Hồi nhỏ tôi thích học toán lắm, tôi thích sự rành mạch rõ ràng, logic chặt chẽ của môn toán. Bài nào càng khó tôi càng hào hứng ngồi giải. Nhưng phải thừa nhận có nhiều bài toán vượt quá tầm của tôi, nên tôi giận hờn, trách rằng mình đã đặt hết tâm huyết cho nó mà chẳng nhận lại được gì, thì thôi, nghỉ chơi vậy, và tôi chọn học chuyên ngành xã hội để không phải gặp bóng dáng bạn toán nữa. Nhưng tôi đã lầm to, giờ đây tôi đang phải giải bài toán cuộc đời - một bài toán rắc rối gấp trăm ngàn lần bài toán trung học năm nào. Tôi và bài toán cuộc đời không thể buông tha nhau, giờ tôi viết ra đây đôi điều đã đúc kết được trong công cuộc chinh phục nó.
Toán học có tính logic cao, nhưng không có nghĩa là ta sẽ tìm ra một quy luật chung cho nó, chẳng ai tìm được quy luật của số nguyên tố cả. Cuộc đời cũng vậy, không có một quy tắc nào hoàn toàn đúng cả. Có vô vàn những ẩn số ta phải cất công đi tìm kiếm, nó lại là dữ liệu để giải bài toán lớn hơn. Có những định nghĩa, định lý ta được dạy và đã tuân theo từ lâu. Bỗng một ngày thấy có người không áp dụng mà vẫn không mắc sai lầm, mà không chỉ có một người, không chỉ có một lần. Ta thắc mắc, rồi bối rối, hoang mang, cái quy tắc luôn đúng mình sử dụng bấy lâu thật ra là sai ư? Lúc này ta cần dừng lại suy ngẫm một chút, thử nghiệm một chút, để tự mình tìm ra câu trả lời. Có thể nó đúng, có thể nó sai, nhưng cái định lý mà ta tự mình chứng minh nó chắc chắn, vững vàng hơn nhiều cái ta được cho sẵn (cho dù nó đúng đi chăng nữa), ta có thể tự tin áp dụng nó mà không chút nghi ngờ. Sau này, ta có thể tự phát minh ra những định lý mới để giải những bài toán khó hơn, đấy là lúc ta thấy mình trưởng thành.
Sẽ có người bảo định lý của ta sai rồi và khuyên ta nên làm theo cái của họ. Những người đó dù nhỏ hay lớn tuổi thì họ còn non nớt lắm. Vì định lý của ta đúng trong bài toán của mình, bài toán của ta khác với bài toán của họ. Ta có thể tham khảo kết quả của những người đã làm xong, nhận được thứ gọi là kinh nghiệm, nhưng phải có chính kiến, biết chắt lọc để tìm ra phương pháp phù hợp với bài toán của mình, hoặc để củng cố thêm định lý của mình.
Ta cần tìm ra cái giới hạn của bản thân, để biết mình đang đứng ở điểm nào và có thể di chuyển trong khoảng nào trên hệ tọa độ. Khi xác định được rồi, việc khó khăn hơn là phải chấp nhận nó, rằng có những ngọn núi ta không đủ sức chinh phục, có những vùng cấm địa ta không được phép bước vào, có nhiều thứ ta chỉ có thể đứng từ xa ngắm nhìn… Trong buồn đau và nuối tiếc, ta nhận ra mình không hoàn hảo và đầy rẫy khuyết điểm. Nhưng ta có thể cố gắng hết mình, không ngừng nỗ lực để chạm đến đường tiệm cận của những điều mà ta mơ ước.
Ở bài toán trung học, khó quá thì có thể chờ cô sửa, hoặc đi hỏi đứa bạn giỏi toán. Còn ở cuộc đời, mỗi người đều bận bịu với bài toán của riêng mình. Những lúc khó khăn, ta có những người xung quanh gợi ý đôi điều bằng cái nhìn khách quan, hay động viên tinh thần bằng trái tim chân thành. Hãy biết ơn họ, nhưng cũng hãy biết rằng phải tự lực, không ai có thể giải quyết một cách triệt để ngoài chính ta. Để giải được nó cần kiên nhẫn, hoặc rất nhiều kiên nhẫn. Giải sai thì bình tĩnh làm lại từ đầu, an ủi rằng ít nhất đã loại được một phép thử sai. Có thể ta sẽ chán nản, sẽ muốn bỏ cuộc, nhưng nếu ta không đủ kiên trì để tìm ra hướng giải mới thì sẽ còn thất vọng và bế tắc, vì bài toán không tự nhiên biến mất, nó luôn ở đấy và quấy rầy ta mãi.
Còn nếu giải được rồi thì sao nhỉ? Nghỉ ngơi chút rồi cuộc đời sẽ ném cho bạn bài toán mới ngay ấy mà. Bài toán lớn cuộc đời có khi dành cả một đời vẫn chưa giải xong, liệu có phải cuộc đời chơi gian không? Có thể nó đã gian thật, có người sinh ra đứng ở số 0, có người đứng ở số 1, có người đứng ở số x bỗng một ngày bị cuộc đời hạ xuống số –x. Nhưng cho dù nó chơi gian đi chăng nữa, nếu ta vẫn giữ được sự tò mò để tìm kiếm những điều đang bị ẩn giấu, có thể là quả ngọt, có thể là trái đắng, hay ta cố gắng đẩy mình đến giới hạn, nếu may mắn vượt qua được ta sẽ khám phá ra bao điều, lúc này thứ ta nhận được là sự mãn nguyện, thích thú, sung sướng mà cuộc đời tặng cho.
Tôi không trốn tránh bài toán cuộc đời như bài toán trung học năm nào nữa. Cơ bản là chúng tôi không thoát được khỏi nhau, vì tôi nhận ra bản thân mình cũng là một phần của bài toán. Tôi không mong chờ kết quả cuối cùng, thay vào đó tôi tận hưởng sự căng thẳng nhưng đầy thôi thúc trong quá trình giải bài toán, cũng là hành trình tôi lần mò khám phá ra những khía cạnh ngóc ngách mới lạ trong con người mình.