Nếu câu trả lời là “có” thì có thể bạn đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn ở thời thơ ấu. Và những khó khăn này đã ảnh hưởng đến những mối quan hệ của bạn ở thời kỳ trưởng thành, chẳng hạn như mối quan hệ với người yêu, vợ, chồng hay với chính con cái của bạn. 
Nguồn ảnh: HubPages
Nguồn ảnh: HubPages
Mọi người thường gọi những khó khăn này là “Mommy Issues”, tạm dịch là “Những vấn đề về mẹ”. Mặc dù thuật ngữ này có thể sẽ tạo ra cảm giác khó chịu, xấu hổ hoặc không thoải mái cho những người mẹ nhưng nó mô tả một số nỗi đau rất thực tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng mẹ là nhân vật quan trọng nhất trong thời thơ ấu của bạn.
Vì vậy, nếu mẹ bạn có những hành vi lạm dụng, thao túng hoặc không hỗ trợ tinh thần cho bạn khi cần thiết, hậu quả tâm lý có thể tồn tại trong suốt cuộc sống trưởng thành của bạn. 
“Những vấn đề của mẹ” cũng có thể xuất phát từ sự bảo vệ quá mức hoặc quá dễ dãi.
Có thể mẹ bạn đã làm tất cả công việc nhà cho bạn, bao che một cách cố ý hoặc không cố ý cho những sai lầm của bạn hoặc thay vì trở thành một người mẹ, cô ấy đã cố gắng để trở thành một người bạn của con cái. 
Những phong cách nuôi dạy con cái đầy yêu thương này có vẻ không quá tiêu cực nhưng chúng cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thực tế thì bạn không kiểm soát được cách làm mẹ của mẹ bạn. Vì vậy, thay vì đổ lỗi, bạn nên cố gắng giải quyết mọi khó khăn trong mối quan hệ cá nhân bằng cách kiểm soát hành vi của mình ở hiện tại.

Làm thế nào để nhận diện “những vấn đề về mẹ”?

Patrick Cheatham, một nhà tâm lý học ở Portland, Oregon, giải thích rằng những người có mối quan hệ mẫu tử căng thẳng hoặc độc hại thường mong đợi người yêu, người bạn đời đáp ứng những nhu cầu mà mẹ họ không thể.
Khi các mối quan hệ diễn ra như vậy, bạn có thể sẽ lý tưởng hóa đối tác của mình.
Và nếu điều này không xảy ra như mong muốn, bạn sẽ trải qua một số thất vọng và buộc phải tách rời đối tác của mình khỏi hình ảnh hoàn hảo mà bạn tạo ra.

Điều này có nghĩa là bạn đã có một người mẹ “tồi tệ”?

Không phải lúc nào cũng như vậy.
Chúng ta thường dễ thấy những người không được mẹ yêu thương có thể mang những vết sẹo dai dẳng như thế nào do xa cách hoặc bị đối xử khắc nghiệt.
Nhưng nếu đơn giản là người mẹ không có ở đó thì sao?
Có thể mẹ bạn đã qua đời hoặc không thể chăm sóc bạn chu đáo vì bà có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần và không được ai hỗ trợ. Mẹ bạn thậm chí có thể đã lựa chọn để bạn lại cho cha mẹ nuôi vì nghĩ rằng điều đó sẽ mang lại cho bạn một cuộc sống tốt nhất có thể.
Sự vắng mặt hoặc thiếu kiểm soát của mẹ với bất kể lý do nào cũng có thể khiến bạn có cảm giác bị bỏ rơi hoặc bị từ chối.
Để bù đắp, bạn bắt đầu tìm kiếm tình yêu bị bỏ lỡ này từ những người mẹ khác hoặc những người bạn đời lãng mạn. Nhu cầu về tình cảm của mẹ khiến bạn thôi thúc phải làm mọi thứ có thể để giữ cho họ hạnh phúc và để họ không rời đi. Đôi khi, những hành động của bạn có thể biểu hiện như một sự đeo bám hoặc cố gắng làm hài lòng mọi người.

"Các vấn đề về mẹ" ở đàn ông

Những người đàn ông gặp “các vấn đề về mẹ” thường có một số đặc điểm và hành vi như sau:
- Kỳ vọng rằng người yêu, người vợ sẽ làm việc nhà nhiều hơn hoặc cung cấp sự hỗ trợ về tinh thần
- Mắc phải các vấn đề về niềm tin và gặp khó khăn trong việc chia sẻ thông tin riêng tư
- Có nhu cầu cao về tình cảm và sự chấp thuận hoặc khó thể hiện tình cảm hoặc có sự thay đổi nhanh chóng giữa hai trạng thái này
- Cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi đi đến một mối quan hệ có tính cam kết
- Cần sự hướng dẫn của mẹ khi đưa ra quyết định
- Cảm thấy khó có thể dành thời gian cho mẹ hoặc thảo luận chuyện gì đó với mẹ 
- Cảm thấy lo lắng trong các mối quan hệ
- Không thoải mái với sự thân mật
- Cực kì nhạy cảm với những lời chỉ trích, kể cả trong tưởng tượng hay trong thực tế
- Khái niệm ranh giới trong các mối quan hệ có thể mờ nhạt đối với họ
- Có thói quen hẹn hò với những người có đặc điểm giống mẹ của họ

Phụ nữ có bị ảnh hưởng bởi “những vấn đề về mẹ” như đàn ông?

Có, nhưng những ảnh hưởng có thể sẽ không giống nhau.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình trạng đau khổ do hậu quả của mối quan hệ mẹ con đau khổ hoặc bị ghẻ lạnh, nhưng giới tính có thể ảnh hưởng đến những biểu hiện của vấn đề này.
Con gái của những bà mẹ không tốt hoặc hay phán xét quá mức có thể lớn lên với sự kém nhận thức về giá trị bản thân.
Nếu mẹ bạn dành nhiều thời gian để chỉ ra khuyết điểm hoặc phê bình ngoại hình của bạn, bạn có thể sẽ rất xấu hổ và bất an khi trưởng thành. Điều này đôi khi góp phần vào các kiểu quan hệ không lành mạnh hoặc các triệu chứng sức khỏe tâm thần, bao gồm cả trầm cảm và lo lắng.
Một mối quan hệ thù hận hoặc không có ranh giới bình thường giữa cha mẹ và con cái cũng có thể gây ra vấn đề.
Có thể điều bạn muốn là được mẹ hướng dẫn về các mối quan hệ yêu đương, vợ chồng, con cái; về việc đặt ra các ranh giới trong mối quan hệ hay việc cẩn thận với những “trai hư”. Nhưng thay vào đó, mẹ lại muốn trở thành người bạn tốt nhất của bạn với sự tò mò về những câu chuyện tình cảm thầm kín.
Điều này có thể khiến bạn gặp khó khăn khi phát triển các mối quan hệ tích cực ở tuổi trưởng thành.

“Những vấn đề về mẹ” còn gây ra những ảnh hưởng nào khác?

Ngoài việc ảnh hưởng đến các mối quan hệ lãng mạn, các vấn đề về mẹ có thể phát sinh khi bạn trở thành cha mẹ.
Trong nhiều gia đình, cha mẹ thường tìm đến con gái để giúp duy trì sự hòa thuận trong gia đình, chăm sóc em nhỏ và thường hướng tới việc trở thành một người mẹ.
Mặt khác, theo truyền thống, những người con trai thường có nhiều tự do hơn (trong gia đình lẫn ngoài xã hội) và dễ được tha thứ hơn cho những sai sót trong hành vi.
Tin tuyệt vời cho thế hệ tương lai là những kỳ vọng này đang được thay đổi. Những câu nói như “vì nó là con trai mà” hay “đàn ông nó vậy đấy” đang dần biến mất khi mọi người ngày càng nhận ra những khiếm khuyết của góc nhìn nhị phân về giới tính.

Làm thế nào để giải quyết “vấn đề về mẹ”?

Bạn có thể sẽ cần một nỗ lực đủ lớn để vượt qua những ảnh hưởng của một mối quan hệ khó khăn với mẹ.
Để đi đúng hướng, bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất là bạn cần thừa nhận cách nuôi dạy con của mẹ có thể đã góp phần vào những đặc điểm và hành vi tạo ra các vấn đề trong các mối quan hệ hiện tại của bạn.
Nếu thiếu nhận thức về điều này, bạn có thể khó giải quyết các rắc rối trong mối quan hệ của bản thân một cách lành mạnh. Nhưng một khi đã hiểu rõ căn nguyên, chúng hoàn toàn có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi.
Giả sử bạn nhận ra rằng bạn sợ bị đối tác từ chối vì mẹ bạn dọa sẽ bỏ đi nếu bạn không tốt. Từ đây, bạn có thể cố gắng nhắc nhở bản thân rằng đối phương yêu bạn và muốn ở bên bạn.
Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện một mình, ngay cả khi có sự hỗ trợ tích cực từ bạn đời.
Để vượt qua những “vấn đề về mẹ”, bạn có thể thực hiện những hành động cụ thể sau đây:
- Khám phá những gì bạn cần nhưng không nhận được từ mối quan hệ với mẹ
- Thực hành đặt ra các ranh giới lành mạnh 
- Giải quyết các triệu chứng sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm cùng với xu hướng làm hài lòng người khác
- Xây dựng một kế hoạch trò chuyện với mẹ và giải quyết các vấn đề cùng nhau nếu bạn cảm thấy việc này là đúng đắn và phù hợp
- Phát triển các kỹ năng cho các mối quan hệ lãng mạn lành mạnh
Bạn cũng có thể cùng mẹ làm việc với một nhà trị liệu tâm lý để cập nhật cho mẹ biết về tình hình hiện tại về cuộc sống của mình. 
Tuy nhiên, trừ khi nhận được sự đồng thuận của bạn, dù thế nào thì mẹ bạn cũng không nên đưa ra các quyết định quan trọng thay bạn như việc định hình sự nghiệp hay lựa chọn đối tác kết hôn. Vì đó là cuộc sống của bạn.
Nguồn: