Bạn có mong muốn trở thành người có trải nghiệm phong phú?
Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm phong phú. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội được tự mình trải nghiệm mọi thứ mà cần học hỏi từ các nguồn khác.
Câu chuyện của những người có trải nghiệm phong phú bao giờ cũng khiến cho người nghe cảm thấy thu hút. Tôi cũng từng cảm thấy bị cuốn theo những chia sẻ của những người như thế. Có giai đoạn tôi không muốn dừng lại việc muốn nghe những câu chuyện thú vị hàng ngày. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được người đủ rảnh để chỉ ngồi nói cho chúng ta nghe.
Hơn nữa, bản thân mỗi chúng ta cũng mong muốn mình có thể có được sự hiểu biết, cho dù không bằng những con người vĩ đại mà chúng ta ngưỡng mộ. Thế nhưng, ai cũng sẽ mong muốn bản thân trở thành một con người có trải nghiệm, có nội hàm, biết bản thân muốn gì và cần làm gì để đạt được điều mình muốn. Đồng thời, những hiểu biết ấy cũng sẽ giúp chúng ta nhìn rõ những vấn đề của con người và sự việc xảy ra quanh ta, tích luỹ những chất liệu đó thành vốn sống của mình.
Chúng ta cần điều này bởi cuộc sống không cho mọi người những cơ hội trải nghiệm giống nhau. Bạn và tôi cũng phải thừa nhận rằng có những việc chúng ta mong được thử nghiệm nhưng cuộc sống không đặt ta vào vị trí đó. Một số hoạt động có thể giúp bạn tích luỹ nguyên liệu, chất liệu để tạo ra bạn ở phiên bản hiểu biết và sâu sắc hơn:
Trò chuyện thường xuyên để trở thành người có trải nghiệm
Đây là hoạt động được xếp đầu bảng bởi con người ai cũng có nhu cầu được trò chuyện. Cuộc sống của con người vốn là các cá nhân cùng hoạt động cộng đồng với nhau, có tương tác, tương hỗ. Bởi vậy, ngay từ khi còn là một đứa trẻ, con người đã phải học cách diễn đạt mong muốn cũng như cảm xúc của mình, bắt đầu với tiếng khóc và những cử chỉ, sau đó là lời nói.
Tuy nhiên, không phải bạn có thể nói cùng một loại ngôn ngữ nghĩa là bạn có thể diễn đạt đủ tốt những gì bản thân muốn người khác hiểu. Mặt khác, không phải người ta nói cùng một ngôn ngữ với bạn là bạn có thể khai thác được hết những hiểu biết của họ. Vì lý do đó, những cuộc trò chuyện hữu ích sẽ bắt đầu bởi yếu tố duyên phận, không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội được trò chuyện với những người cho bạn điều bạn cần ngay lúc đó.
Nếu có thể, hãy trò chuyện với thật nhiều những người ở các vị trí khác nhau, công việc khác nhau, tính cách khác nhau. Mỗi cá nhân sẽ cho bạn một góc nhìn mới, nếu bạn biết cách khai thác những câu chuyện của họ. Tại sao bạn cần khai thác? Bởi vì không phải ai cũng là người thích kể lể, hoặc họ không dễ dàng phơi bày những suy nghĩ thực sự của họ với mọi đối tượng.
Đọc sách để tăng thêm trải nghiệm tư duy
Những quán cafe sách hoặc tự thiết kế một góc đọc sách yên tĩnh là lựa chọn lý tưởng nếu bạn là người yêu thích đọc, thích cảm giác hít hà mùi giấy, mùi mực in. Bạn có thể cảm nhận lật giở từng trang sách, ghi lại những điều bạn tâm đắc, hoặc đơn giản là dùng điện thoại chụp lại những đoạn hay cần nhớ.
Việc đọc sách trên giường ngủ chỉ có hiệu quả với những người đã có thói quen đọc tốt. Còn nếu bạn không phải là người giàu nghị lực trước chăn ấm đệm êm, trước những thiết bị điện tử với nội dung “mì ăn liền” thì đừng chọn đọc sách trên giường. Ít nhất, bạn hãy ngồi vào bàn ghế ngay ngắn nếu không có một góc đọc sách lý tưởng.
Việc đọc sách tưởng đơn giản nhưng không dễ để hình thành thói quen cũng như duy trì nó với niềm cảm hứng vô cùng. Quyết tâm hừng hực ngay ban đầu không khẳng định được rằng bạn sẽ có thể duy trì đọc sách hàng ngày. Bạn có thể bắt đầu với những cuốn sách thuộc sở thích của bạn, sau đó dần xen kẽ với những cuốn sách cung cấp kiến thức. Nếu gượng ép bản thân đọc những cuốn sách được cho là hay nhưng bạn lại không cảm thấy hứng thú, hoặc vì chạy theo thành tích số lượng sách đã đọc xong, bạn sẽ mất đi mục tiêu thực sự khi bạn bắt đầu đọc sách. Kiến thức sẽ chẳng đọng lại gì, còn bạn thì nhanh cảm thấy chán nản bỏ cuộc.
Nghe sách nói/podcast để lắng nghe trải nghiệm từ người khác
Podcast hay sách nói là một phương tiện được tạo ra để cung cấp thông tin cho người bận rộn rất hiệu quả. Tôi không nghĩ công cụ này hữu ích với người lười đọc sách giấy, bởi nếu ai đó không muốn đọc sách, họ cũng sẽ lười phải nghe những nội dung từ sách. Ít nhất, cho dù bạn không phải là người ham đọc, bạn cũng cần là người thích lắng nghe, bạn mới có thể duy trì việc nghe sách như thói quen.
Tuy nhiên, nếu bạn có mong muốn được tiếp nhận kiến thức trong khi không tìm được một người có tri thức nhưng rảnh rỗi để nói chuyện với bạn, thì podcast và sách nói là sự thay thế hoàn hảo.
Trước hết, bạn cần biết bạn muốn tìm hiểu điều gì? Sau đó, bạn lựa chọn sách nói hoặc podcast có nội dung phù hợp. Nếu bạn cần tìm hiểu kiến thức mang tính lý thuyết thì bạn nên tìm sách nói. Có những loại sách cũng rất hiệu quả trong việc điều chỉnh lại tư tưởng đúng đắn, hoặc chữa lành những tổn thương tâm hồn để bạn sẵn sàng trước những công việc mới.
Khi bạn cần lắng nghe những câu chuyện chia sẻ có tính thực tế, podcast là lựa chọn hữu ích. Những podcast cung cấp kiến thức cũng được thể hiện một cách chắt lọc và dễ hiểu hơn trong những podcast của các chuyên gia. Nếu bạn không xác định được mục tiêu mình muốn, bạn sẽ dễ bị choáng ngợp và không biết phải làm gì giữa đại dương hàng trăm nghìn đầu sách và podcast, phương tiện này sẽ không còn là công cụ hữu hiệu nữa.
Quan sát để thu thập chất liệu trải nghiệm
Đây là kỹ năng quan trọng nếu một người muốn tích luỹ vốn sống cho bản thân nhiều hơn, kể cả khi không đích thân trải nghiệm mọi thứ. Nhiều người thường nghĩ rằng khả năng quan sát tốt dựa vào sự nhạy cảm của mỗi người. Thế nhưng, trên thực tế, khả năng quan sát và suy luận logic lại là thứ bạn có thể luyện tập. Thậm chí, nếu bạn muốn phát huy tốt năng lực quan sát cũng như sử dụng những chất liệu bạn đã thu thập một cách hiệu quả thì cách tốt nhất là thực hành việc này hàng ngày.
Không có điều gì có thể tạo ra sự hiểu biết của một người nhiều hơn những chất liệu từ cuộc sống. Hơn nữa, cùng một nguyên liệu, mỗi người sẽ tạo ra những món ăn khác nhau. Tương tự với cùng câu chuyện, một tình tiết, mỗi người sẽ có cách hiểu, cách diễn giải cũng như thu về những bài học khác nhau.
Điều cần khống chế là chúng ta có thể quan sát lặng lẽ, điều này không đồng nghĩa với việc soi mói, tọc mạch và phán xét cuộc sống của người khác, hoàn cảnh hay cách ứng xử của người đó. Song hành với quá trình quan sát luôn là một trạng thái tư tưởng khách quan, thấu hiểu và tường minh. Nếu không, những chất liệu bạn thu nhận được sẽ trở nên cực đoan, mất kiểm soát. Sự quan sát là con dao hai lưỡi, có thể khiến bạn mở rộng tầm nhìn, cũng có thể khiến bạn trở nên so đo, hẹp hòi, chất chứa những quan điểm độc hại.
Viết note để sàng lọc trải nghiệm
Ai cũng có thể nhận ra việc viết note lại giúp bạn không quên đi những gì đã thu nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bạn vẫn sẽ quên thôi, thậm chí bạn quên cả việc bạn đã từng viết note nó lại.
Đúng là một lần viết lại có thể khiến cho bạn thêm một lần được nhắc lại, được ghi nhớ. Nhưng việc note này sẽ hiệu quả hơn khi bạn cài đặt một lời nhắc xem lại chúng hàng tuần. Bạn nên phân loại những nội dung nào là nội dung tích trữ, nội dung nào có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế, thực hành được ngay. Có những nội dung lại cần bạn phải phân tích, nghiền ngẫm nhiều hơn mới có thể hiểu rõ.
Nếu bạn thực hiện được những thao tác sàng lọc sau mỗi khoảng thời gian chăm chỉ viết note thì những chất liệu ấy mới thực sự trở thành của bạn, không còn là nội dung sao chép đơn thuần nữa. Đây là câu trả lời cho việc tại sao người khác có thể làm ra những sản phẩm tươi mới dựa trên những ý tưởng cũ, còn mình thì giống như chỉ là một người “bắt chước”.
Tự vấn để rút ra kinh nghiệm
Tự vấn không phải là chất vấn bản thân, đưa ra những đánh giá, phán xét vùi dập bản thân. Trước khi bạn muốn trở thành một người có trải nghiệm phong phú, góc nhìn sâu sắc, bạn phải tin là mình có thể trở thành người như vậy. Niềm tin này được gây dựng dựa trên những gì bạn đang cố gắng luyện tập, không phải sự truyền động lực một cách hô hào sáo rỗng.
Bạn nên đặt cho mình những câu hỏi thật chi tiết, cụ thể và có tính xây dựng thay vì những suy nghĩ chung chung. Mẹo giúp bạn cụ thể hoá là đặt bản thân vào hoàn cảnh khác, hoặc đặt thời gian cụ thể vào câu hỏi và các vấn đề đưa ra. Bạn đưa ra danh sách những gì bạn thu thập được, những suy nghĩ cũng như kinh nghiệm rút ra là gì? Đồng thời, bạn sẽ làm gì để áp dụng những điều đó vào cuộc sống của bạn, điều đó có phù hợp với cuộc sống của bạn không? Sự thay đổi này sẽ dẫn đến những xáo trộn gì trong cuộc sống của bạn, hệ quả của nó là gì? Bạn có dám đánh đổi một giá trị này để lấy giá trị khác hay không? Hoặc sự đánh đổi các giá trị đó có thực sự xứng đáng?
Sau cùng, bạn hãy giao ước với bản thân rằng mình sẽ tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của bản thân.
Những trải nghiệm phong phú sẽ không tự có chân để tìm đến bạn, mặc khác, có thể bạn không kịp nhận ra rằng nó đã đến. Có rất nhiều điều bất kể là tốt đẹp hay tồi tệ đều sẽ xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người. Mặc dù biến thể của chúng có thể khác nhau, nhưng bài học sau cùng mà chúng ta nhận được sẽ giống như nhau. Tương tự như việc mỗi người có thể theo học những người thầy khác nhau, cách giảng giải khác nhau, nhưng sau cùng, bạn vẫn phải tiếp nhận cùng một hệ thống các dạng bài như người khác đang làm thôi. Khác nhau ở chỗ, ai là người được tiếp cận với nhiều phương pháp giải hơn, nhiều cách giải quyết vấn đề hơn. Ai là người có thể áp dụng linh hoạt mỗi cách giải lên các đề bài khác nhau để tận dụng triệt để lợi thế ăn điểm cho mình.
Mục tiêu trở thành người có trải nghiệm phong phú là chúng ta có thể nhìn nhận bản chất của nhiều vấn đề trong cuộc sống một cách khách quan nhất. Nếu bạn cho rằng việc này khiến bạn trở nên hơn người, hoặc có thể dạy bảo người khác, hay đổi lấy sự ngưỡng mộ, thì bạn đã thất bại ngay từ đầu. Bạn sẽ sớm bỏ cuộc chỉ vì không thấy ai đó quan tâm đến việc mình có thành tựu gì, hiểu biết đến đâu.
Ai cũng có thể chia sẻ câu chuyện của mình, hiểu biết của mình, miễn là dựa trên tinh thần cầu thị. Mục đích của điều này là tạo nên một vòng tuần hoàn, bạn chuyển đổi những chất liệu mình thu thập được thành câu chuyện để chia sẻ cho người khác. Đổi lại, người khác lại trao đổi cho bạn một câu chuyện của họ, trở thành chất liệu mới cho những trải nghiệm tư duy của bạn. Nhìn đi nhìn lại, dù chúng ta chỉ sống trên đời này mấy chục năm, những gì chúng ta tự mình trải nghiệm cũng chỉ có bấy nhiêu, nhưng những gì chúng ta có thể được mượn từ trải nghiệm của người khác lại vô cùng nhiều.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất