Thời đại huy hoàng của ballad tại Việt Nam đã kéo dài rất lâu mà không có dấu hiệu chấm dứt, điều đó tạo nên một công thức chung bách phát bách trúng mà bất cứ ca sĩ, nhạc sĩ nào cũng muốn học theo. Tuy nhiên, liệu việc tất cả mọi người đều đi chung một con đường như vậy có biến nó thành lối mòn?

Ballad đã trở nên nhàm chán thế nào?

Điểm qua một số cái tên đã leo lên top 1 trending trong năm nay, có thể thấy rõ ballad chiếm ưu thế lớn đến như thế nào. Mở màn năm mới với “Tặng anh cho cô ấy” của Hương Giang cùng sự góp mặt của Hứa Kim Tuyền trong vai trò sáng tác, tiếp theo đến “Hơn cả yêu” của Đức Phúc hợp tác cùng nhạc sĩ Khắc Hưng, nối tiếp là bản ballad của ông hoàng miền tây Lê Bảo Bình với bản hit lập kỷ lục trụ top 1 lâu nhất “Thích thì đến”, gần đây nhất là 2 chị em Hòa Minzy - Erik nối đuôi nhau trở lại cùng “Em không sai, chúng ta sai” và “Không thể cùng nhau suốt kiếp”. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng sản phẩm âm nhạc nửa đầu năm không nhiều, vậy nhưng có tới 5 bản ballad chiếm giữ top 1 trending đã khẳng định vị thế khủng khiếp của thể loại này đối với công chúng như thế nào. 

Tuy nhiên, ngoại trừ “Hơn cả yêu” có nhiều điểm khác biệt, cả 4 bài hát còn lại đều đi theo một công thức chung, không chỉ là điểm chung giữa 4 bài hát này với nhau mà còn là điểm chung của ballad Việt suốt nhiều năm nay: cấu trúc verse-chorus-bridge-chorus cơ bản, giai điệu đơn giản dễ nghe dễ hát theo, sử dụng tiếng piano làm nền chính đôi khi điểm xuyết vài tiếng trống tạo cao trào, lời ca buồn bã sầu thảm, có những câu hát “chìa khóa” rải đều nhằm viral mạng xã hội. 
Đặc biệt, một điểm chung cực kì lớn của chúng, đó là tập trung tạo sự chú ý chủ yếu đến từ hình ảnh, và tất cả các nước đi đều thành công vang dội theo công thức sẵn có, mọi người hả hê với Hân “tuesday” bị trừng phạt, rơi nước mắt vì thương chàng trai Erik tội nghiệp, phát cuồng với sự hoành tráng của bối cảnh lịch sử,... nhưng hình như chẳng mấy ai nói đến âm nhạc?
Phải khẳng định, công chúng có nhắc đến âm nhạc (một chút). Nếu không thì Hương Giang đã không phải lên tiếng thanh minh rằng vì cô không có ưu thế giọng hát nên phải dùng sự kịch tính trong MV để thay thế, và mới đây nhất Hòa Minzy đã không phải nhận lời chia sẻ “thật lòng” từ một người bạn rằng giá trị âm nhạc qua audio của cô quá thấp.  
 

Họ vẫn thành công, thậm chí thành công vang dội với những công thức quen thuộc này mặc cho sự thành công gần như hoàn toàn không đến từ âm nhạc. Tuy nhiên, ngay cả những sáng tạo về mặt hình ảnh cũng đang trở nên nhàm chán, loay hoay: Hương Giang với phần 4 trong series người thứ 3 đã được khai thác đến triệt để, Lê Bảo Bình với kịch bản trai nghèo cũ kĩ, Erik tiếp tục diễn vai chàng trai đau khổ vì bị phụ tình,... 
Vấn đề không hẳn chỉ nằm ở ý tưởng, ở đạo diễn hay giám đốc sáng tạo, mà chính sự sáo mòn, rập khuôn trong tư duy làm nhạc mới là nguyên nhân chính. Bởi, rốt cuộc, video âm nhạc thì cốt lõi vẫn là âm nhạc, một khi phần âm nhạc quá tù túng, liệu còn có bao nhiêu sáng tạo cho phần hình ảnh? Hình ảnh đã nhàm chán, nghệ sĩ lại tiếp tục đầu tư mạnh tay hơn nữa, tới mức bán đồ vay nợ như Hòa Minzy để làm một MV choáng ngợp hơn nữa, nhưng âm nhạc thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Các nghệ sĩ chắc chắn nhận ra điều này. Nhưng ballad vẫn là một công thức thành công quá đỗi an toàn khiến họ không ai có thể chối từ. Nó an toàn đến mức nối tiếp bản ballad này lại đến bản ballad khác mà bài nào cũng chạm đến top 1 trending một cách cực kì nhanh chóng, công chúng thì bàn luận hết ngày này qua ngày khác về những nội dung trong MV. Nhưng liệu họ có thể sáng tạo trong hình ảnh đến bao giờ, khi chất liệu âm nhạc để khơi gợi hình ảnh vẫn chỉ có như vậy? Ekip của Hòa Minzy có thể cho rằng âm nhạc của họ đang rất hòa hợp với hình ảnh để tạo nên tổng thể, nhưng đa số công chúng lại không thấy như vậy thì sự kiên định của họ có thực sự đúng? Hay hình ảnh hoành tráng đang thực sự nuốt trọn thứ ballad rập khuôn này mất rồi?

Vẫn có cách thoát ra khỏi khuôn khổ, chỉ là ai dám làm?

Như đã nói ở trên, ngoại trừ 4 bản ballad đi theo công thức chung, nửa đầu năm nay còn chứng kiến sự lên ngôi của một bản ballad khác biệt hoàn toàn, đó là “Hơn Cả Yêu” của Đức Phúc. “Hơn Cả Yêu” không phải là một sự bứt phá quá xa khỏi khuôn khổ, nó vẫn chứa đựng hầu hết những yếu tố quen thuộc: những câu hát có tính viral, cấu trúc quen thuộc, tiếng piano êm ái,..
Tuy nhiên, điều khiến “Hơn Cả Yêu” tách biệt với 4 bản ballad còn lại đó là thông điệp tích cực nó mang lại và góc nhìn sắc sảo trong âm nhạc. Khắc Hưng sử dụng toàn bộ những yếu tố có thể coi là “cliché” trong ballad, nhưng cũng đồng thời biến tất cả chúng thành những âm thanh rất sáng, rất hiện đại mà không có một chút sến nào cả. Tất cả để phục vụ cho thông điệp tươi sáng và hạnh phúc bài hát muốn truyền tải, khác hẳn với sự u sầu ủy mị mà pop ballad dễ bị mắc phải. 

Chính vì sự khác biệt ấy, phần hình ảnh trong “Hơn Cả Yêu” cũng tách biệt với các bản ballad top 1 trending khác trong năm nay. Không cần một câu chuyện đầy kịch tính, không cần đến bối cảnh xa hoa hoành tráng, “Hơn Cả Yêu” sử dụng những hình ảnh giản dị, người thật việc thật để khiến những thông điệp bài hát muốn truyền tải không xa lạ mà có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Đây thực sự là sáng tạo rất mới mẻ, đồng thời cũng thực sự là hài hòa tuyệt đối giữa âm nhạc với hình ảnh: Hình ảnh giúp truyền tải trọn vẹn thông điệp của âm nhạc và ngược lại, âm nhạc cũng giúp hình ảnh độc đáo, thăng hoa. 
Và kết quả thì sao? “Hơn Cả Yêu” thành công không thua kém gì các bản ballad khác, thậm chí vượt trội hơn ở một điểm: sự thành công này đến chủ yếu từ âm nhạc. Câu hát “chìa khóa” của bài: “Cao hơn cả núi, dài hơn cả sông, rộng hơn cả đất, xanh hơn cả trời” không chỉ viral trên mạng xã hội mà còn được công chúng thuộc nằm lòng, ngân nga ở khắp mọi nơi. Giai điệu của bài hát cũng xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, khẳng định sự lan tỏa không cần đến hình ảnh hỗ trợ. Cũng là pop ballad đấy, cũng đầu tư mạnh tay vào hình ảnh, nhưng ai dám nói giá trị audio của “Hơn cả yêu” là thấp?
Nhìn rộng hơn, ballad Việt Nam vẫn còn những nghệ sĩ làm nhạc với góc nhìn rất riêng biệt: không đi theo công thức và đặt cá tính của bản thân vào một cách rõ rệt. Ta thấy điều đó nhiều nhất ở Vũ Cát Tường, một nghệ sĩ nổi tiếng với ballad, nhưng không giống với bất cứ ai. Cô cũng hát những ca từ buồn đấy, nhưng không hề bi lụy mà ngược lại, đầy chân thành và hướng đến tương lai tươi sáng: “Mình anh với riêng anh trong đời, vệt nắng trên cao vời vợi, thời gian nhẹ khâu vết thương anh”. Cô cũng sử dụng những cấu trúc cơ bản đấy, nhưng cũng đồng thời biến đổi và luôn đặt những bất ngờ nho nhỏ vào như cách cô biến verse 2 thành bridge và chorus thứ 2 biến thành outro một cách độc đáo và thuyết phục ở “Mơ”. Cô cũng dùng piano làm nền chính, nhưng cũng đồng thời thêm thắt trống, kèn vào rất hợp lý và không cần theo khuôn khổ. Vũ Cát Tường không hẳn là một cái tên gây bão truyền thông bởi cô không sử dụng hình ảnh để hỗ trợ quá nhiều, nhưng âm nhạc của cô thì chẳng ai là không nghe không biết, vậy thì lúc này giá trị âm nhạc của cô là rất cao và hoàn toàn đến từ audio. 

Ngay cả khi nếu bạn không đủ sáng tạo để làm ra thứ ballad khác biệt, mang dấu ấn cá nhân của mình, vẫn có những tấm gương chuyển mình từ ballad sang dòng nhạc khác mà sự thành công chỉ có tăng mà không có giảm. Vâng, còn tấm gương nào sáng hơn Bích Phương, “nữ hoàng nhạc sầu” một thời đã biến hóa hoàn hảo thành “nữ hoàng dance pop”? Bích Phương xây dựng tên tuổi của mình cùng những bản ballad sầu bi thương hiệu Tiên Cookie lâu dài đến mức bị gán với danh hiệu “nữ hoàng nhạc sầu” mặc cho cá tính thực sự của cô trái ngược hoàn toàn với hình ảnh này. Và thật đáng khen, Bích Phương từng bước thoát ra khỏi cái mác ấy một cách chậm rãi từ ballad sầu bi sang ballad nhẹ nhàng tươi vui, thêm dần chút tiết tấu và cuối cùng mới bùng nổ với dance. Mọi thứ đều được tính toán cẩn thận để công chúng dần quen với một Bích Phương “không còn buồn”, đến khi cô thực sự làm thứ âm nhạc cô muốn, công chúng vẫn đứng về phía cô. Giờ đây, cô thoải mái làm những điều cô thích, kể cả quay lại nhạc buồn cô cũng không cần chọn ballad mà thành công chỉ có tăng lên mà thôi. 

Kết

Ai cũng muốn sự an toàn, và nếu công thức chung vẫn thành công thì mong chờ một sự thay đổi là rất khó. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con đường dài, ballad cũ kĩ, rập khuôn không phải là sự lựa chọn tối ưu bởi chúng khiến cho sự sáng tạo ngoài-âm-nhạc rồi cũng sẽ cạn kiện bất chấp bạn có mời đạo diễn tài năng đến thế nào (hãy nhìn vị đạo diễn tài năng Đinh Hà Uyên Thư với sản phẩm thứ 2 làm cho Erik có bao nhiêu sự khác biệt với sản phẩm đầu tiên?). Vẫn có những con đường khác cho nghệ sĩ, đã có những tấm gương thành công đi trước, câu hỏi đặt ra là liệu nghệ sĩ có dám “liều” hay không? Erik đã nói anh muốn làm một album với các yếu tố dance để phô diễn khả năng vũ đạo, Hòa Minzy và ekip cũng khẳng định lộ trình âm nhạc của họ đã được xây dựng rất kĩ lưỡng và cẩn thận, chúng ta cùng chờ xem họ có thể bứt phá khỏi ballad lối mòn hay không.    
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811
Đọc thêm: