tặng Surphi10
Đọc qua một số cuốn sách về văn học trước 1945, tôi có cảm giác rằng sự tập trung đang được dồn về các nhân vật và diễn biến ở Bắc Kỳ, còn những nhân vật của Trung Kỳ hay Nam Kỳ thì lại tương đối bị underrated. Trước 1945, riêng miền Nam đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu rất đáng chú ý. Chẳng hạn, Bến Tre có Trương Vĩnh Ký. Cần Thơ có Hồ Hữu Tường, Tiền Giang có Hồ Biểu Chánh. Đồng Nai có Phan Văn Hùm (Bình Nguyên Lộc cũng người Đồng Nai, và cũng thuộc thế hệ Hồ Hữu Tường, nhưng ông chỉ viết từ sau 1945). 
Còn Bà Rịa - Vũng Tàu thì sao? 
Trước hết phải kể đến Huỳnh Tịnh Của, tức Paulus Của (1830-1908), người từng làm chủ bút tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, Gia Định báo (1865-1910). Cùng với Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Trường, Trương Minh Ký và một số trí thức khác, Huỳnh Tịnh Của đã góp phần quan trọng vào việc cổ động tân học và truyền bá chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ. Trong các trước tác của ông, không thể không nhắc đến Đại Nam quấc âm vị tự (1895). Đó là quyển từ điển tiếng Việt đầu tiên do một người Việt Nam biên soạn - mà mãi đến năm 1931 mới xuất hiện một quyển từ điển thứ hai, do Hội Khai Trí Tiến Đức ấn hành - cũng đủ thấy sự đi trước thời đại của Huỳnh Tịnh Của. Quyển Đại Nam quấc âm vị tự được xem như pho sách kinh điển của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam. Và chính nhờ công lao của những người như Huỳnh Tịnh Của mà văn chương chữ quốc ngữ mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 1932-1945 sau này. 
Nói đến văn chương chữ quốc ngữ, nhiều người cho rằng Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách là quyển tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên. Nhưng tìm hiểu thêm một chút, sẽ thấy rằng trong khi Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm từ năm 1922 và đem in thành sách năm 1925, thì trước đó, năm 1912, khi đang làm việc ở Cà Mau, Hồ Biểu Chánh đã viết một tiểu thuyết mang tên Ai làm được? và cho đăng nhiều kỳ trên báo Nông cổ mín đàm (1901-1921). 
Tuy vậy, Ai làm được? vẫn chưa phải là cuốn tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên. Giờ đây, sau khi đã có thêm những phát hiện và công bố, ta mới biết rằng ngay từ cuối thế kỷ 19 đã có một quyển tiểu thuyết chữ quốc ngữ khác, mà tác giả của nó cũng là một người sinh ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) với quyển Truyện thầy Lazaro Phiền, do nhà J. Linage, Librairie-Éditeur, đường Catinat Sài Gòn xuất bản năm 1887. Truyện tuy ngắn nhưng có cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết Tây phương, và có chủ đề tâm lý nội tâm, là bước đột phá ra khỏi khuôn khổ cấu trúc của truyện xưa. Có nhà nghiên cứu còn liên hệ đến quyển Amok của Stefan Zweig (xuất bản năm 1922) khi thấy cả hai tác phẩm đều có cốt truyện và cách vào truyện giống nhau, xem đó như một cuộc gặp gỡ Đông Tây trong văn học.
Như vậy, trong mấy nhân vật ở Bà Rịa - Vũng Tàu, về làm báo và truyền bá chữ quốc ngữ đã nổi bật lên Huỳnh Tịnh Của, viết tiểu thuyết giai đoạn đầu đã có Nguyễn Trọng Quản, còn nghiên cứu và phê bình văn học thì sao? Vị trí này phải để cho Kiều Thanh Quế (1914-1948).
Trong khi học sinh cả nước đều nghĩ đến anh em Hoài Thanh - Hoài Chân với Thi nhân Việt Nam, cùng Vũ Ngọc Phan với Nhà văn hiện đại như là gương mặt điển hình của phê bình văn học. Thực tế là, có rất nhiều tài năng đã bị khuất lấp và lãng quên: Phan Khôi với Chương Dân thi thoại, Thiếu Sơn với Phê bình và cảo luận, Lương Đức Thiệp với Việt Nam thi ca luận, Trương Chính với Dưới mắt tôi, Nguyễn Đổng Chi với Việt Nam cổ văn học sử, Trần Thanh Mại với Trông dòng sông Vị, Lê Thanh với Cuộc phỏng vấn các nhà văn, Trương Tửu với Văn chương truyện Kiều và Kiều Thanh Quế với ba cuốn Phê bình văn học, Ba mươi năm văn họcCuộc tiến hóa văn học Việt Nam. Giáo sư Thanh Lãng, trong hai quyển Phê bình Văn học Thế hệ 1932 đã phân tích rất sâu và rất kỹ cách phê bình của từng người, góp phần sắp xếp lại đúng vị trí của họ trong lĩnh vực phê bình văn học thời tiền chiến.
Nhận định về Kiều Thanh Quế trong tư cách nhà phê bình, Thanh Lãng nói tuy cách phê bình của Kiều Thanh Quế hãy còn khuyết điểm ở chỗ ông chưa nắm trong tay tất cả các tài liệu cần thiết, nhưng Kiều Thanh Quế không giáo điều như Dương Quảng Hàm hay Vũ Ngọc Phan. Ông cũng là người đầu tiên đã đề cập đến vấn đề phê bình văn học một cách tỉ mỉ, chi tiết, giới thiệu cho công chúng những phương pháp phê bình của Ferdinand Brunetière, Sainte Beuve, hay Hippolyte Taine. Cái đáng chú ý nhất ở Kiều Thanh Quế là thay vì tập trung vào những tác giả, tác phẩm, hiện tượng cụ thể, ông muốn thâu tóm cả một thời đại văn học trong một cái nhìn đại quan, và chính ông cũng là người thứ nhất đã phác họa bộ mặt của văn học mới, ghi nhận sự diễn biến của văn học mới, và vẽ thoáng được cái đồ biểu đường tiến hóa của văn học mới.
Kiều Thanh Quế không chỉ là nhà phê bình, ông còn là một dịch giả đã góp phần đưa văn chương của Tolstoy, học thuyết của Sigmund Freud, và thơ ca của Tagore vào trong nước. Ở tuổi chưa đến 30, mà đã có những công trình lớn như vậy, Kiều Thanh Quế hẳn phải thông minh, giỏi ngoại ngữ, và có sức đọc rất khủng. Ngặt nỗi, tương tự như Vũ Trọng Phụng hay Lương Đức Thiệp, Kiều Thanh Quế là một người mệnh yểu, qua đời năm 34 tuổi trước khi kịp hoàn thành trọn vẹn những dự án văn hóa của đời mình.
Bìa một số sách của Kiều Thanh Quế mà mình sưu tập được:
Một câu chuyện cá nhân là, lúc đi chơi ở thành phố Vũng Tàu, tôi đã thử đi trên con đường mang tên Kiều Thanh Quế, cũng như tôi từng thử đi trên đường Lưu Văn Lang bên hông chợ Bến Thành mà trước đây là đường Tạ Thu Thâu, như thử tìm một cảm giác liên hệ gì. Nhưng không có gì đặc biệt cả.