Lại là một tác gia người Pháp đây (vô tình gần đây mình đọc nhiều tác phẩm Châu Âu ghê) vì mình cảm thấy nể phục cách phân tính tâm lý của nhân vật vô cùng sâu sắc và chân thật. Sử dụng câu chữ tinh tế và những phép ẩn dụ tài tình để phân tích các thói đời trong xã hội, các tình tiết đẩy đưa đến suy nghĩ trong nội tâm nhân vật đầy thuyết phục.


            Ban đầu khi mình đọc tựa sách, mình đã bị lừa là sách sẽ nói về một băng nhóm tội phạm chuyên làm tiền giả kiểu hành động lôi cuốn, cao trào, gây cấn lắm. Nhưng không, giờ nhìn lại cái bìa mình mới hiểu được dụng ý của cái tên là về thói đạo đức giả của con người.

            Nội dung: Đầu tiên để tiếp tục đọc nội dung cuốn sách, bạn hãy xem hình tấm bản đồ phả hệ các nhân vật trong truyện (có khác gì một mê cung không?!?). Tuyến nhân vật dày đặt thì chớ, còn chồng chéo, dây mơ rễ má với nhau tùm lum hết. Và truyện cũng chẳng có một cốt truyện cụ thể, tác giả như bóc đại một phần trong cuộc đời của các nhân vật ra rồi móc vô nhau tứ tung cho độc giả rối não chơi.
            Tuyến nhân vật thứ nhất, chàng thiếu niên ngông cuồng Bernard, 17 tuổi, phát hiện ra mình không phải con ruột của cha, cậu quyết định bỏ nhà ra đi. Cậu bạn của cậu Olivier với gia đình phức tạp ghê gớm và mối quan hệ loạn luân với cậu ruột của mình (đam mỹ nhào vô) – Edouard, một nhà văn lãng tử mê phiêu bạt. Bernard trên đường đi bụi nhặt được thẻ giữ vali của Edouard nên quyết định đánh cắp (chắc hết tiền xài nên làm liều) và vô tình đọc được cuốn nhật ký của cậu => tuyến nhân vật thứ hai, nhân vật Edouard là trung tâm với những mối quan hệ cũng phức tạp không kém. Dần dần những nhân vật tưởng chừng rời rạc, không liên quan, lại được gắn kết với nhau vô cùng phức tạp.

            Điểm cộng:
        - Cấu trúc truyện lồng trong truyện (nhân vật Edouard viết về cuốn sách cùng tên bọn làm bạc giả) độc đáo với nhiều tầng hình ảnh, ý nghĩa được lồng vào nhau. Lúc đầu khi mới đọc sẽ cảm thấy như một bản tạp âm hỗn loạn nhưng khi tập trung cảm nhận được nhịp điệu, bạn sẽ dần cảm nhận được “chất điên” rất riêng của André Gide. Khi thì ông đưa chúng ta vào những ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm hồn để từ đó bản ngã của các nhân vật dần bộc lộ và rồi những thói đời giả dối được phơi bày. Khi thì ông cho nhân vật phiêu diêu với những suy tư, cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng để độc giả thỏa sức tưởng tượng, phán đoán để chợt nhận ra những triết lý về cuộc sống, về con người, về quá khứ và hiện tại, về những ảo tưởng và thực tại,…
        - Những cuộc hội thoại dài, triền miên mới đầu có vẻ dư thừa nhưng thật sự lại rất cần thiết để truyền tải được hết tinh thần đấu tranh, dằn xé bên trong nội tâm của nhân vật mà trong đó, sự hoài nghi đấu tranh với lòng trung thành, đạo đức chống lại tình yêu đôi lứa, chuẩn mực xã hội với nhu cầu được sống một cách tự do. Có những suy tư mà đến khi gấp sách lại, bạn vẫn còn đau đáu nghĩ đến.
        - Tác phẩm thẳng thắn vạch trần thói đạo đức giả trong xã hội, nơi những con người xuất hiện với một chiếc mặt nạ khác nhau nhằm cố gắng che đậy con người thật của mình. Khả năng phân tích tâm lý nhân vật tài tình và nhạy bén, đặc tả nhân vật vô cùng chân thật và có chiều sâu.

            Điểm trừ: 
        - Điểm trừ muôn thuở của văn học dịch đó chính là bản dịch. Đôi chỗ lời văn dịch không được mượt, lủng củng, một số bạn khuyên nên đọc bản dịch của bác Phùng Văn Tửu. Mặc dù vậy thì bác Bửu Ý vẫn đã dịch rất tốt chứ không phải quá tệ đâu. Vì mình biết dịch gì chứ dịch văn học cổ điển rất rất rất khoai luôn.
        -Điểm trừ này do mình, tác phẩm có nhiều hình tượng siêu thực liên quan đến tôn giáo nên mình chưa hiểu hết ý nghĩa của nó 😭
        - Lối viết có phần phóng túng nên ông bị ném đá là người phi đạo đức vì cổ súy cho những hành vi trái với luân thường đạo lý (ăn chơi phóng túng, trụy lạc của giới trẻ, ngoại tình, loạn luân,… dường như những thói xấu nhất trên đời đều có trong tác phẩm. Tuy vậy, sau khi nhận được giải Nobel Văn học năm 1947, ông Anders Osterling, thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng những người công kích đã nhầm lẫn về khái niệm phi đạo đức. Rằng thực ra, “thuyết Phi đạo đức chỉ đề cập tới những hành động tự do, là sự giải phóng khỏi những dồn nén lương tâm”, và Gide không cổ xúy cho những thói buông tuồng sa đọa như mọi người vẫn nghĩ.