Cuối cùng thì ngày ấy đã đến, tôi đã có thời gian một mình, lén lút mở được bộ phim 18+ ấy ra, và xem nó. Nghe đồn nhiều đám trẻ con cũng đã phải nín thở, trà trộn vào rạp, thổn thức đăng xuất ra nhiều giọt nước mắt cho số phận người phụ nữ đẹp người đẹp nết nhưng bị số phận chà đạp bởi những gã đàn ông đểu cáng. Những bài học đạo lý, cách làm người, những câu quote catchy tràn lan trên mạng, cùng giai điệu bài hát ấy cứ thế ngân vang khiến cho bộ phim ấy đạt doanh thu lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Vâng, xin lỗi đã lỡ khiến các bạn cảm thấy có gì đó sai sai, vì mình đang nói đến bộ phim Mai của Trấn Thành, một kiệt tác phim 18+ của Việt Nam, chứ không phải cái thứ truyện giẻ rách huyền thoại 18+ đen tối kia. Giống như Bố già có this có that, bình Mai cũng vậy. Đã có nhiều bài viết bình luận và mình đã đọc nát bươm khắp các mạng xã hội thời Tết, để rồi vẫn phải bấm bụng chờ cho đến cái ngày em nó được đưa lên Netflix. Với một người yêu điện ảnh, một tác giả truyện, mình đương nhiên quan tâm vô cùng đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, và chắc chắn Mai đã là một hiện tượng nhiều người đã mổ xẻ. Dưới đây là góc nhìn của mình sau khi xem xong bộ phim này.

1. Sự khác biệt trước và sau khi xem phim

Trước khi xem thì Mai đã quá nổi tiếng, và mình cũng đã xem hết các bài viết, video bình luận, status của cả celeb lẫn người thường về bộ phim. Lý do mình không đặt vé đi xem vì mình đã từng hụt hẫng bởi phép dẫn dắt của ekip truyền thông cho Bố Già, mình có note lại ở đây. Họ quá giỏi tạo ra một sự tranh cãi để phim nổi tiếng thu hút, rồi sau đó lại càng khiến người ta tò mò. Để rồi người chửi thì lại bị coi là sân si với phim Việt và đạo diễn, kẻ khen thì lại bảo guu bị dẫn dắt hoặc mua bài. Không rõ ai mới là người nói thật trong thời đại truyền thông này, và bình phim ở Việt Nam cực kỳ khó tin cậy đối với những người khó tính như mình.
Đây là một số ấn tượng của mình về phim thông qua các bình luận đó:
- Phim không quá hay, nhưng cũng không phải quá dở
- Trấn Thành đã lên tay rất nhiều, nhưng cũng còn nhiều cái sa đà
- Phim rất đời và thực tế nên nhiều người xúc động rơi nước mắt
- Nhiều người rút ra được nhiều bài học tâm đắc về sự quan trọng của đồng tiền và thực tế trong xã hội, khâm phục đạo diễn Trấn Thành.
Còn đây là cảm nhận của mình sau đó, một cách nhanh chóng:
- Phim có tiến bộ hơn so với Bố già (bản điện ảnh Việt Nam), nhưng vẫn mắc một số lỗi cũ về logic nhân vật
- Mình bị dị ứng với cách tư duy và xử lý mâu thuẫn của các nhân vật trong phim
- Phim lột tả nhiều cái xấu xa của cuộc đời, nhưng lại cố chèn những bài học đạo lý khiến nó giống như trong một câu chuyện cổ tức ngược (cổ tích nhưng mà kết thúc không có hậu và xem bị tức ngược)
- Phim có thể gây bực mình nhẹ cho những ai lỡ tin vào sự có thật của các nhân vật đó, nhưng lại không chịu chấp nhận cái logic của nó.
- Phim thích hợp để vừa xem 10 phút vừa ăn sáng, chứ chưa đáng để các cháu dành cả thanh xuân bỏ học hì hụi vào xem như ở trên báo. Hy vọng các cháu không quá thổn thức, vì nếu có thì cũng thực sự đáng lo ngại (lát mình sẽ nói kỹ hơn về logic và các bài học đạo đức của phim)

2. Vấn đề về logic xây dựng tâm lý nhân vật

Như bài viết ở phim Bố già tôi quote ở trên, tôi từng đã thấy bực mình nhẹ về cách nêu mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn, thì phim Mai này cũng vậy. Trước khi đến phần spoilers, tôi sẽ khơi nhẹ vài điểm lỗi mà nếu pattern này không sửa, thì khán giả của phim Trấn Thành sẽ chỉ dừng lại ở một nhóm người quá dễ tính với cách kể chuyện này của anh.
Câu chuyện sẽ bắt đầu với một người lao động bình dân, đời và êm ái, giúp ta có cảm tình với họ.
Rồi mâu thuẫn sẽ xảy ra với họ và gia đình của họ, phần lớn là do tư duy hai thế hệ. Thường đoạn này phim làm cũng khá ok, các câu quote bắt đầu ném ra và khi đem lên poster sẽ rất tốt cho viral và truyền thông.
Và bi kịch bắt đầu. Tôi không nói đến bi kịch của các nhân vật, mà là bi kịch của logic xử lý của họ.
Hai bên sẽ la hét các quan điểm vào mặt nhau, xả tức, xả stress, văng hết các loại câu nói viral và bài học đạo đức. Cuộc cãi lộn to dần to dần và đạo diễn hô cắt (đấy là tôi đoán thế, vì cảnh đã hết).
Sau khi cắt xong chẳng ai thèm nghe bên kia nói chuyện, các nhân vật kẹt mãi trong quan điểm cũ của họ để chờ biên kịch xử lý tiếp hộ họ. Và đấy, chẳng nhân vật nào có character development, ai cũng mắc kẹt trong thân phận mà biên kịch gán cho họ.
Vậy biên kịch xử lý tiếp thế nào? Đơn giản, họ tạo thêm bi kịch.
Những người có quan điểm khác nhân vật chính sẽ dí cho họ một thứ tai ương nào đó. Đa phần là một bí mật uẩn khúc trong quá khứ (em gái con thực ra là con gái con, chị bạn thân thực ra là mẹ chồng tương lai, chàng hiệp sĩ thực ra là cậu ấm ăn hại,...).
Và rồi sẽ có một gã người thân ăn hại nào đó làm một cái gì quá sức chịu đựng của nhân vật chính (cá độ, vay nợ,...). Và nhân vật chính kẹt mãi trong thứ tình cảm của họ, họ cãi lộn, họ chửi , họ ra nước mắt, nhưng họ vẫn tiếp tục cày tiền và cung phụng cho gã ăn hại này.
Nhưng đó chưa phải điều khủng khiếp nhất. Vì cách giải quyết của biên kịch sẽ là giết gã đó. Cứ như là ngoài đời chúng ta tiếp tục chịu đựng thì biên kịch của cuộc sống sẽ có cách giết giúp người thân của ta vậy. Điều này xảy ra ở Bố Già, và lại xảy ra ở Mai, khiến tôi cũng chả biết nên cười hay nên khóc. Một thứ cảm giác kỳ lạ, khó tả, mà lại giải trí, rất Việt Nam, đúng như khi tôi đã từng xem cảnh hoàng tử (hoặc Tấm - k nhớ chính xác 😂) hoá Sói đánh nhau với ma cà Rồng trong phim Tấm Cám vậy 🤣
À mà chết hình như tôi vừa spoil toàn bộ logic kể chuyện, nên nếu độc giả nào sau này lỡ xem tiếp phim của a Thành mà thấy như vậy thì cho tôi xin 1 subscribe nhé, bạn maybe sẽ không còn xem phim này dưới cái nhìn cũ của anh ấy được nữa.

3. Chuyện đạo lý cuộc đời của phim

Mình phải công nhận bác Thành giỏi nhìn ra những nỗi đau của nhiều người Việt, nên nói ra được những mâu thuẫn chất chứa mà không phải ai cũng chạm vào được. Chỉ có điều, bác khơi ra được cho người ta ngứa, và chọc để ngứa thêm nữa, nhưng rồi lại để đó. Bác khiến người ta ngứa mà không gãi cho người ta được. Và đấy cũng chính là cuộc đời, vì ngoài đời có phải lúc nào bạn ngứa bạn cũng gãi được đâu.
Và đây là những chỗ làm mình ngứa của phim Mai, hy vọng các bạn nào cũng là nạn nhân thì bơi vào gãi giúp mình (các):
- Ai cũng chỉ gồng lên nói theo chiều của mình mà chẳng chịu lắng nghe.
Đỉnh cao của đoạn này là ông hàng xóm người Tàu định vào hấp diêm Mai, xong bị bồ của Mai đánh. Cả lũ ra phường công an, thì thay vì bênh vực nạn nhân với nhân chứng rõ ràng ông kia chỉ gào mồm 1 câu: tôi mới là người bị đánh cơ mà. Còn bà vợ thì cứ hỏi sao mày lại đi quyến rũ chồng tao. Ừ thì cuộc đời cũng có victim blaming, nhưng chỉ có phim cổ tức ngược mới cho xã hội đi bênh vực cái xấu, cái ác
- Thay vì thấy sự tích cực cố gắng của người khác thì luôn dập nó đi
Nhiều người khen Hồng Đào diễn giỏi, nhưng mình thấy không thể thấm nổi nhân vật này. Mẹ gì mà luôn muốn con mình là một con Sâu, phủ nhận toàn bộ sự cố gắng của nó. Thu thẻ credit card của nó ok, nhưng tại sao lại còn mua lại nhà ở của nó, cắt chỗ làm,.. để gây khó khăn hơn cho nó? Chẳng có mẹ nào lại ác với con đẻ của mình như vậy nếu họ luôn bao bọc cho đứa con mình từ nhỏ và không nghĩ nó có thể trưởng thành. Bà mẹ bị nhập nhầm vai dì ghẻ không cần thiết, trong một thứ mâu thuẫn quan điểm chẳng đủ mạnh để có thể thay đổi vô lý đến vậy.
Kể cả Mai cũng vậy. Sâu là một cậu ấm hay thế nào thì cũng đã cố giành dụm tiền để mua nhẫn cưới, sẵn sàng ở bên Mai đến cùng. Cậu bé này chính ra rất đàn ông, nhưng biên kịch vẫn cứ phải gắn mác chưa trưởng thành cho cậu, thông qua cách các nhân vật khác cứ thế phủ nhận cậu. Và rồi khi cả thế giới khinh bỉ Mai cho một tội ác quá khứ chẳng phải do cô gây ra, thì cậu là người duy nhất đứng ra bảo vệ cho cô. Vậy mà Mai giở giọng nói chuyện mất dạy, rồi dùng nước mắt chất vấn cậu lương làm thấp hơn lương tui thì lo cho tôi kiểu gì? Ô hay, người ta lương thấp nhưng là công tử hào môn, sống đâu bằng đồng lương. Cắt lương chỉ là tạm thời, người ta hoàn toàn có thể xin mẹ thay đổi mà, huống hồ bà mẹ cũng là bạn thân của Mai. Mai có bị ngu không mà lại khoe mình giàu hơn người ta thế trong khi cả nhà Mai đang làm thuê cho mẹ người ta? Mà kể cả lương thấp thì người ta yêu Mai chân thành, sao cô lại lấy lương để đánh giá mà không nhìn vào việc người ta đã thay đổi thế nào?
- Thay vì thương cảm cho hoàn cảnh người khác thì đánh giá họ
Bi kịch lớn nhất của phim là việc Mai từng bị đánh thuốc mê bởi chính ông bố đẻ (do Trấn Thành đóng), để bán trinh cứu mẹ bị bệnh, rồi đẻ ra cô con gái les (do em Trấn Thành đóng). Tình huống oái oăm chẳng khác gì phim Bố già, với việc em gái của nhân vật do Tuấn Trần đóng, là con gái của anh ta, do ông bố mang về nuôi vì người yêu của hắn bầu xong bỏ đứa con đó đi, và giữ được bí mật đó suốt chục năm.
Lý do các cái twist này để cuối phim không chỉ là để gây bất ngờ tạo cú huých drama cho nhân vật, mà là lợi dụng tiết tấu nhanh ấy để khán giả tắt não không kịp đặt ra câu hỏi cho chất đời trong cái thứ logic kịch bản ấy. Có ông bố nào đánh thuốc mê đứa con gái mình đẻ ra cho thằng khác mua trinh, để rồi lại đem kể lại chuyện này để triệt tiêu đường tình duyên của nó? Có cô con gái nào bị bố lừa như vậy, lại chịu cho cô con gái của mình ở riêng với ông bố già ấy? Rồi ông bố kia đã triệt đường tình duyên của con, không biết thấu cảm cho nó lại còn lớn giọng mắng nó sao không cầm tiền của bà mẹ đã trả tiền cho gia đình để chia tay? Chưa kể, hai mẹ con gì mà nhìn như hai chị em vậy, còn ông ngoại ngoài đời thực ra là anh trai của cô con gái.
Còn bà mẹ, người chị của Mai, khi nghe câu chuyện buồn ấy, không thấy thương cho Mai, mà lại lôi ra để đánh giá nạn nhân. Chỉ riêng thằng Sâu trẻ con là tử tế nhất, vẫn bảo vệ Mai. Nhưng cuộc đời (biên kịch) vẫn cho thằng bạn Sâu được to mồm trách nó là ngu, và sẵn sàng đấm vào mặt Sâu, như đấm vào mặt khán giả. Sâu vừa ngoi lên được thì bà mẹ lại bồi thêm một quả đột quỵ luôn tại chỗ , cùng với cái chết của diễn viên chính do đạo diễn Trấn Thành thủ vai chính thức cho cậu đăng xuất khỏi cuộc đời Mai cho nó giống đời.
Có những nhân vật ác vì một động cơ nào đó, nhưng cái ác vì ngu, vì dốt, nhưng lại vẫn được cao giọng vì đóng vai người nghèo, người khổ, nó là một cái ác khiến cho tôi chẳng thể thông cảm được. Nhưng kể cả có nhân vật ấy tồn tại thật ngoài đời, thì tôi cũng chẳng tin họ cứ có thể mãi ngu, mãi ác như vậy mà không chịu thay đổi và có tình thương với con mình. Đây là cái ác của một kịch bản nghèo nàn khiến cho tôi không thể tắt não mình để tin rằng cái đời của phim là thật.
Đọc tiếp phần còn lại của bài viết ở đây
Vừa rồi là những cảm nghĩ của mình về phim Mai. Mình viết khá giải trí và tuỳ bút nên giọng văn hơi có phần bay bổng, mong độc giả lượng thứ. Hãy đăng ký subscribe blog trên để không bỏ lỡ các bài viết của mình nhé