Mình viết bài viết này sau khi đã phải trả 1 cái giá khá sớm vì không biết đặt sự ưu tiên của bản thân vào đúng chỗ. Bài viết này mang tính chất chia sẻ quan điểm bản thân và biết đâu sẽ giúp ai đó có thêm những suy nghĩ mới để điều chỉnh cuộc sống của bản thân, không để bị sai lầm như mình.
Là 1 cô gái độc thân ở tuổi 26, có thể nói mình đủ điều kiện để làm nhiều thứ mà giới trẻ ngày nay đang theo đuổi. Tuy nhiên sau 1 đợt ốm đau liên tiếp và nhận một số hệ quả của việc không biết cân bằng cuộc sống, mình cảm thấy có thể 1 bộ phận người trẻ đang chưa biết đặt ưu tiên đúng chỗ (như mình). Hãy cùng điểm danh những sự ưu tiên mà chắc hẳn nhiều người trưởng thành hiện nay đang dành nhiều thời gian cho chúng nhé.

1. Dành quá nhiều thời gian cho công việc.

Với ảnh hưởng của các kênh truyền thông hiện nay, cộng với áp lực đồng trang lứa trong vòng tròn bạn bè của bạn (peer pressure) chúng ta luôn bị thúc giục với 1 giọng nói vô hình trong tâm trí "Phải làm việc thật chăm chỉ, làm thêm nhiều hơn, dành nhiều hơn 8 tiếng/ngày cho công việc thì mới có thể theo kịp xã hội. Sự thật thì mình thấy xu hướng đó cũng có phần đúng. Khi còn trẻ, bạn cần tận dụng thời gian để làm việc, học tập và phát triển bản thân vì trong thời gian còn trẻ bạn mới có thể học nhanh, mới có thể thích nghi với cái mới, và mới có thể đủ sức khỏe để đáp ứng khối lượng công việc. Nếu không cố gắng để bứt phá khi còn trẻ thì khó mà nổi trội trong tương lai.
Có nhiều lý do để luôn bận rộn với công việc. Có thể bạn đam mê kiếm tiền. Có thể bạn khao khát đạt được ước mơ nào đó ấp ủ từ lâu. Có thể bạn có 1 mục tiêu rất lớn nào đó cần hoàn thành. Hoặc đơn giản, bạn không chịu được nếu không làm gì đó được cho là "công việc". Tất cả đều có thể gọi là những Workaholic.
Nhưng mà, đó cũng là lý do vì sao ngày nay đi tới đâu bạn cũng thấy rất nhiều người đeo cặp kính, dán mắt vào màn hình mười mấy tiếng 1 ngày. Có một số công việc đặc thù thậm chí còn dán mắt vào màn hình máy tính, màn hình điện thoại gần như từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ, thi thoảng lại mở điện thoại ra check và xử lý công việc. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người làm việc tại nhà tới tận tối muộn, thậm chí ngồi ôm cái laptop sáng đèn tới tận mấy giờ sáng. Và theo sau đó là hệ quả của những bệnh về mắt, bệnh dạ dày, bệnh về gan, xương khớp do ngồi làm việc liên tục quá nhiều, do không nghỉ ngơi đúng chu trình sinh học. Thật ra với họ, tiền không thực sự quan trọng đến thế. Thậm chí nếu chiếu theo tháp Maslow thì tầng nhu cầu cơ bản hoặc thậm chí 1 phần của nhu cầu nâng cao ở các tầng về nhu cầu an toàn, xã hội và được tôn trọng đã được đáp ứng. Nhưng tại sao họ vẫn cắm đầu vào làm việc như thiêu thân thế? Vì xã hội càng phát triển, nhu cầu con người càng cao, và cái tầng cao nhất là thứ thôi thúc người ta. Thời gian trong ngày là có hạn, trí tuệ mỗi người khác nhau, nên cách để đạt được những nhu cầu của bản thân mỗi người cũng khác nhau. Thật đau lòng khi đọc những câu chuyện về các thạc sĩ, tiến sĩ trẻ chưa tới 30 tuổi qua đời vì ung thư, vì bệnh tim... do làm việc quá nhiều.
Hãy nghĩ lại xem, đã bao nhiêu ngày bạn bỏ bữa vì đang họp dở với đối tác, với đồng nghiệp? Đã bao nhiêu lần bạn thức gần như trắng đêm để chạy deadline? Đã bao nhiêu hôm bạn ở lại văn phòng muộn, không về ăn với bố mẹ bữa cơm hoặc đã bao nhiêu cái cuối tuần bạn ở lại làm thêm không về quê thăm bố mẹ? Rồi bao nhiều lần bạn cố ngồi thêm lúc nữa, thành quá giờ ăn, quá giờ ngủ chỉ để làm nốt cái file, và sau đó thì công việc vẫn cứ không thể xong được.

2. Dành quá nhiều thời gian và tâm trí cho nhưng mỗi quan hệ không đáng.

Rút ra từ bản thân mình thì mình luôn thấy mình dành quá ít thời gian cho gia đình. Mình nghĩ nhiều bạn hiện nay cũng thế.
Thử trả lời 1 câu hỏi đơn giản nhé. Nếu bạn đang sống với gia đình, sau giờ ăn tối, rửa bát và nghỉ ngơi sau ăn xong bạn thường làm gì? Mình nghĩ hầu hết đáp án sẽ là vào phòng riêng và làm việc riêng. Có thể bạn tiếp tục với công việc (1 workaholic ưu tiên thời gian cho công việc như ở phần trên). Có thể bạn lên mạng tìm những thú vui vô bổ tạm thời nào đó giải trí cho hết tối. Có thể bạn nói chuyện với người khác (ny hay bạn "sắp thành ny" chẳng hạn :)). Có thể bạn xem phim, đọc sách, nghe nhạc, chơi games...Nhưng đặc điểm chung là dù đang ở trong cùng 1 ngôi nhà, cả ngày không thể gặp nhau do đi làm bên ngoài, nhưng tối bạn vẫn chỉ dành cho bố mẹ khoảng 30 phút - 1 tiếng khi cùng ăn cơm. Vì sao vậy?
Nhớ lại khi bạn còn nhỏ. Bố mẹ cố gắng tan làm sớm về đón bạn, nấu cơm cho bạn ăn. Buổi tối, bố mẹ cố gắng gác lại công việc dành thời gian chơi với bạn, dạy bạn nói cười, dạy bạn đi. Khi bạn lớn hơn chút, bố mẹ cũng cố gắng dành thời gian ngồi cạnh giúp bạn học bài. Bạn cần thì gọi thật to là bố mẹ có mặt cạnh bạn. Nhưng giờ bố mẹ cần thì lại thôi, không dám hỏi nhờ vì sợ bạn bận, không có thời gian cho họ. Sao giờ việc bớt ra chút thời gian hỏi về ngày hôm nay của bố mẹ lại khó thế? Sao giờ việc rời bỏ cái màn hình máy tính hoặc điện thoại 1 lúc để hướng dẫn bố mẹ dùng cái điện thoại cũ của bạn để xem Youtube lại phiền thế ư? Sao dành cả mấy tiếng ngồi làm thêm ở cơ quan thì dễ còn dành 15 phút gọi điện về nhà hỏi thăm bố mẹ lại khó đến thế? Thậm chí chúng ta có thể lùi kế hoạch về quê để cuối tuần đó đi chơi với bạn.
Vì sao ta hay có tâm lý như thế ư? Vì họ là gia đình, là người sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta, và đã luôn và sẽ luôn yêu thương và bên cạnh chúng ta vô điều kiện. Có vẻ như chúng ta đã quá quen thuộc với sự hiện diện của họ tới mức, ta luôn nghĩ họ sẽ luôn mãi ở đó và thời gian với họ còn nhiều, không lúc này thì lúc khác, không sợ mất, không đi đâu mà mất được. Nhưng mà bạn có biết, mỗi ngày qua đi, bạn lớn lên, thì thời gian mà bạn được bên họ lại càng ngắn lại. Hãy nhớ lại dáng vẻ của bố mẹ khi bạn mới vào cấp 3, mới vào đại học hay mới tốt nghiệp đại học đi? Giờ họ khác nhiều chứ? Cứ mỗi lần về quê, so với lần gần nhất trước đó bạn về, họ già đi chút nào không?
Vậy mà nhiều bạn có thể hành hạ bản thân, nhìn ăn nhịn uống, tiêu tốn thời gian vô ích vì những nỗi niềm người ngoài gây cho bạn (đồng nghiệp, bạn không thân thiết, 1 mối quan hệ đã kết thúc...) Trong khi đó, người yêu thương bạn nhất mà bạn cần trân trọng đang lo lắng cho bạn rất nhiều.

3. Dành thời gian cho những sở thích có hại

Bạn thích lên bar hút bóng, quẩy nhạc xập xình chứ? Bạn đã từng đi nhậu tới mấy giờ sáng, bố mẹ gọi không nghe, không ngước được mắt lên nhìn cái bóng đèn chưa? Bạn đã từng uống say tới mức chẳng biết mình về nhà như nào chưa? Bạn đã từng tụ tập hút cần thâu đêm với bạn bè chứ?
Mình không có ý định bảo uống rượu, đi bar sàn, hút bóng hay hút cần là xấu. Ai cũng nên có những trải nghiệm cuộc sống (trừ ma túy và các tệ nạn vi phạm pháp luật). Nhưng mà bạn thử nghĩ xem, sau mỗi trận say, cơ thể bạn phải gồng mình ra sao đào thải và chống chọi với những chất độc mà bạn đã nạp vào cơ thể. Sau mỗi lần hút hít não bạn phải cố gắng ra sao để lấy lại trạng thái cân bằng. Và bố mẹ bạn sẽ đau buồn thế nào khi thấy bạn nạp những chất độc đó vào người, khi biết rằng bạn có những mối quan hệ không lành mạnh ảnh hưởng xấu tới bạn?
Nhân tiện thì gần đây có trao lưu Friend with benefits, Sugar Baby hoặc One night Stand. Quan niệm thì tùy mỗi người, và có thể lấy lý do là do nhu cầu. Nhưng người thân bạn sẽ nghĩ sao khi con gái mình đi xung quanh và lên giường bừa bãi theo cảm hứng với 1 người lạ mặt không thể gọi tên mối quan hệ như thế? Rồi sẽ phải làm sao khi đối mặt với nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm, nguy cơ có sự cố xảy ra. Đặc biệt con gái sẽ phải chịu thiệt thòi hơn nhiều nếu bị lợi dụng.
Trên đời này có 2 thứ thực sự quan trọng và quý giá. Đó là thời gian và sức khỏe. Nó quý giá không phải vì nó đắt tiền, mà vì chúng vô giá. Thời gian trôi đi không thể lấy lại được. Sức khỏe một khi đã suy kiện phải mất rất nhiều tiền bạc và thời gian để phục hồi, thậm chí không thể phục hồi lại như ban đầu được. Bố mẹ bạn chỉ có 1. Họ già đi bạn không thể can thiệp vào điều đó. Vậy, theo bạn nên dành ưu tiên cho những gì?