Nhớ lại ngày đầu thu tháng 9 năm 2020, mình thu xếp hết đồ dùng của mình đặt vào chiếc balo to bự. Ngóng ngày mai lên máy bay, đi Hà Nội để tham gia khóa học về liêm chính. 
Cũng cùng thời gian đó, mình bỏ môn thi 'Chính trị thế giới', bỏ hết 10 tiết học trong một tuần học, ngoài ra chấp nhận bị trừ hạnh kiểm vì không thể tham gia buổi 'Đại hội' gì đấy ở trường Đại học. Nhưng nói chung, chuyện cũng nhỏ so với những gì mình học được ở Vietnam Integrity School - VIS 2020.
Vietnam Integrity School - VIS 2020
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency - TT), cơ quan liên hệ chính thức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) tại Việt Nam. 
Vườn ươm liêm chính (Vietnam Integrity School - VIS) là một sáng kiến của TT, do Đại sứ quán Ireland tài trợ, nhằm nâng cao năng lực cho thanh niên trong thúc đẩy liêm chính tại Việt Nam. 
Những ngày hè tháng 7 ở khu quân sự, mình đọc được thông tin tuyển sinh của VIS với chủ đề ra khơi (https://bitly.com.vn/qzdo6v). Trong lúc điền đơn, mình thể hiện mong muốn tột cùng muốn tham gia vào khóa học ngắn ngày này ở Hà Nội. Và thế là mình được trở thành 1 trong 50 con người được chọn. 
Hình ảnh có thể có: 7 người, bao gồm Ha Voo, mọi người đang ngồi và giày
Buổi sáng cuối cùng, chúng mình cùng được thiền tập
1. Mình học được gì?
Chị Quỳnh - cán bộ Thanh niên Liêm chính, đã nói với mọi người rằng chị rất thích nghĩa gốc của từ "integrity" (liêm chính) là "integer" (số nguyên). Số nguyên không có thành phần phân số, nó toàn vẹn và nguyên vẹn. Với chị, sự toàn vẹn này ứng với lời dạy về sự hợp nhất của thân - khẩu và ý. Tức khi một người nói dối và làm những điều không đúng với suy nghĩ của người đó, là họ đã bị chia cắt. Phần thân (hành vi) đã bị chia cắt bởi phần ý (suy nghĩ, ý định), họ đã không còn nguyên vẹn, trọn vẹn. Trong chúng ta, ai cũng có nhu cầu được toàn vẹn. Điều đó dẫn đến việc con người có khả năng ngụy biện về những hành vi của mình. 
Một con người toàn vẹn, trước tiên thân, khẩu và ý của họ là một. Họ giữ được hành vi của họ đúng với ý định của họ, bên cạnh đó họ phát ngôn đúng với những gì họ nghĩ và làm. Sự thành thật với bản thân, với người khác sẽ giữ được họ nguyên vẹn và không thể bị chia cắt hay xâm phạm (incorruptible). Đây hoàn toàn là điều mà mình muốn hướng đến, làm bạn với chính mình và sống hạnh phúc với bản chất thực sự của con người mình.
"We all cheat a little bit"
Điều thứ hai mình ghi nhớ, ai cũng có khuynh hướng không liêm chính nhưng đều có giới hạn. Có một nghiên cứu được thầy Lộc (Phó hiệu trưởng trường ĐH Thái Bình Dương) nhắc đến, những người sáng tạo thường là những người "có khả năng" ăn gian nhiều hơn cả. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta đều có thể và đã từng không liêm chính. Mỗi người đều có mỗi lằn ranh đạo đức khác nhau và dường như chúng ta vẫn đang sống thông qua nó. Đây là lí do mà mình luôn tin tưởng rằng, không có điều gì đúng và sai trong cuộc sống này. Vì chúng ta đang sở hữu những đường biên khác nhau, nên dễ dàng cùng một việc mà có chuyện đúng với người này nhưng lại sai với người kia. 
Do vậy mình suy ra, việc đánh giá một người liêm chính hoặc không liêm chính dường như dựa vào lằn ranh đạo đức của chính mỗi người. Như vấn đề liêm chính trong y tế, việc những người nhà gửi tiền cho các bác sĩ có được gọi là không liêm chính hay không. Khi với người bác sĩ, việc để một số tiền ảnh hưởng tới sự chuyên nghiệp của họ trong một ca mổ là hoàn toàn không khả thi. Bên cạnh đó, người nhà của bệnh nhân gửi tiền cho bác sĩ chỉ như gửi hết thảy niềm tin của họ đi. Họ luôn có một niềm tin rằng, số tiền đó ít nhiều sẽ giúp ca mổ của người thân họ trở nên thành công hơn. Đứng ở góc nhìn đó, việc đút lót tiền cho bác sĩ có còn gọi là bất liêm chính đến vậy? 
Ồ nhưng mà bên cạnh đó, mình nhận ra vượt đèn đỏ cũng là một hành vi trái với luật lệ, là hành vi không liêm chính. Bởi vậy luôn luôn có một câu nói trong đầu mình, trên đời này làm gì có đúng hoàn toàn và sai hoàn toàn. Làm gì có trắng hoàn toàn và đen hoàn toàn đâu kia. 
2. Đó là những gì mình học, nhưng mình mang về điều gì cho hành trang sống trong khoảng đời còn lại?
Mình đến vườn ươm liêm chính, nhưng không dám nói rằng mình đã đem về một "tôi liêm chính". Mình chỉ dám khẳng định, thứ mình mang về được là một cái tôi bớt sợ hãi khi phải đối diện với những vấn đề cần "choose what is right".
Vâng, có rất nhiều bài học trong vỏn vẹn 5 ngày từ nền tảng, định nghĩa cho đến thực hành, hội chợ ý tưởng thúc đẩy liêm chính. Có rất nhiều câu chuyện trong suốt buổi học hoặc từ những buổi open space đến từ BTC cũng như các anh/chị học viên. Nhưng mình cứ nhớ mãi về những điều mà bác Đặng Hoàng Giang (tác giả sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ) nói đến về Chủ nghĩa "Anh hùng thường nhật". Có những ý chính mà bác nhắc đến: nói không với việc "sống chung với lũ", đừng trở thành một người trốn vé tàu (free-rider problem), hãy trở thành những anh hùng thường nhật.
Bác Giang bảo, việc sống chung với lũ là một dốc trượt sai trái. Đó là khi chúng ta phục tùng mù quáng uy quyền và tuân thủ "thiếu phê phán" chuẩn mực của đám đông. Vốn là một người anti hiệu ứng bầy cừu, mình hoàn toàn chống tay ngồi nghe bác nói với sự đồng tình mãnh liệt. Cũng như việc mắt mình to tròn khi đọc nhiều bài viết của các bạn trong spiderum về vấn đề tư duy độc lập mà không đi theo số đông. Sẽ thế nào nếu mỗi ngày mình lại phát hiện thêm nhiều con người sợ bị ghét khi phải chống lại một điều sai trái. Hoặc sẽ ra sao nếu tình trạng đám đông tư duy hời hợt cứ.. kéo dài. Bên cạnh đó, mình có thể lí luận một cách dễ hiểu rằng, việc phải sống chung với lũ có lẽ do con người cảm thấy bản thân quá yếu đuối để có thể đứng một mình, và nhiều lúc chọn lựa cô độc đứng ở bên kia sông là khó khăn. 
Nhưng hãy luôn tự thì thầm rằng 'mình muốn được tập thể chấp nhận, nhưng mình yêu quý sự độc lập của bản thân nhiều hơn'.
Biết đâu bạn cũng là một anh hùng thường nhật?
Bạn chắc hẳn không phải là một con người với sức mạnh và những khả năng phi thường mà người đời không có. Nhưng biết đâu bạn đã từng hoặc vẫn đang là một anh hùng thường nhật? Biết đâu bạn đã từng dũng cảm đấu tranh với bản thân để lựa chọn làm một điều thiện lành với lương tâm của mình. Biết đâu bạn đã sử dụng phần thân, khẩu và ý của mình để thay đổi những cái xấu và tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội mà bạn đang sống (hoặc có lẽ chỉ với chính bạn và những người thân yêu kề cạnh). Những anh hùng thường nhật là những con người tin vào pháp luật, tin vào lẽ phải và họ lựa chọn lan tỏa những điều tốt lành đến xung quanh. Chứ không phải một người sợ hãi khi chống lại điều sai đến từ đám đông, tức một 'free-rider problem'. Có lẽ, bạn và mình sẽ không dành được 17 năm cuộc đời để giải oan cho người học sinh của mình khi bị kết án sai như thầy Nguyễn Thận (https://dantri.com.vn/blog/nguoi-thay-cao-ca-cua-tu-oan-huynh-van-nen-20151204064826728.htm). Nhưng mình tin rằng, các bạn và mình sẽ cùng nhau lan tỏa những điều tốt lành nhất, bằng những hành động dẫu nhỏ. Và chắc chắn cả mình và các bạn đều không phải là những free-rider problem.
Đến đây, mình hạnh phúc nhớ lại những bài viết rất 'anh hùng' của các bạn/anh/chị ở spiderum. Mình thừa nhận rằng bản thân chưa phải là một hero, bởi tác động tốt của mình đối với xung quanh là quá cỏn con. Bên cạnh đó, nhiều lúc còn phản tác dụng. Nhưng mình hi vọng được chứng kiến nhiều hơn nữa những anh hùng thường nhật, song song với việc xây dựng được sức kháng cự và sự dẻo dai cho bản thân để lan tỏa những điều đúng. Mình đã từng rất sợ hãi khi phải một mình và bám víu tất cả mọi thứ để không còn cảm thấy đối chọi với đám đông. Nhưng năm 2020, được gặp bác Giang và nghe về chủ nghĩa 'Những anh hùng thường nhật', mọi chuyện đã khác. 
Mong bạn với mình, cùng tôn trọng quyền lực đúng và phản đối quyền lực sai. Choose what is right để biết đâu một ngày được hóa thành hero. Quan trọng là, khôngggggg sợooooo đứngggg mộtttttt mìnhhhhh!!!
Hình ảnh có thể có: 1 người
Chào bác Đặng Hoàng Giang, hero của con!
3. Một mẫu chuyện
Cuối tháng 12, được gặp và nói chuyện với một số anh chị trong cộng đồng người chuyển giới đến Huế làm triển lãm photovoice. Một người anh hỏi mình rằng mình đi học VIS về như thế, có cảm thấy bản thân đang xung đột hệ giá trị với xung quanh hay không. Mình buộc miệng định nói có, vì những ý tưởng mà mình đang mang khác xa nhiều với rất nhiều bạn sinh viên tại môi đại học của mình, mà mình phải chạm mặt mỗi ngày. Nhưng mình nghĩ lại bài học về đường biên, mỗi người vốn có những lằn ranh đạo đức khác nhau và mình hoàn toàn không thể phán xét ai qua những đường biên mà họ đang mang. Mặc dù mình đúng là không thể hòa hợp vào môi trường hiện tại, nhưng mình nghĩ không có điều gì xấu xa hoặc sai trái ở họ. Điều này làm mình nhận ra, mình cũng đang tập dần với việc chấp nhận những người xung quanh như họ vốn là và nói không với sự phán xét.
Hình ảnh có thể có: 6 người, bao gồm Ha Voo, mọi người đang ngồi, văn bản cho biết 'MADE'
Ngồi bên cạnh người chị Lan Anh mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng.
*** Tóm lại:
Cô Đỗ Thùy Dương vào ngày khóa học kết thúc đã nói rằng: "Không bao giờ có tình huống nào là no choice".
Theo mình, là một con cừu thì rất dễ dàng để sống với xung quanh nhưng lại rất khó để đối mặt với chính bản thân mình. Nên nếu mình không thể bơi từng chút một ra khỏi dòng lũ, mình vẫn còn một lựa chọn là khiến dòng nước đó không còn là dòng nước lũ. 
Nói có vẻ oai, nhưng đơn giản lại thì mình chọn không làm những điều trái với lương tâm. Bên cạnh đó, lan tỏa được điều tốt lành bao nhiêu thì lan, chỉ vậy hehe! 
Một chiếc video mà chúng mình làm để lan tỏa chút 'liêm chính' ra cộng đồng (https://bitly.com.vn/eqjker)
Mình mong các bạn và mình luôn luôn nguyên vẹn.