Bé rất thích Bà Ngoại của Bé. Không phải vì Bà Ngoại chứ không phải ai khác đẻ ra Mẹ của Bé. Không phải vì Bà Ngoại hay gửi hải sản viện trợ không hoàn lại cho Bé. Không phải vì Ngoại hay dấm dúi tiền riêng cho Bé tiêu vặt. Không phải không phải đâu, chỉ bởi vì đó là Bà Ngoại của Bé. Bà Ngoại làm gì cũng hay hớm kì lạ.
Hồi trẻ Bà Ngoại cực kì đẹp, thế rồi Mẹ cũng cực kì đẹp và Bé thì cũng ảnh hưởng đôi chút. Rồi Ngoại lấy Ông Ngoại, trải qua bao nhiêu vất vả, vinh quang và cả tủi nhục, cho tới ngày hôm nay.
Nhưng dù phi thường đến cỡ nào đi chăng nữa, Ngoại cũng có lúc bị ốm. Nặng. Nhẹ, đủ cả. T.T
Hồi bữa Ngoại còn bị ốm rất nặng, phải chuyển viện gấp từ Cam Ranh vô Sài Gòn. Lúc xe chuyển tới phòng cấp cứu bệnh viện, Ngoại ngồi dậy, nhìn thẳng về phía Bé, như thường lệ Bé nở nụ cười thật tươi chào Ngoại, nhưng Ngoại chẳng có vẻ gì là sẽ dang tay ra ôm Bé như thường lệ… thế là Bé biết, Ngoại bệnh nặng thiệt rồi chả đùa.
May là chuyển viện kịp, không thì… cả nhà tấm tắc bảo. Ngoại dần dần khỏe lên. Giọng nói oanh vàng lại vui vẻ vang lên. Ngoại bảo: giờ Ngoại như cái xe xổ dốc mà ko có thắng… cả nhà cười ngất, mà ngẫm thì thật là buồn. buồn lắm.
Bà Ngoại của Bé nằm trong phòng dịch vụ của bệnh viện Thống Nhất. trong phòng có hai giường bệnh, giường bên cạnh là một bà cụ đã vô đây được một tháng, đôi khi hai bà hoặc hai nhà cũng nói chuyện qua lại, hỏi han nhau. bác chăm sóc bà chỉ cho nhà Bé biết chỗ thuê ghế để ngủ lại, chỗ dịch vụ gội đầu cho người bệnh, hữu ích phết. cái lợi ích của phòng dịch vụ là nó ở tầng trệt, hong phải mắc công lết lên lết xuống cầu thang, và có nhà vệ sinh riêng ở trổng, sẽ tiện hơn cho người già.
Bé đã từng đi vào vài bệnh viện ( Nhi Đồng, Từ Dũ, Ung bướu, Q.TB) nhưng chẳng có bệnh viện nào xịn như bệnh viện Thống Nhất cả. Này nhé, bệnh viện Thống Nhất chắc là rộng vô địch thiên hạ, lại còn trồng hàng hàng lớp lớp cây xanh, vô trổng không thấy ngột ngạt nặng nề mà thoải mái điềm tĩnh hơn. Bé rất thích đi dạo dưới hàng cây, nhìn lá bay. Bệnh viện không chi chít người, thoáng lắm. Có buổi chiều cả nhà động viên Ngoại ra ngoài hóng gió sau nhiều ngày chỉ nằm phòng, Ngoại chịu, cả nhà dắt díu Ngoại ra ngoài hóng gió. Lúc đấy nắng bắt đầu nhàn nhạt, sau đấy trời chuyển sắc hồng, rồi tím, rồi tím đen, rồi cột đèn trong bệnh viện sáng, đèn vàng mới làm con tim xao xuyến chứ lại.
Trong bệnh viện còn có rất nhiều căn tin. Mới bước vô cổng bệnh viện là một cửa hàng “chuyên bán sữa, yến xào” mà ai cũng biết là để làm gì đấy. Ngay phòng cấp cứu mà Ngoại Bé được chuyển vào, có ngay một “cửa hàng tiện lợi” bán đủ thứ từ đồ ăn tới đồ nhựa, xô, ly… xen kẽ với các khu vực trong bệnh viện là các cửa hàng tiện lợi khác, chẳng cần ai phải đi xa bao giờ. Còn có cả một quán cà phê có những bể cá to chứa những con cá nhỏ đang mở mắt thật to.
Điều Bé thích ngoài số lượng cây cối dày đặc, bệnh viện còn có số lượng ghế đá và thùng rác dày đặc không kém. Thế nên bệnh viện trong sạch sẽ lắm.
Mỗi tối tối đi làm về, Bé đi bộ tèng tèng vào bệnh viện thăm Ngoại. mà mang tiếng đi thăm Ngoại vậy chớ thật ra là đi ăn ké. nào vô Ngoại cũng nói vậy nè: coi còn gì ăn hong cho con bé ăn với. thế là bữa thì dú sữa, bữa thì nho, bữa bánh mì chả, bánh bò, bưởi. Bé không sót một bữa ăn ké nào!
nghe bảo nhiều người già khi bệnh vào sẽ bị trái tính. nhưng Ngoại của Bé không hề thế. Ngoại vẫn yêu thương gia đình là số một luôn. thấy đứng mỏi chân, Ngoại bảo ngồi đây nè, thấy mặt buồn ngủ, Ngoại bảo nằm đây với Ngoại *xít xít*, thấy con cháu vô thăm tấp nập, Ngoại bảo: bệnh tội mấy đứa con đứa cháu đứa nào cũng khổ… Thương Ngoại lắm, dù Ngoại có bệnh hay là không thì Ngoại vẫn không nghĩ cho mình trước tiên.
Đêm đầu tiên Ngoại chuyển viện vô Sài Gòn, Ông Ngoại ngồi cạnh giường Ngoại cầm cái quạt quạt cho Ngoại mát ( vì phòng cấp cứu không có quạt mát), các bác sĩ y tá cứ tấm tắc ùi trùi tình cảm ghê. Ông Ngoại chỉ bảo: bả mở mắt ra người mà bả muốn thấy nhất là tui. Thế là hai ông bà người quạt người nằm cứ thế cùng nhau trôi qua đêm thật là tĩnh mịch.
Cũng nghe nói người già hay tủi thân là thật, bởi vì Bé để ý lâu lâu cả nhà đang nói chuyện, nhìn sang Ngoại thấy mắt Ngoại ươn ướt, nhìn thấy mà thương lắm luôn kìa.
Có ba người đàn ông thay phiên túc trục ban đêm trong bệnh viện với Ngoại, đó là: 1. Ông Ngoại. 2. Chú Cần. 3. Anh Minh. truyền thuyết kể rằng, hôm anh Minh vô ngủ trông Ngoại, rốt cuộc ra là Ngoại không ngủ trông anh Minh. aigooooo. chả ai ngủ được cả. 

Ngày mai là ngày Ngoại được xuất viện, có nghĩa là Ngoại đã khá hơn rất rất nhiều Ngoại nhỉ. may phước. Ngoại mau khỏe mạnh lại và đừng bệnh nữa Ngoại nha. Từ nay bớt việc lại, ăn uống thanh tịnh hơn. Tụi con cũng lấy Ngoại làm gương, cũng sẽ giữ gìn sức khỏe thật là tốt luôn, để khi nào Ngoại cần là có tụi còn liền Ngoại nha.
Thương Ngoại. 
-----
phụ lục: các bác có tin chuyện thần giao cách cảm giữa người thân trong gia đình?
  1. tuần rồi Ngoại Bé bệnh. Bé để ý là Bé cũng hết sức không được khỏe. người cứ uể oải kiểu gì. mệt mỏi thường trực. rất mệt người. dù chẳng bị bệnh gì cả cũng ko stress chuyện gì khác chuyện Bà Ngoại.
  2. chủ nhật rồi Bé bị thèm bánh bò. nên chiều chiều lúc dạo bộ vô bệnh viện Bé đã mua theo một bịch bánh bò, một bịch bánh tằm. Vô bệnh viện tay bắt mặt mừng xách ra hai bịch bánh thì Dì bé hốt hoảng bảo cũng mua chỗ đó hả, chiều Dì mua bánh bị hư ko ăn được cái nào. >_< Bé vẫn hy vọng bịch bánh của bé sẽ khác, nhưng không, bánh đã hư. bình thường nào giờ mua có bao giờ bị vậy đâu chời???????? và cũng trong chiều chủ nhật ấy, ở một khung trời khác, đó là Đà Lạt, Mẹ Bé hì hục làm bánh bò để tối ra xe mang theo, sáng chia cho lũ con béo ú và đàn em chẳng nheo nhóc gì. Thế là rốt cuộc cả nhà đã được ăn bánh bò, cùng nhau. cheersssssssss!