Bài viết này mình chủ yếu tập trung vào 2 chữ Nhân sinh nhưng mình có sử dụng 1 số khái niệm triết học cơ bản vào trong bài viết. Do mình không đi sâu vào nghiên cứu các lý luận trong triết học nên một số khái niệm có thể là nhầm lẫn - ngộ nhận, mong mọi người nhẹ tay :')
Đạo Nhân sinh là tập hợp những giá trị về cách ứng xử của con người trong mối quan hệ giữa người với người, giữa con người và tự nhiên. Nền Minh triết phương Đông chủ yếu tập trung vào vấn đề này và xây dựng các hệ giá trị xoay quanh nó. Nói nôm na thì Đạo Nhân sinh là 'cách đối nhân xử thế'.
Triết học và Minh triết
Nếu phép duy vật biện chứng mở rộng thế giới quan cho mình thì Bạch Vân gia huấn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là thứ mang cho mình những cảm ngộ đầu tiên về nhân sinh quan.
Triết học tập trung vào phát triển thế giới quan, là cách thức tư duy, quan điểm, nhận định về sự vật hiện tượng, về các hệ giá trị xung quanh con người. Triết học đi tìm câu trả cho mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức bằng cách đặt câu hỏi và đi tìm lời giải thích. Theo mình quan sát được thì cốt lõi của triết học là tư duy phản biện.
Minh triết phương Đông tập trung vào phát triển nhân sinh quan là cảm ngộ về tương tác giữa con người và môi trường xung quanh. Minh triết không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi con người sinh ra từ đâu với mục đích gì, không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vật chất có trước hay ý thức có trước. Minh triết chủ yếu tập trung vào sự tồn tại của cá thể - cộng động, giữa con người - tự nhiên. Cụ thể hơn, Minh triết hướng đến sự hòa hợp giữa cá nhân - cộng đồng, sự cân bằng giữa con người - tự nhiên. Mặc định sự cân bằng là trạng thái hoàn mỹ nhất của vận động và con người cần phải hướng đến điều đó.


Nhân sinh quan là gì?
Tư duy phản biện của Triết học rất khó trả lời toàn vẹn cho câu hỏi về "trách nhiệm": Trách nhiệm là gì? Tại sao trách nhiệm lại tồn tại? Tại sao trách nhiệm của mỗi người lại khác nhau? Trách nhiệm là tự giác hay là bắt buộc? Tại sao có những người chọn lựa hy sinh chính bản thân mình để hoàn thành trách nhiệm còn những người khác lại không?....
Trong hệ thống lý luận của nền Minh triết, Nhân sinh quan chính là nhận thức về vai trò của mỗi cá thể với cộng đồng, vai trò của con người với tự nhiên để hướng đến sự cân bằng giữa 'cá thể và cộng đồng', giữa 'con người và tự nhiên'. Bởi vì cân bằng là trạng thái hoàn hảo nhất nên con người cần phải tự cố gắng phát triển - rèn luyện bản thân để đảm bảo sự cân bằng trong mối quan hệ giữa người với người, giữa mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đảm bảo sự cân bằng chính là trách nhiệm của mỗi người vì 2 lý do:
- Nếu sự cân bằng này bị phá vỡ sẽ gây nên rất nhiều tác động xấu cho cá thể và cộng động. Trong xã hội hiện đại, chúng ta có thể quan sát được rất nhiều hệ quả của của việc mất cân bằng trong mối quan hệ nhân sinh như: biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang...
- Nếu xây dựng được sự cân bằng thì con người sẽ hòa hợp được với nhau, xã hội sẽ ổn định và phát triển, cá thể sẽ thụ hưởng được sự ổn định và phát triển của xã hội.
Thực tiễn đã chứng minh khi con người càng cố gắng thay đổi và cải tạo tự nhiên, thì tự nhiên càng phản ứng lại khắc nghiệt hơn, đến cuối cùng con người vẫn chỉ có 1 con đường duy nhất để tiếp tục tồn tại là khắc phục lại những hậu quả mình đã gây ra là thiết lập lại sự cân bằng vốn có trong tự nhiên. Ít nhất đạo gia đã đúng trong lý luận thích nghi với tự nhiên.
Tại sao nhân sinh quan lại quan trọng?
Minh triết thông qua nhân sinh quan tìm cách mô tả, khái quát sự vật hiện tượng. Ví dụ với khái niệm Hạnh Phúc: Minh triết sẽ mặc định hạnh phúc là 1 trạng thái cảm xúc tích cực của con người và rồi sẽ quan sát các hình thái biểu hiện của hạnh phúc, khi nào con người cảm thấy hạnh phúc rồi khái quát lại thành những tập hợp hành vi tạo ra hạnh phúc rồi hướng con người đến với giá trị này. Nhiều khái niệm được quan sát và tổng hợp lại giúp con người rèn luyện, mài giũa bản thân tạo thành một hệ giá trị - đấy là "Đạo".
Nhân sinh quan là cốt lõi để con người biết đúng biết sai trong mối quan hệ giữa cá thể và môi trường xung quanh. Đồng thời, mỗi người sinh ra với một khả năng khác nhau nên sẽ có vai trò khác nhau trong việc đảm bảo sự cân bằng của xã hội. Vì vậy, Nhân sinh quan giúp con người nhận thức rõ được khả năng và vai trò của bản thân trong xã hội, vai trò của con người trong mối quan hệ với tự nhiên.
Nhân sinh quan giúp con người nhận thức được Trách nhiệm cá thể đối với xã hội, trách nhiệm của nhân loại đối với sự cân bằng của hệ sinh thái.
Quan điểm phổ biến về Nhân sinh trong các lý luận của nền Minh triết
* Nhân sinh không theo ý ai, không thể quản. Đấy là "Vô thường" của Phật giáo
* Đạo bao lấy Nhân sinh, không thể nắm, không thể gọi tên, không thể quy nạp. Đấy là "Vi vô" của Lão tử
* Vũ trụ khởi nguồn của Đạo, thay đổi, biến chuyển, lúc tĩnh, lúc động. Đấy là "Dịch" của Âm Dương
Trong con mắt của Đạo gia, sự tồn tại của hiện tượng khách quan là không thể kiểm soát, cá thể chỉ có thể hòa hợp với môi trường xung quanh để tránh phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Con người tìm cách tự thích nghi với sự biến đổi của sự vật xung quanh để tự cân bằng được bản thân trong mối quan hệ xã hội và tự nhiên. Thay đổi - tự thích nghi là cách thức tồn tại toàn vẹn nhất.
Nếu để ý tìm hiểu hoặc có duyên tiếp xúc với Đạo, mọi người có thể thấy 1 điểm chung của tất cả các lý luận trong nền minh triết phương Đông trong bất kể các như Phật giáo, Nho giáo, Đạo Lão, v/v : học Đạo chính là rèn tâm để hướng đến sự cân bằng xã hội, đạt được sự cân bằng thì con người sẽ cảm thấy thoải mái và thỏa mãn.
Ắt hẳn có nhiều bạn đã từng thắc mắc "Tâm" là gì? Không phải đó là Nhân sinh quan đấy sao. Rèn tâm cốt lõi là phát triển Nhân sinh quan và sau đó có hành động phù hợp phản ứng lại môi trường xung quanh :')
Hành Đạo chính là 'Tùy mà Biến' - gói vào 6 chữ:
Tận nhân lực, Tri thiên mệnh
Trong các chương của Bạch Vân gia huấn, mình thích nhất 2 chương là mở đầu và lập nghiệp. Lời dạy của tiền nhân rõ ràng sâu sắc, mỗi người có một cảm ngộ khác nhau nên mình không dám bàn mà chỉ xin trích lại ở dưới.
Chúc mọi người có những cảm ngộ sâu sắc:
Chương 1: Mở đầu
Lượng Đức Thánh rộng như biển cả,
Truyền dậy cho thiên hạ điều hay.
Làm điều thiện hưởng phúc dầy,
Bất nhân thất đức có ngày tiêu vong.
Mềm dẻo tốt hơn cương cường,
Lưỡi mềm còn mãi, răng thường gẫy đi.
Chớ cậy ta dài mà chê người ngắn,
Đừng dối lòng đừng oán đất trời.
Lặng im mà ngẫm sự đời,
Tình người thoang thoảng, vơi vơi thì bền.

Đừng quên bạn nghèo hèn xưa cũ,
Vợ cháo rau xin chớ phụ tình.
Vật ngon, ăn quá bệnh sinh,
Vui chơi quá mức, ắt thành tai ương.

Giàu sang lắm nhiều đường bổng lộc,
Cây tái trồng hẳn gốc bị thương.
Buổi sáng còn cuốc ruộng nương
Biết đâu chiều đã công đường có khi.
Làm tướng đâu phải vì dòng dõi,
Thân nam nhi trí phải tự cường.

Chương 12: lập Nghiệp
Bài mười hai lo toan sự nghiệp
Muốn thành công phải biết lo xa.
Mưu sự là ở người ta,
Thành công tốt đẹp suy ra tại trời.
Có trường hợp ở nơi nguy bại,
Được trời phù nên lại thắng to.
Hoặc khi tai nạn gay go,
Gặp may lại được trời cho an toàn.

Có đức mà nghèo hèn cơ cực,
Hẳn là do nghiệp chướng từ lâu.
Bất lương mà được giầu sang,
Chắc là kiếp trước bắc cầu thiên duyên.

Nếu phận nghèo thì nên nghèo trước,
Chớ dã tâm, bạo ngược khởi đầu.
Biết mệnh là bởi hiểu sâu,
Sống yên vô sự khác nào thần tiên.

Muốn sống lâu phải rèn luyện tốt,
Từ lao động ăn uống thuốc men...
Giữ gìn chừng mực cho quen,
Một ngày vui khoẻ là tiên một ngày.

Không thuốc nào chữa bệnh khanh tướng thọ,
Có tiền đâu mua được con hiền.
Vợ ngoan chồng chẳng ưu phiền,
Có con hiếu thảo cha yên cõi lòng.

Bởi uống say, nói không tử tế,
Vì tiền tài, huynh đệ từ nhau.
Nên xuống ngựa lúc qua cầu,
Có đường bộ chớ rủ nhau đi thuyền.
Áo trắng thì bụi đen dễ dính,
Khó an toàn bởi tính kiêu căng.

Lòng người hiểm hơn núi rừng,
Hãy suy luận, để coi chừng đó nghe.

“Bọ ngựa bắt con ve tưởng bở
Sẻ lại rình bọ ngựa kề bên
Người săn tặng sẻ mũi tên
Hổ lang rình sẵn xông lên vồ người.

Hổ đắc ý lên rồi định biến,
Ngờ đâu sa xuống giếng mạng toi!
Mới hay mạnh yếu ở đời,
Nhãn tiền báo ứng rạch ròi phân minh.”
---Bạch Vân gia huấn, Nguyễn Bỉnh Khiêm