Hướng nội ‘năng động’ là kiểu người gì kì lạ vậy? Đã hướng nội thì phải khép kín, sống  bình lặng thôi chứ – năng động chỉ dành cho những người hướng ngoại thôi. Đó là những lời mình nghe được từ bạn bè khi mình giới thiệu với bạn bè khái niệm này. Vậy hướng nội ‘năng động’ là người như thế nào? Tóm tắt ngắn gọn, đây là kiểu người có tính cách hướng nội, nhưng không hoàn toàn khép kín mà vẫn có lẫn tính cách của người hướng ngoại, từ đó khiến cho người ngoài nhầm tưởng họ là người hướng ngoại – giống như mình chẳng hạn.
Nếu sau khi làm một số bài test và biết được bản thân bạn là người hướng nội rồi, thì chắc bạn hiền chẳng xa lạ gì với những khái niệm được cho là mặc định dành cho người hướng nội như: thích ở một mình, thích môi trường yên tĩnh, thường suy nghĩ rất sâu xa và thích nhắn tin hơn gọi điện.
Và khi bạn đọc đến đấy thì lại thấy là lạ, hình như chả giống mình tẹo nào: mình chả thích ở nhà cuối tuần, mình thích ra ngoài với bạn bè hơn. Thế thì mình có đúng là người hướng nội như kết quả bài test bảo không?
Tóm lại: Nếu bạn là người cần phải nghỉ ngơi trong yên lặng sau khi tham gia một sự kiện xã hội, thì có lẽ bạn đúng là một người hướng nội rồi. Nhưng bạn không phải là kiểu người hướng nội bình thường, mà là một kiểu hướng nội ‘năng động’.
Tính cách hướng nội và hướng ngoại không phải là 2 cái gì đối lập nhau như màu đen và màu trắng. Các bạn cứ tưởng tượng 2 tính cách này giống cốc cà phê nâu đá (sữa đá) ấy, 2 màu có thể quyện lẫn vào nhau tạo thành thứ thức uống ngon tuyệt. Có người hoàn toàn thích vị ngọt của sữa, có người lại chỉ thích vị đắng của cà phê, và có người thì lại ở đâu đó giữa vị đắng và vị ngọt, tức là cafe nâu đá hoặc bạc sỉu đó. Những người có tính cách nửa này nửa kia như thế, thế giới có một khái niệm khác dành cho họ, đó là ‘ambivert’.
Vậy bạn có phải là một ambivert như mình không? Nếu bạn có 8 đặc điểm này giống mình, thì rất có thể bạn cũng có tính cách giống như mình rồi:

1. TÂM TRẠNG CỦA BẠN PHỤ THUỘC VÀO MÔI TRƯỜNG

Có nghĩa là bạn là một người rất dễ thay đổi tâm trạng, năng lượng làm việc, tuỳ thuộc vào môi trường xung quanh bạn, ví dụ như thứ nhạc đang được phát, cách mọi người giao tiếp xung quanh chẳng hạn. Một bài nhạc trữ tình có lúc thì giúp bạn hưng phấn làm việc, nhưng có lúc lại làm bạn buồn ngủ. Một bài nhạc rock có lúc khiến bạn tràn đầy hứng khởi, nhưng có lúc thì khiến bạn đau cả đầu. Nói chung là vẫn một môi trường đó nhưng tâm trạng bạn lại khác nhau vào từng thời điểm, thế thì có thể bạn là một ambivert.

2. BẠN VỪA THÍCH LÀM VIỆC VỚI MỌI NGƯỜI VỪA KHÔNG THÍCH

Ví dụ như mình, bình thường khi đi làm rất thích tư vấn 1-1 cho các bạn trẻ, thích hướng dẫn các bạn làm việc này việc kia. Cũng có lúc mình rất thích công việc đi dạy, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về kiến thức và kinh nghiệm của mình. Nhưng có lúc thì mình lại thấy chây ì và lười kinh khủng, cứ nghĩ đến việc đi chia sẻ, đi tư vấn là lại thấy mệt mỏi, chẳng có động lực gì. Và nếu cả tuần mà đi thuyết trình và chia sẻ nhiều rồi, thì cuối tuần mình chỉ thích ở một mình ôm máy tính hoặc đi chơi với người yêu thôi.

3. CÓ NGƯỜI LÀM BẠN THÍCH, CÓ NGƯỜI LẠI KHIẾN BẠN GHÉT

Có một vài người bạn mà bạn có thể dành cả tháng nói chuyện với họ cũng chả bao giờ hết chuyện. Gặp họ lúc nào cũng rất vui và cười đùa ẫm ĩ cả quán. Nhưng có những người thì bạn chả muốn gặp bao giờ, cứ nhìn thấy mặt là thấy khó chịu rồi, mất hết cảm hứng làm việc.

4. BẠN VỪA NÓI NHIỀU, LẠI VỪA NGHĨ NHIỀU

Bạn có thể là một người nói nhiều và là người thường xuyên nói trong các cuộc hội thoại với bạn bè. Và bạn bè có thể nghĩ bạn là đứa nói nhiều như thế chắc chả có thời gian để nghĩ mấy vì mồm mép tép nhảy mà. Nhưng sự thật thì trong đầu bạn đang diễn ra một đống suy nghĩ mông lung về thế giới và tương lai, một vũ trụ những suy nghĩ mà bạn không thể hiện ra bên ngoài.

5. BẠN CẦN THỜI GIAN ĐỂ CỞI MỞ VỚI NGƯỜI KHÁC

Bắt chuyện với người lạ có vẻ hơi khó khăn với bạn và bạn không thích làm điều đó lắm. Nhưng một khi đã quen biết xíu xíu rồi, thì bạn lại rất thoải mái nói chuyện và tỉ tê tâm sự đủ thứ trên đời với người đó mà chẳng ngại ngần gì.

6. BẠN CHỈ CHỌN BẠN MÀ CHƠI

Khác với những người hướng ngoại rất quảng giao và nhiều bạn, bạn chỉ có một vài người bạn thân thôi, nhưng rất thân thiết với những người đó. Và bạn thấy rằng việc chỉ có một vài người bạn thân thiết như vậy cũng chẳng có vấn đề gì, quan trọng là chất lượng chứ cần gì số lượng.

7. BẠN KHÔNG CÓ NHU CẦN QUẢNG BÁ BẢN THÂN

Khi tham gia một sự kiện đông người thì người hướng ngoại luôn cố gắng để khiến bản thân được nổi bật nhất, trong khi người hướng nội thì thường có xu hướng thu mình và ít tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên bạn có tính cách ở giữa, vậy nên bạn chẳng muốn mình quá nổi bật, chỉ cần được nói chuyện với 1-2 người trong suốt cả buổi cũng khiến bạn thấy rất ok rồi.

8. MỌI NGƯỜI AI CŨNG NGHĨ BẠN LÀ NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI

Giống như mình ấy, bạn bè mình lúc nào cũng đoán mình là một đứa hướng ngoại chính hiệu, vì thấy mình rất chăm chỉ tham gia các hoạt động xã hội và chia sẻ các thứ. Tuy nhiên từ sâu thẳm trong bản thân và qua các bài test tìm hiểu tính cách, mình tự biết rõ mình sỡ hữu những tính cách của người hướng nội. Và thật khó để giải thích cho mọi người điều đấy.
Vậy nếu bạn có một vài đặc điểm ở trên hay trải qua một số tình huống ở trên, có thể bạn cũng đang là một ‘ambivert’ giống mình đó. Và ambivert thì chả có gì là kinh khủng quá cả, mỗi người một tính cách mà, quan trọng là chúng ta cần làm gì để phát huy tốt nhất tính cách của chúng ta mà thôi.

Các bài viết khác của mình: https://anhtuanle.com/articles/