[BOOK REVIEW] NỘI TÌNH của NGOẠI TÌNH - Có nên tha thứ cho người ngoại tình hay không?
Mình cứ phân vân mãi, chuyện viết một bài dài hay ngắn cho cuốn sách này. Vì bài ngắn thì hơi qua loa mà bài dài thì lại nghĩ "Ủa,...
Mình cứ phân vân mãi, chuyện viết một bài dài hay ngắn cho cuốn sách này. Vì bài ngắn thì hơi qua loa mà bài dài thì lại nghĩ "Ủa, mình cũng đâu thích cuốn sách này tới vậy?" Lăn qua lăn lại đã gần một tháng kể từ ngày đọc xong, suy nghĩ, cảm xúc của trải nghiệm đọc ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng, day dứt mãi không thôi nên mình cứ đặt bút xuống viết liều, ngắn dài tùy tâm trạng, để chữ nghĩa dẫn mình đi trọn một đường.
Là một người quan tâm tới những tương tác, việc xây dựng mối quan hệ giữa người với người nói chung và mối quan hệ tình cảm lãng mạn nói riêng, mình luôn có sự hứng thú, tò mò nhất định với các đầu sách Tâm lý học về chủ đề này. Trước khi đọc "Nội tình của Ngoại tình", mình có một chút kiến thức chung về cách tiếp cận của Tâm lý học với mối quan hệ tình cảm, chút kiến thức về Tâm lý học trị liệu cặp đôi và gia đình, Thuyết gắn bó,... Vì sao mình lại nhắc tới chuyện này ở đây? Vì mình nghĩ, nền tảng kiến thức cơ bản sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm đọc cuốn này khá nhiều. Ví dụ như mình có nền tảng kiến thức cơ bản về chủ đề này nên quá trình đọc khá nhàm chán, không quá tận hưởng. Tuy nhiên, cá nhân mình nghĩ cuốn sách sẽ rất thú vị với những ai chưa từng tìm hiểu và quan sát mối quan hệ tình cảm lãng mạn dưới góc độ Tâm lý học, cụ thể hơn là dưới góc nhìn của Tâm lý học trị liệu.
Mình đánh giá cao mức độ chi tiết và phổ quát của nội dung sách. Cách tiếp cận từ người ngoại tình, người bị phản bội và người thứ ba cho người đọc nhiều lăng kính để soi chiếu mối quan hệ. Các ví dụ, câu hỏi lớn tạo tiền đề và không gian an toàn để lắng nghe, trao đổi và ghi nhận mỗi cá nhân, mỗi trải nghiệm. Tuy bố cục sách được chia khá khoa học và mạch lạc, song mình cảm thấy cuốn sách khá rời rạc, các ví dụ khá nông và sợi chỉ liên kết giữa các phần không dễ thấy được. Nên không ít lần trong quá trình đọc, mình muốn dừng lại.
Nhưng cũng thật may vì mình đã lựa chọn đi đến cuối cùng. Vì trải nghiệm đáng nhớ nhất với cuốn sách của mình nằm ở đây - khi mình nhìn thấy bức tranh tổng thể của các hình thái hôn nhân, sự cam kết trong mối quan hệ xuyên suốt chiều dài lịch sử. Cảm giác thật đã khi học được cái gì đó mới.
Trở lại với câu hỏi ban đầu: "Có nên tha thứ cho người ngoại tình hay không?" - Thiết nghĩ, trước khi vội vàng chọn giữa Có và Không, việc ngồi lại, nghe mình, nghe người, để quyết định được đưa ra bằng sự thấu hiểu tới tận cùng là điều cần hơn cả. Ghi nhận nỗi đau xé trời của người bị phản bội là điều trước nhất ta cần làm. Một dạng đau đớn làm người mang nó mắc kẹt ở thực tại, vỡ vụn quá khứ và mù mờ trước tương lai. Một cơn động đất khiến ta nghi ngờ tất cả phần đời từng có với người bên cạnh, viết lại quá khứ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mỗi khi tưởng tượng về nỗi đau ấy, mình lại thấy rùng mình. Tới đây, mình nghĩ các kiến thức về cấp cứu cảm xúc, xử lý khủng hoảng tinh thần cần được phổ cập như sơ cứu thể chất, hô hấp nhân tạo hay phòng cháy chữa cháy. Vì có những vết thương, nếu không được sơ cứu kịp thời, sẽ mưng mủ, rỉ máu không thôi.
Cuối cùng, dù còn rất nhiều điều muốn bàn luận về chuyện tình yêu, tình dục, sự cam kết trong mối quan hệ, khía cạnh văn hóa, xã hội của hôn nhân gia đình, mình vẫn xin dừng bút tại đây. Rất hi vọng có thể thảo luận nhiều hơn với mọi người về chủ đề này trong phần bình luận hoặc trong một bài viết khác của mình tương lai gần. Cảm ơn vì đã đón đọc.
Chân thành,
Ngày giao mùa
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất