Trước khi Roger Bannister lập kỷ lục thế giới với thành tích chạy 1 dặm trong vòng 3 phút 59,4 giây, tất cả mọi người vẫn nghĩ rằng không thể chạy 1 dặm dưới 4 phút. Vì đây là một điều bất khả thi về mặt thể lực. 46 ngày sau khi Roger đạt thành tích này, lại có thêm một người nữa cán đích dưới 4 phút. Cho đến bây giờ, hàng nghìn vận động viên đã đạt thành tích “dưới 4 phút trong 1 dặm”.  
Tại sao lại có sự thay đổi như vậy trước và sau khi Roger đạt thành tích này? Đó là bởi Roger đã giúp tất cả mọi người loại bỏ niềm tin được giới hạn rằng không thể chạy dưới 4 phút 1 dặm. Như Henry Ford từng nói: “Dù bạn nghĩ bạn làm được hay không, bạn luôn đúng.”
Nếu như bạn có niềm tin mạnh mẽ rằng bạn có thể đạt được những điều mình muốn, chắc chắn, bạn sẽ tạo ra được sự khác biệt. Tin rằng mọi điều là có thể, cố gắng nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu chính là một trong những đặc điểm của người có tư duy phát triển.

Tư duy phát triển là gì?

Nhà tâm lý học Carol Dweck lần đầu giới thiệu về khái niệm tư duy phát triển trong cuốn sách “Tâm lý học để thành công”. Trong quá trình làm việc, bà đã thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau về những người thành công và cả những người thất bại. Bà cho rằng những người thành công là những người có tư duy phát triển. Họ tin vào việc cố gắng nỗ lực làm việc chăm chỉ, phát triển những cách thức mới, biết đầu tư và không ngừng học hỏi để nâng cấp bản thân. 
Carol định nghĩa: “Tư duy phát triển dựa trên niềm tin rằng những phẩm chất cơ bản của bạn là thứ có thể trau dồi bằng nỗ lực bản thân. Dù ban đầu chúng ta có thể không giống nhau về tài năng, năng khiếu, sở thích hoặc tính cách, chúng ta đều có thể thay đổi và phát triển bằng cách liên tục trải nghiệm và ứng dụng vào cuộc sống”.
Trái ngược với tư duy phát triển là tư duy cố định. Người có tư duy cố định cho rằng tính cách, sự thông minh và khả năng sáng tạo đều được quyết định do gen. Nếu họ gặp thất bại thì có nghĩa là họ không thông minh hoặc không có tài năng trong lĩnh vực đó. Điều đó ngăn cản họ tiếp tục nỗ lực và cố gắng. Bởi họ cho rằng kể cả làm như vậy thì cũng không thay đổi được điều gì. 
Tôi cho rằng, tư duy chính là những niềm tin mãnh liệt và quyền lực nhất. Chúng khiến bạn tạo ra sự thay đổi, định hướng cho những quyết định và hành động của bạn. Nếu sở hữu một tư duy phát triển, bạn sẽ giải phóng được những tiềm năng mạnh mẽ nhất của bản thân và dễ dàng đạt được mục tiêu của mình.

Những ví dụ về tư duy phát triển

Khi bạn muộn làm

Sáng ngày hôm đó, khi bạn tỉnh dậy đã là 8:30 sáng. Vậy là đã quá giờ làm việc tận 30 phút. Bạn cuống cuồng ra khỏi giường, nhanh chóng mặc quần áo, vội vàng dắt xe ra và phi như bay đến công ty. Trên đường đi, bạn bực bội không ngừng vì cái đồng hồ báo thức không kêu như thường lệ và cố gắng nghĩ cách để đối phó với lời quở trách của sếp.
Nếu như bạn xử sự đúng như tình huống trên, tư duy cố định đang sở hữu bạn. Bởi người có tư duy phát triển sẽ không đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh. Họ sẽ chấp nhận sự thật rằng mình đã đi muộn và tìm cách để không phạm phải sai lầm này lần sau. Có thể họ sẽ đi ngủ sớm hơn, để chiếc đồng hồ xa khỏi tầm với và cài đặt âm lượng cao hơn để hạn chế việc tắt báo thức rồi ngủ quên mất.   

Khi bạn nhận chỉ trích từ người khác

Bạn là một cây viết mới và đăng tải bài viết của mình trên trang cá nhân. Có người khen ngợi nhưng cũng có người góp ý tiêu cực về bài viết. Họ chỉ trích cách trình bày, ý tưởng và kỹ năng viết của bạn. Lúc này, có thể bạn sẽ ngay lập tức buồn rầu vì nhận định những lời chỉ trích của họ là đúng. Bạn cho rằng mình là không có tài năng, kém cỏi và thật vô dụng. 
Trường hợp khác, bạn có thể quá tự tin, nghĩ rằng những người nhận xét như vậy là không hiểu biết. Bạn tin rằng mình đã làm rất tốt và không có gì cần sửa chữa cả. Có thể bạn còn đôi co với họ và để lại những lời phản biện không hay.
Nếu bạn xử lý tình huống như trên, bạn đang sở hữu tư duy cố định. Là người có tư duy phát triển, bạn sẽ không làm như vậy. Bạn sẽ bình tĩnh để xem xét lời nhận xét từ độc giả. Nhìn nhận những lời góp ý này một cách chủ quan, đọc lại bài viết của mình và tìm hiểu xem đâu là vấn đề mình cần cải thiện. 
Nếu cần sửa đổi, bạn sẽ không ngần ngại thừa nhận khuyết điểm và cố gắng khắc phục chúng. Nhưng nếu bạn biết rằng những gì mình viết ra đã phù hợp với những giá trị của mình, bạn hiểu rằng bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Khi nhận một công việc mới

Khi bạn được phân công nhận một dự án mới mà bạn chưa từng làm bao giờ, có thể bạn sẽ sợ hãi và thấy không phù hợp với dự án. Bạn sẽ nghĩ ra rất nhiều lý do khiến bản thân nhụt chí và lùi bước. Tuy nhiên, nếu có một tư duy phát triển, bạn biết rằng, mình luôn có thể học hỏi trong quá trình làm việc. 
Kể cả khi mắc lỗi, đó cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu giúp bản thân trở nên tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng sẽ biết cách tìm hiểu và học hỏi thêm những kỹ năng mới để có thể hoàn thành dự án một cách tốt nhất trong khả năng của mình. 

Làm thế nào để hình thành tư duy phát triển?

Nhìn lại bản thân. 

Dành thời gian để nhìn lại bản thân, trân trọng những gì mình đã làm được đồng thời tìm ra những vấn đề cần cải thiện. Hiểu được bản thân để phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu của mình. Như vậy, bạn sẽ hình thành được tư duy phát triển cho bản thân.

Loại bỏ niềm tin giới hạn 

Tư duy, đơn giản là những niềm tin của bạn. Tôi nghe được điều này ở đâu đó và phải gật gù vì nó. Loại bỏ những niềm tin giới hạn sẽ giúp bạn giải phóng tiềm lực của bản thân và hình thành tư duy phát triển. 

Tìm ra mục đích cuộc sống

Nếu có một mục đích rõ ràng, mạnh mẽ, bạn sẽ tìm cách để theo đuổi và đạt được mục tiêu của mình. Quá trình này chính là lúc bạn hình thành được tư duy phát triển cho bản thân. 

Không ngừng học hỏi

Những người có tư duy phát triển là những life-long learner (những người học suốt đời). Họ luôn tìm tòi và học hỏi mọi điều trên hành trình của mình. Từ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đến việc lắng nghe và học hỏi từ những người xung quanh.Nhờ đó mà họ cải thiện và phát triển bản thân.

Rời khỏi vùng an toàn của bản thân

Rời khỏi vùng an toàn của bản thân là một cách tự thử thách bản thân. Thử thách này có thể khiến bạn sợ hãi mà chùn bước. Nhưng nếu coi đây là cơ hội phát triển bản thân, bạn sẽ trở nên thành công hơn rất nhiều. Biết nắm bắt cơ hội, nỗ lực hết mình để phát triển những kỹ năng mới, học cách làm việc và tương tác với mọi người, tìm cách vượt qua những chướng ngại vật trên con đường bạn đi chính là điều quý giá nhất mà bạn có được. 

Kiên cường gan góc theo đuổi mục tiêu – “Grit”

Tôi không tin vào thành công sau một đêm. Nếu như bạn đã từng đọc cuốn “Những kẻ xuất chúng”, bạn biết cần 10.000 giờ để có thể trở nên giỏi giang ở một lĩnh vực nào đó. Có thể không cần đến 10.000 giờ, nhưng chắc chắn, sẽ mất thời gian để học một kỹ năng mới, một ngôn ngữ mới hay một nhạc cụ mới.
Trong thời gian này, có thể sẽ có những điều khiến bạn chán nản, buông xuôi và muốn bỏ cuộc. Điều bạn cần làm là tập trung, nỗ lực và kiên cường theo đuổi mục tiêu của mình. “Grit” chính là điều bạn cần rèn luyện để vững vàng vượt qua mọi khó khăn và tiến về phía trước. 

Cho phép bản thân được thất bại

Thất bại chính là bước đệm quan trọng dẫn đến thành công. Thất bại giúp bạn học được nhiều bài học có ý nghĩa, khám phá thêm những khả năng của bản thân và trở nên vững vàng hơn. Những người thành công nhất trên thế giới không phải là những người chưa từng thất bại. 
J.K Rowling đã bị 12 nhà xuất bản từ chối trước khi đưa được Harry Potter đến tay bạn đọc và trở thành người phụ nữ giàu thứ hai hành tinh với thương hiệu được định giá lên đến 15 tỷ đô la. Edison trải qua 10.000 lần thất bại để rồi phát minh ra bóng đèn điện. Họ đã thất bại đủ nhiều để có thể đạt được thành công rực rỡ mà chúng ta trầm trồ ngưỡng mộ hôm nay.

Dành thời gian với những người có tư duy phát triển

Bạn là trung bình cộng của năm người mà bạn chơi thân nhất. Bởi vậy, hãy dành thời gian với những người có tư duy phát triển. Bạn sẽ dễ dàng học hỏi và phát triển bản thân. 
Ngoài ra, đọc sách cũng là một cách để hình thành nên tư duy phát triển cho bản thân. 

Quan trọng là hành trình, không phải đích đến

James Clear – tác giả tôi yêu thích có viết: “Hãy nhớ rằng, hành trình bạn trải qua là quan trọng chứ không phải đích đến. Điều đó có nghĩa là quan tâm đến những kỹ năng bạn cần trau dồi chứ không phải những điều khi sinh ra bạn đã sở hữu. Bạn có thể trở nên sáng tạo hơn, thông minh hơn. Cũng có thể trở thành vận động viên hay một nghệ sĩ tuyệt vời và thành công hơn nữa bằng cách tập trung vào quá trình chứ không phải là kết quả cuối cùng”.
“Thay vì lo lắng về việc chiến thắng giải đấu, hãy cam kết tập luyện như một nhà vô địch. Thay vì lo lắng viết sao cho được cuốn sách bán chạy nhất, cam kết với hành trình sáng tạo ý tưởng một cách thường xuyên, liên tục. Thay vì lo lắng làm thế nào để có cơ bụng sáu múi, hãy cam kết bằng việc ăn uống lành mạnh mỗi ngày”. 

Là chính mình

Có lẽ điều khó nhất với bản thân tôi đó là phải giả vờ là người khác và không được là chính mình. Sống với những giá trị của bản thân, theo đuổi những mục đích của mình, dù có khó khăn, cũng là một đặc điểm của những người có tư duy phát triển.
Hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều gợi ý và động lực trên con đường phát triển bản thân của mình. Dù cũng chỉ mới bắt đầu những bước đầu tiên trên hành trình còn lắm gian truân của mình, tôi hiểu rằng, còn học hỏi là còn phát triển. Và hạnh phúc sẽ được tìm thấy trên đường đi, không phải ở đích đến, phải vậy không?
Chúc bạn luôn cảm nhận được hạnh phúc trên từng bước đi trong hành trình của mình!
Bài viết có tham khảo từ các nguồn sau: