Bà là bạn, là chị, là mẹ tôi, là một người bà hiền hậu. Những năm tháng tuổi thơ bà vẫn hay ẵm, hát ru tôi ngủ những lúc mẹ bận đi làm. Lớn lên một chút khi bước vào tuổi dậy thì, những thắc mắc không biết tỏ cùng ai, hỏi mẹ thì sợ vì mẹ vốn là người nghiêm khắc dù luôn yêu thương tôi, hỏi bạn thì chúng cũng như tôi “mờ tịt”. Vậy là tôi hỏi bà. Và vẫn như mọi khi, bà nhẹ nhàng lắng nghe, giải đáp mọi câu hỏi của tôi mà không một lời trách móc.
Tôi không rõ định nghĩa thế nào là “hiền” nhưng bà là người hiền nhất trong những người phụ nữ tôi từng gặp. Con cháu ai cũng bảo bà hiền, hàng xóm cũng nói thế, vậy thì tôi nghĩ bà là người hiền thật. Nhiều khi hai bà cháu ngồi tâm sự, bà bảo “Bà lấy ông được sáu mươi năm nhưng bà chưa gắt với ông câu nào”. Tôi cười “với chúng tôi bà cũng có quát mắng bao giờ đâu”. Những bài thơ ông viết gửi bà ngày ông đi chiến tranh tới giờ bà vẫn còn nhớ. Chiến tranh lấy đi một phần cánh tay trái của ông nên nhiều khi tính cách ông hay nóng nảy, chính ông cũng thừa nhận điều đó. Vậy mà bà vẫn hay bảo “Tính ông vậy nhưng ông tâm lý lắm, chẳng bao giờ ăn thứ gì một mình”. Nhiều khi tôi cứ nghĩ vui, chắc ngày xưa ông bà yêu nhau nhiều lắm!
Bà tôi cứ đi ba bước lại ngồi nghỉ một lúc, chân bà đau không đi nhanh được, cứ bước thấp bước cao. Vậy mà những ngày tôi ốm, không thấy tôi vào, bà lại lững thững đi ra nhà tôi chỉ để hỏi xem tôi có sao không? Hay những ngày tôi đi học đại học về, bà vẫn ngồi hàng giờ làm bánh rán cho tôi ăn. Bà hay bảo “giá mà cắt được cái đầu gối này đi thì bà cắt luôn”. Nghe xong lời bà nói, quay đi, tôi thấy mắt mình ướt… Có nhiều lần đi trên đường gặp một cụ Bà nào đó đang chống gậy bước những bước khó nhọc, tôi chẳng ngần ngại mà lại gần cụ nói “Cụ ơi, cụ đi đâu cháu chở ạ”. Tôi cũng chỉ mong những ngày hè nóng bức, hay mưa phùn lạnh ngắt, những khi tôi không ở nhà, bà tôi đang cố bước đi cũng có người dừng lại nói với bà như vậy. Chỉ vậy thôi!
Như những ngày xưa, bà vẫn hay ngồi lặng lẽ vuốt tóc tôi, bà thích tôi để tóc dài, khi nghe thấy tôi rắng cắt tóc, bà bảo “mấy cô biên tập viên thời sự để tóc dài họ cũng làm được nhiều kiểu đẹp đấy thôi”. Tôi cười, trả lời bà “thực ra cháu cũng thích tóc dài lắm”. Tôi thấy niềm vui thấp thoáng trong đôi mắt bà.
Bà vẫn hay ngồi ở hiên nhà mong anh chị em tôi về, vẫn hay kể những câu chuyện thời con gái của bà cho tôi nghe, vẫn hỏi han quan tâm như ngày tôi còn nhỏ. Bà khuyên những người con là “chuyện gia đình đừng kể ra ngoài” bởi “người đời lắm kẻ dèm pha”. Bà dạy chúng tôi “đói cho sạch, rách cho thơm, đừng tham lam, đừng nhận những thứ không phải của mình”. Tôi vâng lời bà.
Anh, chị, em tôi mỗi người đi một hướng, công tác mỗi đứa một nơi. Khi về bà hay dặn mấy đứa đi xe cẩn thận. Bà không ở bên cạnh nhưng ngày mùng một, hôm rằm bà vẫn thường ra Đình làng cầu an cho chúng tôi. Vậy mà chúng tôi, nhiều khi về quê chỉ bận bịu với bạn bè, ngồi với bà một lúc đã vội đứng lên chẳng đứa nào chịu hiểu rằng bà đã mong cháu mình về như thế nào. Bà bảo “Bà già rồi, ăn uống cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ mong các cháu về mạnh khỏe, vui vẻ là được rồi. Người già họ sống khỏe không phải nhờ ăn uống mà là nhờ tinh thần thoải mái cháu ạ”.
Tôi hay nhớ lại những ngày xưa, những ngày còn nhỏ vẫn theo bà đi chợ, đòi bà mua quà. Vẫn hay được bà dắt ra Đình làng chơi mỗi khi có Hội. Ai cho quà bánh, bà không ăn, cứ cất vào nơi nào đó chỉ chờ tôi vào rồi đưa. Tuổi thơ tôi gắn liền với những hy sinh, tần tảo của bà. Ấy vậy mà nhiều khi vô tâm tôi chẳng chịu hiểu.
Mỗi khi mệt mỏi vì cuộc sống, tôi vẫn hay về nhà, ngồi cạnh bà và tôi thấy Tâm mình bình yên. Tôi vẫn cố gắng dành thời gian ở cạnh bà nhiều nhất có thể, tôi sẵn sàng bỏ cả những buổi tụ tập bạn bè chỉ để ở bên bà. Bởi tôi sợ, tôi sợ rằng một ngày nào đó dù muốn tôi cũng không có cơ hội để thực hiện những điều ấy nữa. Bạn à, nếu bà bạn có nhờ bạn chở đi đâu đó hay bà có nhờ bạn đi mua thứ gì thì nhớ giúp bà nhé. Bởi vì nhiều người dù rất muốn làm công việc ấy cũng không còn cơ hội nữa rồi. Nên nếu Bà cần bạn, hãy ở bên Bà. Hãy yêu thương, quan tâm Bà khi còn có thể!
Phan Trang Lê