Đến hẹn lại lên, mỗi mùa bóng đá về là các con dân mạng Việt Nam lại bận rộn như đến mùa gặt. Người thì "soi kèo", người thì soạn sổ cho vay nặng lãi; người lo mổ gà, cắt tiết lợn phục vụ dân nhậu, người bận đua vé, phe vé hòng kiếm chút tiền phi nghĩa. Cũng có người lo độ xe đi bão sau trận đấu, cũng có người lên kế hoạch tạo chốt chặn chống dân tổ đi bão. Trong xã hội muôn màu muôn sắc kia, kì lạ nhất, hiếm thấy nhất là những người không thích bóng đá, cũng không xem bóng đá, nhưng luôn thích chỉ trích những người xem bóng đá, mạt sát người yêu bóng đá bằng những ngôn từ đầy màu sắc, và tỏ ra vô cùng khó chịu mỗi khi có ai đó ăn mừng chiến thắng của đội bóng yêu thích, như thể ăn mừng trên nỗi thù hận sâu kín nhất của họ vậy. Vô tình, điều đó tạo ấn tượng rất xấu cho tôi khi tôi bảo rằng tôi không thích cũng không quan tâm đến bóng đá -- người ta cho rằng tôi cùng phe với những người cực đoan luôn tìm cách soi mói, chỉ trích, mắng mỏ những người yêu bóng đá. Bài viết này, do vậy, là bài viết bảo vệ quyền được xem, được yêu, được cuồng nhiệt cùng bóng đá mà không phải gánh chịu lấy những cái mũ to tướng như "vong bản" hay "bạo lực" hay "nam giới độc hại."
Tôi không thích bóng đá, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được yêu bóng đá cho các tín đồ túc cầu giáo.
Tôi không thích bóng đá, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được yêu bóng đá cho các tín đồ túc cầu giáo.

BÓNG ĐÁ NHƯ LIỀU THUỐC GIẢM ĐAU

Các Mác có viết: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân." Vì sao người bệnh lại cần có thuốc phiện? Vì nếu cơn đau quá lớn, không có thuốc phiện để giảm đau thì sẽ không chịu đựng nổi. Tương tự như thế, tôn giáo chính là liều thuốc giảm đau cho cơn đau hiện thế của nhân dân -- nỗi đau bị bóc lột, bị chà đạp, bị đàn áp. Nếu không giải quyết cơn đau cho bệnh nhân mà lại cắt thuốc phiện, thì cơn đau sẽ vượt quá mức chịu đựng. Tương tự, nếu không giải quyết nỗi đau của nhân dân mà lại cắt bỏ tôn giáo, thì cơn đau âm ỉ đó sẽ cháy bùng lên thành một cuộc cách mạng đẫm máu. Dĩ nhiên, trong đời thực sẽ rất khó cắt bỏ thuốc phiện ngay lập tức cho một người bệnh mãn tính; và cũng rất khó cắt bỏ tôn giáo ngay lập tức cho một xã hội còn nhiều bất cập. Vậy nên, nếu muốn "cắt cữ" dần tôn giáo, thì không thể không song song với việc cắt giảm nỗi đau hiện thế của nhân dân. (Tín ngưỡng không nhất thiết phải là tôn giáo, tuy nhiên xin phép không lạm bàn vấn đề này tại đây)
Bóng đá, cũng như những môn thể thao khác, là một dạng thuốc giảm đau liều nhẹ giúp cho nhân dân xoa dịu nỗi đau hiện thế. Những ai từng chơi những môn thể thao, nhất là thể thao vận động mạnh như bóng đá, đều biết rằng trong chín mươi phút của một trận cầu đó, người chơi sẽ được tạm quên đi nỗi lo lắng về tiền bạc, sự uất ức vì bị đối xử bất công nơi làm việc, hay sự bất bình về chênh lệch thu nhập giữa mình với giai tầng cao hơn. Sự thư giãn thể chất trong buổi chơi sẽ giúp kéo dài sự hưng phấn tinh thần sau đó, giúp người chơi đương đầu với các "nỗi đau hiện thế" kia tốt hơn. Hơn nữa, không chỉ là người chơi trực tiếp, mà ngay cả người xem cuồng nhiệt cũng có thể đạt được những hiệu quả tinh thần tương tự. Một buổi "tailgate party", một buổi cà phê/ nhậu với đồng đạo túc cầu giáo, hoặc hơn thế nữa là một chuyến đi đến tận sân vận động để hò reo đến khản cổ chính là những liều thuốc giảm đau tuyệt vời, giúp người ta tạm thời chạy trốn khỏi những khó khăn trong cuộc sống của mình (luận điểm tiếp theo). Và tôi tin rằng, người đau bệnh có quyền được uống thuốc giảm đau, cũng như người ta có quyền được xem bóng đá, cuồng bóng đá để giảm đi nỗi đau hiện thế của họ vậy.

BÓNG ĐÁ XÂY DỰNG VÀ GẮN CHẶT QUAN HỆ XÃ HỘI

Có người từng ví von bóng đá như một hình thức chiến tranh giả lập, và tôi không phản đối sự ví von đó. Bạn có biết, những người đi lính về (ngoài PTSD, nếu có) có ấn tượng gì nhất với thời gian tại ngũ của họ không? Đó chính là tình đồng chí, đồng đội, là sự dựa dẫm vào nhau, tin cậy vào nhau, là cảm giác an toàn khi biết được rằng đồng chí của mình sẽ lo lắng cho sinh mệnh của mình và ngược lại. "I got your back, you got mine." Không phải tự dưng mà những người từng đi lính với nhau, dù chỉ trong một khoảng thời gian vài năm ngắn ngủi thôi, lại có thể luôn giữ một mối quan hệ khăng khít nồng ấm, và sẵn sàng tương trợ lẫn nhau trong suốt phần đời còn lại. Bóng đá cũng xây dựng tình đồng đội đó, mặc dù mức độ có thấp hơn. Thế nhưng vì một trận bóng nghiệp dư, mà những ông chú U40, U50 có thể sẵn sàng sắp xếp công việc bề bộn của mình để tập tễnh ra sân, vì họ biết rằng đồng đội của mình trông đợi vào sự hiện diện của mình để có thể "chiến một trận." Vì vinh quang của tập thể, mà người chơi đá bóng hoàn toàn có thể bỏ qua những hiềm khích nho nhỏ giữa các cá nhân với nhau, và "cháy hết mình" cho một trận cầu quyết liệt. (Tôi không khẳng định rằng sự việc luôn luôn là như vậy, tôi đơn thuần chỉ ra rằng có những việc như vậy xảy ra, với một mức độ thường xuyên nhất định.) So sánh bóng đá với nơi công sở để thấy sự khác biệt: Ở công sở, người ta minh tranh ám đấu với nhau, tị nạnh lẫn nhau, âm thầm tư lợi cho bản thân, và không phải lúc nào cũng là vì tập thể.
Không nhất thiết phải là người chơi bóng đá, người xem bóng đá cũng có thể đạt được những hiệu quả tương tự, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Một trong những khởi đầu phổ biến nhất của mối quan hệ bạn bè thân thiết, đó chính là việc cùng yêu hoặc ghét một thứ gì. Nó cũng là một bí quyết để gìn giữ tình bạn tốt đẹp. Những người bạn cấp 3 hoặc đại học, dù thân đến mấy, nếu do cuộc sống đưa đẩy rất có thể sẽ trở thành một mối quan hệ xã giao, "xuân thu nhị kỳ" gặp nhau mà thôi. Nhưng nếu thêm vào đó một ít chất xúc tác như niềm đam mê bóng đá chung, thì mối quan hệ đó sẽ được củng cố và bền vững hơn với thời gian (Tôi không khẳng định chỉ có bóng đá mới làm được điều này, tôi chỉ nói rằng bóng đá là một liều thuốc tốt). Một trận chung kết World Cup hoặc Euro chẳng hạn, và một cú cược một chầu nhậu nho nhỏ, chính là sự khác nhau giữa những người bạn "từng rất thân nhưng hôm nay cứ mở Messenger lên mà mãi không biết nhắn gì" với những người bạn "vừa mới gặp hôm thứ 5 tuần trước." Tôi chưa từng đi xem trận túc cầu nào, nhưng đã từng có dịp đi xem môn bóng bầu dục ở Mỹ và hockey ở Canada. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời: Cùng vui, cùng buồn với những người xa lạ, và cảm thấy được bản thân là một phần của tập thể. Cũng chính luận điểm tiếp theo của tôi:

BÓNG ĐÁ LÀ MỘT PHẦN CỦA BẢN SẮC CÁ NHÂN

Con người là một sinh vật xã hội; không có xã hội, sẽ không có con người. Do đó, bản năng của chúng ta là luôn hướng đến tập thể, khao khát được trở thành một phần của tập thể. Những người đã lớn sẽ không thể hiểu được nỗi đau bị bắt nạt và cô lập trên lớp của những đứa trẻ là khủng khiếp như thế nào, vì họ không sống trong môi trường đó. Thế nhưng, cũng như hình thức "rút phép thông công" (excommunicate) bên Công giáo, việc bị cô lập ra khỏi cộng đồng là một gánh nặng rất lớn có thể đẩy nhiều đứa trẻ đến bờ vực khủng hoảng, trầm cảm (hoặc tệ hơn nữa). Vì chưng đứa trẻ đó đã nhận việc "là một thành viên của lớp" làm bản sắc cá nhân của mình.
Bản sắc cá nhân (sau đây nói gọn là bản sắc) là gì? Ở đây tôi định nghĩa bản sắc là những thứ, vật, việc, đặc điểm, tính cách mà một cá nhân nhận là thuộc về mình, đại diện cho mình. Ví dụ: Tôi là con của ông X bà Y, tôi là người Việt Nam, tôn giáo của tôi là Công giáo/ Phật giáo/ Hồi giáo, tôi làm nghề thợ rèn/ thợ viết, tôi là nhân viên của công ty Z. Bản sắc là cái khiến tôi là tôi, mà không phải là ai khác. Vậy bản sắc từ đâu mà ra? Chính từ hoàn cảnh, những mối quan hệ xã hội và quá trình giáo dưỡng của một người vậy. Đối với những thứ thuộc về bản sắc của mình, một cá nhân sẽ sẵn sàng chiến đấu, đôi khi là đến chết, để bảo vệ sự toàn vẹn của nó. Mất đi bản sắc thì có khác gì là mất đi bản thân? Một phần bản sắc chết đi, cũng chính là một phần của bản ngã chết đi vậy. Dẫn dắt dài dòng như thế, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng: Bóng đá, đối với nhiều người, chính là một phần bản sắc của họ vậy, cũng như những nhà văn tự gọi mình là nhà văn, hoặc những người theo đạo Phật tự gọi mình là Phật tử, hoặc những người nhận mình là người Việt Nam -- họ sẽ sẵn sàng chiến đấu (đôi khi là đến chết) để bảo vệ bản sắc của mình.
Dĩ nhiên, ở đây tôi có nguy cơ vướng vào is-ought fallacy nổi tiếng mà David Hume đã nêu ra. Cái "đã là", không nhất thiết phải là cái "nên là." Chỉ vì bóng đá là một phần bản sắc của một nhóm người, không có nghĩa là việc đó là tốt, thiện, hoặc có lợi với cộng đồng, và không có nghĩa là chúng ta không thể/ không nên loại trừ "bóng đá" ra khỏi bản sắc của chúng ta. Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực/ tiêu cực của bóng đá lên xã hội của một vùng lãnh thổ/ quốc gia, hoặc thậm chí xa xôi hơn là trên nhân loại nói chung, là một bài toán lớn mà tôi không tin rằng những người chỉ trích bóng đá phong long trên mạng xã hội có đủ tầm nhìn để phán xét. Thực tế hơn, xét trên cơ sở từng trường hợp, tôi cho rằng việc loại trừ tình yêu bóng đá ra khỏi bản ngã của một cá nhân trong nhiều trường hợp không mang lại lợi ích ròng gì, thậm chí còn mang lại cái hại ròng trong một số trường hợp gần quanh tôi. (Theo tôi, việc phán xét này nên được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cho từng cá nhân, sẽ hợp lý hơn là phán xét với một phạm vi ngoài tầm với như 'toàn cõi Việt Nam'). Và vì chưng bản sắc của một người không mang lại cái hại ròng cho toàn xã hội, vì chưng một người có quyền bảo vệ sự toàn vẹn bản sắc của họ, cho nên tôi không nghĩ rằng việc phản đối bản sắc "yêu bóng đá" của người khác là hợp lý.

TRẢ LỜI MỘT SỐ CHỈ TRÍCH PHỔ BIẾN

Bóng đá là công cụ của thực dân. Đây là một cái mũ to tướng được một số người chụp lên những người yêu bóng đá một cách vô cùng vô lý. Không ai bảo người dùng chữ quốc ngữ (được tạo ra để truyền giáo phục vụ cho thực dân) là tiếp tay cho thực dân, cũng không ai bảo người theo đạo Công giáo (được thực dân dùng để xâm lược mềm) là bán nước cả. Hoàn cảnh ra đời lịch sử của một môn thể thao tách biệt với góc nhìn xã hội, ý kiến xã hội hiện tại về môn thể thao đó. Chưa kể, ngay cả những thứ do kẻ xâm lược mang lại, cho đủ thời gian và sự đồng hóa, đều có thể được biến tấu thành văn hóa "của mình." Bản chất của văn hóa chính là như vậy: Mềm dẻo, bền bỉ, luôn giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau. Một nền văn hóa mạnh không phải là một nền văn hóa bài ngoại, mà là một nền văn hóa không ngại học hỏi, chọn lọc, tiếp thu, nhưng vẫn giữ lấy những bản sắc riêng của mình xuyên suốt trong một thời gian dài.
Bóng đá mô phỏng chiến tranh, cổ xúy bạo lực và bất bình đẳng giới. Cờ (vua/ tướng/ vây) bản chất chính là một chiến trường thu nhỏ bày ra giữa hai phe vậy, nhưng có ai bảo môn cờ cổ xúy bạo lực không? Thể thao đúng là được tạo ra để thỏa mãn sự tích tụ năng lượng bạo lực trong thời bình, thậm chí đôi khi còn để giải quyết sự đối đầu ngấm ngầm thay cho chiến tranh thực thụ vậy. Nhưng nó không phải là chiến tranh -- không có thương vong, không có thảm họa, không có góa phụ, con côi. Thể thao đúng là có đôi lúc có bạo lực, có đôi lúc có khinh thị phụ nữ; nhưng đó là mặt trái nhất thời của nó, chứ không phải là bản chất của nó. Người ta có những cụm từ "tinh thần thượng võ", "tinh thần thể thao", "fair play", là những tính chất được mong đợi và được cổ xúy trong thể thao; chứ không phải cổ xúy bạo lực. Vả lại, không thể "nhổ nanh" nam giới được, không thể triệt tiêu tất cả tính hoang dã, bạo lực của con người được. Thể thao chính là một "cửa xả" tốt cho tính hoang dã, bạo lực đó mà có thể giới hạn thiệt hại đến mức thấp nhất.
Bóng đá là công cụ của chủ nghĩa dân tộc. Chỉ đơn thuần chỉ ra rằng "bóng đá là công cụ của chủ nghĩa dân tộc" mà không đi kèm theo "vì sao nên loại bỏ chủ nghĩa dân tộc" không phải là một cách tranh luận tốt. Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc không phải là một thứ toàn ác tự thân. Cũng như tôi không ưa thích chủ nghĩa toàn cầu (globalism), nhưng tôi cũng nhận ra được những ưu điểm của nó, cũng như những cái lợi mà chính tôi đang được hưởng thụ nhờ nó. Chủ nghĩa dân tộc cũng vậy, không phải là một thứ chỉ có toàn mặt xấu và cần phải bị loại trừ (mà tôi xin phép không đi quá xa trong khuôn khổ bài viết này.) Chưa kể, chủ nghĩa dân tộc (cục bộ) cũng không thể bị loại trừ hẳn khỏi tâm tính con người, bởi chưng nó là một phần cố hữu của bản sắc con người (xem luận điểm trên.)

KẾT LUẬN

Bạn đọc tinh tế có thể thấy: Thực ra tôi cũng không phản đối quyền càm ràm của những loại người kì lạ nhắc đến ở đầu bài. Xã hội chín người mười ý, nếu tôi bảo họ không nên càm ràm nữa thì chẳng khác nào đá tanh tách vào bài viết này của tôi, vốn bảo vệ quyền được làm thứ mình thích (mà không hại đến ai). Nói trắng ra, tôi cần phải bảo vệ cả quyền được phép xúc phạm người khác, của cả tôi lẫn của những người thích càm ràm.
Muốn chỉ trích bóng đá, hãy chỉ trích những cái hại hữu hình mà xã hội phải thực gánh lấy: sự thương mại hóa và tiêu dùng hóa trắng trợn với tình yêu bóng đá, sự biến tướng của tình yêu bóng đá trở thành hooligan, sự nhân danh bóng đá để cổ xúy bạo lực, bắt nạt người khác (trọng tài trận đấu chẳng hạn), việc cá cược và cho vay nặng lãi khiến cho nhiều tương lai trẻ phải sớm hủy hoại, việc dàn xếp, hối lộ, tham nhũng, tiêu cực trong bóng đá, chênh lệch thu nhập giữa những ngôi sao và đội nghiệp dư/ giữa nam và nữ, v.v... Có quá nhiều vấn đề mà ai cũng có thể thấy và có thể góp một phần tiếng nói để xã hội được tốt đẹp hơn; thay vì đi theo hướng vô cùng tiêu cực và gây hấn với tất cả những người yêu bóng đá chỉ để cho bản thân được "nổi tiếng" trên mạng xã hội.