Bách khoa toàn thư về Đà Lạt
Tại sao Đà Lạt lại thu hút du khách thập phương, để tôi giải mã cho bạn.
Thành phố sương mù, thành phố mộng mơ, và rất nhiều mỹ danh khác mà báo đài đặt cho Đà Lạt, đã khiến cho người ta dần quên mất Đà Lạt đã từng là nơi lưu đày của dân tứ xứ. Vậy tại sao một mảnh đất cao nguyên với thiên nhiên hoang sơ và thời tiết khắc nghiệt lại trở thành điểm đến được yêu thích như hiện tại? Bài viết này sẽ giải mã bí mật của Đà Lạt.
Phải nói, những đặc trưng cực kỳ riêng của Đà Lạt là khí hậu mát mẻ, trong lành, kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên nguyên sơ và thành phố hiện đại với kiến trúc Đông nét Châu Âu. Những điều đó được tạo nên trong khoảng thời gian dài, từ một Đà Lạt nguyên sơ đến Đà Lạt dưới sự cai trị của thực dân Pháp, cho đến thời điểm hiện tại. Thành phố này không chỉ nhận được sự ưu ái từ thiên nhiên mà còn của nhà cầm quyền dù ở bất kỳ thời điểm nào.
I. Đà Lạt nguyên sơ
Trước khi trở thành thành phố ngàn hoa, trước khi được người Pháp “khai phá”, cao nguyên Lâm Viên nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như Chil, Srê, đặc biệt là người Lạch. Họ sống theo các buôn, làng và sinh hoạt với văn hoá của từng dân tộc. Khi ấy, Đà Lạt là một vùng đất xa xôi tách biệt với đồng bằng, và là nơi mà thậm chí còn không nằm trong tầm hiểu biết của đa số người Việt Nam. Những ngày đầu nghiên cứu vùng đất này, thực dân Pháp mới chỉ ghi nhận một số buôn làng nhỏ và hơn 100 người Kinh sinh sống rải rác.
1. Đà Lạt dưới thời Pháp thuộc
Đến năm 1884 với Hiệp ước Patenotre, Việt Nam chính thức thành thuộc địa của Pháp. Từ cột mốc đó, thực dân pháp liên tục thực hiện các cuộc thăm dò, thám hiểm đất nước ta, tới các vùng đất mà chính nhân dân ta vẫn còn xa lạ nhằm mục tiêu khai thác triệt để và vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên của nước ta.
Được giao nhiệm vụ tìm hiểu thượng lưu sông Đồng Nai, vào năm 1881, bác sĩ hải quân Paul Néis và trung uý Albert Steptans lần đầu đến cao nguyên Lâm Viên thám hiểm. Họ đặt chân đến đỉnh Lang Biang, ngược lên thượng nguồn sông, tìm hiểu một số làng người Lạch, đo khí tượng và nhân trắc học trong vùng. Đây là lần đầu tiên người Pháp đặt chân tới cao nguyên Lâm Viên, nơi mà sau này sẽ được họ vô cùng ưu ái biến nó thành “thủ đô mùa hè của Đông Dương”.
Khi còn ở Hà Nội, toàn quyền Đông Dương Doumer đã lập một chương trình xây dựng Đà Lạt. Theo chương trình này, Đà Lạt là một thành phố toàn vẹn với các trụ sở hành chính,các dịch vụ nghỉ dưỡng, các trường trung học và doanh trại quân đội. Bản đồ phân lô mà thực dân Pháp vẽ ra đã bố trí các công trình kiến trúc từ dinh toàn quyền đến nhà ở của y tá, văn phòng công chánh, thuế vụ, thú y, thanh tra tài chính, nông nghiệp, thuỷ điện… Khoảng thời gian này, toàn quyền Đông Dương đã hoàn thiện bản vẽ của mình về một thành phố trong mơ tại xứ Đông Dương lạc hậu.
Sau đó, ngày 21-6-1893, trong một chuyến thám hiểm vùng rừng núi ở Nam Trung Kỳ giữa biển Đông và sông Mê Công, đầu nguồn sông Đồng Nai và Xê Băng Can, bác sỹ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên. Chuyến đi này đã gây ấn tượng với bác sĩ Yersin, làm tiền đề cho việc khai sinh thành phố Đà Lạt của hiện tại.
Tua lại những ngày đầu đóng chiếm Việt Nam, thực dân Pháp, những người sống cả đời ở xứ ôn đới, phần đông gặp khó khăn trong việc thích nghi với khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt: mùa hè nóng như một chảo lửa, mưa bão ập đến bất chợt, chênh lệch nhiệt độ lớn. Vốn đã quen với khí hậu mát mẻ, lính Pháp hết sốc nhiệt lại mắc nhiều căn bệnh theo mùa, đến mức nhiều người bệnh nặng phải được thuyên chuyển về lại chính quốc bằng tàu biển để được sống lại trong bầu không khí chính quốc, hy vọng sức khỏe được phục hồi. Phương án này nhanh chóng đem lại nhiều bất cập khi nó tiêu tốn quá nhiều ngân sách, nhân lực và nguồn lực cho việc vận tải bệnh nhân, lại hay bị thiệt hại về tính mạng khi phải lênh đênh trên biển trong nhiều tháng,đối mặt với sóng to biển động.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nhìn thấy rõ những bất cập đó. Vậy nên ông bắt đầu tìm kiếm một biện pháp phù hợp và ưu việt hơn, ví dụ như xây những nơi nghỉ dưỡng cho người da trắng ở Đông Dương. Trong thư gửi cho các khâm sứ, công sứ, ông nêu bốn điều kiện cần thiết cho một nơi nghỉ dưỡng: độ cao trên 1200 mét, nguồn nước dồi dào, đất đai canh tác được và khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. Sau khi xem xét, bác sĩ Yersin, người đã được đề cập ở phía trên về việc khám phá Đà Lạt, nhận thấy cao nguyên Lâm Viên không chỉ đáp ứng các yêu cầu trên, mà còn có khí hậu mát mẻ, ít các bệnh nhiệt đới, lại hoang sơ và hầu hết là chưa được khai thác. Vùng đất này như một liều thuốc thần có thể chữa được những căn bệnh hiểm nghèo mà vùng đất An Nam mang lại. Ông đã nhanh chóng đề xuất chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng và được Toàn quyền Paul Doumer ghi nhận. Đó là chiếc móng đầu tiên cho cao nguyên Lâm Viên trở thành thành phố Đà Lạt của hiện tại.
Tuy vậy, việc xây dựng và phát triển một khu nghỉ dưỡng không hề đơn giản và nhanh chóng.
Việc đầu tiên cần làm là khai phá một con đường đi từ đồng bằng lên cao nguyên sao cho thuận tiện và ít tốn kém nhất. Năm 1897, Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard, nghiên cứu con đường từ Nha Trang lên cao nguyên Lâm Viên. Sau 11 tháng làm việc, Thouard đã đem lại một sự thất vọng lớn cho vị toàn quyền: ông tuyên bố không thể đi thẳng từ Nha Trang lên được Lâm Viên. Sau rất nhiều khảo sát và tính toán, thực dân Pháp vẽ ra các con đường lên Đà Lạt, tính từ Phan Rang, Sài Gòn và Phan Thiết. Đó là khung xương cho những con đường đầu tiên nối liền đồng bằng với Đà Lạt.
Ngày 1-11-1899, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ là Djiring và hai trạm hành chính là Tánh Linh và Lâm Viên (đặt tại Đà Lạt bây giờ). Đó là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của Đà Lạt.
Các công trình sau đó như tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt cũng gặp khó khăn, phải bị bỏ dở do khó khăn về đầu tư và trở ngại giao thông.
Thậm chí, việc khảo sát sâu về địa hình, khí hậu, văn hoá cũng gặp rất nhiều khó khăn khi có nhiều người chết vì sốt rét, khiến dự án bị lên án và yêu cầu huỷ bỏ. Nhưng cũng từ khảo sát này, phía toàn quyền Đông Dương hiểu hơn về địa hình và đặc trưng vùng cao nguyên Lâm Viên, dẫn đến chính thức chọn nơi này làm nơi nghỉ dưỡng mới mà Pháp sẽ tập trung đầu tư, phát triển.
Những tưởng sau quyết định này là một loạt các dự án được xây dựng và hoàn thiện, một thành phố mới ló dạng sau màn sương, nhưng thực tế lại cho thấy ngược lại. Đến tận năm 1910, vẫn chưa có bất cứ công trình nào được hoàn thiện. Các lý do được đưa ra chỉ xoay quanh việc thiếu ngân sách và nhân lực.
Từ năm 1910 trở đi, khu nghỉ dưỡng đã có những tiến triển tốt đẹp như hoàn thiện các tuyến đường Sài Gòn- Đà Lạt, Phan Thiết- Drijing… và bắt đầu đón tiếp khách du lịch. Tuy vậy, cơ sở vật chất vẫn vô cùng sơ sài và yếu kém.
Năm 1916, tỉnh Lâm Viên ra đời, mở rộng sự tiếp xúc của du khách với khu nghỉ dưỡng, cũng tạo tiền đề pháp lý non trẻ cho các nhà đầu tư.
Ngày 31/10/1920, Toàn quyền Đông Dương ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên thành thị xã Đà Lạt và xác định nâng Đà Lạt lên thị xã hạng hai với những quy chế rộng rãi. Từ đây, cái tên Đà Lạt được ra đời. Lúc này, nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng như: khách sạn Dalat Palace (1916 - 1922), ngăn đập xây hồ trên dòng Cam Ly (1919), nhà máy điện (1918), nhà bưu điện, kho bạc, trường học (1920), hồ nước trên suối Cam Ly (1919).
Những năm sau đó, Đà Lạt được hy vọng trở thành thủ phủ của Đông Dương, với tầm nhìn lớn. Tuy vậy, do nguồn ngân sách hạn chế mà Pháp đã không thể biến vùng đất này trở thành “thủ phủ của Đông Dương” như kỳ vọng. Tuy vậy, Đà Lạt vẫn trên đà phát triển, hoàn thiện từng bước về cả cơ sở vật chất và cảnh quan xung quanh.
Cho đến năm 1933, kiến trúc sư Pineau thiết lập một chương trình chỉnh trang mới cho Đà Lạt: bảo tồn các thắng cảnh và đã dự trù nhiều khoảng đất trống. Phía bắc được mở ra cho dân cư đến sinh sống. Xây cất hệ thống điện nước, viện, chợ, nhà máy điện, doanh trại… Chương trình này nhanh chóng được đưa vào thực tiễn, từ đó cho ra đời những công trình nổi tiếng của Đà Lạt như Viện Paáteur, ga Đà Lạt, các biệt thự lớn. Không chỉ vậy, vào năm 1937, Pháp mở chiến dịch tuyên truyền quảng bá cho Đà Lạt, dành riêng 56 số trên báo Pháp và Đông Dương chỉ để ca ngợi khu du lịch, nghỉ dưỡng đáng sống này.
Khác với hiện tại, vào những năm đầu phát triển, Đà Lạt không có những người trẻ bỏ phố về vườn hay các shark đến đầu tư bất động sản. Dân cư Đà Lạt chủ yếu là phu đồn điền, phu làm đường, thợ xây dựng bị Pháp lưu đày rồi ở lại định cư.
Đà Lạt ngày ấy được chia thành hai khu vực: người Pháp ở phía nam suối Cam Ly, đa số người Việt ở phía bắc suối Cam Ly. Nơi ở của người Pháp thì xa hoa, lộng lẫy, nhiều tụ điểm vui chơi hưởng lạc. Khu người Việt tập trung vào làm đồn điền, canh tác, cung cấp thực phẩm và vật tư cho khu bên cạnh.
Trong những năm 1940, Đà Lạt đã trở thành đốm sáng lớn trên cao nguyên tăm tối, là nơi lộng lẫy ánh đèn giữa rừng núi còn hoang vu.
Đà Lạt ngày càng được phát triển và mở rộng. Cuộc sống ở đây phát triển và nhộn nhịp không kém các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Năm 1939 xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở Đà Lạt luôn luôn tăng lên, cuộc sống ở đây lại tấp nập hơn bao giờ hết. Đà Lạt cũng là một môi trường lý tưởng cho các madame, monsieur dốc tiền vào đầu tư bất động sản.
Đời sống văn hoá Đà Lạt cũng phát triển nhanh chóng nhờ hệ thống trường học khá phong phú, các công trình thể thao, các cơ sở lớn của tôn giáo đều được xây xong năm 1942. Cảnh quan Đà Lạt ở khu trung tâm gần như hoàn chỉnh và được giữ nguyên mãi đến sau này.
Rời tay thực dân Pháp sau sự kiện Việt Nam và Pháp ký hiệp định Geneva năm 1954, Đà Lạt không còn là thủ đô mùa hè, cũng không còn là trung tâm hành chính như dưới thời Pháp thuộc. Lúc này chính quyền Việt Nam cộng hoà vẫn quan tâm đến tiềm năng du lịch của thành phố này và tiếp tục phát triển và khai thác du lịch và nông nghiệp. Ở những năm 1954- 1963, rất nhiều công trình du lịch, tôn giáo ra đời, có thể kể đến Viện Đại học Đà Lạt, Thư viện Đà Lạt, chợ Đà Lạt, sân bay Liên Khương, nhà thờ Cam Ly.
2. Định hướng phát triển Đà Lạt
Những năm trước khi giành độc lập, Đà Lạt là nơi du lịch sang chảnh cho giới thượng lưu, quan chức, lính tráng nước ngoài. Tuy vậy, trong chiến sự, du lịch của Đà Lạt ngày càng đi xuống do vấn đề an ninh, quân sự. Sau khi giành độc lập, nước ta tập trung giải quyết vấn đề lương thực và ổn định đất nước, việc phát triển thành phố du lịch không còn được tập trung và coi trọng. Đà lạt đã có một khoảng thời gian dài trầm lắng.
Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển đất nước, Đà lạt nhanh chóng nhận lại sự quan tâm của chính quyền mới còn non trẻ. Cùng với chính sách mới, đưa cán bộ từ miền Bắc và miền Trung lên vùng cao nguyên Lâm Viên vận hành và quản lý, dân số Đà Lạt theo đó tăng cao, bù vào số lượng người phu trở về quê cũ và chuyển đến nơi khác sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho văn hoá Đà Lạt ảnh hưởng nhiều bởi người miền Bắc và miền Trung.
Thời gian này, chính quyền chủ trương định hướng lại và vận hành các địa điểm du lịch theo những gì có sẵn, đảm bảo các di tích vẫn được sử dụng mà không đi trái với định hướng xây dựng quốc gia.
Từ cuối thập niên 80, nước ta nhận những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế. Cộng thêm cơn sốt đất bắt đầu từ năm 1990 và kết thúc năm 1992, Đà Lạt cũng đón nhận thêm những đại gia bất động sản tìm đến và đầu tư khu vực này. Nền kinh tế Đà lạt có dấu hiệu khởi sắc. Trong giai đoạn này, du khách, đặc biệt alf miền Nam đổ xô về Đà Lạt như một phong trào khiến nhiều nhà hàng, khách sạn, dịch vụ mới ra đời, như Biệt thự Hằng Nga đến giờ vẫn là điểm tham quan hấp dẫn.
Định hướng của quốc gia với thành phố này là phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống giao thông đường bộ để phục vụ du lịch nhưng vẫn phải giữ được nét đặc trưng và hoang sơ vốn có.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quảng bá, năm 2000, thành phố lần đầu tổ chức Festival hoa. Điều này đã thực sự hiệu quả khi nó lôi kéo 80.000 lượt khách du lịch đến với thành phố.
Hiện nay, Đà Lạt là một thành phố trực thuộc trung ương, được định hướng trở thành trung tâm du lịch văn hoá di sản mang tầm quốc tế đặc sắc của đất nước ta.
Kế thừa những công trình mang bản sắc Châu Âu mà thực dân Pháp để lại, nước ta hướng tới bảo tổn những giá trị sẵn có, chỉnh trang và phát triển Đà Lạt theo hướng bền vững.
Qua thời gian, những di sản như ga Đà Lạt, di tích trường Cao Đẳng Đà Lạt đã bị bị bào mòn, xuống cấp. Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án, cải tạo sửa chữa các di sản, một số đã được hoàn thiện và một số đang bắt đầu hoạt động cải tạo. Tuy vậy, định hướng chính được nhấn mạnh xuyên suốt là tu sửa, cải tạo nhưng phải giữ nguyên giá trị về văn hoá và lịch sử.
Trong suốt thời gian qua, các địa điểm đã được nhà nước ta trùng tu, tu sửa có thể kể đến các Dinh thự Bảo Đại, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt,…
5 năm trở lại đây, Đà Lạt không chỉ trở thành điểm đến ưa thích của các tín đồ du lịch, mà còn là vùng đất lý tưởng cho nhiều người trẻ đam mê khởi nghiệp, và người giàu đến đầu tư bất động sản. Dân tứ xứ bắc nam đổ xô về Đà Lạt khiến mật độ dân cư thành phố tăng chóng mặt.
Vào năm 1914, số liệu cho thấy Đà Lạt chỉ có khoảng 100 người Kinh sinh sống, đan xen với buôn làng nhỏ của người Lạch, người Chil. Nhưng hiện tại, Đà Lạt ghi nhận dân số đạt 406.105 người, xếp thứ hai trong các đô thị miền núi Việt Nam.
Dân cư đông đúc, lượng du khách trong và ngoài nước lớn khiến Đà Lạt phải đối mặt với nguy cơ quá tải, phá vỡ cảnh quan và kiến trúc đô thị.
Nhận thức được nguy cơ đó, ngày 04/10/2024, tại kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Quy hoạch nêu rõ nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, phát triển du lịch- văn hóa- khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế, phát triển theo hướng đô thị bền vững. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng hướng đến giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, không gian đô thị bị phá vỡ.
Không chỉ một thành phố du lịch, Đà Lạt còn nổi tiếng với bền nông nghiệp phát triển. Do đặc trưng khí hậu, Đà Lạt dễ dàng trồng nhiều loại cây ôn đới mà khó có thể trồng ở đồng bằng.
Nông sản Đà Lạt, nổi bật là hoa và rau củ, đã trở nên nổi tiếng và được phân phối trên khắp cả nước thông qua các đơn vị bán lẻ. Đặc biệt, nông sản Đà Lạt được áp dụng phương pháp trồng trọt bằng công nghệ cao, dự tính đi tắt đón đầu, mang lại sản lượng lớn và chất lượng đảm bảo, hướng tới xuất khẩu sang nhiều nước trong và ngoài khu vực.
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đưa tin, theo định hướng phát triển, đến năm 2030 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đồng thời, đến 2030 kinh tế nông nghiệp của Lâm Đồng được phát triển với hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Song song đó, đến 2030 Lâm Đồng cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tầm quốc gia và quốc tế.
II. Tại sao Đà Lạt là điểm đến ưa thích của người trẻ?
Giữa cuộc sống xô bồ và cuộc chiến với, không chỉ là cơm áo gạo tiền, mà còn là sự khám phá bản sắc cá nhân, sự công nhận, những cuộc chiến với bệnh tâm lý của người trẻ, thì phong trào healing phát triển hơn bao giờ hết, “chữa lành” cũng được nhắc đến nhiều như thể nó quan trọng không kém cơm áo gạo tiền.
Với những người đã quá mệt mỏi với khói bụi thành phố, với những ánh đèn rạng cả ngày lẫn đêm, thì những bài nhạc chill của Đen Vâu, những ly cà phê trong đêm muộn dường như không đủ an ủi tâm hồn. Họ tìm cơ hội cách ly với nơi cầm tù tâm trí họ, tìm đến nơi cho họ được thảnh thơi. Và thật trùng hợp, Đà Lạt lại làm được điều đó.
Đà Lạt nằm trên cao nguyên, đem lại một nguồn không khí trong lành đắt giá mà những thành phố lớn không thể có được, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm không khí của các thành phố lớn nước ta đang đạt mức đỉnh điểm.
Trong lòng thành phố và ngoại thành đều được bao phủ bởi các rừng cây chưa bị công nghiệp hóa, đó chính là những chiếc máy lọc không khí tự nhiên, khiến cho Đà Lạt đã trong lành lại càng trong lành và dễ chịu hơn. Nguồn không khí trong lành, mát mẻ làm con người thoải mái hơn, chữa lành lá phổi đã bị ăn mòn theo thời gian của những con người vật vã nơi phố thị.
Ngoài ra, do ở vị trí cao so với mực nước biển, thành phố lại không bị ô nhiễm bởi công nghiệp hoá mà bầu trời Đà Lạt lúc nào cũng trong xanh và không bị che phủ bởi lớp bụi mịn. Cộng thêm vị trí đón nhiều ánh sáng khiến cho cả thành phố trông trong xanh và rực rỡ. Mùa đông là mùa cao điểm của Đà Lạt. Bởi đây là khoảng thời gian lượng ánh sáng ít nhất trong năm, dễ đem lại chứng trầm cảm theo mùa, hoặc nhẹ hơn thì ảnh hưởng tới tâm lý và cảm xúc của con người. Vậy nên nhiều người chọn tìm tới Đà Lạt để hưởng cái ánh sáng chói chang của mặt trời, để ngắm nhìn mây trắng tràn qua những vệt nắng giữa bầu trời xanh thẳm. Đà Lạt trong trẻo nhưng cũng lãng mạn, bởi nó được bao quanh bằng một lớp sương mù trong suốt 356 ngày. Mỗi khoảnh khắc trong ngày của Đà Lạt đều không giống nhau, như vẻ đẹp lãng mạn ẩn hiện trong sương vào sáng sớm, rực rỡ vào giữa trưa khi nắng lên, và lãng mạn hơn vào buổi đêm khi gió bắt đầu về.
Phải nói rằng thiên nhiên có năng lượng chữa lành cực kỳ lớn. Và Đà Lạt biết điều đó, những người làm du lịch ở Đà Lạt biết điều đó, những cư dân Đà Lạt biết điều đó. Đà Lạt được bao phủ khắp chốn bằng những gam màu của cỏ cây, của gỗ, những gam màu thuần túy tự nhiên. Đà Lạt mang một màu sắc thiên nhiên đa dạng nhưng nhẹ nhàng và yên ả, đến độ người ta dành riêng cụm từ “vibe Đà Lạt” dành cho bất kỳ địa điểm nào bày trí nhiều cây cỏ, với gam màu gỗ ngập tràn và có mùi hương thiên nhiên dễ chịu.
Đà Lạt có đủ dịch vụ trải nghiệm cho mọi lứa tuổi, từ spa, nghỉ dưỡng, cà phê, săn mây, khám phá rừng thông, cắm trại,... và các dịch vụ ấy đủ đa dạng để bất kì ai cũng sẽ điền được kín lịch trình của mình ở thành phố này. Tính đến tháng 10/2024, trên địa bàn Đà Lạt có 2.503 cơ sở lưu trú với tổng số 33.138 phòng. Trong đó, có 370 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.299 phòng. Đà Lạt hiện có 24 khu, điểm du lịch có thu phí; 15 điểm tham quan chụp hình có thu phí; 9 điểm du lịch canh nông có thu phí vào cổng; 12 điểm cà phê - chụp hình không thu phí vào cổng chỉ tính phí nước uống; 19 điểm tham quan không có phí vào cổng; 8 điểm tổ chức ca nhạc ngoài trời; 10 khu du lịch, điểm được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và 1 khu du lịch cấp quốc gia. Thành phố khuyến khích người dân đầu tư và phát triển các loại hình dịch vụ để phát triển nền du lịch của khu vực, vậy nên các hoạt động dịch vụ ở đây phát triển hơn bao giờ hết, được khai thác triệt để hơn bao giờ hết.
Một lý do khiến Đà Lạt để lại cho người trẻ nhiều thương nhớ là nhịp sống của thành phố này. Người Đà Lạt nhẹ nhàng, người Đà Lạt lãng mạn, người Đà Lạt mến khách. Có lẽ, giữa cuộc sống hối hả và xô bồ ở thành phố lớn, thì một điểm dừng chân chậm rãi và dịu dàng lại đóng vai trò như một nốt trầm giữa bản giao hưởng, như một nhịp nghỉ để liên kết với những nốt nhạc dồn dập phía sau.
Phải nói Đà Lạt đang là con cưng của khu vực miền Trung nói riêng và của quốc gia nói chung, với sự quan tâm không chỉ của chính phủ mà còn của du khách trong nước và nước ngoài. Với bề dày lịch sử và đặc trưng thiên nhiên ban tặng, Đà Lạt là thành phố có tiềm năng khai thác lớn, không chỉ về du lịch mà còn về cả nông nghiệp.
III. Những điều hay ho ở thành phố sương mù
Đà Lạt có quá nhiều thứ hay ho. Ví dụ như những con đường không hề bằng phẳng mà sẽ lên xuống trập trùng như thể đang đi trên biểu đồ hình sin. Ví dụ như những con dốc còn độc đáo hơn thứ mà chúng ta hay tưởng tượng về những con dốc.
Đà Lạt đẹp, Đà Lạt thơ mộng, từng góc của Đà Lạt đều thơ thẩn một cách lạ lùng, và đến những con dốc ở thành phố này cũng mang một vẻ ngoài cổ kính và xanh mát. Dốc Đà Lạt nhìn thì đẹp, ngắm thì thích, nhưng đi thì không phải ai cũng có trải nghiệm hài lòng. Đặc trưng địa hình là vùng núi, nên thành phố này có nhiều con dốc cao thẳng đứng. Con dốc nổi tiếng nhất có tên “dốc Nhà Bò”, xuất hiện trong phim Tháng năm rực rỡ với hình ảnh nên thơ trữ tình. Tuy vậy con dốc này lại là khắc tinh của những tài xế tâm lý yếu. Một thú vui của khách du lịch Đà Lạt là đi check in ở những con dốc: dốc Nhớ Hoài, dốc Persimon, dốc Nguyệt Vọng Lầu…
Một điều thú vị ở Đà Lạt, rằng ở đây không có nhiều đặc sản của địa phương. Điều đó bắt nguồn từ việc hiện tại không còn nhiều người “Đà Lạt gốc”- những người dân tộc Lạch, Chil,... Từ thời Pháp thuộc, dân cư Đà Lạt chủ yếu là người dân tứ phương, đặc biệt là các khu vực liền kề như Huế, Sài Gòn, Phan Thiết bị đày lên làm phu rồi ở lại sinh sống. Họ mang những đặc sản của quê hương lên, biến tấu cho phù hợp với văn hóa địa phương, vì vậy Đà Lạt có thể nói là nơi đa dạng văn hóa, tập hợp đặc sản của nhiều vùng miền: bún bò Huế, lẩu gà lá é Phú Yên, bánh căn Ninh Thuận…
Đà Lạt là một trong số ít thành phố phát triển du lịch song song với nông nghiệp. Thông thường, các thành phố du lịch sẽ đi liền với phát triển công nghiệp, gắn liền với hình ảnh hiện đại. Tuy vậy, Đà Lạt lại đi ngược lại với hình ảnh thiên nhiên thuần túy và nền nông nghiệp phát triển. Nông sản Đà Lạt nổi tiếng về độ tươi ngon, một số giống cây đặc trưng được trồng và phát triển tại thành phố này, nhiều loại có thể đem xuất khẩu đi khắp Thế giới và phân phối tại nhiều hệ thống bán lẻ trên khắp 63 tỉnh thành.
Bên cạnh đó, Đà Lạt còn là điểm đến ưa thích của những người đam mê những câu chuyện tâm linh, kỳ bí. Thành phố này có nhiều giai thoại chưa thể lý giải liên quan đến những địa điểm như đèo Pren, dinh Bảo Đại. Người ta giải thích Đà Lạt là vùng đất thiêng bởi nơi đây là vùng núi non, được bao phủ bởi nhiều rừng cây lớn, “rừng thiêng nước độc”. Hoặc cũng có thể do để xây dựng được nhiều di tích như hiện tại mà Pháp đã chà đạp lên đồng bào ta, khiến rất nhiều người ngã xuống, khiến cho thành phố này xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ.
Đà Lạt là một thành phố với ưu thế cả về vị trí địa lý, thiên nhiên lẫn cảnh quan, kiến trúc. Các di tích đậm chất Pháp hài hoà cùng với kiến trúc chung của thành phố là điều khiến Đà Lạt khác biệt với phần còn lại của Việt Nam. Đà Lạt lãng mạn, người Đà Lạt trữ tình. Đà Lạt nên thơ, cảnh Đà Lạt chữa lành. Có lẽ, chỉ cần còn áp lực, còn mệt mỏi, thì người ta sẽ vẫn còn tìm đến Đà Lạt, tìm đến nơi không khí trong lành, cảnh quan xinh đẹp, con người đáng yêu để vỗ về tâm hồn sau chuỗi ngày mệt mỏi.


Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này