Giống như nhiều nước tại Châu Á khác trong giai đoạn thực dân Phương Tây đổ bộ mở rộng thị trường vào những năm 90 của thế kỷ XIX, Trung Quốc đã "ngậm đắng nuốt cay" trước sức mạnh mà vốn họ khinh bỉ là man di mọi rọ. Là quốc gia sở hữu địa chính trị đặc biệt độc nhất với hai dòng sông lớn chảy qua, Trung Hoa đối diện hai mặt rõ ràng trong tình thế chính trị hoặc là trở thành kẻ thống trị hoặc là thực thể bị trị. Trong lịch sử, quốc gia này đi xâm lược không khoan nhượng với các nước nhỏ xung quanh kèm theo những chính sách cai trị hà khắc thậm chí lên đến nghìn năm. Tuy nhiên, chính họ cũng phải trở thành nô lệ trước những thế lực khác như các bộ tộc du mục ở phía Bắc như tộc Mãn Thanh, Mông Cổ, Kim. Sau đó, người Hán vẫn kiên định đánh đuổi và phải gìn giữ huyết mạch dân tộc - quốc gia trở thành trung tâm tinh hoa nhân loại. Mặc dù, bị các thế lực phương Bắc xâm chiếm khá lâu trong nhiều giai đoạn nhưng Trung Quốc vẫn chưa đến mức hận thù tột cùng đối với thực dân Phương Tây.
nguồn ảnh: thibohitachi.com
nguồn ảnh: thibohitachi.com
Bản sắc văn hóa quốc gia, văn minh lục địa bị tổn thương do sự xung đột mang tính căn cơ sâu thẳm của Trung Quốc. Điều Trung Quốc không ngờ là chính các quốc gia phương Tây đã lợi dụng những phát minh, sáng chế quan trọng của họ để làm bước tiến đô hộ chính họ. Điều này khiến Trung Quốc "căm phẫn" và phải buộc trỗi dậy trong nhận thức mới về thiểu số công nghệ trước đa số lạc hậu. Do đó, Trung Quốc đã cam kết phải trỗi dậy, lựa chọn Phương Tây là kẻ thù tập trung đại đoàn kết và nhanh chóng "rửa hận".
Từ "bách niên quốc sỉ" đến giá trị "phục hưng"
Trung Quốc là quốc gia tôn trọng truyền thống lịch sử với tinh thần tự hào dân tộc đôi khi mang sắc thái cực đoan của chủ nghĩa dân tộc. Trong hoạt động đối ngoại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhắc đi nhắc lại những bài học sương máu mà quốc gia này đã trải qua. Ngoài những thành công vĩ đại được thần thánh hóa thì sự thất bại cũng được đưa ra vừa để thúc đẩy sức mạnh quốc gia phải mạnh mẽ hơn, vừa giúp nhìn nhận lại tư duy đối ngoại. Trong đó, đặc biệt phải nói đến giai đoạn “bách niên quốc sỉ” sau này được Trung Quốc nâng lên thành cột mốc và khái niệm đánh dấu bước chuyển mình vô cùng lớn về nhận thức và hành xử đối ngoại của quốc gia này.
Thái độ của Trung Quốc là luôn tỏ ra căm phẫn trong giai đoạn “thế kỷ bị nhục nhã”. Đây là giai đoạn từ năm 1839 đến năm 1949, bắt đầu đánh dấu bằng sự suy yếu của nhà Thanh – triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc trước đế quốc Anh, đồng thời mở ra một chương sử đối ngoại tệ hại nhất của quốc gia được xem như “quốc sỉ” (nỗi nhục quốc gia). Là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn và dân số đông đảo nhưng Trung Quốc không những không có được sức mạnh quốc gia ổn định mà còn phải hứng chịu tình trạng xâu xé của các nước thực dân phương Tây. Từ hai cuộc Chiến tranh thuốc phiện cho đến chiến tranh với Nhật Bản, Trung Quốc liên tục phải ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng xác lập vị thế “nô lệ đối ngoại” không chính thức đối với nước ngoài. Toàn bộ Trung Quốc bị “chia năm xẻ bảy” và trở thành vùng đất của những thị phần. Trung Quốc nhận thấy rằng, sức mạnh của đa số không quyền lực chắc chắn sẽ bị trấn áp tuyệt đối từ thiểu số nắm quyền lực. Chính vì vậy, chính quyền Trung Quốc khắc phục điều này bằng cách gia tăng sức mạnh thực lực quốc gia chủ yếu vực dậy các tiềm năng thuận lợi về địa lý, lịch sử, con người. Quốc gia này muốn khơi dậy sự “phục hưng” của thời kỳ nhà Đường trong lịch sử, với vị thế trở thành trung tâm thương mại – chính trị của toàn bộ lục địa, thậm chí là của cả thế giới. Do đó, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, từ Tôn Trung Sơn đến Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông cho đến Tập Cận Bình ngày nay, đều đã sử dụng diễn ngôn sỉ nhục dân tộc và mục tiêu “trẻ hóa quốc gia” để vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cuộc cách mạng hoặc cải cách của họ.[1]
nguồn ảnh: wikipedia.com.vn
nguồn ảnh: wikipedia.com.vn
Ngoài ra, giá trị “phục hưng” xuất phát trong khái niệm “bách niên quốc sỉ” gắn chặt vào lực đẩy từ lịch sử truyền thống Trung Quốc. Sở hữu niềm tự hào về lịch sử văn minh lâu đời cùng nhiều di sản về bài học đối ngoại, tư tưởng và các học thuyết chính trị phong phú, đặc biệt nổi bật lên là Nho giáo, đạo Lão và Phật giáo. Theo đó, quan niệm đối ngoại của Nho giáo được biểu hiện qua thuyết “một thiên hạ” thống nhất dưới vai trò trung tâm của vùng đất Trung Nguyên thần thánh. Hành xử đối ngoại của Trung Quốc dựa trên Nho giáo tuân theo quan điểm ba thứ bậc, đó là: Trung Quốc là quốc gia ở vị trí tầng bậc cao nhất, sau đó đến “các nước ngoại vi” mang tính chất láng giềng nhưng phải có tư tưởng chính trị tương đồng và tuân thủ nghĩa vụ cống nạp cho Trung Quốc, cuối cùng đến những nước “man di, mọi rợ” - đặc biệt là những quốc gia phương Tây.[2] Rõ ràng, quan niệm lịch sử này tác động sâu sắc đến tâm thức của các thế hệ lãnh đạo khi để xảy ra nỗi đau tang tóc tương tự như “bách niên quốc sỉ” và điều đó khiến quốc gia này phải khôi phục sự vĩ đại của đất nước.
Các lãnh đạo đều thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Trung Quốc nhắm đến mục đích “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa”, kiến dựng Trung Quốc thành “cường quốc số 1” toàn cầu. Tôn Trung Sơn đã đề cao khẩu ngữ đối ngoại “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” và phải nhanh chóng làm “Trung quốc phải trở thành cường quốc giàu mạnh nhất thế giới”. Cho đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất đất nước và thành lập CHND Trung Hoa do Mao Trạch Đông lãnh đạo, họ cũng tuyên bố y hệt nhưng rõ ràng hơn, đó là “Trung Quốc phải vượt qua nước Mỹ”[3]. Bằng cách gây dựng niềm tin cơ sở đối với nhân dân bằng các văn hóa phẩm, thậm chí là giáo dục về giai đoạn bị sỉ nhục. Quốc gia này muốn sớm định hình tư duy cho nhân dân Trung Quốc về sự đe dọa thường trực của nước ngoài và cần thiết phải kích thích lòng tự tôn, đoàn kết dân tộc. Kế hoạch biên soạn về ký ước đau thương, sự thất bại và nỗi nhục nhã trong lịch sử của Chính phủ Trung Quốc như là cách để bảo tồn nhằm tiến hóa thành một bản sắc định danh quốc gia - dân tộc. Mặc dù, chúng mang giá trị tinh thần nặng nề tiêu cực nhưng vô hình trung trở thành một động lực thúc đẩy phát triển cho dân tộc. Ở khía cạnh nào đó, nó còn kích thích sự đe dọa luôn túc trực bên ngoài thế giới đối với dân tộc Trung Hoa, khiến họ phải đoàn kết và thể hiện sức mạnh vươn xa hướng đến với mục tiêu “phục hưng” quốc gia.
Thực tiễn cho thấy, thế hệ lãnh đạo thứ nhất Mao Trạch Đông đã sớm đề ra kế hoạch để trả thù cho “bách niên quốc sỉ” và mong muốn thay thế Hoa Kỳ trong vai trò kinh tế, quân sự và chính trị dẫn đầu thế giới vào năm 2049. Kế hoạch này được gọi là “Trăm năm Marathon” đã được thực hiện bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo phương hướng đối ngoại một cách thống nhất và trực diện đối với Mỹ. Mục đích là để “trả thù” hoặc “xóa sạch” những “nỗi nhục” của nước ngoài gây ra trong quá khứ. Sau đó, Trung Quốc sẽ thiết lập một trật tự thế giới đem lại công bằng trước hết cho nước này, hình thành một thế giới không có người Mỹ, nắm quyền tối cao toàn cầu và sửa đổi thế giới kinh tế và địa chính trị do Hoa Kỳ thống trị.[4]
Tuy nhiên, giá trị “phục hưng” trong kế hoạch này của Trung Quốc cũng biến hóa khôn lường thuận theo bối cảnh quan hệ quốc tế thường dịch chuyển. Điều chính yếu của sự thay đổi là cách thức chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo, mặc dù cùng chung một lý tưởng nhưng tâm lý, thái độ chính trị khi giải quyết tình huống là hoàn toàn khác nhau. Bằng chứng lịch sử cho thấy rõ rằng Mao Trạch Đông thực hiện chính sách “nhất biên đảo” – ngả về một bên, ở đây là Liên Xô để làm chỗ dựa phát triển đất nước. Đến thế hệ lãnh đạo thứ hai, người được xưng là “kiến trúc sư trưởng” của Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình, ông lại thực hiện nguyên tắc sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thế lực nào không phân biệt tốt, xấu để âm thầm phát triển thực lực quốc gia tìm cơ hội trỗi dậy. Nhìn chung, dù thay đổi cách thức hành xử nhưng giá trị “phục hưng” vẫn níu giữ các thế hệ lãnh đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành động của họ.
            Có thể thấy, động lực lịch sử truyền thống về khát khao khôi phục lại trở thành trung tâm tinh hoa nhân loại của Trung Quốc luôn thôi thúc giá trị “phục hưng” quốc gia đối với thế giới. Bằng cách thức tô điểm một hình ảnh rõ ràng trong giai đoạn thất bại đối ngoại, Trung Quốc phần nào khắc họa một chân dung hoàn thiện về cung cách đối ngoại với các nước thông qua ký ức sống động về “bách niên quốc sỉ”.
"Phục hưng" là hợp tác với phương Tây?
Ngay từ khi cầm quyền, Mao Trạch Đông đã đưa ra tuyên bố quan trọng về chiến lược “phục hưng” dân tộc Trung Hoa đó là “phải vượt qua Anh và bắt kịp Mỹ” trong thời kỳ được gọi là kế hoạch “đại nhảy vọt”.[5] Thái độ của Mao với phương Tây rất rõ ràng, ông kết luận rằng chỉ có hai chủng tộc “da vàng và da trắng”, ở đó người da trắng tuy “có ưu thế” nhưng người da vàng không chịu khuất phục bằng cách thay đổi chiến lược. Mao Trạch Đông và các cộng sự tin rằng sự tồn vong của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một chiến lược tầm cỡ đan cài những nét bản sắc của dân tộc Trung Hoa.[6] Nhìn chung, với bài học “bách niên quốc sỉ” cùng tâm lý bài ngoại, Mao Trạch Đông kêu gọi sự đồng thuận từ người dân đối với kế hoạch “phục hưng” Trung Quốc của mình.
Bức ảnh cho thấy một động thái chính trị nhún nhường thông qua thái độ "triều thần" của Đặng Tiểu Bình, nguồn ảnh: nghiencuulichsu.com
Bức ảnh cho thấy một động thái chính trị nhún nhường thông qua thái độ "triều thần" của Đặng Tiểu Bình, nguồn ảnh: nghiencuulichsu.com
            Trung Quốc là một nước cộng sản trong giai đoạn Chiến tranh lạnh nên hiển nhiên phải phụ thuộc vào Liên Xô – một quốc gia láng giềng và đứng đầu Khối cộng sản thế giới. Mao Trạch Đông chấp hành chính sách “nhất biên đảo” (ngả về một bên), tức là các hành xử phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô trong thế trận giành tranh mạnh mẽ với Mỹ. Điều này đã bắt đầu làm chệch hướng “phục hưng” của Trung Quốc khi thái độ của Mao Trạch Đông tỏ ra yếu ớt và không đủ khả năng trên trường quốc tế. Thế nhưng, quan hệ Trung – Xô không thân thiết được lâu khi tham vọng làm chủ Khối cộng sản thế giới của Mao Trạch Đông quay trở lại đúng quỹ đạo của sự “phục hưng”. Bất đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô ngày càng tăng và lên đến đỉnh điểm khi cuộc chiến biên giới nổ ra vào năm 1969. Điều này đẩy Trung Quốc vào tình trạng nơm nớp lo sợ về tình hình an ninh khi thực lực quốc gia chưa đủ mạnh so với Liên Xô. Vì vậy, Mao Trạch Đông đã hướng ngoại giao đến Mỹ để tìm kiếm sự đối trọng ngang bằng với Liên Xô trong trò chơi quyền lực thế giới. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông khá lo sợ trước phản ứng của giới chức Trung Quốc và nhân dân với những tuyên bố mang tính “phục hưng” và bài phương Tây trước đó của mình. Đây là một thách thức lớn với Trung Quốc nhưng là cơ hội với Mỹ khi muốn Trung Quốc rời xa Liên Xô và gần mình hơn. Henry Kissenger đã khuyên Nixon mở màn những hành động ngoại giao đơn giản trước để dần dần làm hòa với người dân Trung Quốc, thông qua “ngoại giao bóng bàn” – một sự kiện giao lưu thể thao mang tính chất chính trị. Chính vì lẽ đó, mặc dù quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu hàn gắn hợp tác trong ngoại giao nhưng nó đã cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại với tuyên bố của mình. Nói chung, Trung Quốc luôn có phát ngôn thù hận đối với phương Tây khi đã để lại “nỗi nhục” không thể xóa mờ trong lịch sử. Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế với trò chơi quyền lực tổng bằng không, sự lạnh nhạt giữa Trung – Xô nghiễm nhiên sẽ thu hút vai trò của Mỹ vào nước yếu hơn là Trung Quốc. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để thông qua những chính sách đối ngoại “mở cửa hoàn toàn với phương Tây” của thế hệ lãnh đạo thứ hai Đặng Tiểu Bình.
Kiên quyết "phục hưng" trước Mỹ
Tiếp nối di sản của các thế hệ lãnh đạo trước đó, Tập Cận Bình nắm quyền Trung Quốc vào năm 2012 đã bày tỏ thái độ hành xử đối ngoại gắn chặt với bản chất giá trị “phục hưng”. Chính quyền Tập Cận Bình đã từ bỏ “giấu mình chờ thời” và nhường nhịn phương Tây, ông Tập đề ra ý tưởng “giấc mộng Trung Hoa” – một tên gọi mới cho sự phục hưng của Trung Quốc đến năm 2049. Tập Cận Bình cho rằng ý tưởng này tương quan chặt chẽ về việc “tổ chức sự phục hưng của Trung Quốc trong khi vẫn trung thành với di sản văn hóa phong phú và bản sắc xã hội chủ nghĩa của riêng mình”, đồng thời ông miêu tả rõ hành động của “một Trung Quốc mạnh mẽ” với phương Tây và “theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, kiên quyết đi theo con đường riêng của mình”.[7]
nguồn ảnh: thainguyen.gov.vn
nguồn ảnh: thainguyen.gov.vn
Giống như tuyên bố, Tập Cận Bình bắt đầu sử dụng cách thức “trỗi dậy hòa bình” để khẳng định mục tiêu phục hưng tương quan với tham vọng “giấc mộng Trung Hoa” nhưng vẫn không quên ôn lại phần lịch sử “đất nước Trung Quốc đã phải chịu đựng sự hy sinh và gian khổ trong lịch sử hiện đại thế giới”.[8] Hơn nữa, các cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để quảng bá câu chuyện mang tính trọng đại này như là một cơ hội để kết thúc “bách niên quốc sỉ”. Nhiều nhà nghiên cứu hình dung “giấc mộng Trung Hoa” đang trở thành “tuyên bố sứ mệnh” và “tuyên ngôn chính trị” của Tập Cận Bình biểu hiện chân thực về cách thức ứng xử trong quan hệ quốc tế và phần nào đoán định được tương lai của Trung Quốc.[9]
Quả thực, hành xử của Trung Quốc đã thể hiện rõ sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ nhưng không “hòa bình” như lời họ tuyên bố. Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hướng ra biển phía Nam với thái độ hung hãn gây ảnh hưởng lớn đến các nước ở Đông Nam Á. Chính quyền Tập Cận Bình giải thích rằng việc tiến ra biển là nhu cầu thiết yếu và đồng thời để giành lại, bảo vệ phần chủ quyền trước các thế lực phương Tây. Điển hình tại Đài Loan, khi mà các chuyên gia nhận định “chắc chắn không thể khoanh tay đứng nhìn Đài Loan bị nuốt chửng” và Trung Quốc thì quyết liệt xem chủ thể này là “hạt nhân vững chắc” trong chính sách đối ngoại.[10] Nói cách khác, Trung Quốc phê phán vai trò Tây hóa ở Đài Loan và yêu cầu tuân thủ “chính sách một Trung Quốc” vì nếu không giành lại được Đài Loan thì Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng ly khai diện rộng ở các vùng tương tự. Rõ ràng, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là người chuyển đổi xu hướng đối ngoại hoàn toàn so với các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm. Hành xử đối ngoại của Trung Quốc không còn úp mở và nhún nhường mà thay vào đó là bám sát vào tuyên ngôn “phục hưng” để nhanh chóng kết thúc “bách niên quốc sỉ”.
Tài liệu tham khảo
[1] Zheng Wang. (2014). “The Chinese Dream: Concept and Context”, Journal of Chinese Political Science, Vol.19, Issue 1, p.2 – 5.
[2] Đỗ Thị Thủy. (2010). “Nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc từ góc độ lý luận quan hệ quốc tế”, tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 4(83)/2010, tr.57 – 58.
[3]Nguyễn Huy Quý. (2012). “Quan hệ chính trị đối nội và đối ngoại của Trung Quốc hiện tại và triển vọng”, tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 9 (133)/2012, tr.22-23.
[4]Michael Pillsbury. (2015).: The Hundred–year marathon, China’s secret strategy to replace America as the global superpower, Published by henry holt and company, Newyork, 2015, p.18.
[5] Brian Winston. (2015). “Chairman Mao must be smiling in heaven”, https://www.theguardian.com/world/2015/oct/23/chairman-mao-must-be-smiling-in-heaven
[6]Michael Pillsbury. (2015). The Hundred–year marathon, China’s secret strategy to replace America as the global superpower, Published by henry holt and company, Newyork, p.25.
[7]Robert Lawrence Kuhn. (2014). “The Chinese dream in Western eyes”, https://www.chinadaily.com.cn/china/2014-04/17/content_17465392.htm
[8] Xinhua (Tân Hoa Xã). (2012). “Xi highlights the national goal of rejuvenation”, https://www.chinadaily.com.cn/china/2012-11/30/content_15972687.htm
[9] Michael A. Peters. (2017). “The Chinese Dream: Xi Jinping Thought on Socialism with Chinese characteristics for a new era”, Educational Philosophy and theory published by Routledge, Vol.49, No.14, 2017, p.1302
[10] Christian Shepherd – Michael E. Miller. (2021). “China warns the United States over news reports that American forces are stationed in Taiwan”, https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/taiwan-china-us-marines/2021/10/08/20378918-27d8-11ec-8739-5cb6aba30a30_story.html