Ba mẹ nhà người ta?
Cha mẹ thường so sánh con mình với "con nhà người ta". Sói nghĩ đây là một sự so sánh độc hại mà thiên hạ thường dùng rất vô tư.
Cha mẹ thường so sánh con mình với "con nhà người ta". Sói nghĩ đây là một sự so sánh độc hại mà thiên hạ thường dùng rất vô tư. Nếu một ngày đẹp trời, đứa con nó cộc mở miệng so sánh ngược lại với khái niệm “ba mẹ nhà người ta” thì sao?
Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh
"Con nhà người ta" giỏi hơn, ngoan hơn, điểm cao hơn con mình thì trong đa số trường hợp là … ba mẹ nó có trình độ cao hơn mình - chứ không phải vì con mình kém cỏi như mình nghĩ. Nói một cách công bằng, chất lượng và phẩm chất của đứa trẻ dưới tuổi lao động (15 tuổi) được quyết định phần lớn bởi chất lượng ba mẹ - người cung cấp môi trường sống, rèn nề nếp sinh hoạt, giáo dục, và nhiều thứ khác. Nên khi thấy con mình chất lượng chưa tốt, ba mẹ đừng vội so sánh nó với "con nhà người ta". Nghĩ đơn giản, mình có bằng cha mẹ của "con nhà người ta" chưa mà cứ so sánh con mình với "con nhà người ta".
Một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi học hết cấp 2, giáo trình tại trường, môi trường học đường cũng như trình độ giáo viên cũng tương đương hàng triệu đứa trẻ khác. Tuy vậy, thời gian ở trường cũng chỉ tối đa 8-9 tiếng mỗi ngày. Còn thời gian còn lại là ở nhà - một môi trường sống bên ngoài nhà trường.
Suy cho cùng, phần lớn chất lượng của đứa trẻ không phải ở sách giáo khoa, chương trình học Anh Úc Pháp Ý, trường lớp, hay giáo viên... mà chính là chất lượng ba mẹ. Ba mẹ có trình độ cao sẽ quan tâm và điều chỉnh để giúp đứa trẻ có được môi trường sống, học tập và sinh hoạt lý tưởng. Bởi vậy nên, Sói rất chán khi thấy các ông bố bà mẹ khi con hư thì câu cửa miệng của họ luôn là "thầy cô trường lớp gì mà không biết dạy, cho đi học mà để nó hư thân mất nết" hay “ở trường cháu nó hiền lắm (nhưng quên là … cháu nó ít khi ở trường)”.
Nhìn rộng ra ngoài khía cạnh trường lớp, gia đình và xã hội, giáo dục nó nhằm phát triển 3 khía cạnh là trải nghiệm, kiến thức và mindset của đời người. Những thứ như đạo đức, nghị lực, kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, EQ, kỹ năng tự học luôn là việc của mà đứa trẻ sẽ bắt chước (từ cha mẹ, môi trường sống, học tập) và tự rèn luyện chứ không có trường lớp nào dạy được những điều này cả.
Những kỳ vọng tiêu cực
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta ít nhiều phải sống trong một bầu không khí phải nhìn trước nhìn sau so sánh liên tục. Sự so sánh “con nhà người ta” kia lại vô tình làm bầu không khí đó thêm căng thẳng. Khi còn đi học, chúng ta so sánh với những học sinh khác với thước đo là điểm số. Khi đi làm, chúng ta cạnh tranh, so sánh, chặt chém đồng nghiệp với thước đo là thu nhập, thăng tiến. Ai học kinh doanh, chúng ta còn được học 1,001 cách phân tích đối thủ cạnh tranh.
Có một sự thật là sự cạnh tranh là chìa khóa cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại suốt mấy trăm năm qua. Sự cạnh tranh giữa Samsung và Apple mang đến cho chúng ta điện thoại thông minh làm được điều mà 20 năm trước chưa ai nghĩ đến, hoặc sự cạnh tranh giữa các hãng dược đã đem con Covid tới với thế giới này (just kidding). Bản thân sự so sánh và cạnh tranh đã giúp chúng ta được sống trong sự tiện nghi và thoải mái ngày nay.
Vấn đề chỉ bắt đầu khi chúng ta coi việc so sánh là mục đích, mà không phải là phương tiện để cuộc sống tốt hơn. Đó là lúc chúng ta bất hạnh triền miên. Hôm nay bạn thấy đứa hàng xóm bạn ghét mua con Iphone 13, bạn bèn cố lên cái Galaxy Fold. Hôm khác bạn lại thấy nó mua Mercedes, thì bạn cố mua con xe cỡ McLaren hơn thằng kia, nhưng sau đó thì sao? Máy bay riêng? Đâu là điểm dừng? Sẽ không có giới hạn trong việc so sánh với người khác. Tất nhiên, siêu xe chỉ là một góc nhỏ của câu chuyện, nghĩa rộng hơn là những sự ganh đua về chức quyền, những tranh giành các món lợi vật chất, thắng hay thua đều làm cho chúng ta hoài nghi về bản thân, mất động lực cuôc sống và cuối cùng đều khiến chúng ta xấu xí và bất hạnh. Bạn nào có nghiên cứu về consumerism sẽ còn hiểu hơn về điều này.
Sự kiên trì
Thay vì cạnh tranh với người khác, bạn hãy biết đặt mục tiêu, âm thầm, đều đặn, tập trung hoàn toàn vào việc cạnh tranh với chính bản thân mình, đừng quan tâm thằng hàng xóm nữa.
Hôm qua, bạn béo phì, ăn uống không lành mạnh, nặng 1 tạ, hay ăn junk foods. Bữa nay, bạn đạt mục tiêu còn 99kg rưỡi, ăn uống lành mạnh hơn, giờ giấc sinh hoạt điều độ hơn một chút thì bạn hoàn toàn có quyền tự hào về bản thân. Vì bạn đã vượt qua chính mình. Bạn đã trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình hôm qua. Khi bạn chỉ cạnh tranh với chính mình, thì dù ai thắng ai thua, thì người hưởng lợi vẫn là chính bạn. Khi bạn cạnh tranh với người khác, phần lớn thời gian bạn sẽ thua te tua, nhưng nếu cạnh tranh với chính mình, bạn luôn thắng. Bạn sẽ bớt cay cú với những điều ngoài tầm kiểm soát và biết tập trung vào những thứ trong tầm kiểm soát (là chính bạn) để hài lòng hơn với những gì mình đang có.
Nếu bạn sợ việc ngày hôm nay chỉ tốt hơn ngày hôm qua thì các bạn sẽ đi chậm thì các bạn đừng lo, chỉ cần mình toàn tâm toàn ý, đều đặn, kiên trì đat những mục tiêu nhỏ mỗi ngày (tiếng Anh gọi là low-hanging fruits hoặc small wins) thì một ngày mình nhìn lại bạn sẽ rất bất ngờ khi thấy mình đã đi rất xa. Bản thân Sói đã từng gãy tay khá nặng trong khi tập võ và khó có thể hít đất được quá 20 cái, nhưng sau hơn 1 năm miệt mài cải thiện ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, Sói lại có thể hít hơn 1,200 cái. Nếu bạn tiến bộ đều đặn 1% mỗi ngày, thì sau 365 ngày, chúng ta đã tiến bộ hơn gấp gần 38 lần so với thời điểm hiện tại. Còn bạn thụt lùi đi mỗi ngày 1% thì sau 1 năm, bạn đã kém hơn con người của hiện tại 33 lần. Chia nhỏ mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ mỗi ngày, ráng hoàn thành nó, điều đó sẽ khiến bạn có động lực và tiến gần đích hơn mỗi ngày, chứ đừng nhìn mục tiêu lớn từ đầu, sẽ rất nản. There is only one way to eat an elephant: a bite at a time!
Tóm lại, hãy bớt so sánh, tập trung vào bản thân và hãy kiên trì!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất