Nằm chễm chệ trên ngọn đồi hướng ra biển, tòa Bạch Dinh trong ánh nắng trở nên thật lung linh. Đứng ở ô cửa sổ ngôi kiến trúc, ánh mắt có thể thu trọn vẹn vẻ đẹp của biển Vũng Tàu, cảm nhận gió biển mát rượi lay nhẹ mái tóc.
Nằm chễm chệ trên ngọn đồi hướng ra biển, tòa Bạch Dinh trong ánh nắng trở nên thật lung linh. Đứng ở ô cửa sổ ngôi kiến trúc, ánh mắt có thể thu trọn vẹn vẻ đẹp của biển Vũng Tàu, cảm nhận gió biển mát rượi lay nhẹ mái tóc.

Bạch Dinh - vết dấu lịch sử của thành phố biển Vũng Tàu

Bạch Dinh tọa lạc tại số 4 Trần Phú - cung đường biển đẹp nhất của Vũng Tàu. Trong tiếng Pháp, Bạch Dinh có tên là Villa Blanche. Đây là công trình kiến trúc tuyệt đẹp và mang đậm vết tích lịch sử.
Một góc rất chill của tòa Bạch Dinh - Vũng Tàu
Một góc rất chill của tòa Bạch Dinh - Vũng Tàu
Tháng 8 năm 1788, mô đất nay là tòa Bạch Dinh được Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long - vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn) chọn để xây dựng Đài phong hỏa có nhiệm vụ đốt lửa báo tin cho các đồn trú của quân Nguyễn gần đó biết để cảnh giác, sẵn sàng nghênh chiến với quân Tây Sơn, bảo vệ thành Gia Định (nay là TP.HCM) và vùng đất Nam Kỳ. 
Đến tháng 2 năm 1824, vua Minh Mạng, người kế nhiệm vua Gia Long, cho nâng cấp đài phong hỏa thành pháo đài Phước Thắng nhằm kiểm soát vùng cửa biển Cần Giờ (TP.HCM). Sau khi người Pháp giành quyền cai trị Việt Nam, nơi đây được sử dụng để xây dựng dinh thự nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương. Công trình khởi công từ năm 1898, hoàn thành năm 1902, được đặt tên là Villa Blanche hay Bạch Dinh vì màu toàn bộ tòa nhà được phủ lên lớp sơn màu trắng.
Từ tháng 9 năm 1907, Bạch Dinh là nơi ở bất đắc dĩ của vua Thành Thái (vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn) trong 10 năm, nên Bạch Dinh còn được gọi là Dinh Ông Thượng. Năm 1934, Bạch Dinh trở thành nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn) và Hoàng hậu Nam Phương.

Vẻ đẹp của Bạch Dinh

Nếu chỉ đến Vũng Tàu vì những bãi tắm đẹp và những món ăn ngon thì quả là một điều tiếc nuối vì thành phố biển này còn nhiều thứ khác để khám phá, thưởng thức. Bạch Dinh là một ví dụ như vậy.
Ngay từ lối đi dẫn lên dinh đã có thể thấy tòa nhà màu trắng như kem với mái ngói đỏ cam đứng sừng sững. Mặt trước là biển Vũng Tàu xinh đẹp. Phía sau là núi rừng xanh mướt.
Là công trình được người Pháp xây dựng nên không khó để tìm thấy những dấu ấn kiến trúc của đất nước hình lục lăng ở Bạch Dinh. Từ những ô cửa chớp bằng gỗ; những bộ bàn ghế; bình hoa, bát đĩa, ly tách bằng gốm sứ được tô điểm nhiều hoa văn mềm mại và tinh tế, những ngọn đèn bàn, máy phát nhạc cổ, đồng hồ, những khung ảnh, bức tranh thêu chỉ, cầu thang gỗ nhỏ hẹp uốn lượn… 
Đi dạo trong tòa nhà, ngắm nhìn những món đồ nội thất, phần nào cảm nhận được cuộc sống của những vị chủ nhân trước đây của Bạch Dinh.
Đứng ở bất kỳ ô cửa sổ ở mặt trước trên lầu 2 của tòa nhà, nhắm mắt lại, tĩnh lặng để cảm nhận cơn gió mát mang thoang thoảng hương vị biển cả, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào như đang hát một khúc ca đầy hoài niệm, nhắc nhớ về những mảnh thời gian đã qua đi.
Bên ngoài khuôn viên Bạch Dinh có trồng rất nhiều cây hoa sứ, loài cây đặc trưng của Vũng Tàu. Cây nào cũng um tùm hoa lá. Nếu đi dạo mỏi chân, có thể ngồi nghỉ tại ghế đá dưới tán những cây hoa sứ, tránh đi cái nắng cuồng nhiệt của xứ biển. 
Hoặc thử mon men ra phía biển, nơi lá cờ Việt Nam tung bay phất phới, ngắm nhìn những khẩu thần công xù xì, bất động, hướng họng súng ra biển như đang tận hưởng giai điệu du dương của sóng biển, cây lá, gió, tiếng chim, tiếng nhịp sống vọng lại từ đằng xa.
Từ khu dinh thự, đi theo con đường đá nằm phía mạn trái, sẽ đến một vọng lâu nhỏ, nằm lọt thỏm giữa màu xanh của rừng cây, tách biệt hoàn toàn với tổng thể tòa nhà. Tại đây đặt bia đá khắc bài thơ của vua Thành Thái, bày tỏ nỗi niềm của một người đau đáu món nợ mất nước nhưng chẳng thể nào trả được. Bài thơ có tựa là Sầu Tây Bể Cấp!
Sống thừa nào có biết hôm nay Nhìn thấy non sông đất nước này Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ Ruột tằm chín khúc mối sầu tây Thành xuân muôn dặm mây mù tịt Bể cấp tứ bề bủa sóng vây Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc Dẫu cho sắt đá cũng chau mày.
 Bia khắc bài thơ Sầu Tây Bể Cấp của vua Thành Thái tại Bạch Dinh
Bia khắc bài thơ Sầu Tây Bể Cấp của vua Thành Thái tại Bạch Dinh
Ghé thăm Bạch Dinh, cảm giác như lạc vào một không gian kỳ lạ, vừa tách biệt nhưng cũng vừa lại hòa trộn với nhịp sống của thành phố biển Vũng Tàu. Đến để bồi hồi nhớ lại những dòng lịch sử đau thương của dân tộc, để cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng và yên bình của sóng biển, gió mát, núi rừng, mây trắng… Hoặc đơn giản chỉ để nhìn ngắm vẻ đẹp lãng mạn, trang nhã của tòa kiến trúc này. 

Một số điều cần biết khi đến Bạch Dinh

1. Địa chỉ: số 4 Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu
2. Giá vé vào cổng: 15.000 đồng/người
3. Phí gửi xe: 10.000 đồng/xe máy, 30.000 - 50.000 đồng/ô tô
4. Thời gian mở cửa: 7:00 - 17:00 tất cả các ngày trong tuần.