Japanese

守も嫌がる 盆から先にゃ
雪もちらつくし 子も泣くし
盆が来たとて 何嬉しかろ
帷子は無し 帯は無し
この子よう泣く 守をばいじる
守も一日 痩せるやら
早よも行きたや この在所越えて
向こうに見えるは 親の家
向こうに見えるは 親の家
Tạm dịch:
Bài hát ru Takeda
Em ghét phải trông trẻ, trước ngày hội Bon
Tuyết thì rơi lả tả, đứa bé lại khóc quấy.
Lễ hội Bon đã tới, em có thấy vui chăng!?
Không áo katabira, nơ obi cũng không.
Đứa bé nó cứ khóc, cứ hành hạ người trông
Ngày lại qua ngày, em cũng một hao gầy.
Chỉ mong được mau mau rời khỏi đây
Được về nhà cha mẹ, ở bên kia đồi,
Nơi em vẫn thường trộm ngắm phía đằng xa.
Đây là một bài hát ru có xuất xứ từ làng Takeda, phường Fushimi của Kyoto. Takeda no Komoriuta kể về nỗi niềm trước mùa lễ hội Bon một bé gái nhỏ vì gia cảnh nghèo khó phải đi trông trẻ cho một gia đình giàu có hơn. Những cơ cực khi ngày ngày phải cõng đứa trẻ trên lưng làm em nhớ nhà. Em trông về hướng có bóng dáng nhà cha mẹ và hát lên khúc ru buồn này. Bài hát tồn tại dưới dạng truyền khẩu trong cộng đồng "burakumin" (bộ lạc dân, tức những người bị xã hội xa lánh, ruồng rẫy) ở Kyoto và Osaka.
Bài hát ru Takeda mang đến một cái nhìn về những áp đặt và định kiến đối với phụ nữ trong xã hội Nhật Bản truyền thống. Lời ru vẽ nên bức tranh về một người em gái nhỏ, vì gia đình nghèo khó mà buộc phải đi làm vú em cho nhà giàu ở vùng khác. Lời ca truyền tải một cảm giác bị cô lập, mong mỏi và bế tắc với công việc mà em được giao. Trên hết, bài hát ru nói về sự bất lực cũng như quyền tự chủ bị hạn chế của người phụ nữ trong xã hội cũ, và đóng góp những ví dụ điển hình về việc những quan niệm và kỳ vọng của xã hội về giới có thể định hình những trải nghiệm tiêu cực của một cá nhân như thế nào, từ đó có thể mang đến nhiều sự cảm thông và động lực để tạo nên một môi trường mang nhiều yêu thương và công bằng cho phái yếu.
Trong xã hội Nhật Bản truyền thống, phụ nữ chủ yếu chỉ đảm nhận vai trò nội trợ và buộc phải ưu tiên nhu cầu của gia đình hơn nhu cầu của bản thân. Bé gái trong bài hát được giao cho công việc làm bảo mẫu với trách nhiệm chính của em là chăm sóc đứa trẻ. Lời hát gợi lên rằng công việc này không phải là việc mà em mong muốn, em bày tỏ nỗi buồn và nỗi bất hạnh của em trong quá trình "trông trẻ," và em cũng ước ao được sớm rời khỏi công việc này để trở về nhà. Điều này nhấn mạnh những định kiến trong xã hội cũ rằng phụ nữ phải nên sẵn sàng hy sinh những mong muốn và nhu cầu của bản thân vì lợi ích của gia đình. Cấu trúc xã hội truyền thống này không chỉ không mang lại lợi ích cho phần lớn mọi phụ nữ mà còn mang đến nhiều nỗi thống khổ và bi kịch cho nhiều gia đình. Thực tế, cấu trúc xã hội này đã không còn phù hợp với một môi trường tiến bộ với nhiều vai trò đa dạng của người phụ nữ hiện đại, chính điều này đã nhen nhóm cho các phong trào nữ quyền đang hoạt động nhằm đạt được các quyền và cơ hội bình đẳng, xoá bỏ những bất công cho phụ nữ.
Cạnh đó, bé gái trong bài hát ru cũng bày tỏ sự tủi thân, không hạnh phúc với việc thiếu thốn vật chất và các biểu tượng địa vị trong trang phục, chẳng hạn như áo lót trong katabira và thắt lưng obi, nhằm nhấn mạnh áp lực xã hội phải tuân theo các tiêu chuẩn nhất định về cái đẹp và sự giàu sang. Trong xã hội Nhật Bản truyền thống, những biểu tượng này thường được sử dụng để đánh dấu địa vị của phụ nữ và được cho là rất quan trọng để đảm bảo một cuộc hôn nhân như ý. Trong cái xã hội đó, một người phụ nữ phải có những biểu tượng này và tuân theo những tiêu chuẩn nhất định về cái đẹp, là một cách đồ vật hóa phụ nữ và giới hạn giá trị của họ vào ngoại hình.
Sự tha thiết não nề của lời ru cũng ám chỉ đến những tổn hại về thể chất và tinh thần mà những định kiến của xã hội có thể gây ra cho một cá nhân. Bé gái trong bài ru ngày càng gầy ốm đi khi em chăm sóc đứa trẻ, cho thấy rằng những trách nhiệm đặt lên vai em buộc em phải trả bằng sức khoẻ thể chất. Trong khi đó, tiếng khóc của đứa trẻ được khắc hoạ như đang hành hạ em, làm bật lên sự căng thẳng trong tinh thần và cảm xúc của em. Những điều này thể hiện những gánh nặng mà người phụ nữ phải gánh chịu trong xã hội truyền thống và sự ảnh hưởng nặng nề của nó lên sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Ca từ của bài ru cũng đề cập đến nỗi nhớ nhà và nỗi nhớ nhung những người thân yêu. Bé gái trong bài ru muốn thoát khỏi cái hiện thực đầy cơ cực và trở về nhà của cha mẹ mình, cho ta thấy rằng em đang phải kiềm nén và chịu đựng nỗi đau khổ lớn đến nhường nào. Mong muốn trở về nhà này phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực từ sự cô lập và xa lánh có thể xảy ra khi bị cách ly khỏi gia đình và cộng đồng của một người. Đây cũng chính là đại ý của lời ru tự sự khi chính sự áp đặt và đè nén mà phụ nữ phải chịu trong xã hội Nhật Bản truyền thống đã ảnh hưởng nặng nề đến hạnh phúc, tâm tư tình cảm của phái yếu.
Rõ ràng, những định kiến về phụ nữ này có thể được coi là một hình thức áp bức, bởi vì nó hạn chế vai trò cũng như quyền tự quyết của phụ nữ trong cuộc sống và trong xã hội. Những quan điểm thủ cựu này cũng biểu hiện sự quan trọng hoá quá mức những giá trị vật chất, tôn sùng chúng thành biểu tượng của địa vị, dẫn đến lối đánh giá giá trị con người chỉ đơn thuần dựa trên của cải và địa vị. Sự vô minh này đã tạo ra vô vàn bất công và rào cản cho con người, đặc biệt là phụ nữ và tầng lớp nghèo, trên con đường mưu cầu hạnh phúc, mà đây phải là quyền cơ bản của mọi người, bất kể giới tính, tầng lớp hay giai cấp.
Nói tóm lại, bài hát ru Takeda chứa đựng cái nhìn đồng cảm sâu sắc về những ảnh hưởng tiêu cực của định kiến, áp bức xã hội đối với cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung và trong xã hội Nhật Bản truyền thống nói riêng. Thông qua lời tự sự về nỗi buồn và thất vọng của một em gái nhỏ vì hoàn cảnh gia đình mà phải đi trông trẻ xa nhà, bài hát ru khắc hoạ sự mất tự chủ và khả năng thay đổi cuộc sống rất giới hạn mà phụ nữ phải gánh chịu trong xã hội truyền thống, và cách mà áp bức xã hội có thể đè nén lên cuộc sống hàng ngày của một cá nhân. Ở thời điểm hiện tại, bài hát ru Takeda cũng có thể được xem như một lời nhắn nhủ về tầm quan trọng của các phong trào nữ quyền và nhu cầu liên tục tiến tới bình đẳng giới cũng như quyền và nhu cầu của tất cả các cá nhân bất kể tầng lớp, xuất thân và định kiến của xã hội. Đồng thời, lời ca cũng như một lời nhắc nhở về những khó khăn và thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong quá khứ và vẫn còn đang phải tiếp tục đối mặt ngày nay. Mỗi cá nhân chúng ta nên tiếp tục nỗ lực hướng tới việc tạo ra một xã hội bình đẳng và công bằng hơn, nơi mọi người có thể sống theo cách riêng của họ và không bị ràng buộc bởi những định kiến và áp lực của xã hội. Có thể thấy được rằng các phong trào nữ quyền đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý đến những vấn đề này và vận động cho sự thay đổi, và bài hát ru Takeda có thể mang đến phần nào sự hỗ trợ cho tiến trình hướng tới bình đẳng và công lý cho tất cả các cá nhân, đặc biệt là những người yếu thế.
Melbourne | Jan 14 2023 - Duc