Bài viết gốc của Andreas Kluth, đăng trên Bloomberg ngày 08 tháng 01 năm 2020.

Đã 75 năm trôi qua kể từ ngày Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki bị thiêu cháy, và 50 năm kể từ Hiệp ước Không phổ biến Hạt Nhân (NPT - Nuclear Non-Proliferation Treaty) đi vào hiệu lực. Vậy mà, thế giới ngày nay đang gặp phải nguy cơ chiến tranh hạt nhân lớn hơn bao giờ hết, kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Để đối đầu với Mỹ, I-ran tỏ rõ quyết tâm có được vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, và hoàn toàn có thể đạt được điều đó trong vòng một năm. Nếu điều đó xảy ra, A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ theo gót. Ít-xơ-ra-en thì đã có vũ khí hạt nhân rồi. Châu Á đã có vài điểm nóng hạt nhân. Và trong tình huống đáng sợ nhất, bất cứ lúc nào những quả bom hạt nhân này đều có thể rơi vào tay khủng bố hoặc các nhóm "không chính phủ" khác -- những nhóm này khó đối phó và ngăn chặn hơn.
Để làm chậm lại sự phổ biến vũ khí hạt nhân, thế giới vẫn còn phải dựa dẫm vào Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, hay còn gọi là NPT, hiện đang có 191 quốc gia ký tên cam kết. Cứ mỗi năm năm, các nhà ngoại giao lại tề tựu về một Hội nghị tổng kết (RevCon), và lần sắp tới đây sẽ được tổ chức tại New York bắt đầu từ tháng Tư. Hy vọng thì ít mà sợ hãi thì nhiều. Nếu các nhà ngoại giao và công chúng tìm hiểu về lý thuyết trò chơi, thì nỗi sợ của họ sẽ lại càng tăng thêm nữa.
Khi Hiệp ước đươc ký vào những năm 60, nó được xem như là một thỏa hiệp vĩ đại. Năm quốc gia có sẵn vũ khí hạt nhân khi đó (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc) vẫn sẽ giữ vũ khí, nhưng họ hứa sẽ tiến tới loại bỏ chúng. Tất cả các quốc gia ký kết khác sẽ tránh xa vũ khí hạt nhân, đổi lại sẽ được năm "ông lớn" hỗ trợ phát triển sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân dân dụng. (Ít-xơ-ra-en, Pa-kit-xtan, Ấn Độ và Nam Xu-đan chưa bao giờ ký kết, và Bắc Hàn đã rút khỏi hiệp ước này.)
Hiệp ước này có thành công không? Những người ủng hộ nó cho rằng, nếu không có NPT thì ngày nay đã có nhiều quốc gia hơn nữa sở hữu vũ khí hạt nhân rồi. Những người hoài nghi thì lo lắng rằng một hệ thống như vậy đòi hỏi phải có một "bá chủ nhân từ", tức Mỹ, để kiểm soát tình hình; tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump thì sự nhân từ ổn định và đáng tin cậy này đã mất đi.
Nếu các đồng minh -- như Nhật, Nam Hàn, và Đài Loan -- không thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ thay mình trả đũa một đòn tấn công bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào họ -- bởi Bắc Hàn hay Trung Quốc chẳng hạn -- thì điều gì ngăn họ không theo đuổi vũ khí hạt nhân nữa?  Và điều gì sẽ ngăn các thế lực thù địch khác cũng theo đuổi điều tương tự nhằm phòng vệ lại một kết quả như thế?
Đây là lúc Lý thuyết trò chơi tỏa sáng. Đây là một ngành của Toán học, bắt đầu được sử dụng vào những năm 60 trong các tình huống hạt nhân. Trò chơi ban đầu bao gồm những trò kinh điển đơn giản như "con gà" hay "song đề tù nhân." Một bài học đáng sợ rút ra từ môn này là, tùy vào trò chơi mà ngay cả những người chơi lý trí, với hành động lý trí cũng có thể rơi vào những tình huống (gọi là cân bằng Nash) mà mọi người chơi đều thiệt hại.
Nếu dùng Lý thuyết trò chơi mà phân tích, Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân có vẻ như là một ý tưởng tệ hại. Vấn đề là nó vẫn cho phép các quốc gia ở mọi phe tham gia phát triển kỹ thuật hạt nhân dân dụng ở mức sơ khởi. Tuy nhiên, một khi một quốc gia như I-ran học được cách xây dựng lò phản ứng hạt nhân -- bằng cách làm giàu u-ra-ni -- thì họ chỉ còn cách một bước nhỏ nữa là có thể chế tạo bom được rồi. Chính điều đó sẽ khiến các quốc gia thù địch chạy nước rút để đạt được điều tương tự. Kết quả là một cuộc "chạy đua vũ trang mềm" như hiện đang diễn ra tại Trung Đông.
Lý thuyết trò chơi cũng cho chúng ta nhiều cớ để lo lắng hơn một khi chạy đua vũ trang mềm trở thành chạy đua vũ trang cứng. Đó là vì thế giới đã trở nên phức tạp hơn kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trước đây, Mỹ và Liên Xô dùng lý thuyết trò chơi để tìm một chiến lược cân bằng hòng tránh kết quả xấu nhất: Song phương tận diệt (Chữ viết tắt của lý thuyết này -- MAD, có nghĩa là điên loạn -- đã nói lên tất cả.) Lý thuyết này dựa vào một số giả định. Ví dụ, cả hai phe đều phải trả đũa ngay cả sau khi bị tấn công -- đây là lý do mà Mỹ, Nga và giờ là Trung Quốc đều cố gắng đạt được khả năng tấn công từ đường bộ, đường biển, đường không hay thậm chí là từ thượng tần khí quyển.
Xét dưới tiêu chuẩn ngày nay, thì những trò chơi xưa cũ này đơn giản đến nực cười. Chỉ có hai người chơi, cả hai đều "lý trí" -- một điều ít ai dám chắc chắn khi nhìn lại một số lãnh đạo thế giới ngày nay. Tồi tệ hơn, số người chơi liên tục tăng lên. Tương tự, số biến thể của vũ khí mới cũng tăng lên, như là các đầu đạn nhỏ sử dụng chiến lược hoặc tên lửa siêu thanh khiến cho đối thủ không có thời gian cân nhắc hành động. Điều này làm tăng vọt số lượng quyết định và đáp án khả dĩ -- và kèm theo đó là những tính toán sai lầm. Các phép toán nhanh chóng vượt ra khỏi khả năng bình thường của con người.
Các trò chơi cũng bao gồm những chiến lược "trơn trượt" nhưng vẫn hoàn toàn lý trí như "cheo leo bờ vực", theo đó các người chơi cố ý "để cho tình hình ra khỏi tầm kiểm soát một tí" để khiến cho nó "không chấp nhận được đối với người chơi còn lại." Vấn đề là, những tình huống như vậy -- đơn cử như những cuộc tập kích giữa hai ông lớn hạt nhân Ấn Độ và Pa-kit-xtan năm ngoái -- có thể dễ dàng đi từ "ra khỏi tầm kiểm soát một tí" đến "hoàn toàn mất kiểm soát".
Một chiến lược khó khác là "làm bộ", để đánh lừa đối phương về khả năng chịu rủi ro của mình (như khi Trump "hót" về "lửa và thịnh nộ"). Một số trò chơi thực tế khác có thể bao gồm một người chơi hỗn độn như thiên nhiên, hay còn gọi là "trời làm."
Một vấn đề toán học khác là, nhiều trò chơi cần số vòng chơi nhiều không tưởng tượng được trước khi đạt được cân bằng Nash. Điều này có thể chấp nhận được khi áp dụng lý thuyết trò chơi vào những vấn đề kinh tế như việc thiết kế đấu giá tốt nhất cho sóng vô tuyến 5G. Nếu áp dụng vào hạt nhân, thì nhân loại có thể xem như "xong phim."
Nhưng, lý thuyết trò chơi cũng mang lại một tia hy vọng. Một vấn đề lớn, trong cả trò chơi và thực tại, là người chơi có thể không biết hoặc hiểu nhầm ý định của đối thủ. Điều này có thể được khắc phục bằng cách thêm vào một bên trung gian, một cố vấn tin cậy để cung cấp hoặc giữ lại thông tin có chọn lọc, cùng lúc giới thiệu những chiến lược như "giảm thiểu tiếc nuối."
Hy vọng là chúng ta có thể kịp tìm ra một người trung gian như vậy cho RevCon vào tháng Tư tới. Mỹ, Nga, và Trung Quốc cũng có thể dùng trung gian. Mỹ và Nga đã thản nhiên dẹp mất một hiệp ước kiểm soát vũ khí [ND: INF, Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty] vào năm ngoái, và có vẻ không hào hứng mấy về việc cứu lấy cái duy nhất còn lại, có tên là New START, sẽ hết hạn vào năm sau. Trung Quốc đặt nặng quyền lực và vận mệnh hơn là sống còn, hiện đang tăng cường kho đạn dược để theo kịp hai quốc gia này.
Tất cả các bên liên quan cần hiểu rằng, chiến tranh hạt nhân không phải là một trò chơi.