Bạn có quyền không?
Case 1: Hãy thử tưởng tượng bạn bị sàm sỡ trên xe bus, bạn có thể quay lại tát người sàm sỡ bạn và bảo họ: "Mày không có quyền chạm...
Case 1: Hãy thử tưởng tượng bạn bị sàm sỡ trên xe bus, bạn có thể quay lại tát người sàm sỡ bạn và bảo họ: "Mày không có quyền chạm vào cơ thể tao". Tuy nhiên trong một mối quan hệ yêu đương, bạn lại trao cho người yêu bạn quyền được chạm vào cơ thể bạn ở một vài tình huống. Và một đứa trẻ sơ sinh thì hoàn toàn không thể cho phép hoặc không cho phép ai chạm vào cơ thể nó cả. Vậy, "quyền chạm vào cơ thể" được sinh ra từ đâu và khi nào bạn có nó?
Case 2: Ở nhiều đất nước, quyền sống được coi là quyền hiển nhiên và không ai được phép vi phạm nó. Tuy nhiên ở nhiều nước tử hình lại được coi là hợp pháp, nghĩa là việc bị tước đi quyền sống là hoàn toàn có thể và rất nhiều người thừa nhận hiển nhiên việc đó. Vậy khi nào thì một số quyền mặc định của bạn bị tước đi?
I. Đến với góc nhìn của chủ nghĩa thỏa ước (Contractarianism):
Chủ nghĩa thỏa ước, một cách đơn giản và dễ hiểu, có thể được hiểu rằng mọi nguyên tắc đạo đức hay luật pháp đều được sinh ra từ các thỏa ước, trong đó các thực thể lý trí (rational agents) tạo ra thỏa ước quy định một số quyền và nghĩa vụ cụ thể, cũng như các tình huống mà các quyền và nghĩa vụ đó bị tước đi (hay hình phạt) nhằm đạt được một mức lợi ích nào đó cho các bên. Thỏa ước này có thể chỉ dừng lại ở mức được đông đảo mọi người thừa nhận (moral norms) hoặc được đưa vào văn bản chính thức bởi một chính quyền (rules).
Để diễn tả một cách đơn giản, hãy tưởng tượng một xã hội nơi tất cả mọi người có quyền hiếp dâm. Như vậy bạn có quyền làm mọi thứ abcxyz với tất cả mọi người mà bạn có cảm hứng, tuy nhiên những người thân yêu của bạn - cha mẹ, con cái, người yêu bạn hoặc chính bạn cũng có thể trở thành đối tượng của những người khác. Vậy nên, mọi người đều thống nhất rằng một quyền như vậy không thể tồn tại vì ít nhiều ai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu, thậm chí những kẻ có hành vi hiếp dâm sẽ phải chịu hình phạt (vào tù - tước đi quyền tự do di chuyển, bị đánh - tước đi quyền tự do thân thể, vân vân.)
II. Vậy những thỏa ước đó được hình thành như thế nào?
Từ lâu, khái niệm quyền và nghĩa vụ đã tồn tại trong xã hội loài người như một thành phần không thể tách rời. Về cơ bản, chủ nghĩa thỏa ước cho rằng một thỏa ước chỉ được hình thành bởi 2 hoặc nhiều thực thể lý trí - hay nói cách khác là con người.
Khi con người có ngôn ngữ và khả năng tư duy, họ bắt đầu cảm thấy nên tạo ra những giao ước nhằm tăng tối đa lợi ích của xã hội (hoặc của bản thân) với những người khác, từ đó tạo tiền đề để họ làm ăn sinh sống và làm những gì họ muốn, giao ước có thể công bằng hoặc không công bằng (tùy vào "bargaining power" - hay thế thương lượng của các bên - thế nào là "một thỏa ước công bằng" là một khái niệm phức tạp và gây nhiều tranh cãi, các bạn tự tìm hiểu thêm nhé :)).
Có một số thỏa ước được một thực thể đứng đầu xã hội đảm nhận, thực thể này có sức mạnh để đảm bảo hình phạt nếu các quyền và nghĩa vụ trong thỏa ước bị vi phạm, những quyền và nghĩa vụ đó trở thành các yếu tố cấu thành nên luật pháp, ví dụ: quyền sống, quyền tự do thân thể, quyền tự do sử dụng tiền chính đáng mình kiếm được, quyền tự do nuôi chó,...
Tuy nhiên có những quyền và nghĩa vụ mà được mọi người thừa nhận rộng rãi nhưng không được thực thể đứng đầu xã hội đảm bảo, các quyền và nghĩa vụ đó trở thành các quy ước đạo đức, ví dụ: khi yêu nhau thì "phải chung thủy" với nhau, con cái thì "phải có nghĩa vụ báo đáp cha mẹ". Tất nhiên bạn không chung thủy hay không báo hiếu cha mẹ thì công an cũng chẳng tới xách bạn đi nhưng bạn sẽ phải chịu những lời đàm tiếu xã hội, vì chẳng ai muốn mình ở thế dưới trong một cuộc yêu đương hay về già bị con cái từ mặt.
III. Nếu thỏa ước chỉ có thể được tạo ra bởi những thực thể lý trí, vậy những người khuyết tật về lý trí hoặc động vật có quyền không?
Hãy thử tưởng tượng, bạn đang bình thường bỗng nhiên bị tai nạn và phải sống thực vật, vậy bạn còn có quyền gì không khi bạn tạm thời không phải một thực thể lý trí. Lúc này có thể hiểu rằng quyền sống của bạn đã được thiết lập từ trước đó trong xã hội, vì ai cũng có thể bị sa cơ vào tuổi già hoặc ốm yếu mất khả năng lý trí và sức lao động, bởi vậy để phòng tránh trường hợp mình bị rơi vào những hoàn cảnh đó và bị đối xử tệ, những thỏa ước trước đó đã đảm bảo những trợ cấp và các quyền cho những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Vậy con chó của bạn đi ra đường và bị trộm mất, liệu bọn trộm có quyền không khi con chó của bạn không phải "thực thể lý trí ngang bằng" với bọn trộm chó? Tại sao người ta bắt chuột thoải mái mà không được bắt chó của bạn? Chúng ta có thể hiểu rằng những điều kiện sơ khai như xã hội của động vật, quyền hầu như không tồn tại, bất kỳ con vật nào cũng được tự do săn mồi và có thể trở thành con mồi, chỉ khi con chó trở thành "con chó của bạn" hoặc một động vật trở thành "động vật hoang dã được bảo vệ", chúng mới được hưởng lợi từ thỏa ước của người bảo vệ chúng với những người khác. Hay nói cách khác, vì con người yêu quý hoặc muốn bảo vệ một loài/ con vật cụ thể nào đó, chúng ta đã tạo ra các thỏa ước để những con/ loài động vật đó không bị hãm hại - từ đó chúng ta gán cho chúng cái gọi là "quyền động vật".
IV. Tóm tắt:
Tóm lại, nếu con người không có ngôn ngữ và khả năng lý trí, thì những thỏa ước khó có thể được hình thành, và từ đó quyền và nghĩa vụ cũng vậy.
Có thể hiểu quyền và nghĩa vụ không tự nhiên mà có, không ai tự nhiên có quyền sống và quyền tự do hay quyền gì khác, mà đó là do những thỏa thuận đã được hình thành và thừa nhận cũng như thay đổi trong suốt lịch sử tiến hóa xã hội loài người.
Bài viết được thực hiện dưới góc nhìn của chủ nghĩa thỏa ước - là một lý thuyết về đạo đức trong triết học đạo đức phương tây, có rất nhiều phản biện cũng như ủng hộ trong luồng tranh cãi về học thuyết này.
Có thể hiểu quyền và nghĩa vụ không tự nhiên mà có, không ai tự nhiên có quyền sống và quyền tự do hay quyền gì khác, mà đó là do những thỏa thuận đã được hình thành và thừa nhận cũng như thay đổi trong suốt lịch sử tiến hóa xã hội loài người.
Bài viết được thực hiện dưới góc nhìn của chủ nghĩa thỏa ước - là một lý thuyết về đạo đức trong triết học đạo đức phương tây, có rất nhiều phản biện cũng như ủng hộ trong luồng tranh cãi về học thuyết này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất