Bạn có thật sự hiểu đúng về chi phí cơ hội?

Đây là bài viết đầu tiên của mình trên spiderum, mong mọi người góp ý.

Gần đây khi đọc cuốn sách “Nhà Tự Nhiên Kinh Tế - Tại Sao Kinh Tế Học Có Thể Lý Giải Mọi Thứ” (đúng hơn là nghe sách nói) mình nhận thấy đây là một đề tài rất thú vị nên mình muốn chia sẻ. Đây là một cuốn sách rất hay mà mình khuyến khích bạn nên tìm đọc dù có thích kinh tế học hay không.

Quay lại chủ đề chính nào! Câu hỏi đặt ra là bạn có thật sự hiểu về khái niệm “Chi phí cơ hội” hay chưa? Có thể nói đây chính là chi phí ẩn lớn nhất mà bạn phải trả trong cuộc sống cũng như khi kinh doanh. Hiểu đơn giản thì: " Khi có hai hay nhiều lựa chọn ngang bằng. Nếu bạn chỉ được chọn một phương án thì những phương án còn lại chính là chi phí cơ hội của bạn". 
Dựa trên định nghĩa đó bạn hãy thử trả lời câu hỏi sau đây, được trích từ cuốn sách “ Nhà Tự Nhiên Kinh Tế” nhé. (mình thay đổi tên và chuyển đơn vị tiền sang VNĐ cho mọi người dễ hình dung hơn).

Một ngày đẹp trời, bạn được Thanh tặng cho một vé xem phim vào tối thứ 7 tới. Nhưng bất ngờ thay thì xuất chiếu phim ấy lại trùng lịch với một buổi biểu diễn ca nhạc của một ca sĩ mà bạn rất hâm mộ … lấy ví dụ là Sơn Tùng chả hạn. Bình thường bạn sẵn sàng trả 500k để xem anh ấy biểu diễn, nhưng hôm nay vé chỉ có 400k thôi! Bỏ qua các suy nghĩ mang tính cảm xúc, chỉ xét về mặt kinh tế hãy trả lời câu hỏi sau.

 Nếu bạn chọn đi coi phim thì chi phí cơ hội của bạn sẽ là bao nhiêu?
A. 500k
B.400k
C.100k
D.0
Hãy suy luận và chọn cho mình một đáp án trước khi đọc tiếp nhé! Bạn đã có câu trả lời của mình chưa? Vậy thì đến với phần lời giải nào.
Nếu bạn chọn đáp án là C thì chúc mừng bạn, đó là câu trả lời hoàn toàn chính xác. Còn nếu bạn chọn các đáp án khác thì cũng đừng buồn vì đa phần mọi người cũng trả lời giống bạn. Theo như cuốn “Nhà Tự Nhiên Kinh Tế” chỉ có 15% những người chưa học qua kinh tế trả lời đúng câu hỏi này. Thú vị hơn, số người đã từng học qua môn kinh tế học trả lời đúng câu hỏi này chỉ có 7% (Mình xin được chảnh chọe tuyên bố mình là số ít trong nhóm 7% này , hehe). Cũng đủ để nhận thấy rằng khái niệm “Chi Phí Cơ Hội” tuy đơn giản nhưng đang bị hiểu sai đến mức nào.

Vì sao đáp án C đúng? Nhiều người khi trả lời câu này thường chọn đáp án là D, không có chi phí cơ hội nào cả! Vì tôi có mất đồng nào đâu? Nhưng trên thực tế thì có một sự thiệt thòi về mặt kinh tế ở đây. 2 đáp án 500k và 400k chưa chính xác bởi vì trên thực tế bạn không phải chi ra hai khoản tiền này. Nhưng nên nhớ là ở đây bạn “sẵn sàng” (xin nhấn mạnh từ này) trả 500k cho buổi biểu diễn của ca sĩ mà bạn yêu thích (ở ví dụ trên là sếp Tùng) tuy nhiên bạn chỉ phải trả 400k cho buổi biểu diễn đó thôi. Ở đây xuất hiện một khoản “thặng dư tiêu dùng” (hiểu nôm na là khoản tiền bạn phải trả ít hơn số tiền bạn sẵn sàng trả) trị giá 100k. Khoản này là “lợi thế kinh tế” không phải lúc nào cũng có và nó cũng chính là cái giá bạn phải trả để được đi coi phim miễn phí. Rất thú vị đúng không nào?

Vậy nếu chúng ta bỏ qua các yếu cảm xúc, thì lựa chọn kinh tế khi phải chọn giữa việc đi xem phim miễn phí và đi xem buổi biểu diễn của ca sĩ bạn yêu thích chính là việc bạn định giá vé xem phim bạn được mình tặng bao nhiêu. Nếu giá trị của vé xem phim là trên 100k bạn nên đi xem phim. Nếu buổi coi phim đó có giá trị thấp hơn 100k đối với bạn, bạn nên đi xem buổi ca nhạc của thần tượng mình (Hoặc đơn giản hơn là bạn có thể bán lại cái vé để ở nhà coi Justice League bản Snyder cut dài 4 tiếng bao phê :)) ).

Tuy biết rằng mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối, và thường con người chúng ta sẽ quyết định mọi việc là dựa trên cảm xúc. Tuy nhiên, khi bạn hiểu rõ về chi phí cơ hội và logic để suy luận ra phương án nào có chi phí cơ hội thấp nhất thì bạn đang nắm trong tay thứ mà các nhà làm kinh tế đang sử dụng để đưa ra các quyết định tài chính mang tính chất sống còn của một doanh nghiệp hoặc một quốc gia, các loại quyết định mà không thể đơn thuần là chỉ dựa trên cảm xúc được.

Viết đến đây cũng hơi dài rồi. Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này, Dù nó lấy gần như nguyên vẹn ý tưởng từ “Nhà Tự Nhiên Kinh Tế” nhưng mình thật sự cảm thấy rất vui khi rồi đánh những dòng này.
Mình sẽ còn chia sẻ nhiều hơn những kiến thức tài chính thú vị trong thời gian tới và đừng quên. Mình là cố vấn tài chính cá nhân của bạn. Chúc các bạn một cuối tuần tốt lành.