Một buổi trưa nắng như đổ lửa, sau khi hai đứa tranh thử làm cho xong việc thì đồng hồ đã điểm hơn 12h trưa. Trưa thì thế nào? Dĩ nhiên là bụng sẽ đói. Vậy phải làm sao? Tất nhiên là phải ăn chứ sao? Cả hai đứa chạy ùa ra quán cơm gần nhà cho tiết kiệm thời gian... “Cô ơi! Cho con...”
Ăn gì thì lại đây chọn.” Cô bán cơm vừa nói vừa gắp đồ ăn cho khách, rồi chạy ù đi xem nồi cơm vừa mới cắm thên và nồi canh đang ở trên bếp than hồng.
Cô ơi! Cho con ly trà đá!” Khách ăn xong lại gọi.
Cô chủ quán quay cuồng với đủ thứ công việc và quên luôn hai đứa đang đứng trước cái quầy thức ăn. Mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng bất thường chầu chực để đổ mưa của ông trời làm người đang đói bụng ham ăn cũng thấy ể oải. Tôi kéo tay ông chồng đi chỗ khác mà ổng không hiểu ý cứ đứng trân trối ở đó đợi chờ.
Cô ơi! Tính tiền con không uống nước nữa.” Rồi chàng trai đứng dậy bỏ đi sau khi thanh toán xong. 
Sau khi yên vị ngồi vào bàn đợi thức ăn ông chồng nhìn tôi bảo: “Em có thấy điều gì không?”
Có!
Nói anh nghe: “Đói hoa cả mắt, người như tắm nè!”
Sao em tầm thường, tham ăn uống như chư bát giới vậy? Thôi để anh nói cho em nghe luôn: “Quán cơm này có một mình cô bán cơm đúng không? Cô làm tất tần tật mọi việc nào là nấu cơm, múc cơm cho khách, bưng trà đá, tính tiền... Thấy cổ làm tất bật ngay cả thời gian để thở cũng vội vã. Ngay cả thời gian bưng ly trà đá cho khách còn không kịp thì lấy đâu ra thời gian mà nghĩ hôm nay khách ăn có ngon không? Phục vụ khách có hài lòng không? Trà đá khách có thấy thơm không... Rất nhiều vấn đề mà người bán cơm không có thời gian để quan sát, nhìn lại và nghĩ hướng chăm sóc khách hàng tốt nhất để có được sự trung thành của khách hàng cũ. Đồng thời cũng chẳng có thời gian để nghĩ cách phát triển thu hút khách hàng mới. Nói chung là không có thời gian mà quan sát tổng quát để rút ra những điều cần chỉnh sửa, thay đổi để phụ vục khách tốt hơn mang lại sự hài lòng của khách hàng...”
Vốn dĩ là một đứa nhiều chuyện mà lâu lâu cũng hay ghé đây ăn thế là nhân lúc vắng khách tôi nhiều chuyện kể lại phân tích của ông chồng cho cổ nghe. Ông chồng thì dùng chân đá tôi một cái cho tôi im miệng, rồi cười cười như có ý vợ tôi nhiều chuyện lắm cô thông cảm. Tính tiền xong chồng lôi tôi đi thật nhanh ra khỏi quán...
Một thời gian sau, cũng vào một ngày nắng như đổ lửa hai đứa lại bị dealine dí lại đi ăn muộn nơi quán quen. Nhưng mà nhìn qua nhìn lại không thấy quán cũ đâu? Trước mặt là một quán ăn trông sạch sẽ nhân viên thì đông đúc chạy ra chạy vào vội vã. Hai đứa bước vào gọi món và cắm cúi ăn như là ăn bù cho hôm qua. Bỗng có hai ly trà đá đặt trước mặt dù hai đứa không gọi. Đến khi tính tiền thì cô chủ ngày nào ra tính tiền niềm nở, ăn vận thanh lịch không còn mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vội vội vàng vàng như hôm nào! “Trà đá miễn phí cho hai đứa nghen.” Rồi nở nụ cười nhẹ nhàng khi hai đứa rời đi.
Với cái tính tò mò không chịu yên của tôi cuối cùng cũng tra ra là cô chủ quán cơm sau một thời gian đã trở thành đại gia. Vừa rồi cổ mới mở thêm vài quán cơm nữa nghe đau còn mua một căn nhà. Đôi mắt sáng lên vì ngửi thấy mùi tiền của nhà người ta, luôn miệng kể cho chồng nghe. Ổng bảo “deadline dí sát đít em còn đủng đỉnh nhiều chuyện vậy sao? Làm đi!” Thế là im lặng kể từ đó...
Tương tự, Ở một câu chuyện khác của quản trị, khởi nghiệp.
Một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, để tiết kiệm chi phí nhà sáng lập kiêm đủ thứ chứ vụ và kiêm đủ thứ việc. Một mình cân hết tất cả vừa sản xuất nội dung, vừa chạy quảng cáo, vừa làm hình ảnh, lo về kĩ thuật, lo đàm phán khách hàng... Vân vân và mây mây đủ loại việc không tên. Dĩ nhiên sẽ tiết kiệm được một ít chi phí nhưng cũng giống như cô bán cơm người sáng lập đó sẽ không có thời gian để quan sát, nhìn lại công việc và chăm sóc khách hàng. Người sáng lập sẽ không đủ thời gian để nghĩ ra chiến lược hướng đi mới để phụ vụ khách hàng tốt hơn, lấy được lòng trung thành của khách hàng cũ và phát triển khách hàng mới tăng doanh thu lợi nhuận. Và kết quả sẽ là đầu tắt mặt tối năng lượng bản thân hao mòn mà kết quả thì chẳng được bao nhiêu... Để doanh nghiệp đi đến con đường thành công thì người sáng lập phải có tài lãnh đạo và có cái nhìn tổng quan, có chiến lược để lèo lái doanh nghiệp mình đi đúng hướng tránh sóng dữ. Câu chuyện khởi nghiệp và câu chuyện bà bán cơm nhìn chung có vẻ gì đó ít nhiều giống nhau ít nhiều cũng có thể rút ra bài học cho bản thân, nhất là khi bước vào con đường khởi nghiệp buôn bán.
-Phú Trên Mây-
Ảnh: sưu tầm