợ khi bé trở nên sống động trong những giấc mơ giữa đêm. Kí ức đó đã trổi dậy mạnh mẽ xiên qua từng lớp tế bào não mà có vẻ khối óc của mình đã trở nên đuối sức sau một thời gian ra sức bảo vệ.
Mình sợ khi phải ngủ.
Trong tiềm thức, nếu như mình từ chối ai đó, mình sẽ bị làm đau. Nếu như mình không làm hài lòng người khác, mình sẽ bị đánh đập. Nếu như mình không đồng ý với quan điểm của người nào đó bất kì, mình sẽ bị làm hại. Và bản thân đã vô thức bảo vệ chính mình bằng cách xuôi theo người khác.
Ở năm mười tám tuổi, mình nhận ra bản thân mình đã đi vào ngỏ cụt. Sự mệt mỏi về tinh thần đã bao trọn phần thể xác. Mình không biết làm gì nên đã không thể làm gì hơn ngoài việc chạy trốn, nhưng rồi cũng mệt. Ngoảnh nhìn lại ngần ấy năm qua, mình quá kém cỏi. Mình khó khăn lựa chọn đối diện với nó. Kể với mẹ là bước ngoặt rất lớn trong suốt 18 năm. Và dần, kể được ra đồng nghĩa với việc mình giải tỏa được mọi thứ, mình không sợ nữa.
Mình bắt đầu đứng dậy.
Đó là câu chuyện của mình. Nếu nó có thể làm bạn cảm thấy được động viên thì mình muốn đoạn kí ức xấu xa đó trở nên có giá trị.
Còn bạn thì sao? Bạn sợ bị bỏ rơi? Bạn đang phụ thuộc vào tình yêu? Bạn luôn quan tâm người khác hơn chính mình? Để mình đoán xem.
Có vẻ như bạn đã không được gia đình yêu thương trọn vẹn khi còn bé. Nên bạn đang vùi mình trong tình yêu nhầm mong nó sẽ giúp bạn lấp đầy. Hoặc trái ngược, bạn thờ ơ vô cảm với mọi sự xảy ra xung quanh.
Bạn đã thiếu thốn tình thương vì không được sống cùng ba mẹ khi bé. Nên khi bạn đang được yêu thương mà lại thấp thỏm lo sợ rằng mình sẽ bị bỏ rơi.
Bạn từng không được gia đình quan tâm đủ vì ba mẹ mãi bận rộn để cho bạn một cuộc sống đủ đầy vật chất. Nên bạn dành tất cả sự quan tâm và tất cả tình yêu để yêu thương người khác và vô thức mong chờ nhận lại điều tương tự.
Gia đình bạn đã quá khổ cực với cuộc sống thiếu thốn hay ba mẹ mâu thuẫn vì vật chất. Nên bạn phải chật vật và muốn mình sẽ thật giàu có để thỏa lắp những thiếu thốn trong quá khứ.
Nếu bạn không cảm thấy chính mình qua câu chuyện mình kể, qua những suy đoán của mình thì mình xin chúc mừng bạn vì là người thật sự may mắn khi có một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng nếu bạn đang ở đâu đó trong những điều mình nói, đừng buồn và cũng đừng lo lắng. Chắc chắn đó là một câu nói là sáo rỗng, nhưng cho phép mình được động viên bạn nhé. Dù tuổi thơ có ảnh hưởng đến tụi mình thì tụi mình không có lỗi gì khi phải trải qua (nhiều) tổn thương cả. Nhưng việc nhận ra được và để quá khứ bám lấy sự phát triển của chính mình là lỗi của tụi mình rồi đấy.
Dù quyết định chấp nhận hay vượt qua tổn thương để thay đổi thì đó vẫn là sự lựa chọn của chính bạn. Hạnh-phúc suy cho cùng cũng chỉ là một chuỗi sự lựa chọn mà thôi. Dù đúng dù sai, mong sao bạn vẫn tôn trọng quyết định của chính mình vì lựa chọn đó trong quá khứ nó đã thật sự phù hợp với bạn. Khi đã có những sự thay đổi hãy cho mọi người biết bạn là ai.
Vậy đó, mình cảm ơn nếu bạn đang đọc đến những dòng này. Mình không phải là chuyên gia tư vấn tâm lý, mình là một người bạn bé nhỏ, mình ở đây để chia sẻ với các bạn, vì mình cũng từng biết cảm giác bản thân mình thấy kém cỏi và mệt mỏi là như thế nào.
Tổn thương nào cũng sẽ phải thua cuộc khi tụi mình dũng cảm vượt qua mà thôi. Mình làm được thì chắc chắn bạn cũng sẽ làm được. Mình tin tất cả chúng ta đều sẽ là những con người thật sự mạnh mẽ nhờ có những tổn thương. Hãy để sức mạnh có cơ hội được trổi dậy và trở thành anh hùng cứu lấy những tổn thương. Người anh hùng đó, là chính bạn đấy.
Gửi đến bạn, những con người dũng cảm.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất