Bài Học Từ The Platform
I. GIỚI THIỆU Máu lạnh, vô nhân đạo và nhân đạo là những từ mình dùng để tóm tắt The Platform. Bộ phim xoay quanh tâm lý...
I. GIỚI THIỆU
Máu lạnh, vô nhân đạo và nhân đạo là những từ mình dùng để tóm tắt The Platform. Bộ phim xoay quanh tâm lý con người trước sự sinh tồn khi không có đủ thức ăn. Trên mặt cái thang (Platform) rộng tầm 10m vuông là một bữa yến tiệc đủ cho hơn 250 người ăn, NẾU mỗi người có ý thức nhường nhịn nhau. Tuy nhiên đời không như mơ, ai có cơ hội được ăn thoải mái thì sẽ ăn tới bến chả màng đến người ở dưới có ăn hay không. Và hiện tượng ăn thịt người (Cannibalism) là chuyện sớm muộn tại cái hố địa ngục này.
Thế liên quan gì đến “nhân đạo”? Đây là chủ đề chính mình sẽ bàn trong bài này. Bạn sẽ nhìn thấy tầm quan trọng của LẼ SỐNG trong nghịch cảnh. Goreng (nam chính) thể hiện điều đó một cách xuất xắc trong phim.
II. ĐỊNH NGHĨA “LẼ SỐNG”
Lẽ Sống là kim chỉ nam, là hệ giá trị, là mục đích sống của một người. Nó là cái lò lửa làm cháy bỏng con tim một người, cho họ nguồn năng lượng kì diệu để theo đuổi mục tiêu cuộc đời một cách bền bỉ, hăng say và không nài khó khăn. Nó là nguồn sáng soi đường họ đi trong bóng tối đen mực, khi tưởng như mọi hi vọng đã tắt. Nó là NGUỒN SỐNG của người tù tại trại tập trung, cũng như của người tù trong The Platform.
Lẽ Sống của mỗi người là độc nhất, không ai giống ai. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, cuộc đời khác nhau, điều có ý nghĩa với người này có thể không mấy quan trọng với người kia.
Trong phim, Lẽ Sống của Miharu là đi tìm đứa con thất lạc của cô. Cô sẵn sàng đặt mình vào nguy hiểm, giết chết những kẻ ngán đường và ĂN THỊT chúng để sống sót. Cô sẵn sàng làm tất cả để được đoàn tụ cùng con gái.
Trigamasi, ông già Đương Nhiên vì ông hay nói đương nhiên (Obviously), chỉ muốn sống sót để ra khỏi cái hố này. Ông thẳng tay trói chặt bạn tù (Goreng) để “dự trữ lương thực” và HOÀN TOÀN ỔN với việc ăn thịt anh ta! Bất chấp tất cả để bảo toàn tính mạng.
Imoguiri (bà cô Administration) vào đây vì căn bệnh nan y ung thư vú, bà muốn giúp đỡ những người trong cái hố. Cố gắng tuyên truyền “an act of spontaneous solidarity” cùng với con chó của mình là động lực thúc đẩy bà đi.
Viktor Frankl, nạn nhân trại Auschwitz, cha đẻ của Liệu pháp ý nghĩa, đã đấu tranh để sống sót suốt 3 năm trong địa ngục trần gian. Nhiều lần ông đã nghĩ đến việc tự vẫn để kết thúc cái nỗi thống khổ này, nhưng hình ảnh được đoàn tụ cùng người vợ đã soi đường ông trong thời khắc đen tối nhất.
Nhà triết gia vĩ đại Socrate thà chết vì đấu tranh cho Sự Thật còn hơn là sống trái với lương tri.
Một bà mẹ già đơn thân sẵn sàng cỗng đứa con tật nguyền và đi bán vé số mỗi ngày để nuôi con.
LẼ SỐNG của mỗi người là độc nhất, và nếu lẽ sống đủ cao thượng bạn có thể chịu đựng được TẤT CẢ đau khổ trong cuộc đời.
III. LẼ SỐNG CỦA GORENG
a. Niềm tin và sự ngây thơ bị dập nát
Goreng khi mới xuống hố, anh vẫn tin tưởng rằng con người căn bản là tốt. Anh tin rằng chia sẻ thức ăn với người khác là điều DĨ NHIÊN giữa người với người.
Anh tức giận và hét lên, chất vấn những người trong cái hố tại sao không nghĩ cho nhau và giúp đỡ nhau sống sót. Nhưng không sao, roommate của anh (Trigamasi) có vẻ là một người anh có thể bầu bạn được. Cho đến khi xuống lầu 171.
Goreng tỉnh dậy trong cơn sốc do bị trói chặt trên giường bởi ông bạn già. Trig giải thích với phong thái điềm tĩnh đến lạ thường rằng ông ta sẽ đảm bạo sự sống của cả hai bằng CHÍNH THỊT CỦA ANH. Nhẹ nhàng xoa đầu và cố gắng trấn tĩnh Goreng với con Samurai-Plus trong tay, đây là do hoàn cảnh ép buộc ông phải làm vậy.
Sau một tuần giãy giụa trong vô vọng, trước khi con dao cứa vào đùi mình, Goreng nhìn thẳng vào mắt Trig và nói:
“Tôi bắt ông, CHÍNH ÔNG, chịu trách nhiệm cho việc này. Không phải do hoàn cảnh đưa đẩy mà do CHÍNH ÔNG đã cho phép việc này xảy ra.”
Goreng buộc tội ông là kẻ giết người, ăn thịt người vô nhân đạo vì anh TƯỞNG anh sẽ không bao giờ làm như vậy. Sự ngây thơ và ảo tưởng về giá trị đạo đức và lương tri cá nhân đã cho phép anh nghĩ anh là một người tốt. Đạo đức và nhân phẩm vứt ngay vào sọt rác ngay khi cơ hội được trả thù đến.
Miharu giải thoát anh ta và đưa con dao cho anh. Không chút lưỡng lự, Goreng chộp lấy và lao thẳng đến chỗ thằng già chết dẫm đang hấp hối trên sàn kia. PHẬP PHẬP PHẬP PHẬP!!
b. Nhìn đời khác đi
Niềm tin về sự thánh thiện của con người bị đập nát một cách tàn nhẫn, như việc liên tục đâm con dao vào cái xác của ông bạn già Trig. Sự ngây thơ chết cùng ông ta.
Khi ở cùng với Imoguiri, anh cười vào cái lí tưởng Ý Thức Tập Thể Tự Nguyện (Spontaneous Solidarity) của cô. Cho rằng đấy là ngây thơ và ảo tưởng. Thay vì làm như cô, anh thuyết phục bọn tầng dưới bằng cách ĐE DỌA sự sống của chúng, một điều trước đây anh không bao giờ dám làm. Goreng hăm dọa rằng nếu chúng không làm theo những gì cô nói, anh sẽ shit lên đồ ăn và bắt chúng ăn cứt từ giờ cho đến cuối tháng.
Anh đã bị khuất phục trước hoàn cảnh và hiểu tại sao Trigomasi làm những gì ông ta làm. Anh không còn tin vào những gì mình nói với ông trước khi mọi chuyện xảy ra. Bây giờ, anh nhìn những kẻ tầng dưới là yếu kém, và ở trên là có quyền lực. Mọi thứ hoàn toàn do may rủi sắp đặt.
Mặc dù thức dậy trên tầng 6 là điều tuyệt với nhất khi ở trong cái hố, nó không có ý nghĩa gì với Goreng. Trên tầng 6 anh có ĐẶC QUYỀN được ăn ĐẦU TIÊN và được ăn NGON. Anh là kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn và không phải sợ đói. Sự đặc quyền này là VÔ NGHĨA đối với Goreng.
Không vui, không buồn, không hào hứng, không cảm xúc, đời là vô thường. Hôm nay lên voi, mai lại xuống ngay chó, có khi tháng tới xuống luôn làm thức ăn cho giòi bọ. Sung sướng hôm nay không có nghĩa gì cả.
c. Tìm lại mục đích sống
Tối ngày đầu tiên trên tầng 6, trong lúc suy nghĩ về mọi việc đã xảy ra, Goreng nhận ra việc mình phải làm. Anh nhận ra rằng Ý Thức Tập Thể Tự Nguyện (Spontaneous Solidarity) chỉ có thể xảy ra khi CHÍNH ANH khiến nó xảy ra. Anh hiểu rằng anh phải nhận lấy trách nhiệm và chấp nhận nỗi thống khổ của riêng mình. Goreng quyết định vác cây thánh giá lên vai và mời Bahamat (bạn tù) tham gia vào sứ mệnh tiếp theo. Hai người bẻ thành giường làm vũ khí, leo lên cái Platform và xuống từng lầu một phân phát thức ăn. Đảm bảo tất cả mọi người sẽ sống sót và phá vỡ cái bộ máy vô nhân đạo này. Đây là khi Goreng tìm thấy mục đích sống, LẼ SỐNG của mình.
Khi gặp ông già thông thái ngồi chiếc xe lăn, sứ mệnh của hai người được “nâng cấp”. Bây giờ thay vì chỉ phân phát thức ăn, họ cần gửi thông điệp đến những con rối của bộ máy ở tầng 0. Nó là một món ăn thượng hạng, chưa hề được động vào sau hơn 250 bữa ăn. Nhưng đấy chưa phải là thông điệp ý nghĩa thật sự.
Một điều kì diệu xảy ra khi họ xuống tới tầng 333, nơi lẽ ra không còn ai vì 50 tầng trước đó chẳng còn một người sống sót. Đây là khi họ tìm thấy con gái của Miharu, một bé gái tầm 6 tuổi, sợ sệt đang núp dưới gầm giường. Cũng chính tại đây, hai người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và THÔNG ĐIỆP THẬT SỰ.
Họ cắn răng, nuốt nước miếng đang chảy dài như suối, và cho cô bé ăn cái thông điệp (món panna cota) vì cô đang rất đói. Mặc dù đã vượt qua bao khó khăn thử thách và nguy hiểm, tất cả để bảo tồn cái bánh với mục tiêu hủy diệt cái hệ thống kinh khủng này, họ vẫn đưa cho cô bé ăn cái thông điệp mà họ mạo hiểm cả tính mạng để bảo vệ. Hành động nhân ái trước nghịch cảnh khiến họ nở nụ cười, nụ cười của những kẻ VƯỢT LÊN SỐ PHẬN. Và cô bé mới chính là thông điệp thật sự.
IV. BÀI HỌC RÚT RA
1. Người nào có lẽ sống có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh
Goreng vì muốn lật đổ bộ máy thống trị của cái hố, anh đã không treo cổ tự vẫn trước những gì xảy ra. Ngược lại, anh đã vượt qua hơn 300 tầng, tìm thấy đứa bé và gửi cô lên tầng 0. Sau khi thành công, anh cảm thấy cuộc đời thật ý nghĩa, những đau khổ và sự giày vò xé nát tâm can vì phải ăn thịt đồng loại, chứng kiến ân nhân bị giết chết trong máu lạnh, tất cả mọi thứ anh trải qua đều có ý nghĩa.
2. Biết cách cho đi
“A great man who is sin-ridden can only be a great sinner, the wealthy man who is not generous will be a misery beggar. The owner of wealth is not made happy by owning it, but by spending it, and not by spending it capriciously, but by knowing how to spend it well.” – Don Quixote
Tạm dịch:
“Một người vĩ đại ngấm chìm trong tội lỗi chỉ là một kẻ tội đồ vĩ đại, một kẻ giàu có ích kỉ chỉ là một kẻ ăn xin thảm hại. Một người có của cải hạnh phúc không vì được sở hữu nó, mà vì họ BIẾT CÁCH CHO ĐI.”
Khi Goreng và Bahamat cho cô bé ăn cái bánh, họ đã sẵn sàng gạt đi cái nhiệm vụ ban đầu để cứu cô bé. Và họ thật sự cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa vì đã làm vậy.
Nếu là Goreng, bạn sẽ làm gì?
NGUỒN THAM KHẢO
Sách Đi Tìm Lẽ Sống - Tác giả Viktor Frankl
Sách Đúng Việc - Tác giả Giản Tư Trung
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất