BUỒN BÃ CŨNG LÀ MỘT LOẠI CẢM XÚC TÍCH CỰC
Hôm trước có một đứa em hỏi tôi rằng, nếu bạn bè thấy chán nản và căng thẳng thì nó phải làm gì để xoa dịu tình hình đó? Có...
Hôm trước có một đứa em hỏi tôi rằng, nếu bạn bè thấy chán nản và căng thẳng thì nó phải làm gì để xoa dịu tình hình đó?
Có lẽ tất cả chúng ta đều thế nhỉ? Một ngày nọ, năng lượng bỗng dưng trốn đi mất, để lại một con người mệt mỏi, bực bội, buồn bã, chẳng muốn làm gì.
Tôi nhớ hồi năm 2, tôi đã trải qua một kỳ nghỉ Tết và rơi vào trạng thái tồi tệ vô cùng. Giống như đầu óc tôi được xả hơi một thời gian và không muốn quay lại guồng công việc cũ nữa, nhất là khi tôi biết công việc cũ đang lặp đi lặp lại còn bản thân mình cần một sự đổi mới. Nghe stress ra trò nhỉ? Với một đứa năm 2 thì điều gì khiến nó chán nản kia chứ?
Đó là CLB các bạn ạ. Tôi đã gắn bó với CLB của mình hai năm trời, đã đứng ở cả vị trí team member và leader, thậm chí ở khoảng thời gian đó tôi gần như có quyền quyết định mọi thứ. Tất nhiên tôi không thể nói với mọi người mình về cảm xúc của mình, vì tôi luôn cảm giác mọi người đang nhìn tôi và nếu như tôi yếu đuối thì điều này có thể ảnh hưởng đến các thành viên trong CLB. Vậy nên tôi vẫn cố gắng lạc quan, vui vẻ như bình thường.
Trong tiếng anh có một cụm từ khá phổ biến, mặc dù không phải thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học, là emotional breakdown. Đó có thể được coi là chứng rối loạn tâm lý và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị tích cực. Có phải bạn vừa nhíu mày vì tôi giải thích nghe quá to tát đúng không? Nhưng tôi không nói đùa đâu.
Bạn đã xem Inside out chưa? Inside out là một bộ phim rất hay nói về những vấn đề của cảm xúc. Khi Riley phải chuyển đến một môi trường mới và bắt đầu có dấu hiệu suy sụp nhỏ về tinh thần, thì Joy luôn cố gắng gợi cho Riley cảm xúc lạc quan và đẩy Sadness ra xa để không ảnh hưởng đến cô bé. Mãi đến tận cuối phim, Joy mới hiểu ra những cảm xúc vui vẻ của Riley nhiều khi được bắt đầu từ nỗi buồn. Khi Riley đang buồn chán vì trận khúc côn cầu tệ hại thì bố mẹ và đồng đội của cô bé đã ở đó và khiến cô vui vẻ lên. Cũng nhờ có nỗi buồn mà Riley mới quay trở về nhà để chia sẻ với bố mẹ về những điều tồi tệ đang gặp phải trong môi trường mới, và sau đó hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình
Tôi đã xem phim này từ rất lâu nhưng lại chẳng đủ “chín” để hiểu được ý nghĩa của nó. Đôi khi, lạc quan và tích cực chỉ để khỏa lấp những bất ổn đang xảy ra trong tầm hồn. Joy vui vẻ và sáng tạo, những rõ ràng chẳng phải một thủ lĩnh giỏi. Điều Joy muốn là Riley luôn tràn ngập hạnh phúc và chẳng có nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn là một phần thiết yếu của cuộc sống và việc chấp nhận nó chính là chìa khóa của sự trưởng thành. Nếu Riley có thể chia sẻ những vấn đề của mình với bố mẹ sớm hơn thì có lẽ Anger đã chẳng có cơ hội đưa ra sáng kiến “bỏ nhà ra đi” rồi!
Vậy với bạn, nếu một ngày có ai đó trong vòng bạn bè nói rằng mình chán nản và căng thẳng thì bạn sẽ làm gì để xoa dịu nó?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất