Chào các bạn, là mình đây - phóng viên thường trú tại Thâm Quyến. Trước hết thì xin thứ lỗi cho một con lười như mình vì đã trễ hẹn bài về Hoàng Cương tận hơn 3 tháng, để rất rất nhiều người nhắc là sao lâu không viết bài, hỏi mình còn hóng hớt trên Tổ nhện này không? :(( Thú thực là mình vẫn hay lướt Spiderum, nhưng có một dạo, cứ gõ rồi lại xóa, rồi lại không đăng. Nhân cái sự vụ quản lý hôm này về sớm, mình lại ngồi rảnh rỗi, múa phím show off về một vùng đất hay ho của Trung Quốc nữa nhé :p
     Nơi mình đang ở là Thâm Quyến - 1 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, nằm về phía Nam của Trung Quốc. Cũng như miền Nam của Việt Nam, khí hậu Thâm Quyến không chênh lắm so với nhiệt độ ở Hà Nội. Thời tiết lạnh nhất chắc rơi vào khoảng 7-8 độ C. Các tỉnh thuộc miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung của Trung Quốc là: Hồ Bắc, Hồ Nam, An huy, Bắc Kinh... những vùng có khí hậu lạnh, tuyết rơi với tần suất dày, tương tự như tại sân vận động Thường Châu hôm 28/1, U23 của chúng ta đá trận chung kết ấy :p
   Như ở phần 3 mình đã đề cập, Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nằm không xa cách Vũ Hán là thị xã nhỏ Hoàng Cương. Hoàng Cương được đặt tên theo núi Hoàng Châu, nằm ở phía bắc sông trung tâm của sông Dương Tử và bị giới hạn ở phía bắc bởi dãy núi Dabie, tiếp giáp với tỉnh Hà Nam ở phía Bắc, An Huy ở phía đông và Giang Tây ở phía nam. Khu vực hành chính của thành phố bao gồm 17.446,63 km vuông (6.763,18 dặm vuông) và tổng dân số là 6.162.069 theo cuộc điều tra dân số năm 2010, 366.769 người sống ở khu vực đô thị. Trong năm 2007, thành phố đạt danh hiệu là 10 thành phố đáng tin cậy nhất của Trung Quốc theo Báo cáo "Giá trị Thương hiệu Thành phố Trung Quốc", tại Hội nghị Thượng đỉnh về Các Thành phố Trung Quốc ở Bắc Kinh. 
Hoàng Cương từ trên cao. Nguồn : Hubei News
     Hoàng Cương có lịch sử khoảng hơn 2000 năm, từ thời nhà Chu bị nhà Hán (206 BC-AD 220) tiêu diệt, các cuộc di dân được đẩy mạnh xuống Hồ Bắc và bờ Nam của sông Dương Tử. Các thị trấn của Hoàng Cương từ đó đều được đặt tên bởi hai chữ cái, bắt đầu là Hoàng, như Hoàng Mai, Hoàng Châu, Hoàng Thạch... Hoàng Cương nổi tiếng là vùng đất học, là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài của Trung Quốc, mà đặc biệt phải kể đến là trường Trung Học Hoàng Cương với các học sinh thông minh và siêng năng với hơn 25 huy chương trong Olympic Toán học Quốc tế, Olympic Vật lý Quốc tế và Olympic Hóa học Quốc tế.
    Thôi, 5 phút lý thuyết xin được tạm dừng tại đây :))), chúng ta cùng tìm hiểu về ngày Tết ở Hoàng Cương nhé. 
    Theo dòng Xuân Vận, 23 âm mình cùng cả nhà cũng leo lên con xe 4 chỗ để về quê. Lần trước mình cũng đã được đi từ Hồ Bắc lên Thâm Quyến bằng ô tô con rồi, nhưng thời gian xuất phát là 8h sáng, 10h tối xe đến nơi. Tức là với thời gian lý tưởng, thời tiết lý tưởng, sức khỏe người lái lý tưởng, thời gian cả nhà đi là 16 tiếng. Còn lần này về lúc 9h tối, tận 7h tối hôm sau, cả nhà mới tới nơi. Cảm giác là siêu mệt, dù mình chỉ ngồi và ngủ, nhưng đúng là cả năm mới nếm 1 lần, như đi đày. 
    Sau tất cả khó khăn dặm trường đoạn đầu, mình đã thực sự được đón Tết theo một cách rất mới mẻ và thú vị. Từng nghe Trung Quốc là cái nôi của Tết nguyên đán, nhưng phải thực sự đến khi cùng những người dân địa phương trải nghiệm, ta mới thấy cái hay của văn hóa cổ truyền ấy. Mình sẽ liệt kê ra đây theo dòng thời gian từ trước và trong Tết nhé!
Những ngày cuối năm!
23 tháng Chạp
      Ở Việt Nam, 23 là Tết ông Công, ông Táo, nhà nhà sẽ cúng lễ, mua cá chép và thả cá sau khi hóa vàng nhưng ở bên này, người ta không có hoạt động ấy. 23 Tết là ngày đầu tiên các gia đình đốt pháo để thông báo rằng chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất năm. Đường phố lúc này rợp những câu đối đỏ, các bánh pháo, các loại hạt, bánh kẹo trong gói đỏ. Đèn lồng cũng đã bắt đầu được treo trên những cây đèn đường dọc đường về, hoa được trồng ở cả chậu lẫn những bùng binh nhỏ. Không khí Tết đã ngập tràn.
Chợ Tết Hoàng Cương
     Chợ Tết ở Hoàng Cương, Hồ Bắc không có hoa như chợ Tết ở Việt Nam, vì đây là vùng núi rất lạnh. Nhiệt độ mùa đông thường rơi vào ngưỡng 0 đến -1 độ vào ban đêm, khó có hoa nào nở được. Người Hoàng Cương cũng không chơi Quất, chơi Đào dịp Tết, không cả đèn nhấp nháy trang trí. Tất cả những gì họ chuẩn bị là đồ ăn trong những ngày Tết, những túi quà bé xíu, phong bao lì xì cho ngày đầu năm và cả túi quà lớn để đi chúc Tết họ hàng.
29 Tết
      Cả nhà sẽ hò nhau dậy sớm hơn ngày thường để dọn dẹp nhà cửa để chiều đi thăm mộ tổ tiên. Như mình đã đề cập ở trên, Hoàng Cương là vùng núi, nên  mộ phần Tổ tiên được xây trên các quả núi đằng sau nhà. Thường thì khoảng cách không quá xa, nhưng do đường đi khá hiểm trở, đường nhỏ và dốc, nếu có mưa phùn hoặc tuyết rơi đêm trước sẽ khiến việc đi lại khó khăn hơn. 
     Khi đến các phần mộ, người chủ lễ - thường là người cha, sau khi bày biện rượu, trà, cơm, thịt sẽ đốt một đoạn pháo tép đại ý mời Tổ tiên về chứng giám, khấn và vái lạy 3 vái. Trong khi đó người con trai hoặc người vợ sẽ đốt giấy tiền, cũng khấn nhỏ với gia tiên. Khấn xong, cả nhà lại di chuyển tới ngôi mộ khác theo thứ tự, nghi thức giống hệt nhau.
     Buổi chiều là thời gian để mọi người dán câu đối Tết, câu đối được dán ở tất cả các cửa trong nhà, bao gồm cửa chính, cửa các phòng riêng, nhà bếp, nhà kho, à... cả nhà vệ sinh nữa :v

30 Tết
     Là ngày bận rộn nhất trong năm, khi người lớn bắt đầu cuống quít kiểm tra xem mình còn sắm thiếu món gì, trẻ con thì tung tăng diện quần áo mới, tay vẫn cầm ít bánh kẹo, miệng lúng búng cắn mấy hạt dẻ cười. Sáng 30, người phụ nữ trong nhà sẽ dậy sớm để nấu cơm thắp hương gia tiên, người cha sẽ tìm xem theo tuổi mình mấy giờ là giờ đẹp để đốt pháo hoa và thắp hương cúng Tất niên. Thường thì theo tuổi của gia chủ, thời gian được chọn sẽ khác nhau, nhưng đại đa số các gia đình hay đốt pháo vào buổi trưa lúc 12 giờ. Trước khi đốt pháo, người nhà sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng bên ngoài, theo hướng hợp với tuổi của gia chủ, thắp 3 nén nhang và khấn. Trong lúc cha khấn, thì các con sẽ giúp đỡ mở dây bánh pháo, mở thùng pháo hoa, chuẩn bị sẵn bật lửa. Sau khi khấn xong, người cha sẽ ra hiệu để con đốt pháo, rồi cả nhà chạy vội ra xa. Tiếng pháo từ khắp nơi vọng lại, pháo hoa được đốt ngay cả khi trời đang là ban ngày. Sau màn pháo hoa, dây pháo từ bánh pháo to cũng được dịp cháy hết mình, âm thanh nghe thực sự vui tai và đúng là Tết đã đến rộn ràng.
Mọi người chuẩn bị sẵn pháo hoa và pháo dây để đốt sau khi cúng Tất niên
    Sau nghi lễ với Tổ tiên, cả nhà quây quần lại bên mâm cơm đã được người phụ nữ trong gia đình dọn sẵn. Với chủ đề ăn uống, thì mình lại xin kể ra một số điều lạ trong văn hóa ăn uống của người dân nơi đây. 
+ Đồ ăn chủ yếu là các món khô, bởi Hoàng Cương là vùng núi,  không có nhiều rau quả như ở đồng bằng, nhất là trong mùa đông, nhiệt độ trung bình thường là 5 độ C. 
+ Vì lạnh nên người Trung Quốc rất thích những đồ nóng, cơm nóng, nước nóng, thức ăn tất tật phải nóng... đến Coca cũng phải nóng :v Vâng, mình không đùa đâu, người Trung ở Hoàng Cương  đun nóng Coca lên trước khi uống đấy ạ :))) Mình thực sự rất bất ngờ về thói quen này, và có hỏi đun như thế, khí gas từ trong Coca được đun lên có sao k? Nhưng họ nói rằng, người ta không đun không, mà cho một nhánh gừng tươi để đun cùng. Gừng tươi sẽ giúp khí gas đó không bị sôi trào, và hoàn toàn an toàn cũng như có lợi cho sức khỏe. Mình cũng không rõ thông tin này đã được khoa học kiểm chứng hay chưa, nhưng thấy mọi người rất khỏe mạnh và thích uống kiểu như thế này. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi người ta tiếp tục đun nước cam ép đóng chai lên tương tự. Chắc có điều kiện, người ta cũng đun "Bò húc" ( Red Bull) lên uống quá :v Tuy nhiên vị khá ok, hơi ngọt khé ở ngụm cuối cùng, nhưng uống Coca không gas, lại âm ấm, cảm giác thực sự đáng để thử :p
Một bữa cơm điển hình ngày cuối năm
+ Bếp của người Trung ở các vùng nông thôn thường được thiết kế dạng ống khói, với 1 nồi cố định duy nhất, bên cạnh là một nồi nhỏ xíu, được cho sẵn nước sạch, vừa để đun nước uống, vừa là nước phục vụ nấu nướng, phần dưới là khu vực để nhóm củi. Cái nồi to bự này nấu tất tật các món, thậm chí cả nấu cơm. Sau bữa ăn, thì cái nồi đa năng ấy lại biến thành một chiếc bồn rửa bát, bằng chính phần nước nóng đun cùng lúc nấu các món ăn. Phần than hồng được người ta cho vào những xô gỗ nhỏ để sưởi ấm. Phiên bản to hơn được thiết kế như một chiếc ghế cao, phần dưới được đổ đầy than hồng và trấu. Cá nhân mình không thích cái ghế cao này, vì nó tương đối nhiều khói, và chỉ có thể làm ấm... mông :v 
Bếp của người Trung ở nông thôn
Sưởi ấm bằng than củi những ngày đông giá
+ Vào những ngày lễ Tết, hay họ hàng đến thăm, tóm lại là số người ăn nhiều hơn 5, người Trung sẽ thay hết bát đũa, cốc bằng đồ một lần dùng. Mình thấy điều này rất nhân văn, rất biết thương những người phụ nữ vốn đã vất vả nấu nướng suốt những ngày lễ tết như thế này. Sau khi ăn, họ chỉ phải rửa những đĩa bát đựng thức ăn chính mà thôi. 
+ Người Hoàng Cương có một món ăn rất thú vị, tiếng Trung đọc là 米汤 (mitang), nghĩa là soup cơm. Cái soup này nó dị là chả có gia vị gì cả. Nguyên liệu là phần cháy của cơm, phần cơm ở đáy nồi và nước vo gạo. Sau khi xới hết cơm ngon ra một bát tô lớn để mọi người ăn, thì người ta sẽ đổ nước vo gạo vào phần còn lại trong nồi, đun với lửa nhỏ, đảo đều. Ăn cơm xong, mỗi người sẽ sì sụp một bát súp cơm như vậy, tấm tắc khen ngon, dù (mình nhắc lại) không có một chút gia vị gì thêm. Với một đứa ngoại đạo như mình, mình chỉ thấy nó nhạt thếch, và phải cho thêm một chút muối để húp cho nhanh. Ai cũng cười và nói cho mình biết rằng cái ngon và tốt cho sức khỏe của món này chính là bởi nó không có gia vị :3
+ Trong bữa ăn có nhiều khách tới thăm, người già và các bậc trung niên được ngồi cùng bàn, trong khi phụ nữ và trẻ em sẽ ăn ở khu vực trong bếp. Người Trung cũng không có văn hóa ngồi chiếu ăn cơm như ở Việt Nam mình :) Tách trẻ em và phụ nữ ra mâm riêng tránh được ồn ào khi ăn, nhưng lại có cảm giác phân biệt thứ bậc và vị trí nam nữ trong xã hội.

    Quay  trở lại những hoạt động của ngày 30, thì ngay chiều tối hôm đó, cả nhà mình cũng đến thăm ông ngoại. Đây mới chỉ là cuộc thăm mang ý nghĩa ngày cuối năm, nhưng cũng sẽ như người Việt mình, con cháu đi làm ăn xa đều lì xì ông, thường mỗi người 400 tệ, còn trẻ em cũng được mừng tuổi nhưng không được mừng theo đầu người mà mừng cho em bé nhỏ nhất của gia đình. Thường tiền mừng cho các em bé là 100 - 200 tệ. Còn bé mới sơ sinh thì được mừng từ 500 tệ trở lên, như một lời chúc tốt lành, cho em bé dồi dào sức khỏe, hay ăn chóng lớn.
    Sau bữa tối thăm gia đình ông ngoại, cả nhà mình trở về nhà, ngồi quây quần bên tivi hóng chương trình Chào Xuân của đài truyền hình Trung ương. Chương trình được phát sóng từ 8h đến 12h trên tất cả các sóng truyền hình, giống như Việt Nam mình, khung giờ Táo Quân sẽ từ VTV1,2,3... đều thành VTV hết ấy :p Chương trình chào xuân được phát sóng đan xen cả các tiết mục hài và những màn biểu diễn từ các cầu truyền hình lớn trên cả nước như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Nam, Vân Nam, khu vực Nội Mông Cổ... 
Một trong những tiết mục đêm giao thừa trên sóng truyền hình quốc gia
      Ngày 30 Tết cả nhà cũng được dặn phải tắm sớm, không được tắm gội vào sáng sớm đầu năm. Sáng mùng 1 đều phải dậy sớm, tâm trạng thoải mái, mặc đồ thật đẹp, có họa tiết đỏ càng tốt. Với người Trung Quốc, bạn có thể đến nhà người khác chúc tết đầu năm với trang phục đen, nhưng trắng thì kỵ tuyệt đối, 1 chút cũng không được trắng. Màu trắng là màu tang tóc và cực kỳ xui xẻo.
     Ở Trung Quốc, người ta không cúng sang canh, hay còn gọi là cúng giao thừa, với họ, thời gian để nghỉ ngơi chính là từ chiều 30, sau bữa cơm tối là thời gian ngồi cùng nhau, ăn vặt và xem chương trình truyền hình. Đúng 12 giờ, khi MC trên TV đếm ngược thời khắc chào đón năm mới, tất cả các nhà đều đồng loạt bắn pháo hoa. Pháo hoa bắn tại gia thường là pháo hoa tầm thấp, nhưng khi nhà nhà người người cùng bắn, cảm giác thật phấn khích, mọi người cùng chúc nhau " năm mới tốt lành". 
Ảnh mạng ạ :v tại ảnh thật mình chụp đêm giao thừa bị mờ :((
Sau 5 phút bắn pháo hoa, mọi người sẽ đều ôm lấy điện thoại để canh... tiền lì xì. Như các phần trước mình đã đề cập, Wechat có chức năng thanh toán, gửi lì xì. Những người đặc biệt gửi riêng cho nhau hồng bao với những con số ý nghĩa kèm lời chúc tốt lành, những nhóm chat như hàng xóm, họ nội, họ ngoại, công ty, bạn cùng cấp 3, bạn đại học, bạn cùng lớp Alibaba... vân vân và mây mây... thì được chờ gửi hồng bao tập thể. Mỗi hồng bao sẽ do người gửi tự định mức số tiền gửi, số người nhận. Cái thú vị của việc mở hồng bao này là bạn phải nhanh, nếu không sẽ không đến lượt, nhưng nhanh thôi còn cần phải may :v người mở sớm nhất chưa chắc đã là người được số tiền nhiều nhất. Có người sẽ nhận được vài tệ, có người có khi chỉ nhận được vài hào, thậm chí vài xu nhưng tất thảy mọi người đều rất vui vẻ khi họ chia sẻ và nhận về chút lộc đầu năm :))
Hồng bao chỉ có nhiêu đây thôi :)))
Mùng 1 Tết
Đây là ngày có nhiều khác biệt nhất với văn hóa trong Tết nguyên đán của  Việt Nam. Thông thường các năm, mình hay được mẹ hò dậy sớm cơm nước chuẩn bị cúng mùng 1, và cũng được dặn kỹ là hôm mùng 1 phải luôn vui tươi thì cả năm mới suôn sẻ vui vẻ được. 
Năm nay mình cũng được cô dặn từ những hôm trước Tết là cố gắng dậy sớm, phụ cô nấu nướng, khách đến nhà thì ra chào, mời nước, mời bánh kẹo và chúc mừng năm mới. Phụ nữ và con gái lớn (trên 16 tuổi) kiêng xuất hành ngày mồng 1. Mùng 1 là ngày chỉ dành cho các bác, các chú, hội thanh niên nam đi chúc Tết. Các bạn còn nhớ cái ghế cao sưởi ấm mình đề cập bên trên không ạ? Vào ngày mùng 1, nó sẽ có ý nghĩa khá quan trọng khi được đổ đầy than hồng và trấu, mang ý nghĩa cầu cho 1 năm ấm no, có của để dành :))) Nhưng chớ dại mà lân la lại 2 cái ghế đó, khói từ than và trấu bốc lên sẽ làm bạn thiếu oxy nhanh chóng, vì thế 2 cái ghế ấy hay được đặt ở ngoài cửa nhà.
Sau khi ăn sáng xong, 2 ông anh nhà mình ( ở Trung Quốc, người ta không gọi nhau theo vai của mẹ, mà gọi theo tuổi, dù là con cô nhưng hơn tuổi thì mình vẫn phải gọi bằng anh) đã quần là áo lượt, mang đồ lễ đến nhà ông Ngoại và bác cả để chúc Tết. Trong khi đó, hàng loạt hàng xóm đến nhà mình (cũng như các nhà hàng xóm khác) chúc tết. Thường sẽ là bố dẫn con trai/con gái, 2 anh em trai đến nhà hàng xóm, nói "Chúc mừng năm mới", phụ nữ và con gái trong nhà chủ sẽ ra chào, đốt pháo tét, mời họ ăn chút bánh, uống chút trà. Khoảng vài phút sau, khách cáo từ, cô mình sẽ gửi khách những túi quà nhỏ màu đỏ. Người lớn là ít hạt dưa, trẻ em là bánh kẹo. Cứ như thế, trong nguyên một buổi sáng, phải có gần trăm lượt khách ghé đến chúc và ra về chóng vánh như vậy. 
Lì xì nhiều ghê :v
Lại nói một chút về tục đốt pháo đón khách, trong những ngày đầu năm mới, bất cứ khách nào đến chơi nhà đều được đốt pháo tét hoặc pháo dây để tiếp đón, tùy vào đoàn khách có nhiều hay ít. Khách quý từ phương xa, hoặc đại gia đình đến chúc tết sẽ được đốt cả pháo hoa lẫn pháo dây để chào mừng. Ngày tết rộn ràng tiếng pháo, người già và trẻ em được nhận lì xì. Nếu ở Việt Nam, nhà có bao nhiêu trẻ con, sẽ được bấy nhiêu lì xì nhưng ở Trung Quốc, số lượng lì xì chỉ có một - cho em bé nhất trong gia đình, lì xì cho người già cũng là người lớn tuổi nhất trong nhà. Tuy nhiên số lượng tiền lì xì thường dao động từ 200 - 500 tệ cho người già, 100 - 200 tệ cho trẻ em. Người Trung Quốc cũng không lì xì cho trẻ em hay người già hàng xóm, họ chỉ lì xì cho người trong gia đình, họ hàng.
Kết thúc sáng mùng 1 Tết, chiều mùng 1 là thời gian để đi tết bạn bè, chiều mùng 1 thì con gái có thể theo cha mẹ, anh chị đi chúc tết. Việc chúc tết bạn bè cũng diễn ra hết sức nhanh chóng, thời gian còn lại, mọi người về nhà nghỉ ngơi sau một buổi sáng dậy sớm vất vả hơn mọi ngày.
Mùng 2 Tết
Là khoảng thời gian để chúc Tết bên đằng Ngoại, bao gồm cả các bác, các chú, đi về chúc tết bố mẹ, anh chị đằng vợ. Mỗi nhà một ô tô, cả đoạn đường tắc ùn những chiếc xe lớn nhỏ, tiếng pháo đùng đoàng khắp các ngả.
Xác pháo ngày tết
    Chiều mùng 2 là khoảng thời gian mình cùng gia đình cô đi chúc tết bác hai trên thành phố, nhà bác gần ga tàu hỏa, nên mình có thể bắt chuyến xe lửa lên Thâm Quyến để mùng 3 về Việt Nam. Khoảng thời gian 1 tuần đón tết ở Hoàng Cương đã kết thúc rất nhanh và trọn vẹn như vậy.
     Những ngày Tết nguyên đán của Trung Quốc còn tiếp tục kéo dài đến tận mùng 10 tháng giêng, sau 3 ngày đầu năm, mọi người cùng đi thăm họ hàng, gặp gỡ bạn đồng niên, cùng nhau du xuân và không ai muốn quay trở lại guồng công việc sau đó. Hoàng Cương rất thanh bình, cái lành lạnh khiến người ta cảm giác khoan khoái, ngủ ngon hơn và cũng muốn bên nhau lâu hơn. 
    Ở xứ lạnh, mình mới nhớ nao lòng quất đào mai của Việt Nam, nhớ không khí bên nồi bánh chưng hôm 28 Tết, nhớ thời khắc cả nhà quây quần xem Táo Quân, hay lúc sang chùa đón thời khắc đầu tiên của năm mới. Nhớ rất nhớ dáng mẹ tất bật những ngày cuối và đầu năm, đưa mẹ đi chợ Tết sắm hoa, sắm mâm ngũ quả... Chợt nhận ra quê hương, gia đình là điều mà ta muốn gắn bó nhất, bước chân đi xa rồi cũng chỉ mong đến lúc được về nhà, được sà vào vòng tay mẹ, rằng con đi đâu cũng nhớ mẹ, nhớ nhà biết bao...
Nhà là nơi để trở về mỗi dịp Xuân sang
Đọc các phần trước của series tại đây: