Cô đơn không phải là vắng mặt người khác, mà là không thể chia sẻ bất cứ điều quan trọng với bất kỳ ai khác.
Cho những ai đang bị trầm cảm, hoặc có người thân bị trầm cảm, thì mình nghĩ đây là một cuốn sách có thể cho thêm bạn những góc nhìn hữu ích trên hành trình điều trị bệnh trầm cảm của mình. Hoặc đơn giản, bạn sẽ biết được, bản thân bạn có đang bị mất kết nối hay không và làm sao để tái kết nối với các khía cạnh của cuộc sống để trở nên hạnh phúc hơn.
Thật kỳ lạ nhưng mà chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mà rất dễ mất kết nối hơn bao giờ hết, dù rằng xung quanh chúng ta đầy rẫy những thiết bị hoặc phần mềm được cho là "giúp bạn kết nối" với mọi người xung quanh. Hoặc có thể là chúng ta có sự kết nối thật đấy, nhưng có lẽ sự kết nối này chỉ đủ rộng chứ chưa đủ sâu để chúng ta cảm thấy rằng: Chúng ta thực sự đang được trò chuyện, lắng nghe và cảm thấy được kết nối.
Ở một mình không đáng sợ, ở trong đám đông mà lạc lõng và cô đơn mới là điều đáng sợ.
Theo tác giả, có ba loại nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và lo âu: sinh học, tâm lý và xã hội. Tức bao gồm các yếu tố bên trong lẫn các tác nhân bên ngoài. Nếu gọi yếu tố về gene hoặc các tác nhân trong não bộ là yếu tố chủ yếu dẫn tới trầm cảm thì chưa toàn diện, nó còn là môi trường xung quanh chúng ta. Vậy thì bên cạnh việc dùng thuốc để chữa những vết thương "sinh học"thì việc cảm nhận và kết nối với thế giới xung quanh cũng là một liều thuốc có tác dụng tương tự trong việc chữa lành trầm cảm. Đó có thể là sự kết nối trong công việc, mối quan hệ, thiên nhiên, với những sang chấn tuổi thơ,một tương lai đầy hứa hẹn hay một giá trị mang tính ý nghĩa. (Bạn đọc có thể đọc sách để tìm hiểu rõ hơn về 9 nguyên nhân do mất kết nối gây ra trầm cảm và 7 giải pháp để chống trầm cảm và lo âu của tác giả.)
Đối với những người lo âu và trầm cảm, thì câu hỏi mà họ thường đặt ra nhất là: Làm sao để tôi cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa?
Nào, khi bạn không còn cảm thấy thú vị với công việc hiện tại, có phải là bạn sẽ bắt đầu lo âu? Khi bạn cảm thấy bị cô lập và không thể chia sẻ câu chuyện của mình với bất kỳ ai, thậm chí là với gia đình, có phải là bạn sẽ bắt đầu buồn chán? Khi bạn có những sang chấn tuổi thơ và không thể chữa lành nó, bạn sẽ cảm thấy bất lực? Hay khi bạn không có cho mình một niềm tin vào tương lai tươi sáng, bạn bắt đầu cảm thấy chới với và hoang mang tột cùng?
Nếu bạn thấy mình trong bất kỳ trường hợp nào ở trên, thì chỉ đơn giản, là bạn đang tạm mất đi cho bản thân những kết nối quan trọng. Chính những thứ ấy sẽ bào rút năng lượng của bạn mỗi ngày, khiến bạn càng lo âu và tệ hơn là cô lập bản thân.
Vậy thì tái kết nối có khó không? Có, khó chứ, nhưng nó đáng để bạn thử. Hãy bắt đầu với những bước đầu tiên, nhỏ nhặt, từng chút một, từng ngày một, cho đến khi bạn cảm thấy được chữa lành.
Nếu bạn bị mất kết nối với những người xung quanh. Hãy thử tìm cho mình một cộng đồng có chung quan điểm sống, hãy thử nhắn tin cho một người bạn, hãy thử chia sẻ dòng suy nghĩ của mình cho một người bạn thực sự tin tưởng,...
Nếu bạn bị mất kết nối với công việc. Hãy thử ngồi lại đánh giá lại năng lực bản thân, tìm cho mình cơ hội mới, hay chí ít, tìm một điều ý nghĩa trong công việc hiện tại và nhân nó lên nhiều lần.
Nếu bạn bị mất kết nối với những điều ý nghĩa, hay cảm thấy cuộc sống nhuốm màu đen xám. Hãy thử đi làm tình nguyện xem, đó là nơi bạn được làm những điều ý nghĩa cho cộng đồng, và thông thường, khi bạn thấy những cuộc đời còn bất hạnh hơn cả bạn, bạn sẽ biết hạnh phúc và trân trọng những gì mình đang có hơn.
Và nếu làm một mình là quá khó, hãy tìm đến những bác sĩ tâm lý, nơi mà bạn sẽ được giúp đỡ bằng các liệu pháp tâm lý thực hiện bởi những người có chuyên môn.
Sự tái kết nối là một hành trình dài, nó đòi hỏi trong bạn nhiều sự cố gắng, nó sẽ có thể là một hành trình được tính bằng năm, nhưng nó đáng để bạn nỗ lực... để thoát ra khỏi những nỗi sầu u ám mang tên trầm cảm.
Đến một ngày nào đó, khi bạn nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng, mọi thứ cũng không hề tệ như bạn nghĩ đâu. Take it easy! Be simple, man.
Lưu ý: Đây là vài dòng suy nghĩ của mình khi đọc xong cuốn sách Mất kết nối, hy vọng các bạn có thêm vài góc nhìn tích cực (nếu bạn đang mắc trầm cảm) hoặc đơn giản là biết thêm một chút kiến thức về tâm lý. Đây hoàn toàn không phải là bài viết mang tính chuyên môn hướng dẫn cách chữa trị các bệnh tâm lý hay có ý đồ kêu gọi khám chữa bệnh. Nếu bạn có bệnh, vui lòng tìm đến những bác sĩ có chuyên môn.