Bà có giống chúng tôi không? 
Bệnh nhân muốn biết, và bác sĩ trị liệu – Marsha M. Linehan của ĐH Washington, người sáng tạo ra một biện pháp chữa trị cho người có khuynh hướng tự tử nghiêm trọng được áp dụng rộng rãi trên khắp thế giới – đã có một câu trả lời sẵn sàng. Đó là câu trả lời bà luôn dùng tới để thu ngắn câu hỏi, dù người bệnh đã hỏi nó trong hy vọng, trong sự cáo buộc hay sự hiểu biết, sau khi họ đã nhác thấy những hình thù hoa văn của các vết phỏng, vết cắt và lằn roi đã mờ phai trên tay TS Linehan:
“Cô muốn hỏi là, tôi đã chịu đau đớn chưa ư?
“Không, Marsha ạ,” bệnh nhân trả lời bà, trong một lần họ gặp nhau mùa xuân 2010. “Ý tôi là, chị có giống chúng tôi không? Giống chúng tôi ấy. Vì nếu như điều này đúng, nó sẽ mang lại cho tất cả chúng tôi rất nhiều hy vọng.”
“Nó đã,” TS Linehan, 68 tuổi, người tuần trước đã lần đầu kể lại câu chuyện của mình trước công chúng bao gồm những người bạn, gia đình, các bác sĩ trong Institute of Living, Phòng khám Hartford nơi bà đã lần đầu được điều trị chứng né tránh xã hội cực đoan ở tuổi 17. “Quá nhiều người đã nài tôi lên tiếng, và tôi đã nghĩ – có lẽ mình phải làm thôi. Tôi nợ họ. Tôi không thể là một kẻ hèn nhát đến khi xuống mồ.”
"Tôi không thể là kẻ hèn nhát," TS Marsha M. Linehan
Không ai biết bao nhiêu người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng đang sống những cuộc sống có vẻ bình thường, thành công, vì những người này không có thói quen nói về bản thân họ. Họ quá bận rộn đắn đo những trách nghiệm, trả hóa đơn, học tập, săn sóc gia đình – đồng thời vẫn vượt qua những cơn cảm xúc hay ảo tưởng u ám có thể nhanh chóng nuốt trọn bất kỳ ai khác.
Hiện tại ngày càng có nhiều người như thế đang đứng trước nguy cơ phải công bố bí mật, cho rằng đã thời điểm giờ đã tới. Hệ thống sức khỏe tâm thần của nước Mỹ là một mớ hỗn độn, họ cho hay, khi nó tội phạm hóa nhiều bệnh nhân và cất giữ một số trường hợp nghiêm trọng nhất ở các bệnh xá và trung tâm điều trị nhóm, nơi họ nhận được sự săn sóc từ những nhân viên có chuyên môn chỉ ở mức tối thiểu. Ngoài ra, sự kỳ thị từ xã hội dành cho bệnh tâm thần dạy những ai có chẩn đoán như vậy cách tự xem mình là nạn nhân, dập tắt thứ duy nhất có thể thôi thúc họ tìm đến chữa trị: hy vọng.
“Tồn tại một nhu cầu hết sức to lớn phải phá tan các bí ẩn bao quanh bệnh tâm thần, để gán cho nó một bộ mặt, để cho người khác biết rằng kết quả chẩn đoán không nhất thiết sẽ dẫn đến một cuộc sống đau đớn và méo xệch,” Elyn R. Saks, giáo sư ĐH Luật Nam California, người đã ghi lại những vật lộn của bản thân với tâm thần phân liệt trong quyển The Center Cannot Hold: My Journey Through Madness (tạm dịch: Tâm không thể kham: Hành trình qua Loạn trí) chia sẻ. “Những người như chúng tôi đang phải vật lộn với những rối loạn ấy có thể có những cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc, hữu ích , nếu như chúng tôi có được những tài nguyên đúng.”

Những tài nguyên đó bao gồm thuốc (thường), trị liệu (thường xuyên), một chút may mắn (luôn luôn) – và, hơn hết, một sức mạnh nội tại để chống chọi với những con quái vật bên trong, nếu không thể trục xuất chúng ra ngoài. Sức mạnh đó có thể đến từ một số nơi, những bệnh nhân của ngày trước cho biết: tình yêu, sự tha thứ, đức tin nơi Chúa, một tình bạn thâm niên.
Nhưng trường hợp của TS Linehan cho thấy không hề có một công thức chữa trị. Bà có một sứ mệnh cá nhân thôi thúc cứu giúp những người muốn tự tử mãn tính, thường là hậu quả của chứng rối loạn nhân cách ranh giới, một tình trạng bí ẩn đặc trưng chủ yếu từ những thúc giục muốn tự hủy hoại bản thân.
“Thật tình khi đó tôi đã không nhận ra tôi đang phải tự đối phó với chính mình,” bà nói. “Nhưng tôi cho rằng việc tôi hình thành nên một hình thức trị liệu đã mang lại những tài nguyên mà tôi đã từng cần tới quá lâu nhưng chẳng bao giờ có, quả là đúng.”
Tôi đã ở trong Địa ngục
Bà biết được cái bi kịch chính yếu của bệnh tâm thần trầm trọng từ trải nghiệm thương đau, khi bà đập đầu vào tường một căn phòng khóa kín.
Marsha Linehan đến Institute of Living ngày 9 tháng 3, 1961, ở tuổi 17, và nhanh chóng trở thành người trú duy nhất của phòng cách li của khu khám tên gọi Thompson Two, dành cho các bệnh nhân bệnh nặng nhất. Đội ngũ y bác sĩ không thể có giải pháp khác: cô gái trẻ tự tấn công mình theo thói thường, dùng thuốc lá đốt cổ tay, cứa cánh tay, chân, bụng dưới, bằng bất cứ vật bén nhọn nào cô có thể mó tay vào.
Phòng cách li, một buồng nhỏ có một giường, ghế, và một cửa sổ đã bịt lại, không có những món vũ khí ấy. Thế nhưng sự thúc ép muốn kết liễu mình chỉ thêm sâu đậm. Thế nên cô đã làm điều duy nhất cô cho là hợp lý vào lúc đó: đập đầu vào tường, và sau đó, xuống sàn. Rất mạnh.
Cửa phòng cách ly Linehan khi còn nhỏ, nay đã là một văn phòng nhỏ
“Toàn bộ những gì tôi trải qua trong những cơn như thế chính là ai đó khác đang làm điều đó; giống như “Tôi biết nó sẽ tới, tôi không thể kiểm soát, ai đó cứu tôi với; Chúa Ơi người ở đâu?” bà kể lại. “Tôi thấy hoàn toàn trống rỗng, như Người thiếc; Tôi không có cách nào để nói về những gì đang xảy ra, không có cách nào hiểu được nó.”
Thời thơ ấu của cô, ở Tulsa, Oklahoma, cung cấp đôi manh mối. Một sinh viên xuất sắc ngay từ đầu, thiên bẩm trên cây dương cầm, bà là con thứ ba trong sáu đứa con của gia đình một người bán dầu và vợ, một phụ nữ xởi lởi chia sẻ thời gian chăm sóc con cái với Junior League và các sự kiện quần chúng ở Tulsa.
Những người biết gia đình Linehan lúc đó còn nhớ đứa con thứ ba già trước tuổi thường gặp chuyện, và TS Linehan nhớ lại cái cảm giác bị so sánh vô cùng bất xứng với những anh chị em khác trong nhà, quyến rũ và giỏi giang hơn. Nhưng bất chấp những sự cơn đau buồn nào đang xảy ra bên trong cô, không một ai để ý đến cho đến khi cô nằm liệt giường với những con nhức đầu vào năm cuối trung học.
Em gái cô, Aline Haynes, chia sẻ: “Đó là Tulsa của thập niên 60, và tôi không nghĩ cha mẹ mình biết họ phải làm gì với Marsha. Không ai biết bệnh tâm thần là gì cả.”
Chẳng bao lâu, một nhà tâm lý trị liệu trong vùng đề nghị mang cô bé đến Institute of Living, để giải quyết tận gốc vấn đề. Ở đó, các bác sĩ chẩn đoán cô bị tâm thần phân liệt; cho cô uống Thorazine, Librium và nhiều loại thuốc liều nặng khác, bên cạnh hàng giờ đồng hồ điều trị bằng phân tâm; cột cô vào để sốc điện, lần đầu 14 và lần thứ hai 16 lần, theo bệnh án. Không có gì thay đổi, và chẳng mấy chốc bệnh nhân được đem trở lại cách li trong gian phòng khóa lại.
“Ai cũng sợ hãi khi tới đó,” Sebern Fisher, một bệnh nhân và về sau trở thành bạn thân của bà, chia sẻ. Nhưng dù cho xung quanh của bà là gì, Fisher nói thêm, “Marsha vẫn có thể quan tâm rất nhiều cho người khác; sự tận tụy của cô cũng sâu thẳm như sự cô đơn của cô.”
Institue of Living
Trong tóm tắt trả bệnh nhân, viết ngày 31 tháng 5, 1963, viết rằng “suốt 26 tháng trong viện, Cô Linehan, trong một thời gian đáng kể, là một trong những bệnh nhân bất trị nhất trong viện.”
Một bài thơ mà cô gái hoang mang ấy đã viết khi đó có những dòng sau:
“Họ cho tôi vào căn phòng bốn bức tường
Nhưng lại thả tung tôi ra
Linh hồn tôi bị vứt ngổn ngang
Tứ chi chao đảo quanh đây”
Dù có đập đầu vào tường, bi kịch vẫn còn đó: không một ai biết điều gì đang xảy ra với cô, và kết quả của chuyện đó săn sóc y tế chỉ càng làm tình trạng thêm trầm trọng. Bất kỳ sự chữa trị nào cũng không được dựa trên một lý thuyết nào cả; về sau bà kết luận, mà vào thực tế: cảm xúc đích xác nào đã dẫn đến ý nghĩ nào dẫn đến hành vi khủng khiếp nào gần nhất. Trị liệu buộc phải phá vỡ cái chuỗi ấy – và dạy được một hành vi mới.
“Tôi đã ở trong địa ngục,” bà nói. “Và tôi đã thề rằng: khi ra ngoài, tôi sẽ quay trở lại chốn ấy và lôi những người khác ra ngoài với tôi.”
Sự chấp nhận cơ bản
Cô đã cảm nhận thấy sức mạnh của một nguyên lý khác khi nguyện cầu ở một nhà nguyện nhỏ ở Chicago.
Đó là 1967, nhiều năm sau khi rời viện trong vai trò một cô gái trẻ 20 tuổi mà bác sĩ đã cho là không có cơ hội sống sót một khi đã xuất viện. Cô đã tồn tại, suýt soát cái chết: có ít nhất một lần tự sát ỏ Tulsa, khi vừa về nhà; và một đợt lên cơn khác sau khi cô dọn đến Y.M.C.A ở Chicago để làm lại cuộc đời.
Cô lại nhập viện và xuất viện giữa hoang mang, cô độc, và gắn bó hơn bao giờ hết vào tín ngưỡng Cơ đốc của mình. Cô dọn sang ở cùng một người tên Y, tìm thấy công việc thư ký một công ty bảo hiểm, bắt đầu học các lớp ban đêm ở ĐH Loloya – và cầu nguyện thường xuyên ở một nhà nguyện trại Trung tâm An trú Cenacle. 
“Một đêm khi tôi đang quỳ và khấn nguyện, ngẩng lên thấy thập giá, và toàn thể nơi ấy hóa thành màu vàng – và thình lình tôi cảm thấy có gì đó tiến đến gần tôi,” bà kể. “Chính là nhờ trải nghiệm huyền ảo ấy, và tôi chạy về phòng của mình và nói rằng, “Mình yêu thương bản thân mình.” Đó là lần đầu tiên tôi còn nhớ được tôi đã nói với tôi bằng ngôi thứ nhất. Tôi cảm thấy mình đã được thay đổi.”
Giai đoạn phấn chấn ấy kéo dài chừng một năm, trước khi cảm giác muốn hủy hoại quay trở lại khi một chuyện tình chấm dứt. Nhưng chuyện nay đã khác. Giờ đây cô đã có thể chèo chống những cơn bão táp cảm xúc mà không tự hoại bản thân.
Chuyện gì đã xảy ra?
Mất nhiều năm theo học tâm lý – cô có bằng TS ở ĐH Loyola năm 1971 – trước khi cô tìm thấy một câu trả lời. Bề ngoài, câu trả lời có vẻ hiển nhiên: Cô đã chấp nhận chính con người của mình. Cô đã tìm cách giết bản thân quá nhiều lần vì cái khoảng cách giữa con người mà cô muốn trở thành và con người thật của cô đã khiến cô vô vọng, khốn đốn, đoái mong về một đời sống mà cô chưa bao giờ biết. Cái khoảng cách ấy có thật, và không thể nào nối lại được.

Ý nghĩ cơ bản ấy – sự chấp nhận cơ bản, giờ đây bà gọi nó bằng tên gọi này – trở nên càng lúc càng quan trọng khi cô bắt đầu điều trị các bệnh nhân, trước tiên tại một phòng khám điều trị các ca tự sát ở Buffalo về sau trong vai trò một nhà nghiên cứu. Đúng thế, thay đổi thật sự là có thể. Sự quy củ ngày một rõ nét của hành vi dạy rằng con người có thể học những hành vi mới – và hành xử khác đi có thể đôi lúc thay đổi những cảm xúc cơ bản một cách toàn diện. 
Nhưng những người muốn tự tử từ thâm tâm họ đã thử thay đổi hàng triệu lần và thất bại. Cách duy nhất để vượt qua được chính là nhận ra rằng hành vi của họ có lý do: Các ý nghĩ về cái chết là sự giải tỏa ngọt ngào trước những điều mà họ đang đau đớn trải qua.
“Cô ấy rất sáng tạo với mọi người. Tôi phát hiện ra ngay lập tức,” Gerald C. Davison cho biết, người hồi 1972 đã nhận TS Linehan vào chương trình giáo sư điều trị hành vi ở ĐH Stony Brook. (Giờ đây ông là một nhà tâm lý ở ĐH Nam California.) “Cô ấy có thể kéo người khác ra khỏi vấn đề của mình, thử thách họ bằng những điều họ không muốn nghe tới nhưng vẫn không làm họ cảm thấy bị phản đối.”
Không nhà trị liệu nào có thể hứa hẹn một sự hoán chuyển nhanh chóng, hay thậm chí một “nhận thức” thình lình, huống gì một sự giác ngộ tôn giáo lung linh. Nhưng giờ đây TS Linehan đang tiến gần đến hai nguyên tắc tưởng như đối nghịch với nhau nhưng có thể hình thành nền tảng của chữa trị: chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, không phải như nó nên có; và cái nhu cầu thay đổi, bất chấp thực tại và nhờ vào thực tại. Cách duy nhất để biết được liệu bà đã có gì khác hơn là lý thuyết suông chính là áp dụng lý thuyết ấy một cách khoa học vào đời sống thực – và không bao giờ nghi ngờ nên bắt đầu từ khi nào.
Lay lắt qua ngày
“Tôi quyết định tìm tới những người rất muốn tự tử, những trường hợp trầm trọng nhất, vì tôi cho rằng họ là những người đau đớn nhất thế gian – họ nghĩ rằng mình xấu xa, rằng họ tệ, rất rất tệ - và tôi hiểu rằng họ không như họ nghĩ,” bà nói. “Tôi hiểu nỗi đau đớn của họ vì tôi đã từng trải qua những cái tương tự, trong địa ngục, mà không hề biết cách để thoát ra.”
Cụ thể bà chọn cách chữa trị những người như thế với một chẩn đoán mà bà đã có thể trao cho riêng mình trước kia: rối loạn nhân cách ranh giới, một tình trạng hãy còn ít được hiểu rõ đặc trưng bằng sự lệ thuộc tình cảm, những cơn bùng nổ cảm xúc và thúc ép tự hủy diệt bản thân, thường dẫn đến cắt hay đốt bản thân. Trong trị liệu, các bệnh nhân bị rối loạn này có thể kinh khiếp thật sự - thích điều khiển, thù hằn, đôi khi hoàn toàn câm tiếng, và nổi danh về chuyện bỏ ra ngoài phòng khám kèm theo đe dọa tự tử.
Hình từ mentalmovement.co.uk
TS Linehan phát hiện ra rằng sự căng thẳng của việc chấp nhận ít nhất có thể giữ họ trong phòng: các bệnh nhân chấp nhận con người của họ, chấp nhận rằng họ cảm thấy những cơn rối loạn tâm thần, sự trống rỗng, lo âu mạnh mẽ hơn hầu hết những gì người khác cảm nhận. Đến lượt mình, nhà trị liệu chấp nhận rằng, việc cắt, đốt hay tự kết liễu cuộc sống hoàn toàn hợp lý. Cuối cùng, nhà trị liệu gợi ra sự cam kết nơi người bệnh rằng họ sẽ thay đổi hành vi của mình, một sự cam kết bằng lời đổi lấy một cơ may để sống tiếp: “Trị liệu không hiệu quả với những người đã không còn sống sót” là một cách bà sử dụng để mô tả.
Thế nhưng kể cả khi đã trèo lên nấc thang hàn lâm, đi từ ĐH Cơ đốc Mỹ đến ĐH Washington năm 1977, bà hiểu ngay từ trải nghiệm cá nhân của mình rằng sự chấp nhận và thay đổi hiếm khi đủ đầy. Trong những năm đầu ở Seattle bà thường cảm thấy muốn tự tử mỗi khi lái xe đến chỗ làm; kể cả ngày hôm nay, bà vẫn cảm thấy những cơn hốt hoảng, gần đây nhất khi chạy xe qua đường hầm. Bà cũng lệ thuộc vào những nhà trị liệu khác; không thường xuyên trong suốt những năm qua, để hỗ trợ và dẫn dắt (bà không nhớ đã dùng tới thuốc sau khi rời viện)
Cách tiếp cận điều trị ngày một phổ biến của TS Linehan – giờ đây được gọi là Liệu pháp hành vi biện chứng, tức DBT – còn cần phải bao gồm những kỹ năng hàng ngày. Một cam kết chẳng có mấy ý nghĩa, nếu như người ta không có những công cụ để thực hiện cam kết. Bà đã vay mượn một số công cụ từ các trị liệu hành vi khác và bổ sung vào đó những thành tố khác, chẳng hành động trái ngược, trong đó bệnh nhân sẽ hành động trái với những gì họ cảm thấy khi hành vi của họ không phù hợp, và thiền tỉnh giác, một kỹ thuật Thiền mà người thực hành sẽ chú trọng vào hơi thở và quan sát cảm xúc của họ đến và đi mà không làm theo chúng (Thiền tỉnh giác ngày nay là một phần bắt buộc trong nhiều hình thức trị liệu tâm lý)
Trong các nghiên cứu ở thập niên 80 và 90, các nhà nghiên cứu tại ĐH Washington và các nơi khác tìm thấy sự tiến triển ở hàng trăm bệnh nhân rối loạn ranh giới có nguy cơ tự sát cao, những người tham gia các buổi trị liệu biện chứng hàng tuần. So với những bệnh nhân nhận những điều trị từ các chuyên gia khác, những người theo phương pháp của TS Linehan tự sát ít hơn rất nhiều, vào bệnh viên cũng ít thường xuyên hơn, và thường dễ duy trì trị liệu hơn. Liệu pháp hành vi biện chứng ngày nay đã được sử dụng rộng rãi cho đa dạng các bệnh nhân khó trị khác, bao gồm những thiếu niên phạm tội, những người rối loạn ăn uống và những người nghiện ma túy.
“Tôi cho rằng lý do Liệu pháp này đã được rộng rãi đón nhận như thế là vì nó tìm cách giải quyết một thứ trước kia không thể nào chữa trị; con người hoàn toàn không thể biết chuyện gì xảy ra với rối loạn ranh giới,” Lisa Onken, trưởng nhánh Trị liệu hành vi và tương tác của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ. “Nhưng tôi cho rằng lý do mà phương pháp này đã vang vọng rất lớn trong với các nhà trị liệu cộng đồng đến rất nhiều từ uy tín của Marsha Linehan, từ khả năng kết nối của bà với những bệnh nhân lâm sàng cũng như với khán giả khoa học”
Rõ nét nhất, có lẽ, là khi TS Linehan đã đến một nơi mà bà có thể đứng lên và kể câu chuyện về mình, bất chấp chuyện gì sẽ xảy ra. “Giờ đây tôi là một người vô cùng hạnh phúc,” bà trả lời trong một phỏng vấn tại nhà mình gần ký túc xá ĐH, nơi bà sống cùng với cô con gái nuôi, Geraldine, và chồng cô, Nate. “Tôi vẫn trải qua những cơn thăng trầm, dĩ nhiên, nhưng tôi không hơn gì bất kỳ ai khác.”
Sau bài diễn văn tự công bố hồi tuần rồi, bà đã trở lại căn phòng cách li, giờ đây đã được cải tạo thành một văn phòng nhỏ. “Nào, hãy nhìn xem, họ đã thay đổi cửa sổ căn phòng,” bà nói, xòe cả hai bàn tay. “Có nhiều ánh sáng hơn rất nhiều.”
Bài viết gốc của Benedict Carey tại The New York Times
dịch bởi Space Monkies