Nguồn: Unplash
Tôi là ai?
Tôi xuất hiện trên đời này để tạo ra ý nghĩa gì?
Rốt cuộc thì tôi có đam mê gì không?
Đó là 3 câu hỏi đau đáu trong tâm trí mình suốt từ đầu cấp 3 cho đến khi đi làm. Chẳng phải mơ ước gì lớn lao, chỉ là lúc ấy, mình cảm thấy ghen tị và thèm khát biết bao khi nhìn mọi người xung quanh theo đuổi những sở thích, đam mê riêng thật hào hứng.
Rất tiếc là hồi đó công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ. Mình chỉ biết loanh quanh vài sở thích phổ thông như chơi nhạc cụ, vẽ vời, ca hát. Nhưng những cái đó thì mình không có hứng thú, hoặc nếu có thì cũng chỉ nhất thời.
Việc chọn nghề nghiệp cho bản thân cũng gặp khó khăn vì thiếu thốn thông tin. Tất cả những gì mình biết là vài dòng cơ bản và hời hợt trong một cuốn sách về các khối ngành của các trường đại học. Bọn mình chẳng thể biết được các kỹ năng cơ bản cần có để đi lâu dài với nghề hay những ưu, nhược điểm của nghề để xem bản thân có phù hợp hay không.
Tình trạng chung của bọn mình khi ấy là chọn một trường có điểm vừa tầm, dễ đỗ, dễ nhìn thấy đầu ra công việc là xong. Kết quả là khi tốt nghiệp, đa số làm trái ngành trái nghề và phải vật lộn để tìm hiểu kiến thức cơ bản của công việc đó từ đầu.
Mình cho rằng ngoài lý do thông tin bị giới hạn, rào cản lớn nhất khiến thế hệ bọn mình chật vật trong việc đi làm là khả năng thấu hiểu chính mình. 
Khi không hiểu bản thân là ai, mình cần gì, muốn gì, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái rơi…..và cứ rơi như vậy tới khi nào ăn may bám vào được một vách đá nào đó. Nếu kỹ năng không vững, chúng ta sẽ lại tuột tay và rơi tiếp, va đập, xây xát và rớm máu bởi rất nhiều vách đá trong cuộc đời.
Vậy phải làm thế nào để tránh tình trạng rơi này, hay ít ra rơi một cách chủ động vì đã ngắm được một vách đá làm đích? 
Trải qua 6 năm đi làm và nhìn nhận lại toàn bộ quá trình phát triển của bản thân, mình đã đúc rút ra 3 cách để bạn hiểu về chính mình. Từ đó, bạn có thể tự thiết kế cho bản thân một hành trình tiết kiệm thời gian và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống.

Hiểu bản thân thông qua các bài test năng lực, tính cách

Nếu bạn còn đi học, chưa có nhiều trải nghiệm đi làm thực tế hay bạn không biết cách đặt câu hỏi để tìm hiểu chính mình, cách nhanh nhất là tìm đến các bài test. Và dưới đây là 6 bài test đáng tin cậy bạn có thể tham khảo:

Trắc nghiệm MBTI 

Myers-Briggs Type Indication là tên đầy đủ của trắc nghiệm này, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là trắc nghiệm tính cách.
Một bài trắc nghiệm MBTI sẽ bao gồm 4 tiêu chí:
- Giác quan/Trực giác (Khi nhận thức về thế giới)
- Hướng ngoại/Hướng nội (Xu hướng tính cách tự nhiên)
- Lý trí/Tình cảm (Khi ra quyết định)
- Nguyên tắc/Linh hoạt (Trong cách thức và hành động)
Kết quả cuối cùng sẽ là 1 trong 16 nhóm tính cách để bạn hiểu về bản thân và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Trắc nghiệm tính cách MBTI đặc biệt nhấn mạnh vào sự khác biệt về thiên hướng tính cách tự nhiên của từng người dựa trên từng câu trả lời của họ. Bên cạnh đó, vì dựa trên nền tảng của ngành tâm lý học nên nó có độ chính xác rất cao và đang trở nên phổ biến với mọi người.

Trắc nghiệm 5 khía cạnh tính cách cơ bản

Trắc nghiệm “The Big Five Personalities Test” là bài trắc nghiệm được phát triển từ MBTI nhưng tập trung đánh giá 5 khía cạnh cá nhân sau đây:
- Openness: sự cởi mở, khả năng thích nghi với cái mới.
- Conscientiousness: sự tỉ mỉ, chu toàn, khả năng bám sát và hoàn thành các mục tiêu.
- Agreeableness: sự thân thiện, dễ chịu, khả năng tương tác với người khác
- Extraversion: thiên hướng hướng ngoại & hướng nội
- Neuroticism: sự lo âu, thất thường.
Để thực hiện bài đánh giá tính cách của Big Five, bạn hãy xếp hạng từng nhận định theo mức độ mô tả của bạn. Lưu ý là hãy đánh giá dựa trên thực tế của bạn chứ không phải theo những kỳ vọng trong tương lai.

Trắc nghiệm về 7 loại trí thông minh

Con người có tới 7 loại trí thông minh khác nhau:
- Trí thông minh số học
- Trí thông minh ngôn ngữ
- Trí thông minh không gian
- Trí thông minh âm nhạc
- Trí thông minh vận động
- Trí thông minh tương tác
- Trí thông minh nội tâm
Một con cá thì không thể leo cây. Và bây giờ nếu Mozart bắt buộc phải học toán mà không được theo âm nhạc thì chắc chúng ta còn chẳng biết đến sự có mặt của ông ấy trên đời.
Vì vậy, đừng vội cảm thấy mình kém cỏi trong một lớp đầy các siêu nhân toán mạnh về trí thông minh số học. Biết đâu bạn lại có sở hữu một loại trí thông minh khác thì sao?
Hãy lấy lại sức mạnh và sự tự tin với bài trắc nghiệm này nhé.

Trắc nghiệm 3 thiên hướng học tập

Học tập là điều bắt buộc để phát triển bản thân, bất kể là bạn còn đang đi học, mới đi làm hay đã đi làm lâu năm. Nhưng làm sao để học hiệu quả? Bài trắc nghiệm này sẽ giúp bạn khám phá 3 thiên hướng học tập khác nhau.
- Visual: nhóm học bằng tranh, ảnh, ghi chép, quan sát, video…, chiếm 65% dân số
- Auditorial: nhóm học tốt bằng nghe giảng, qua âm thanh, các câu chuyện kể miệng…chiếm 30% dân số
- Kinesthetic (còn gọi là Tactile): nhóm học tốt bằng hình thức vận động cơ thể, các hoạt động ngoại khóa, các bài tập nhóm trong lớp…chiếm 5% dân số

Trắc nghiệm hướng nghiệp RIASEC

Đây là bài test hướng nghiệp, chia tính cách con người thành 6 nhóm tương ứng với 6 nhóm công việc khác nhau. 
- Realistic (thích lao động thể chất)
- Investigative (thích tư duy tìm tòi)
- Artistic (thích sáng tạo, nghệ thuật)
- Social (thích tương tác, hỗ trợ cộng đồng)
- Entrepreneurial (thích làm việc tự thân, khởi nghiệp)
- Conventional (thích công việc ổn định, an toàn)
Từ kết quả của bài test, bạn sẽ có hướng đi rõ ràng hơn cho con đường của mình.

Trắc nghiệm não trái não phải

Đây là bài trắc nghiệm đánh giá xem bạn thường sử dụng bán cầu não nào trong học tập, làm việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày. 
Mỗi bán cầu não sẽ chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ, chức năng riêng, từ đó phần nào tác động đến cách chúng ta suy nghĩ, hành xử và cảm nhận mọi việc trong cuộc sống.

Hiểu bản thân qua quan sát và trải nghiệm

Bất kì một trải nghiệm nào trên đời cũng có tác dụng phản ánh tính cách của bạn. Hãy quan sát phản ứng của bạn một cách tỉ mẩn và cẩn thận, câu trả lời về nghề nghiệp sẽ hiện ra trước mắt.
Chẳng hạn, bạn cảm thấy nghề chuyên gia tư vấn tâm lý rất thú vị? Vậy bạn có phải người thích những cuộc đối thoại 1:1? Bạn có phải là người biết cách lắng nghe và gợi mở để người đối diện tỏ bày hết nỗi lòng?
Bạn thấy nghề biên dịch sách thật ngầu? Nhưng bạn có đủ kiên nhẫn để đối mặt với những con chữ trên nền trắng đơn điệu suốt 8-10 tiếng đồng hồ?
Bạn thấy mình có đôi chút khiếu nấu ăn và khá hứng thú với nghề đầu bếp? Nhưng làm việc trong nhà hàng nghĩa là bạn phải đứng trong bếp hơn chục tiếng, bàn tay mỏi nhừ vì phải xóc chảo liên tục, người ngợm nóng bức, bí bách và bám đầy mùi dầu mỡ. Bạn đã sẵn sàng cho điều này?
Bản thân mình tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại. Nếu như làm đúng ngành thì nơi mình cần đến sẽ là các công ty xuất nhập khẩu. Và quả thật, mình đã trở thành nhân viên khai báo chứng từ trong gần 2 năm ở một công ty gần nhà, với sự giúp đỡ từ người quen của bố mẹ. Vào thời điểm đó, có được cơ hội này là điều rất tuyệt vời vì chuyện xin thực tập ở các công ty khi ấy không hề dễ dàng. Đây là nơi đã giúp mình hoàn thành khóa luận tốt nghiệp một cách nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, khi chính thức gắn bó với công việc, mình mới thấy bản thân không thuộc về nơi này. Mình, một người thích viết lách và làm việc với các ý tưởng nhưng lại làm việc ở một nơi chỉ có giấy tờ, chứng từ, sổ sách, những lần chạy xe máy 80km/h suýt chết để đi lấy tờ khai hải quan kịp giờ hàng lên tàu. Mình đi làm như một cái máy đã được lập trình sẵn, hờ hững với công việc nhưng lại sợ hãi không dám buông bỏ.
Mọi thứ cứ trôi qua như vậy cho đến một điểm giới hạn, mình hiểu rằng chuyện này nên dừng lại ở đây. Mình đã viết đơn xin nghỉ việc, chuyển lên Hà Nội và thử thách bản thân qua rất nhiều công việc khác nhau để trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”
Khởi đầu với công việc chăm sóc khách hàng, mình nhận ra bản thân có khả năng lắng nghe, đồng cảm và giúp khách hàng xử lý vấn đề chu toàn. Nhưng khi công việc mỗi ngày không có gì thay đổi thì mình thấy chán. Hóa ra, mình là người thích trải nghiệm liên tục những điều mới mẻ.
Thử sức với công việc telesales, mình khá hài lòng với mức thu nhập cũng như cảm thấy bản thân thuyết phục khách hàng không tồi với tỷ lệ upsales sản phẩm mới là 45%. Hóa ra mình không quá nhút nhát như mình vẫn nghĩ. Nhưng môi trường ở đây hơi xô bồ, nó làm cho người hướng nội như mình cảm thấy kiệt sức cả về thể chất và tinh thần. Mình vẫn cần một công việc nào đó để cân bằng việc hướng ra bên ngoài (giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng) và hướng về bên trong (giao tiếp với bản thân).
Với công việc viết lách ở phòng marketing, mình bắt đầu lờ mờ nhận ra sự kết nối và đồng điệu. Nó vừa giúp mình thỏa mãn sở thích khám phá điều mới, có những cuộc nói chuyện thú vị với đồng nghiệp, bên cạnh đó vẫn có không gian yên tĩnh để viết lách sáng tạo, đúng sở thích của mình ngày xưa. Và may mắn là dù đã “bỏ phố về quê” vì lý do gia đình, mình vẫn gắn bó với viết lách đến bây giờ. 
Trong viết lách, mình lại tìm tòi và thử thách bản thân ở các dạng bài, các ngách nội dung khác nhau. Nhờ vậy mà cuộc sống của mình luôn đầy ắp trải nghiệm để khám phá, mình cũng liên tục tìm ra những sở thích mới mẻ và những khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Hiểu bản thân nhờ vượt qua những niềm tin giới hạn

Với bản tính nhút nhát và hướng nội, mình thường giấu những quan điểm và suy nghĩ ở trong lòng.
Đôi khi là vì có những băn khoăn bối rối về nghề nghiệp mà chẳng biết tỏ bày cùng ai. Vì vậy, mình từng được bố mẹ cho rằng bản thân sẽ không thể tự kiếm được một công việc. Thế nên cách tốt nhất đối với bố mẹ mình lúc đó là lo hộ mình một công việc cho xong.
Thật buồn là mình đã tin điều ấy là thật. Mình chẳng dám thoát ra ngoài để thử thách bản thân vì đã quá quen có sự bao bọc của bố mẹ, dù rằng công việc ấy khiến mình cảm thấy bức bối, ngột ngạt. Nhưng lúc đó, sự sợ hãi đã nhấn chìm tất cả.
Mãi cho đến khi mình liều lĩnh nộp đơn nghỉ việc để lên Hà Nội cùng chồng, mọi thứ mới dần thay đổi.
Khi nhận mail thông báo trúng tuyển vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng, mình cảm thấy tự hào khôn xiết. Dù với người khác, đây là một vị trí nhỏ bé tầm thường, nhưng với mình, đó là bằng chứng đầu tiên giúp mình gạt bỏ suy nghĩ “Không thể tự xin được việc”.
Mình cũng từng tin rằng bản thân không thể nói chuyện với người lạ, chứ chưa nói đến việc thuyết phục người ta mua hàng. Niềm tin này còn được củng cố chắc chắn hơn khi năm cuối đại học, mình làm cộng tác viên bán chữ ký số cho một công ty mà khi gọi điện cho khách, mình hồi hộp đến độ không nói được một câu nào. Nhưng sau khi tự trấn an bản thân, học hỏi cách mọi người nói chuyện thì mọi thứ lại rất khả quan. Thậm chí, mọi người còn ngạc nhiên sao một nhân viên mới như mình lại có thành tích ngang ngửa với các bạn làm lâu năm như vậy.
Và sau đó còn rất nhiều lần mình tự vượt qua chính mình nữa. Vậy chúng ta cần rút ra điều gì ở đây?
Thứ nhất, bất cứ một nhận định gì về bản thân, từ người khác hoặc từ chính chúng ta, đừng vội tin ngay đó là sự thật.
Có thể đó là sự hiểu lầm, có thể nó thể hiện tình trạng hiện tại của bạn. Nhưng không có nghĩa đó là bản chất con người của bạn. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi điều đó nếu muốn.
Thứ hai, có được lòng tin từ người khác là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là tin tưởng chính mình. 
Bởi trong những lúc bạn khốn đốn nhất, khi mà bạn không thể tiết lộ điều này với bất cứ ai, kể cả gia đình thì chỉ có bạn mới là chỗ dựa vững chắc nhất của bản thân. 
Ngược lại, nếu như người thân dốc lòng tin tưởng nhưng bạn hèn nhát chẳng thể tin nổi bản thân mình, vậy thì bạn sẽ làm được gì đây?
Sức mạnh nội tại là sức mạnh bền vững nhất. Nó không phải là ngọn lửa cháy bùng mạnh mẽ, mà là ngọn lửa liu riu nhỏ bé, đủ ấm áp để bạn thấy lòng bình yên, cũng đủ mạnh mẽ để nuôi dưỡng ý chí trong bạn.
Bởi chính bạn, không ai khác, biết rõ điều gì đang xảy ra. 
Chính bạn, không ai khác, biết rõ mình đang cảm thấy như thế nào.
Chính bạn, không ai khác, biết mình muốn thay đổi điều gì.
Vì thế nên chỉ có bạn, không ai khác mới có đủ sức mạnh để thay đổi điều đó.