Lưu ý: Bài viết không nhằm mục đích cổ súy cho bất kỳ lối sống nào, chỉ là những gì rút ra được từ trải nghiệm của cá nhân tôi suốt 4 năm đại học (Mặc dù hiện tại tôi đang làm luận văn và dự tính sẽ tiếp tục học lên nữa).
"Work hard, work smart!" (Hãy làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh!) Cái câu nói chết tiệt này tôi đã nghe cả trăm cả ngàn lần rồi, và nó cứ liên tục ra rả từ miệng những tay saler, marketer, manager, ... bất cứ khi nào họ vào trường tôi chia sẻ về "bí quyết thành công" của họ (mà tôi không tin tưởng được 100%). Và trước khi phân tích tới cái câu nói chết tiệt này, tôi xin kể câu chuyện mà nó diễn ra nhan nhản mỗi buổi SHCD (sinh hoạt công dân) trường tôi:
+ 7h - 7h30: Lùa sinh viên như lùa thú vào phòng 406B4 (Cái phòng có tí xíu mà nhồi nhét tới gần 100 người, đúng là đám CTCTSV ngu!)
+ 7h30 - 7h45: Hù dọa SV kiểu "nếu chúng mày không làm bài thu hoạch sau buổi SHCD thì ... xác định nghỉ nguyên học kì tới nha con!"
+ 7h45 - 9h30: Phần của doanh nghiệp (xin phép không ám chỉ bất cứ doanh nghiệp, tập đoàn nào vì không muốn họ tổn thương). Phần này mấy ông bà có chém vòng vo tam quốc thì cũng chỉ quanh mấy chữ "chăm chỉ, thông minh, cầu tiến, tham vọng, ..." nghe mà mòn hai bên tai!
Và trong suốt buổi nói chuyện hôm đó, cái câu mà tôi ức chế nhất là: "Work hard, work smart!". Lúc đó tôi chỉ muốn hét thật to: "BỘ CÁC ÔNG CÁC BÀ MUỐN BIẾN CHÚNG TÔI THÀNH NHỮNG CỖ MÁY IN TIỀN VÔ HỒN VÔ CẢM CHO MẤY ÔNG MẤY BÀ TIÊU XÀI À?"
Nếu có ai đó hỏi tôi tại sao lại nghĩ tiêu cực tới mức như vậy, bây giờ tôi vào vấn đề chính luôn: Thực sự chúng ta là con người hay cỗ máy?
Dưới góc độ robotics, con người là robot nhiều bậc tự do, trong đó: Cánh tay con người là cánh tay robot 6 bậc tự do (6-DOF - tính cả bàn tay lẫn các khớp ngón tay), cẳng chân con người là cánh tay robot 4 bậc tự do (4-DOF - ngón chân không chia khớp giống ngón tay), xét toàn bộ cơ thể người thì đó là hệ 6 bậc tự do (6-DOF). Nói là tự do nhưng thực tế có khớp bất động (ví dụ khớp nối xương - sọ hoặc răng - hàm), khớp bán động (ví dụ các khớp đốt ngón tay) và khớp động (hầu hết các khớp trên cơ thể là khớp động để linh hoạt trong việc di chuyển). Hệ cơ và xương giúp định hình con người. Đây chính là điểm khác biệt thứ nhất giữa con người và cỗ máy.
Dưới góc độ sensor (cảm biến), con người là một hệ các cảm biến hoạt động gần như hoàn hảo: Đôi mắt là 2 camera có độ phân giải 576 megapixel, ngoài ra còn có thể hoạt động như lidar (dùng ánh sáng đo khoảng cách tới mục tiêu hoặc vẽ lại bản đồ khu vực đó). Đó là lí do con người có thể ước lượng khoảng cách tương đối chính xác mà không cần thước, trừ trường hợp cần đo đạc các thông số chính xác của đối tượng. Đôi tai là 2 cảm biến âm thanh siêu nhạy, truyền tín hiệu âm thanh thu nhận được tới não (vi xử lí) dưới dạng xung điện, đó là lí do con người có thể xác định được nguồn âm, ghi nhớ lời bài hát, thậm chí cao hơn là nhớ được những ký ức quá khứ chỉ qua những đoạn nhạc quen thuộc. Mũi và miệng là 2 cảm biến chất lượng không khí, nước và thức ăn, giúp con người phân biệt các mùi vị. Da là cảm biến nhiệt rất nhạy, có thể cảm nhận được nóng lạnh với nhiều mức độ khác nhau. Nhưng cái thiếu sót của con người là: không có LCD để hiển thị kết quả đo đạc, mà cái đó vốn không cần thiết lắm vì có camera 576 megapixel thay thế, đây chính là điểm khác biệt thứ hai và cũng là điểm vượt trội của con người so với cỗ máy.
Dưới góc độ năng lượng và sinh học, con người là hệ trao đổi năng lượng tuần hoàn, gần như vĩnh cửu (tùy thuộc vào tuổi thọ của con người). Hệ thần kinh trao đổi xung điện với não, hệ tuần hoàn lưu thông máu với tim, hệ hô hấp lưu thông khí với phổi, hệ tiêu hóa và bài tiết trao đổi chất. Tất cả các hệ đều trao đổi với nhau và với bên ngoài. Như vậy, mặc dù con người vẫn cần những nguồn kích hoạt từ bên ngoài (không khí, nước, thức ăn) nhưng có thể làm việc liên tục mà không bị "cháy" con linh kiện nào bên trong, tức là dù nguồn điện cấp vào chỉ đến hàng milivolt (mV) nhưng con người vẫn hoạt động liên tục với hiệu suất gần như tuyệt đối. Đây chính là điểm khác biệt thứ ba và cũng là điểm vượt trội thứ hai của con người so với cỗ máy.
Chưa kể bộ não của con người là vi xử lí cực kỳ mạnh mẽ, nhanh và nhạy bén, hơn hẳn bất cứ cỗ máy nào, bất cứ vi xử lí nào chúng ta có trong tay.
Nhưng tại sao càng ngày một phần trong số chúng ta càng trở nên giống cỗ máy? Câu trả lời rất đơn giản: Chúng ta đang lợi dụng các đặc tính gần như hoàn hảo để tự ép bản thân phải làm quá sức mình, từ đó biến mình thành cỗ máy vô hồn, nếu tình trạng này kéo dài một thời gian đủ lâu sẽ bào mòn cả thể xác lẫn tinh thần của chúng ta. Tôi phải nhấn mạnh bốn chữ "gần như hoàn hảo" vì giống như cỗ máy cần phải tra dầu mỡ và nạp điện để hoạt động trơn tru, con người cũng cần khoảng trống để "sạc pin", nạp lại năng lượng tiếp tục làm việc, và làm đến ngưỡng giới hạn (giống như điện thoại lúc còn 20% pin) thì tạm ngưng và có thể cho phép bản thân "lười biếng" (ở đây là thư giãn). Và đây chính là lúc cái câu nói chết tiệt ở đầu bài viết xuất hiện.
"Work hard, work smart", về bản chất không hề sai, đó là câu nói truyền động lực cho chúng ta làm việc hiệu quả. "Work hard" tức là làm việc chăm chỉ, còn "Work smart" tức là làm việc thông minh. Giữa một người "work hard" 8 tiếng và một người "work smart" chỉ có 4 tiếng, ai làm việc hiệu quả hơn? Thực tế chưa biết ai hơn ai đâu! Người "work hard" 8 tiếng có thể hiệu quả với những công việc cần thời gian dài, hoặc người đó là người thợ lành nghề, quen tay, nhưng người này lại có thể không biết cách cải tiến công việc cho đỡ cực. Còn người "work smart" 4 tiếng thì ngược lại: biết cách cải tiến công việc, nhưng lại có thể "chỉ làm cho có" chứ không trau chuốt. Đây, cái chết nằm ở đây: Người "work smart" thường xong công việc nhanh gọn từ sớm, và cấp trên thấy vậy có thể giao thêm việc để làm, biến người "work smart" thành "work hard". Xong lại còn "cơ hội để học hỏi nhiều thứ"!? Đến khi người đó cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức lại "cố lên, phải cố gắng nhiều hơn"!? Tôi hỏi thật: Mệt mỏi, uể oải thì có học được gì không?
Vậy thì giải pháp cho vấn đề này là gì? Rất đơn giản: Làm hết sức và chơi hết mình. Nói thì nghe đơn giản nhưng thực sự khá khó để làm đấy! Căn bản cái xã hội này muốn chỉ là kết quả, chứ xã hội có nhìn vào quá trình chúng ta làm ra kết quả đâu? Nhưng khó không có nghĩa là buông xuôi! Lúc làm việc hãy tập trung cao độ, bung hết sức, dù không được kết quả mỹ mãn thì cũng không phải hối tiếc! Quan trọng là xé nhỏ công việc thành hàng trăm, hàng ngàn thứ nhỏ hơn và giải quyết từng thứ một, sau đó chắp lại là xong! Còn lúc chơi TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ CÔNG VIỆC HAY GÌ TRONG ĐÓ! Cứ thoải mái, hết mình, miễn sao đừng quên nhiệm vụ sắp tới là được! Lúc mệt mỏi cứ tạm dừng và cho mình giấc ngủ ngắn, ngày 1 tiếng, đêm 7-8 tiếng. Ăn uống đủ chất và tập thể dục đều đặn, nếu không có thời gian hoặc lười tập thì một chút thời gian lơ đễnh đi đi lại lại cũng là một giải pháp hiệu quả để giải tỏa áp lực. Tốt nhất vẫn nên có bạn bè hoặc nửa kia để san sẻ bớt áp lực, vì chúng ta thực ra không cô độc. Mà cô độc có thể là lựa chọn không tồi nếu bạn tự tin ôm hết mớ áp lực đó một mình, điều mà ít người có thể làm được. Vì chúng ta đa số đều bình thường chứ không phải dạng tài năng xuất chúng gì, nên cứ chấp nhận và bình tĩnh làm thôi! Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa, phải có bạn đồng hành ngang đẳng cấp hoặc hơn thế nữa!
Và lời kết cho bài viết lủng củng lan man của tôi, cũng là lời nhắn tới mấy ông bà tự xưng là saler, marketer "chém gió" trước mặt chúng tôi là: CHÚNG TA LÀ CON NGƯỜI CÓ TƯ DUY VÀ CẢM XÚC, CHỨ KHÔNG PHẢI CỖ MÁY VÔ HỒN, VÔ CẢM!