Bài số 5: Cuộc sống là trò chơi hay trò chơi là cuộc sống?
Nếu cho bạn 1 tấm bản đồ kho báu, liệu bạn có lên đường đi kiếm kho báu?
Nếu cho bạn 1 li nước, liệu bạn có dám uống?
Nếu cho bạn 1 cục gạch, bạn sẽ làm gì?
Nếu cho bạn 1 chiếc chìa khóa, bạn sẽ đi tìm ổ khóa chứ?
Giấc mơ đã cho tôi 1 chiếc chìa khóa, để tôi tìm ra cách giải câu đố về cuộc sống, vậy tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ tạo ra một thế giới, một vũ trụ mới, một chiều không gian mới, để khi ném chiếc chìa khóa đó vào thì kho báu sẽ hiện ra. Thế giới đó được gọi là “Câu chuyện trò chơi”.
Thế giới này, cuộc sống này đã cho tôi những gợi ý về giới hạn của trí tuệ, nó khiến tôi đau đớn khổ sở, chìm đắm vào trong đêm tối. Còn giấc mơ cũng đưa ra những gợi ý, là gợi ý của ánh sáng, gợi ý của hi vọng, gọi ý của chiến thắng.
Tôi không hoàn toàn hiểu rõ giới hạn của trí tuệ là gì, thậm chí lúc đó tôi chỉ gọi nó là những “phương trình vô nghiệm” hay là “ngày ấy”… Rất khó để nói, để diễn tả cho người khác biết nó là cái gì khi chính bản thân tôi cũng không hiểu rõ nó. Vậy nên tôi dùng các biện pháp tu từ, dùng hình ảnh ẩn dụ, dùng những câu chuyện, những trò chơi, giống như là những công án thiền, để miêu tả ẩn ý về nó.
Chìa khóa là ba từ, còn thế giới là một câu chuyện, một cuốn sách, một tác phẩm văn học, một đứa con tinh thần của tôi. Con gái của tôi sẽ là bạn đồng hành, là người chiến sĩ giúp tôi chiến đấu chống lại giới hạn của trí tuệ!
Và tôi bắt đầu học cách viết văn, viết một câu chuyện dài, viết nên một thế giới mới.
Tôi dốt văn, điểm văn của tôi thấp nhưng tôi không ghét viết văn, văn tôi không hay nhưng chắc chắn là nó có độc đáo!
Ngày xưa khi còn đi học, điểm môn Văn của tôi thường từ 6.x đến 7.y, chưa bao giờ được trên 8.z thì phải. Tôi thích toán, thích lí trí, thích sự đơn giản, sự rõ ràng, sự logic. Văn học đối với tôi đó là một cái gì đó dài dòng, tốn thời gian, không rõ ràng, khó hiểu và vớ vẩn. Thế nên tôi có thể học thuộc thơ chứ không phân tích được thơ, đọc vài đoạn văn chứ không thích đọc hết cả bài văn. Tôi vô duyên với thứ gọi là nghệ thuật.
Tuy vậy vẫn có thể loại viết văn mà tôi thích, đó là thể loại nghị luận văn xã hội, nghị luận phản biện. Đó là thể loại không phải tìm hiểu các bài có sẵn của các tác giả, tôi có thể viết bất kì điều gì theo ý của tôi, tôi có thể vận dụng lí trí của tôi vào để phân tích đào sâu vấn đề.
Tôi còn nhớ năm lớp 11 là học về phần đó, và tôi viết rất hay, rất nhiều. Một trong những bài văn mà tôi ưng ý nhất là bài sau:
Hãy phân tích vấn đề sau: Một số người cho rằng chỉ cần biết đến việc học, học nữa học mãi… mà không biết làm những việc khác ngoài học.
Bài làm của tôi: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên, không có gì để phản biện.
Tôi đặc biệt thích thơ của Hồ Xuân Hương và tác phẩm “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway. Tôi nhớ ngày xưa khi phân tích trích đoạn ông già đánh cá, tôi không thèm chép lại những gì cô giảng mà tự mình tìm tòi ra 10 vấn đề ẩn giấu trong tác phẩm. Dù được 5 điểm vì viết nhiều chứ không viết theo ý của cô giáo, tôi vẫn không quan tâm lắm mà cứ viết theo ý mình. Điểm số là cái gì? Dám dùng điểm số để ngăn cản tự do tư tưởng của tôi à? Càng điểm thấp tôi càng chống đối!
Tôi còn nhớ năm lớp 12, tôi với thằng bạn là Thành Trung aka Trung Mát viết một mớ bài nghị luận, phê phán cái nền giáo dục vớ vẩn của Việt Nam, đề ra những vấn đề để cải cách giáo dục… Cô giáo tịch thu và mang cho những giáo viên khác đọc, từ đó có nhiều người ghét chúng tôi ra mặt. Nhưng thế càng tốt, tôi chẳng sợ gì cả, càng gặp khó khăn thử thách, tôi càng mạnh hơn. Những người không cùng tôi đi đến thành công, thì sẽ trở thành viên gạch lót đường cho tôi, tùy chọn ở mọi người!
Vậy nên để tự mình xây dựng 1 câu chuyện mới, 1 thế giới mới, tôi cần trau dồi học hỏi rất nhiều kĩ năng. Và việc học đầu tiên là bằng cách đọc các tác phẩm văn học kì ảo, viễn tưởng.
Tôi đọc các truyện của Jules Verne như “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Hành trình vào tâm trái đất”, “Hòn đảo bí mật”. Một số truyện tôi còn nhớ như Animorphs, Những chiến binh, Tiếng gọi nơi hoang dã… Sau đó là các truyện kiếm hiệp Kim Dung và Cổ Long, rồi thì qua sự giới thiệu của ku Huy, tôi chìm đắm trong thế giới Tiên Hiệp.
Tru Tiên xếp ở vị trí số 1, sau đó là Tiên Nghịch, giờ thì có bộ Cổ Chân Nhân khá hay, Vô Hạn Khủng Bố rất thú vị, mấy bộ của Cà chua đọc 1 lần rồi thôi, một số bộ lịch sử xuyên không như Tầm Tần Kí khá là ổn, khoa huyễn thì Tạp Đồ hay Sư sĩ truyền thuyết, sắc hiệp tầm Cực phẩm gia đinh thì là vừa vừa, truyện ma thì có Ma thổi đèn… Bộ ngắn thì vài trăm chương, dài thì mấy ngàn chương, thể loại nào thì tôi cũng thử tất, chắc tôi cũng đọc được tầm trên 30 chục bộ rồi.
Ngoài ra thì còn có truyện Xì Trum, Manga Nhật Bản, Manhua Đài Loan, Manhwa Hàn quốc… Để xây dựng 1 thế giới thần tiên viễn tưởng thì cần đọc rất nhiều thứ mới lạ, sáng tạo, độc đáo.
Còn để xây dựng 1 thế giới hoàn chỉnh thì không thể thiếu các yếu tố tự nhiên và xã hội, thế là tôi lại đọc thêm đủ thể loại sách khác nhau. Sách về Toán học, Thiên văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Tôn giáo, Triết học, Kinh tế, Kĩ năng sống, Dạy làm giàu, Đạo đức, Luật pháp… Đủ thứ hầm bà lằng trên cõi đời này. Có thể nói chỉ trong có 3 – 5 năm, tôi đã đọc nhiều sách hơn quãng thời gian 20 năm trước hàng chục lần.
Hay đọc, dở cũng đọc, ngắn đọc, dài cố đọc, dễ đọc, khó cũng đọc, hiểu thì đọc, không hiểu cũng cố nhai… Vừa đọc vừa phân tích so sánh. Sách hay thì tìm xem coi nó hay chỗ nào, nó dở thì dở chỗ nào, nếu là tôi thì tôi sẽ viết ra sao. Bố cục ra sao, chi tiết thế nào, nhân vật miêu tả ra sao, tình huống dẫn dắt thế nào, hành động và diễn biến ra sao, cài cắm ẩn ý thế nào… Rất nhiều thứ để học, rất nhiều điều từ từ tôi ngộ ra trong quá trình viết sách.
Vừa đọc, vừa suy nghĩ cho cuốn sách mình phải viết. Lên dàn ý, chỉnh sửa chi tiết, thay đổi bố cục, sắp xếp nhân vật và tình tiết, chọn lọc ý tưởng, tẩy xóa tới lui… Đó là những công việc rất khó nhưng đầy sự thú vị trong đó, chỉ khi tự bản thân mình viết ra 1 cuốn sách mới cảm nhận được.
Con người có thể được chia ra làm hai phần là phần “con” và phần “người”. Phần “con” đại diện cho vật chất, cho gen di truyền, cho hành động. Còn phần “người” sẽ đại diện cho ý thức, tâm hồn, cho tình cảm và lí trí.
Bản thân chúng ta hay là bất cứ sinh vật sống nào trên trái đất này đều có chức năng sinh sản và khao khát được sinh sản để di truyền lại hệ gen của mình cho thế hệ mai sau. Còn phần “người”, chỉ loài người chúng ta mới có, sẽ được di truyền hay không? Có cách nào để chúng ta lưu giữ trí tuệ của chúng ta, lưu giữ lại tâm tư tình cảm, suy nghĩ, tư tưởng, lí tưởng, quan điểm sống, góc nhìn… lưu giữ lại giấc mơ của chính chúng ta không?
Loài người là sinh vật xã hội, chúng ta sống chung với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng ta trao đổi và hiểu được tư tưởng tình cảm của nhau thông qua cử chỉ và lời nói. Chúng ta lưu trữ, di truyền lại tri thức thông qua việc truyền miệng từ đời này sang đời kia. Những lúc trao đổi khi lao động, những câu chuyện kể quanh bếp lửa… đó là cách mà loài người di truyền “ý thức” qua bao đời nay.
Ngoài những câu chuyện kể, thì đó có thể là những bài thơ, những câu hát, những bài vè, lời hát ru của người mẹ, những bài trường ca… Tất cả là hợp lại tạo thành văn hóa, tạo thành chất riêng của một dân tộc. Sống trong 1 nền văn hóa, ảnh hưởng bởi văn hóa đó đến từng tư tưởng, từng cách làm, từng công việc… đó đâu có khác gì việc chúng ta đã được di truyền trí tuệ từ bao đời trước để lại.
Văn hóa là sự tổng hợp của nhiều “trí tuệ” theo thời gian, còn để “trí tuệ” của mỗi người có thể di truyền riêng biệt và lâu dài thì cần đến một thứ: “chữ viết”.
Chữ viết là cách thức lưu truyền lại thông tin bền vững của con người. Bằng cách ghi lại, con người chuyển hóa những tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm, trí tuệ của bản thân mình thành một thứ vật chất tồn tại trên thế giới này. Thứ vật chất đó có thể nhân bản mà không bị hư hao hay thay đổi. Khi người khác tiếp xúc và hiểu được cái thứ vật chất đó, thì người khác sẽ tiếp thu được những tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm, trí tuệ của tác giả. Vậy là sẽ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, bởi phần “người”, phần trí tuệ của một con người hoàn toàn khác biệt và xa lạ. Trí tuệ của người này đã được truyền qua người khác, đã được nhân lên theo không gian và thời gian. Đó chính là di truyền “trí tuệ”.
Di truyền vật chất thì có sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính. Sinh sản vô tính thì thế hệ sau có vật chất di truyền giống thế hệ trước, còn sinh sản hữu tính thì thế hệ sau thừa hưởng sự tổng hợp từ thế hệ trước.
Di truyền ý thức thì có đơn tính, song tính và đa tính. Đó có thể là một người viết nên câu chuyện của riêng họ, hay hai ba người rồi cả một nhóm người hợp sức viết lại thành 1 câu chuyện. Mỗi hình thức đều có sự đặc sắc và thú vị của riêng nó.
Con gái của tôi là sự kết hợp giữa tôi và giấc mơ. Giấc mơ đưa ra lời gợi ý, đưa ra lời giải cho giới hạn của trí tuệ. Còn tôi là người xây dựng một cái thế giới mới, nơi lời giải đó được ứng nghiệm.
Di truyền vật chất thì khá là bền vững và khó thay đổi. Thế hệ sau thừa hưởng phần lớn gen của thế hệ trước, đôi khi có một số ngẫu nhiên đột biến gì gì đó. Đối với đa số sinh vật thì hệ gen là cố định và không thể tự do lựa chọn cho chính bản thân mình cũng như cho con cái của mình.
Còn di truyền ý thức, di truyền trí tuệ thì năng động và sáng tạo, đa dạng và dễ thay đổi hơn rất nhiều lần. Bạn một kể một câu chuyện dài hay ngắn, hay hoặc dở, một chủ đề hay đa chủ đề, đơn giản hoặc phức tạp… đều tùy thuộc ở bạn. Bạn được tự do sáng tạo và thay đổi theo ý muốn của mình.
Tôi muốn con gái tôi có tình yêu thì tôi đưa tình yêu vào con bé. Tôi muốn con gái tôi có sự sâu sắc, tôi đưa triết lí triết học vào. Tôi muốn con gái tôi xinh đẹp, tôi miêu tả thật tinh tế. Tôi muốn con gái tôi mạnh mẽ, tôi truyền cho nó ý chí. Tôi muốn con gái tôi giống tôi, tôi kể cuộc đời của tôi cho con bé. Tôi muốn con gái tôi vui vẻ, tôi làm trò cười cho con bé. Tôi muốn con gái tôi trở thành hi vọng, tôi viết vào đó một con người là biểu tượng của hi vọng. Tôi muốn con gái tôi vượt qua được giới hạn của trí tuệ, tôi dạy cho nó mọi thứ mà tôi biết…
Những gì tốt đẹp nhất, hay ho nhất, thậm chí dở tệ nhất của tôi đều được tôi di truyền lại cho con gái của tôi. Con gái của tôi là tất cả đối với tôi, là cuộc sống, là sự nghiệp, là thành tựu, là kết tinh trí tuệ của tôi.
Người ta thường nói đừng đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài. Một số gợi ý là hãy đánh giá người khác qua cách người đó sống, cách người đó làm việc, cách người đó đối diện với khó khăn, cách người ấy làm khi người ấy thành công. Hay là đánh giá người ấy qua những người bạn của người ấy. Hoặc là đánh giá người ấy qua cuốn sách người ấy đã đọc.
Mọi người muốn đánh giá tôi, hãy tìm hiểu con gái của tôi. Con gái của tôi chứa đựng tất cả về tôi. Con gái tôi chính là cuộc sống của tôi, cuộc sống của tôi chính là con gái của tôi.
“Câu chuyện trò chơi” là “Câu chuyện cuộc sống”. Cuộc sống của tôi như một trò chơi lớn, một trò chơi mà cuộc sống chỉ hướng dẫn tôi thông qua những lời gợi ý mờ mịt. Tôi từ ban đầu chỉ mù mờ hiểu và từ từ đi theo. Cho đến khi giấc mơ xuất hiện và đưa ra lời hướng dẫn rõ ràng. Từ đó, tôi biết được sứ mệnh của bản thân mình, trách nhiệm của bản thân, biết được tôi là ai, tôi phải làm gì, tôi sẽ cống hiến gì cho thế giới này.
Tôi là Xì trum nông dân.
Định mệnh của tôi là trở thành người nông dân số 1 thế giới.
Con gái của tôi là “Câu chuyện trò chơi”.
Định mệnh của con gái tôi là vượt qua giới hạn của trí tuệ.
Link app Android: