Tôi có từng muốn c/h/ế/t không?
Một bạn đã nhiều năm không gặp của tôi hỏi tôi: “Cậu có từng muốn c/h/ế/t không?”
Tôi gật đầu, thừa nhận, tôi đã từng muốn c/h/ế/t, rất nhiều lần.
Lúc đau đớn nhất, lúc tôi nằm trong bệnh viện chống chọi với bệnh tật, căn bệnh mà đối với ba tôi lúc ấy chính là “bệnh giả vờ” bởi vì khám mãi không ra bệnh gì nhưng người cứ ốm yếu, cứ gầy rộc đi, không còn sức sống. Lúc mà mỗi ngày đều phải đau đớn, phải thấy cả mẹ và anh trai lo lắng, thấy cả các cậu dì chung tay nuôi nấng mình nhưng mình chẳng làm được gì cả. Lại ước gì mình chẳng còn sống nữa chắc cuộc sống gia đình mình sẽ tốt hơn, ba mẹ sẽ lại hòa hợp, anh trai sẽ chẳng còn lo lắng mỗi ngày đi học về sẽ thấy vẻ mặt của tôi khổ sở, sẽ chẳng....
Nhiều năm qua đi, bệnh tình của tôi nhờ sự chung tay giúp đỡ của ba mẹ và “ngoại” mà tiến triển dần tốt hơn, tôi không còn phải nằm viện nhiều nữa, cũng tươi vui hơn, kết giao nhiều bạn bè, cũng được đi đây đó, nhưng tôi vẫn trầm tính và... chưa bao giờ ngừng ý nghĩ muốn c/h/ế/t.
Nhưng như thế thì thế nào?
Cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Tôi lớn lên trong sự yêu thương của ba mẹ và anh trai, sự đùm bọc bảo ban của các cậu dì. Thế nhưng được bảo bọc quá cũng sẽ trở thành áp lực. Bạn không cần phải quá giỏi, không cần phải biết quá nhiều, không cần phải làm quá nhiều việc, không cần phải.... bạn chỉ cần sống tốt phần bạn, những giông tố ngoài kia đã có người khác thay bạn gánh. Dần già bạn lại càng cảm thấy cuộc sống của mình dường như không có ý nghĩa nữa, lại cảm thấy mình thật sự thật sự rất vô dụng....
Sau này gặp một người bạn,
Chợt nhận ra cuộc sống của mình và bạn ấy trong ý nghĩ quả thật có rất nhiều điểm giống nhau, thế mà bạn ấy lại nói với mình “sống như cậu không phải là sống, cậu thật sự đã chết rất nhiều năm rồi”.
Chợt hiểu, mình trước nay sống  bởi vì kỳ vọng của mọi người là phải sống chứ chưa bao giờ hết mình vì sự sống cả.
Nếu đã không thể c/h/ế/t tại sao không sống một cuộc đời ý nghĩa chứ. Điều quan trọng cốt lõi và kiên cường để sống tiếp chính là không suy nghĩ về căn bệnh của mình, không nghĩ đến mặt tiêu cực của gia đình và những vấn đề mình đang gặp phải hay chí ít là ít suy nghĩ về nó.
Bởi thế, tôi học tập nhiều hơn, “đi” nhiều hơn, kết giao nhiều bạn bè hơn, cười nhiều hơn và ít gặp những người tôi không thích hơn.
Thật lắm lần, gặp lại bạn cũ, các bạn ấy kể hồi đó tôi tự mình leo lên 5 tầng lầu bệnh viện để lên sân thượng nhìn xuống như thế nào, các bạn ấy kể lúc chúng tôi qua cầu tôi đã dừng lại nhìn xuống sông ra sao, và vô số lần từ tầng 2 tầng 3 của trường học tôi đã dừng lại nhìn xuống sân trường bao nhiêu lần... mới chợt nhận ra trong suốt quá trình trưởng thành của mình có rất nhiều lần mình đã muốn t/ự t/ử như thế nhưng không một ai ngăn cản dù nó vẫn luôn hiện hữu hằng ngày trước mắt mọi người, rồi tự hiểu tại sao mình lại gọi các bạn ấy là bạn cũ.
Chúng ta đều là những đứa trẻ đang dần trưởng thành.
Thứ mà người trưởng thành không có như một đứa trẻ là đứa trẻ có thể nói cũng có thể làm, không suy nghĩ được nhiều như người lớn, thế mà tôi đã có một tuổi thơ mãi lo nghĩ làm như thế nào để c/h/ế/t mà không khiến người nhà và bạn bè đau lòng mà khiến tuổi thơ của mình trở thành một mớ hỗn độn, dư âm đến.... tôi sắp 30.
Đi đến non nửa cuộc đời, gặp lại nhiều người mình từng gặp, nhớ lại những nơi mình từng đi, ghi lại những điều mình từng trải, mới thấy hóa cái mình cần cảm ơn nhất ngoài mẹ và anh trai và cậu út ra còn có chính bản thân mình.
Cảm ơn mình đã nặng lòng suy nghĩ cho người khác mà không buông tay, cảm ơn chính mình vì đã vượt qua nhiều điều đau lòng trong quá khứ - những người bạn tồi. Cảm ơn chính mình đã vượt qua nỗi sợ hãi trước đám đông, sợ hãi khi phải bước ra khỏi nhà đối diện với mặt tươi đẹp của thế giới này, cũng vượt qua nhiều sự sợ hãi để có thể kết giao với nhiều bạn mới, nhiều bạn đối với nhau rất tốt cũng chơi với nhau cho đến bây giờ.
Cũng cảm ơn rất nhiều người đã đồng hành và cho nhau nhiều thiện cảm, cũng cảm ơn những người đã khiến cho cuộc đời của mình có những chông gai để mình có lý do để bước tiếp thay vì dừng lại mãi, cũng cảm ơn những người bạn tồi ở những năm tuổi mười mấy đã cho tôi biết được rằng thực ra ở tuổi học sinh không phải bạn nhỏ nào cũng trong sáng và lòng ôm hoài bão, cũng có những người cũng ôm giấc mơ phá hoại người khác – cũng hủy hoại chính mình.
Lần gặp lại người bạn cũ này, nhìn thấy bạn ấy tôi lại thấy hình bóng mình của trước đây.
Bất an, chán nản với thế giới, với lòng mình – lòng người.
Nhưng bạn à,  mình không biết bạn đã trải qua những gì, nhưng nhà chúng ta ở gần nhau như thế, chúng mình học chung với nhau từ mầm non đến hết cấp 3 rồi chắc bạn cũng hiểu những gì mình đã trải qua. Bệnh tật – nghi hoặc – nhà nội lại ghét mình mặc dù nhà chúng mình ở rất gần nhau, lại thêm học cấp ba mình bị bạn bè cô lập vì không đua đòi đến như các bạn ấy. Suốt chừng ấy thời gian mình dường như bất lực, đau lòng và mỗi một ngày đều không muốn sống nhưng sau cùng đều đã vượt qua thế thì bạn tại sao lại không?
Cố gắng lên nào bạn của tôi, bởi vì rốt cuộc ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống thực chất nó nằm ở chỗ mình không chết đi – chính là thân thể và tâm hồn không chết.
Chúng ta còn có thời gian, hãy dùng niềm tin vững vàng và trái tim lương thiện, ý chí phấn đấu không mệt mỏi để có một tương lai không những khiến chính mình mà còn khiến người khác phải kinh ngạc.
Bởi vì vẫn còn đang sống, thì mọi việc mình mong ước vẫn còn có cơ hội thực hiện.