Bản chất của cái chết, tình yêu và cuộc sống
Cocoon, Photo by Bankim Desai on Unsplash Trích dẫn từ cuốn sách Món quà của cái chết viết bởi chị Phạm Hải Yến, kể lại bài...
Trích dẫn từ cuốn sách Món quà của cái chết viết bởi chị Phạm Hải Yến, kể lại bài học tâm linh của bản thân chị qua trải nghiệm chia lìa với người chị thương yêu. Đứng từ góc độ của người ở lại hay người ra đi đều có những điều khiến người đọc phải suy nghĩ và nhìn nhận lại cách sống của bản thân và mình xin phép trích lại hai điều mình nhận ra sau ba tiếng đồng hồ ngồi đọc một mạch 173 trang giấy.
Lý trí phản ánh quan niệm xã hội, còn trái tim phản ánh sự thật.
Khi mất đi thể xác và trí óc đi rồi thì ta mới nhận ra điều trên. Ta được nuôi dạy để chọn lý trí thay vì trái tim, dẫn đến việc ta không tin vào chính mình và kìm nén cảm xúc. Mặt khác, ta không biết trân trọng chính mình, lúc nào cũng đặt người khác lên trên, và lỗ trống không biết yêu thương chính mình đã chuyển hóa sang bệnh tật cơ thể.
Đến khi bệnh nặng, ta mới thực sự được sống. Vì lúc đó không còn tương lai nữa, ta bắt đầu sống trong hiện tại, bắt đầu cảm nhận được từng hơi thở của mình, cảm nhận được tình yêu thương của mọi người.
Chúng ta không thể cho đi những gì mà chúng ta không có.
Sự thật là chính mình là nguyên nhân duy nhất của cuộc đời mình. Tại thời điểm ta quyết định nhận trách nhiệm hoàn toàn cho tất cả mọi niềm vui và nỗi đau tìm kiếm tình yêu từ bên ngoài, ta mở ra cánh cửa đón nhận năng lượng diệu kỳ của tạo hóa, tự chữa lành và yêu thương bản thân vô điều kiện. Khi ta đong đầy tình yêu thương trong mình, ta càng thấy trân trọng vai trò của những nỗi sợ hãi trong đời.
Ngoài hai điều trên, phần cuối cuốn sách có nêu ra 4 cấp độ sang chấn hay sự sợ hãi bên trong để ta có thể nhận diện, từ đó tự chữa lành.
Tầng 1 - Sang chấn xã hội: ta hay đánh đồng với văn hóa, quan điểm số đông xã hội để ta có lý do trốn tránh trách nhiệm với bản thân mình. Ta hay nói "Xã hội như thế thì mình cũng phải như thế" và nguồn gốc của nó từ sự bất an, nỗi sợ thất bại, mong muốn được chấp nhận hoặc thiếu nỗ lực tự thân để chọn lựa một cách sống khác.
Tầng 2 - Sang chấn tuổi thơ: hình thành khi chúng ta bị phạt mỗi khi ta không nghe lời cha mẹ, không sống và không đạt được kỳ vọng của người lớn. Nguyên nhân của sự sang chấn thường bắt nguồn từ bản năng tìm kiếm sự yêu thương từ bên ngoài khi chúng ta còn nhỏ chưa tự sống sót được. Một khi tình yêu trở thành sự trao đổi giữa con cái và cha mẹ, não bộ sẽ nhanh chóng học các hành vi được nhận tình yêu và chúng sẽ trở thành phản ứng tự động khi chúng ta lớn lên.
Tầng 3 - Sang chấn thế hệ: xuất hiện khi sang chấn xã hội và tuổi thơ không được chữa lành. Chúng ta thường thấy một phần hành vi và tính cách của chúng ta giống với cha mẹ mình là vì vậy.
Tầng 4 - Sang chấn tiền kiếp: xảy ra khi vết hằn của một sự kiện đau đớn được in dấu lên linh hồn bạn do cái chết của bản thân hoặc người mà bạn thương yêu, gây ra nỗi sợ hãi mơ hồ vô thức trong kiếp này như nỗi sợ độ cao, sợ đám đông, sợ bị đổ lỗi, sợ hôn nhân,...
Tóm lại, chúng ta ra quyết định trong cuộc đời mình qua hai động lực chính lực kéo của tình yêu và lực đẩy của sợ hãi. Ta thường không nhận ra mình đang sống theo lực đẩy của sợ hãi cho đến khi ta gặp biến cố lớn hoặc bất mãn với những vấn đề cứ lặp đi lặp lại. Những giây phút định hình trong cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng:
Sự lo sợ chẳng qua chỉ là sự vắng mặt của tình yêu thương.
Chúng là những lỗ hổng trong tâm hồn ta cần được chữa lành bởi tình yêu thương vô điều kiện, và sự thức tỉnh quay về với bản chất tâm linh của chính mình (tâm là ta, linh là đúng, tâm linh là những điều ta thấy đúng với ta).
-/-
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất