Lấy cảm hứng từ 1 video Tiktok của Ngoclamnguoilon: “Làm thế nào để biết bản thân thay đổi qua năm tháng? Hãy xem lại một bộ phim cũ mà ngày xưa mình hay xem”.
Mình rất thích xem phim, máu nghiện phim đã có trong người từ bé rồi ý. Và đương nhiên mình cũng rất hay xem lại các bộ phim từ ngày xưa mình đã xem, có thể do không có phim mới nên cày lại phim cũ, cũng có thể phim đó gắn với một kỉ niệm nào đó hay đôi khi và vô tình lướt Facebook, Tiktok thấy lại phim cũ nên nổi hứng cày lại,… Đó là những phim mà mình có thể cày đi cày lại vô số lần như Harry Potter, các phim hoạt hình (Conan, One Piece,…), anime (Vùng đất linh hồn, Khu rừng đom đóm,…) nhưng mà bộ phim phản ánh đúng nhất câu nói trên là phim Cuộc chiến của Ender (Ender’s Game).
Cuộc chiến của Ender là một bộ phim khoa học viễn tưởng của Mỹ ra mắt năm 2013 được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả  Orson Scott Card. Dù đã phát hành được 10 năm nhưng cả nội dung và hình thức của phim vẫn cực kì đặc sắc và rõ nét: câu chuyện đi trước thời đại, kĩ thuật tiên tiến, cảnh quay sống động, đồ họa siêu thực,… Bộ phim là câu chuyện về cậu bé  Andrew "Ender" Wiggin trên hành trình từ học viên đến khi trở thành chỉ huy trưởng của hạm đội tiêu diệt chủng tộc ngoài hành tinh, được gọi là Formics. Formics đã từng tấn công trái đất và giết chết hàng triệu người, nhưng đã bị tiêu diệt bởi một chỉ huy đi trước là Mazer Rackham. Trong 50 năm sau đó, Hạm đội quốc tế vẫn tiếp tục huấn luyện các thế hệ trẻ để chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo của Formics. Và Ender Wiggin chính là “người được chọn”.
Mình đã xem phim này 3 lần: lần đầu là lúc mình học cấp 2 (khoảng 12-13 tuổi), lần 2 là lúc cấp 3 (khoảng 16 tuổi) và gần đâu nhất khi mình bước sang tuổi 20.
Lần đầu tiên xem cách đây khá lâu và mình cũng còn khá nhỏ nên không nhớ rõ chi tiết, chỉ biết rằng cậu bé nhân vật chính rất đẹp trai, cuộc du hành vũ trụ rất thú vị và một mong muốn được tham gia tiêu diệt quái vật, trở thành chiến binh siêu anh hùng,…
Lần thứ hai thì mình tìm Vietsub để vừa xem phim vừa luyện Tiếng Anh. Mình bắt đầu chú ý hơn đến chi tiết và hiểu hơn diễn biến của bộ phim. Nó giúp mình khám phá vũ trụ, chiến thuật, cách xây dựng đội hình, những khó khăn trong cuộc sống và chiến đấu,… những thứ cơ bản của một bộ phim.
Và lần xem Ender’s Game tốn chất xám nhất và ý nghĩa nhất của mình chính là lần gần đây nhất. Lúc đó mình muốn gợi lại một chút cảm giác xưa cũ nên đã mở xem lại và mình đã phải giật mình vì vẫn là bộ phim đó, vẫn là những nhân vật đó và cái cốt truyện mình đã thuộc làu nhưng mà sao cảm giác nó khác quá: nó sâu sắc hơn, nó phát triển lên một tầng cao mới và khiến mình phải suy nghĩ nhiều hơn.
1. “Người được chọn”
          Nếu trước đây mình chỉ biết Ender là nhân vật chính, cậu ấy có hào quang của nhân vật chính, vừa giỏi vừa đẹp trai, chỉ đạo thì cực ngầu và dứt khoát, tức là mình không thấy bất cứ điểm yếu nào của cậu ấy. Nhưng lần xem gần đây mình đã phải nhìn Ender với một con mắt khác- một bản thể “người” hơn. Cậu là người con thứ 3 trong gia đình và luôn coi mình là đứa con không mong muốn của bố mẹ, hơn thế nữa cậu luôn tự ti trước người anh trai Peter. Chính vì thế mà ở trường cậu luôn thể hiện thái độ cầu hòa: sẵn sàng nhận thua chứ không muốn đánh nhau.
          “Mình là người xuất sắc nhất cho đến khi gặp những người khác cũng như vậy”. Bạn đã từng rất giỏi hoặc đứng đầu trong lớp hay một nơi nào đó nhưng khi bước ra khỏi đó bạn gặp những người khác cũng rất giỏi và thường giỏi hơn bạn, hiểu biết hơn và xinh đẹp hơn? Nếu dối lòng tôi sẽ nói rằng tôi rất vui khi gặp họ vì sẽ học hỏi được nhiều hơn nhưng thật tiếc là không. Tôi sẽ thấy vô cùng tự ti và nhỏ bé, cảm thấy bản thân thật thảm hại, một cảm giác không dễ chịu chút nào. Trong Ender’ Game có một cảnh như vậy: Khi Ender được chọn để tham gia trung tâm huấn luyện chỉ huy, cậu là người duy nhất trong trường được chọn, thậm chí còn được Đại tá đích thân đến nói chuyện với bố mẹ và đón đi nhưng khi lên tàu vũ trụ, cậu thấy cũng có những người bạn khác “được chọn”, thậm chí có một cậu bạn còn bé hơn cả Ender. Mình không biết lúc đó Ender cảm thấy thế nào nhưng liên hệ với bản thân thì mình cảm thấy hụt hẫng, như kiểu: tưởng mình là ngoại lệ của ai đó nhưng hóa ra người đó đối với ai cũng vậy.
          Mình cũng quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc và suy nghĩ của Ender. Do ảnh hưởng từ tâm lý “đứa con thừa” và sự cam ghét của người anh trai Peter nên phần nào đó Ender khá yếu đuối và nhạy cảm nhưng điều đó cũng khiến cậu có lòng nhân ái, biết quan tâm những người yếu thế và cả những sinh vật khác loài như Formics. Cậu thích chiến đấu, giỏi chiến thuật nhưng không thích chiến tranh và chết chóc. Cậu tôn trọng và kính thờ Đại tá và Người chỉ huy nhưng không tán đồng cách làm của họ mà có chính kiến riêng của mình.
2. Ranh giới giữa Anh hùng và Kẻ hủy diệt
          Lúc còn bé mình chỉ biết rằng anh hùng rất ngầu, kiểu có thể làm được mọi thứ nên mình luôn muốn trở thành người hùng, luôn muốn đứng đầu. Nhưng khi bước nửa chân ra cuộc sống mình mới hiểu được để trở thành anh hùng hay người chiến thắng cũng đồng nghĩa với việc phải đánh bại, hủy diệt kẻ khác. Hào quang và bóng tối luôn tồn tại song song như câu nói: “Muốn ngồi được vào vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được”. Dần dần mình mới thấy làm một người bình thường cũng rất ổn, không nổi bật cũng chả có gì đáng sợ lắm (bệnh hèn).😊
          Một điểm mới nữa mà mình nhận ra là chúng ta thường có cái nhìn phiến diện về các sinh vật lạ hay những sinh vật ngoài hành tinh, một phần do ta không có thông tin về chúng, một phần do tác động của các phim viễn tưởng mà mình vẫn gọi chúng là những kẻ tấn công, luôn nghĩ chúng đe dọa trái đất. Nhưng Ender’s Game cho mình một cách nhìn mới rằng chúng cũng vì sự sinh tồn của loài mình và có thể chúng cũng có suy nghĩ và tình cảm,…
3. Kết thúc của phim
          Cái kết của phim rất đáng suy ngẫm, vừa là cái kết mở (OE) vừa là kết đẹp nhưng cũng khá buồn. Trong cuộc chiến cuối cùng mà Ender tưởng chỉ là mô phỏng, cậu đã vô tình hủy diệt cả một giống loài. Khi biết sự thật cậu đã rất đau khổ, cậu được thăng chức làm đô đốc, được mọi người ca người và tán thưởng những chính cậu lại căm ghét bản thân mình là “tội nhân của vũ trụ” và thực sự cậu chỉ mới là một đứa trẻ. Bộ phim cũng gián tiếp lên án việc xã hội đặt áp lực nặng nề lên thế hệ trẻ mà đến ngày nay vẫn đang diễn ra và càng tồi tệ hơn.
          Đây là những suy nghĩ và cảm nhận của mình ở tuổi 20, chắc chắn là sau này mình sẽ xem lại Ender’s Game Movie 1 hoặc nhiều lần nữa hoặc có thể tìm đọc bản tiểu thuyết và có thể có những suy nghĩ khác nữa. Dù sao mình vẫn thấy đây là một bộ phim đáng xem. Rất cảm ơn mọi người đã đọc đến cuối.