Bà nội tôi có cái tên rất ấn tượng - Hoàng Tuyết Phương. Đúng với cái tên mỹ miều này, bà là người phụ nữ đẹp với mái tóc ngắn “phi dê”, luôn xuất hiện trong trang phục tươm tất và cư xử cực kỳ khéo léo. Ngày còn trẻ, bà đi học tại Thượng Hải rồi trở về làm công việc phiên dịch cho các chuyên gia Trung Quốc. Kể cả khi bước sang tuổi thất tuần, bà vẫn giữ được phong thái trang nhã, mỗi lời nói ra đều dí dỏm, ý nhị, chẳng làm mất lòng ai bao giờ.

Bà nội tôi giặt khẩu trang y tế ư? Không, bà nội rời xa chúng tôi năm 2014, sau 3 năm đương đầu với căn bệnh trầm cảm, rất lâu trước khi đại dịch kỳ lạ này diễn ra.

Người bà còn lại của tôi là bà ngoại. Một người phụ nữ rất bình thường. Cụ đặt tên bà là Giỏi, đặt tên chị gái bà là Thừa - những mong muốn rất đỗi dễ hiểu của người Việt Nam giữa thời chiến. Suốt một thời trẻ, bà tôi là công nhân nhà máy cao su, chỉ quanh quẩn bên mấy chiếc máy công nghiệp.

Bà thương người, luôn hy sinh vì người khác nhưng ai gặp bà cũng sẽ nhận ra một điều: Bà rất vụng, lúc nói chuyện chỉ giỏi... làm mất lòng người ta!

Trong bữa cơm mẹ tôi nấu, bà sẽ chê cơm nấu khô, thịt kho mặn dù thừa biết mẹ rất nóng nảy. Trước mặt bạn gái thằng em giai tôi, bà cũng không tiếc lời kể nó bẩn thỉu không tắm, mồm hôi, tất thối… tiện thể nhắn con bé đừng “quyến rũ thằng cháu bà vì nó chùi đi’t còn chưa sạch”.

Mỗi tối gọi điện cho tôi, bà sẽ nói liên tùng tục 15 phút đồng hồ về chuyện tôi phải động viên thằng em học hành (dù tôi biết một mình bà nói đã là quá khổ cho nó), tôi phải tiết kiệm tiền lương không được tiêu hoang (dù Shopee của tôi chỉ thuộc hạng… thành viên). Nếu tôi có lỡ mồm nói mình đang đi café hay đi ăn gì đó thì còn được khuyến mại thêm 10 phút nói liên tục về việc cần ở nấu cơm chăm sóc bố, không nên đàn đúm bạn bè. Nếu tôi giải thích thì bà sẽ tự ái, “thôi thôi nhé”, dập máy. Vì thế nên tôi thường chỉ cúp máy sau 15 – 20 phút nói vâng ạ liên tục và cơ bản đã hỏng một bên tai.

Ngoài ra, bà tôi cũng rất trái khoáy. Bà đòi nằng nặc đến nhà người ta chơi, ngồi 5 phút nói liên tục về mình, rồi nằng nặc đòi về. Tôi bảo tôi sẽ đến đưa bà đi khám lúc 8h, bà không chịu, bà phải đi từ 5 giờ sáng nên tự bắt xe ôm đi, nhờ người ngoài đường dắt vào rồi bảo chẳng ai quan tâm bà. Bà nhịn ăn nhịn uống vì mì tôm ở cổng viện 4k một gói chứ không phải 10k/3 gói như mua ở nhà. Bà đòi tôi tìm người yêu hợp tuổi :)

Chiều hôm nay, bà nằng nặc đòi dùng cái khẩu trang cũ ướt sũng mồ hôi để vào viện. Tôi bảo bà thay cái khẩu trang y tế này đi bà bảo không cái khẩu trang này dễ giặt cái kia giặt khó.
“Ơ bà giặt khẩu trang y tế ấy ạ?”
“Bà giặt để ở nhà nhiều lắm.”
“Cái này dùng 1 lần thôi không giặt được đâu, bà vào viện thì đeo cái mới này vào nhà cháu có nhiều mà.”
“Không không không.”
Tôi nói hết cả hơi, vẫn không được. Thú thật là tôi cảm thấy rõ là mệt khi bà chẳng bao giờ nghe tôi nói và tôi thì cứ phải chiều theo những yêu cầu trái khoáy này.

Mẹ tôi nói lúc trẻ bà không như thế, bà ít nói và sống rất thực tế. Ký ức của tôi lúc nhỏ cũng đồng quan điểm này, ngày tôi 5 - 6 tuổi, tôi luôn vui cười khi ở bên cạnh bà.

Thế nhưng thời gian tàn nhẫn như thế đấy! Tuổi già và một cuộc đời truân chuyên làm người ta trở nên khó ưa. Có cụ lẩm cẩm, có cụ khó tính, có cụ cứ hay tủi thân một mình, điều này khiến những người yêu thương và kiên nhẫn với các cụ nhất cũng phải mệt mỏi.
Khi các ông bà già đi, họ nhận ra con cháu không cần tới họ nữa, bạn bè họ thì bay vào hư vô. Họ nói thật nhiều, khuyên bảo con cháu đủ điều (như bà ngoại tôi) để cảm thấy mình vẫn còn quan trọng; hoặc buồn phiền, chán nản (như bà nội tôi) vì không biết giờ phải làm gì.

Như người sếp tôi rất kính trọng đã từng nói, “hoàn cảnh” là cái vòng tròn lặp đi lặp lại. Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ già đi, có lẽ cũng sẽ nhiều lời và trái tính trái nết y như thế, tới lúc ấy tôi mong con cháu cũng hiểu cho hoàn cảnh éo le này, mong họ vẫn bao dung và yêu thương tôi. Có lẽ các cháu tôi không biết nhưng người bà của chúng từng là cô gái Gen Z vô cùng hài hước bị thời gian bào mòn.

Tôi thầm nghĩ vậy... chắc hẳn ngày xưa bà tôi cũng dễ thương lắm. Thế là tôi giấu diếm đem cất cái khẩu trang vải của bà đi giặt, rồi lừa lừa bà đeo cái khẩu trang y tế mới. Thôi được rồi, chẳng ai tránh được việc già đi, thế nên cháu sẽ cố gắng ha!