Bài hát "Hòn vọng phu" của Lê Thương
Có một số thời điểm, thường là lúc vừa ngủ dậy hoặc là lúc xế chiều, một câu hát hoặc một câu thơ sẽ ngẫu nhiên trồi lên từ ký ức của...
Có một số thời điểm, thường là lúc vừa ngủ dậy hoặc là lúc xế chiều, một câu hát hoặc một câu thơ sẽ ngẫu nhiên trồi lên từ ký ức của tôi. Gần nhất là mấy câu:
Thôi đứng đợi làm chi,
thời gian có hứa mấy khi
sẽ đem đến trả đúng kỳ
những người mang mệnh biệt ly
Paris by night các số 81, 90 và 122 đã dựng lại toàn bộ ba phần của trường ca Hòn vọng phu của Lê Thương rất tuyệt vời. Đáng tiếc thay, chưa bao giờ tôi thấy bất kỳ một buổi diễn văn nghệ ở trường học nào, kể từ khi trí óc tôi có ký ức rõ ràng, có hát và hoạt cảnh Hòn vọng phu của Lê Thương, phần nào vì những đổi thay trong nhạc cảm của thế hệ, nhưng tôi cho rằng phần nào còn vì những hạn chế trong việc phổ biến, lưu truyền các bài hát của Lê Thương.
Thông qua các tìm hiểu của tôi, nhất là qua hồi ký Phạm Duy, bài phỏng vấn ca sĩ Quỳnh Giao và livestream của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tôi cảm nhận rằng Hòn vọng phu để lại trong lòng dư luận một thời nhiều cảm mến. Chính dì tôi cũng giữ mấy bản nhạc in của Hòn vọng phu, những bản in mà giờ đây người ta có thể bán ở các cửa hàng sách cũ với giá cao, mặc dù đã có thời chúng bị đốt không thương tiếc. Tôi hay quan niệm, những gì người ta tiếp xúc ở tuổi đôi mươi sẽ định hình con người của họ. Chỉ một tình tiết nhỏ nhặt đó làm tôi nghĩ rằng có thể dì tôi đã nghe băng Sơn Ca 8 và thích nó khi bà ấy còn trẻ. Tất nhiên, vẫn có quá ít dữ liệu, nên nhận định đó có thể không xác đáng.
Giờ đây nghe lại Hòn vọng phu, ta thấy nó còn là một tác phẩm hay, đứng đắn, có kết cấu ba phần cân đối. Phần đầu là Đoàn người ra đi, phần giữa là Ai xuôi vạn lý, và phần cuối là Người chinh phu về. Về nhạc điệu, đó là một cấu trúc sôi động, trầm lắng và sôi động trở lại. Về nội dung, nó là sự ra đi, chờ đợi, và trở về. Đó là một vòng tròn được mở ra và khép lại. Về lời, nó có những diễn đạt mang không khí trang trọng cổ xưa và các tham chiếu đến văn hóa, lịch sử dân tộc.
Không những thế, nếu ta đánh giá Hòn vọng phu trong mối tương quan với lịch sử dân tộc, ta thấy nó được xuất bản trong một đời điểm rất phù hợp: năm 1946. Đó là một thời điểm có tính cách dự báo, bởi vì chúng ta biết rằng đến tháng 12 năm 1946, gần như toàn bộ những người trai trẻ có ý nguyện chống Pháp đều ra đi theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong bối cảnh đó, đã có rất nhiều gia đình phải tản cư, vợ xa chồng, con xa cha.
Sự ra đời của Hòn vọng phu vào thời điểm đó đã một lần nữa làm sống lại lời kể thì thầm mà bền bỉ về số phận chia đôi của những gia đình thời chiến đã được kể từ nửa đầu thế kỷ 18 bởi Đặng Trần Côn và được dịch sang thơ Nôm một cách kỳ tài bởi Đoàn Thị Điểm. Nó hồi đáp lại tiếng vọng xa xưa của người Việt, tiếp nối một dòng chảy huyền thoại về tử biệt sinh ly.
Vì lẽ đó, Hòn vọng phu lẽ ra đã phải có một địa vị quan trọng từ góc độ lịch sử, và vì thế nó xứng đáng được phổ biến hơn hẳn những bài như Dòng máu Lạc Hồng, một bài hát rất hay được diễn ở các chương trình văn nghệ trường học. Rất có thể bởi vì người ta không thích hát về nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn mới có sức sống lâu bền hơn niềm vui.
Tôi vô tình nhớ một câu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Vẻ buồn man mác trong các tác phẩm văn học lừng danh sống lâu hơn năm tháng đời người. Tôi rất ngạc nhiên đã có thời lí luận phê bình văn học ở ta phản ứng gay gắt với nỗi buồn trong các tác phẩm văn chương.”
Có thể Murakami Haruki đã có ý tương tự khi viết rằng: “Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất