BLUE LOCK: BỘ MANGA DẠY BẠN CÁCH CHIẾN THẮNG
BLUE LOCK: BỘ MANGA DẠY CHO BẠN CÁCH CHIẾN THẮNG
Nếu bạn là một người thường xuyên đọc các bộ manga, cụ thể là manga thể thao, thì chắc có lẽ đã quá quen với cụm từ mang tên “Sức mạnh tình bạn”. Tuy tôi không biết có một khái niệm cụ thể nào để định nghĩa điều này không, nhưng phải công nhận rằng trong phần lớn các bộ manga shounen có tính chất cạnh tranh như thể thao, hành động, phiêu lưu,.. người đọc đều bắt gặp được những khoảnh khắc khi nhân vật chính bị hạ gục, thất bại. Và sau đó, họ sẽ vùng lên một cách dữ dội, sử dụng nghị lực và niềm tin để vượt qua thử thách cùng những người đồng đội.
Tôi đã có suy nghĩ rằng, nếu bạn ở trong thế giới truyện tranh, thì có khi chỉ cần có ý chí và nghị lực để luyện tập chăm chỉ thì kiểu gì bạn cũng sẽ là người chiến thắng. Nghe thì có vẻ hay, nhưng tôi thấy nó chung chung quá. Cụ thể thì bạn cần có ý chí như thế nào? Tư duy ra sao? Luyện tập kiểu gì để có thể đánh bại kẻ đã từng vượt qua bạn nhiều lần trước? Phải chăng tất cả chỉ có mục đích truyền cảm hứng mà không thật sự có một bài học cụ thể nào ư?
Bởi khi trở lại đời thực, phải tham gia những cuộc chiến, thử thách như đi học, đi làm,... thì có lẽ chỉ sức mạnh tình bạn là không đủ. Bạn sẽ cần những lời khuyên thực tế hơn để có thể vượt qua giới hạn của bản thân, để có thể chiến thắng những thử thách cuộc đời này mang cho bạn.
Và rồi Blue Lock đã xuất hiện, xóa đi những hoang mang của tôi. Tác giả của bộ truyện - Kaneshiro Muneyuki - sẽ không chỉ đưa bạn đến những trận cầu kịch tính, nơi mà ước mơ cùng sự nghiệp của các cầu thủ bị thử thách và quyết định bởi số lượng bàn thắng, mà còn nhiều triết lý và thông điệp hơn thế nữa.
Disclaimer: Trước khi bắt đầu bài viết, tôi chỉ muốn nói rằng bản thân tôi là một người thích tìm hiểu và suy nghĩ về thông điệp của tác giả đằng sau những tập manga tôi đọc. Bài viết này không có ý định bắt bạn cũng phải đi phân tích các chi tiết khi đọc manga giống như tôi. Chúng ta đều có những mục đích khác nhau phải không?
Ok, tôi đã dán bùa bài viết. Chúng ta cùng bắt đầu thôi!
1. BLUE LOCK LÀ GÌ? NGUỒN GỐC, BỐI CẢNH VÀ TÁC GIẢ
Để bắt đầu, cũng như giúp các bạn có đủ bối cảnh hơn, tôi xin phép bắt đầu nói về bối cảnh và nguồn gốc của bộ truyện này.
Blue Lock (tên tiếng Nhật: ブルーロック) là một bộ truyện tranh Nhật Bản được viết bởi Muneyuki Kaneshiro và minh họa bởi Yusuke Nomura. Manga này đã được đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Weekly Shōnen của Kodansha kể từ tháng 8 năm 2018. Thêm vào đó, hiện tại manga này cũng đã được studio 8-bit chuyển thể thành anime và đang chiếu đến tập 20 trong thời điểm tôi viết bài này.
Tác giả
Tác giả của Blue Lock tên là Muneyuki Kaneshiro. Khi được phỏng vấn về việc sáng tác Blue Lock, ông đã trả lời rằng cá nhân mình là một người thích xem bóng đá. Kaneshiro nhận rằng ông luôn dành hàng giờ liền dán mặt vào màn hình để cổ vũ cho đội tuyển Nhật Bản. Ước mơ của ông chính là được thấy đội tuyển Nhật giơ cao cúp vàng World Cup vào một ngày nào đó. Và đây chính là lý do lớn nhất mà Blue Lock ra đời.
Bối cảnh ra đời
Nếu bạn có theo dõi hành trình World Cup 2018 của đội tuyển Nhật Bản, thì chắc hẳn đã biết rằng họ đã dừng chân tại vòng 16 đội trước đội tuyển Bỉ. Đó là một trận thua vô cùng cay đắng khi tuyển Nhật đã dẫn trước 2-0 trong đầu hiệp 2 nhưng lại thua ngược 2-3 bởi bàn thắng phút 90+4’ của Nacer Chadli.
Trận thua này đánh dấu lần thứ 6 tuyển Nhật không thể bước chân vào vòng tứ kết trong tổng cộng 6 lần tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh của họ. Và ngay sau đó 1 tháng, Blue Lock đã được phát hành.
Nội dung
Bộ manga lấy bối cảnh vào năm 2018, ngay sau khi tuyển Nhật bị loại ở World Cup 2018. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) đã cho triển khai một chương trình huấn luyện đặc biệt nhằm đào tạo ra cầu thủ tấn công (striker) số một thế giới. Người này sẽ là đầu tàu đưa Nhật Bản đến với chức vô địch World Cup trong tương lai. 300 tiền đạo, tiền vệ công trẻ hàng đầu đã được lựa chọn và quy tụ vào dự án.
Luật của Blue Lock giống như một trò chơi sinh tồn. 300 cầu thủ tấn công sẽ tham gia các vòng tuyển chọn. Người ở lại cuối cùng sẽ trở thành tiền đạo số một thế giới, những người bị loại qua các vòng sẽ vĩnh viễn nói lời từ biệt với ước mơ được gọi lên tuyển quốc gia, đồng nghĩ là sự nghiệp quần đùi áo số sẽ kết thúc.
Điểm đặc biệt đầu tiên của Blue Lock đó chính là từ khóa “Kẻ vị kỷ” (Egoist). Ngay trong những chap đầu tiên, Ego Jinpachi - người khởi xướng dự án Blue Lock đã tuyên bố rằng nền bóng đá của Nhật Bản đã quá lạc hậu vì không có nổi một cầu thủ tấn công mang tính cách mạng để có thể mang vinh quang về cho quốc gia. Rằng người Nhật tuy có một tinh thần đồng đội và tính tổ chức kỷ luật tốt, nhưng lại không có một tay săn bàn sẵn sàng trở thành đầu tàu đưa đội nhà đến chiến thắng.
Nói cách khác, tinh thần của dự án Blue Lock là tạo ra một cá nhân có thể ghi thật nhiều bàn thắng trong mỗi trận đấu anh ta tham gia. Và để làm được điều đó, anh ta phải là một kẻ vị kỷ - luôn nghĩ cách để bản thân có thể ghi thật nhiều bàn thắng hơn đối thủ.
Với cá nhân tôi, Ego không phải là một người báng bổ tinh thần đồng đội, mà thay vào đó, anh ta muốn các cầu thủ có tư duy rằng ghi thật nhiều bàn thắng là mục tiêu tối thượng, còn teamwork sẽ chỉ là công cụ, không nên là mục tiêu của việc chơi bóng. Bởi với Ego, bóng đá là môn thể thao phải ghi nhiều bàn thắng hơn đối thủ.
Nhân vật chính của bộ truyện là Isagi Yoichi. Một học sinh cao trung đang chơi ở hàng công và không có gì nổi trội so với những người khác. Tuy nhiên, thông qua các thử thách và được cọ xát cùng các tiền đạo hàng đầu trong Blue Lock, Isagi đã dần hiểu thêm về điểm mạnh bản thân mình, phát triển những kỹ năng và tư duy chơi bóng mới, cũng như có thêm những người bạn đồng hành trên hành trình chinh phục cúp vàng thế giới.
Có lẽ đến đây, các bạn đang có một câu hỏi kiểu như:
“Cái gì? Anime thể thao mà sao lại có 11 thằng tiền đạo? Vậy thì thằng nào sẽ bắt gôn, thằng nào đá phòng ngự?”
Nếu bạn đang có thắc mắc giống như trên thì yên tâm nhé, vẫn sẽ có những trận 11v11 và có thủ môn đàng hoàng.
Ok, giờ chúng ta sẽ bước sang phần thứ hai. Đó là những thông điệp mà tác giả đã gửi gắm thông qua những chap truyện và tính liên hệ trong cuộc sống.
Chú ý: Tôi đã cố nhất có thể để không spoil nội dung rồi nên các bạn cứ yên tâm mà đọc nhé.
2. TẠI SAO BLUE LOCK LẠI CÓ THỂ DẠY BẠN NHIỀU HƠN NGOÀI BÓNG ĐÁ.
Khi bắt đầu đọc bộ manga này, tôi cũng không có nhiều kỳ vọng cho lắm. Tuy nhiên, sau khi đọc hơn 20 chap thì những thông điệp và bài học tác giả ẩn giấu trong bộ truyện lại vượt qua kỳ vọng ban đầu của tôi. Qua mỗi trận đấu, Ego đều xuất hiện và chia sẻ về lý do tổ chức các vòng tuyển chọn. Kiểu như là tại sao các cầu thủ phải chơi đá ma, hay lại phải thi đấu theo thể thức 2v2, 3v3, 4v4.
Tiếp theo, tôi xin chia sẻ 3 trong rất nhiều quan điểm hay ho mà tác giả đã gửi gắm xuyên suốt bộ truyện:
1. Khả năng tái tạo là nền tảng của thành công
Trong chap 24, Ego đã đề cập đến việc một cầu thủ tấn công xuất sắc cần có khả năng tái tạo lại bàn thắng. Hay nói cách khác là một công thức dẫn đến bàn thắng của anh ta. Đây là một điều vô cùng quan trọng. Bởi nếu tìm ra và phát triển được công thức mà chỉ anh ta mới có thể sử dụng, thì cầu thủ đó sẽ có tiềm năng ghi được thật nhiều bản thắng.
Công thức này có thể đến từ nhiều yếu tố và kỹ năng như khả năng dẫn bóng, di chuyển không bóng, chọn vị trí, cách dứt điểm,... Và tất nhiên, sẽ không có công thức nào giống công thức nào. Mỗi tiền đạo, tiền vệ công sẽ có những ưu điểm và thiên chất khác nhau, họ không thể đi học vẹt công thức của người khác mà phải tự tìm ra công thức chỉ họ mới có thể thực hiện và tái tạo.
Để có thể tìm ra công thức của mình, cầu thủ phải hiểu đâu là điểm mạnh của anh ta. Từ thể lực, vóc dáng cho đến “vũ khí” của anh ta là gì. Như ở nhân vật chính, thì công thức của Isagi là:
"Khả năng cảm quan không gian" x "Sút một chạm"
Nhờ vào việc hiểu rõ năng lực của bản thân, Isagi đã áp dụng thành công công thức này để ghi bàn thắng quyết định, giúp đội của mình đến chiến thắng.
Tôi sẽ lấy một ví dụ ngoài đời. Nếu bạn có theo dõi bóng đá trong khoảng thời gian gần đây, chắc bạn đã biết rằng số 10 của Man United - Marcus Rashford đang có một mùa giải vô cùng thành công. Anh đã ghi tổng cộng 21 bàn cho nửa đỏ thành Man trên mọi mặt trận.
Nếu quan sát phần lớn bàn thắng của Rashford, bạn sẽ thấy anh thường nhận bóng ở khu vực final third phía cánh trái, sau đó tận dụng sải chân dài để rê bóng + tốc độ xử lý nhanh trong không gian hẹp của mình để vượt qua 1 đến 2 hậu vệ rồi dứt điểm ngay sau khi vào được vòng cấm của đối phương. Trong trường hợp bóng quá dài và Rashford thấy có đồng đội ở trong khu vực vòng 16m50, anh sẽ lựa chọn đưa bóng xuống đáy biên và thực hiện một đường chuyền cắt ngang vào trong để đồng đội dứt điểm.
Bạn có thể xem video này để hiểu hơn về công thức mùa này của Rashford dưới đây.
Còn đây là goal map của anh
Note: Đây là quan điểm cá nhân của tôi. Nếu bạn thấy chưa hợp lý thì tôi rất mong được khai sáng ở dưới phần bình luạn :3
Vậy việc có cho bản thân mình một công thức quan trọng đến nhường nào?
Là một người đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, tôi đã từng có những ngày tháng "đau khổ" khi tự nhiên có 1 bài viết được viral, xong những bài còn lại trongy thời gian sau lại chẳng được tốt như trước (giống như ghi được 1 bàn siêu phẩm rồi mấy trận sau tịt ngòi vậ).
Tôi tự hỏi rằng liệu tất cả những gì tôi làm chỉ là ăn may? Và sau đó, tôi nhận được một lời khuyên từ một người đi trước rằng phần lớn những người làm sáng tạo nội dung giỏi thường có một công thức của riêng họ. Công thức đó được đúc kết từ thời gian làm nghề và lĩnh vực họ hoạt động. Điều này phần nào lý giải tại sao có nhiều người liên tục ra được những video và bài viết luôn có nhiều tương tác, trong khi những người đi copy, reup thì lại chẳng thể tạo được cái gì ra hồn.
Còn nói xa hơn, đó sẽ là việc bạn tìm ra điểm mạnh của bản thân mình trong cuộc sống này. Và từ điểm mạnh đó, bạn sẽ phát triển thành một công việc, nghề nghiệp mà bản thân có thể kiếm tiền từ đó….
2. Dream doping là một liều thuốc tinh thần nguy hiểm
Tuy đã search google nhưng tôi không tìm thấy tài liệu khoa học nào liên quan đến khải niệm này. Nếu bạn đã đọc qua được điều gì đó liên quan đến cái này ở đâu đó thì xin vui lòng để ở dưới phần bình luận giúp tôi nhé.
Ở chap 67, Ego lại tiếp tục đưa chúng ta đến một khái niệm mới mang tên “Dream Doping”.
Theo Ego, trên con đường dẫn tới thành công, ai cũng sẽ phải gặp những thất bại cản bước họ. Tại thời điểm đó, mỗi cá nhân sẽ có hai lựa chọn:
1/ Tiếp tục động viên bản thân rằng nếu mình cứ cố gắng nhiều hơn, cứ tiếp tục giữ vững niềm tin rằng chỉ cần cố gắng thì kiểu gì cũng sẽ đạt được ước mơ.
Điều này sẽ giúp họ cảm giác tốt hơn sau khi gặp phải thất bại, giống như 1 liều thuốc giảm đau. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó sẽ khiến họ không thể nhìn ra vấn đề của bản thân.
Đó gọi là Dream Doping (Doping Ước Mơ)
2/ Chấp nhận bản thân đang kém cỏi và tìm cách để thay đổi, thích nghi với môi trường trong khi vẫn hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Nói một cách dễ hiểu thì hướng 1 là bạn chọn đi tiếp con đường bạn đã đi, bất chấp nó có thể đưa bạn tới thất bại một lần nữa. Còn với hướng 2, bạn quyết định cải thiện và tiến hóa bản thân, chấp nhận làm một điều gì đó mới mẻ và đi lệch khỏi con đường bạn đi một chút để đảm bảo bản thân vẫn đến đúng đích.
Với Ego, những kẻ không chịu chấp nhận thay đổi hoặc cải thiện bản thân khi gặp thất bại, mà thay vào đó, cố nắm víu lấy một niềm tin mù quáng rằng mình chỉ cần có đủ ý chí và nghị lực (nhưng vẫn theo đuổi cách làm cũ) thì kiểu gì mình cũng đạt được điều mình muốn thôi, sẽ không thể thành công được.
“Một giấc mơ sẽ chẳng có giá trị gì nếu như nó không thể trở thành hiện thực”
Tôi nghĩ các bạn đọc đến đây cũng đều cảm thấy liên quan chút rồi đúng không? Chúng ta kiểu gì cũng gặp trắc trở khi theo đuổi ước mơ. Những lúc như vậy, chúng ta sẽ cần ngồi nhìn lại bản thân đang thiếu sót điều gì, thay vì tiếp tục đi theo lối mòn.
3. Tâm thế của kẻ chiến thắng
Hãy cùng timeskip đến trận đấu của Blue Lock Eleven và U20 Nhật Bản. Lúc này, các cầu thủ của Blue Lock đang thật sự được thử thách giới hạn của bản thân. Và trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất, Ego đã nói như sau:
Trong hình này, tác giả đã mượn câu chuyện đi giệt quỷ của cậu bé Momotaro. Cậu bé Momotaro và những người bạn đồng hành đã lên một chiếc thuyền để đi diệt quỷ. Không may là thuyền bị đắm. Nhưng thay vì chấp nhận thất bại, Momotaro đã lựa chọn ngậm kiếm và bơi đến đảo quỷ.
Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói muôn thở là:
"Nếu muốn thì sẽ tìm cách, còn không muốn thì tìm lý do"
Những kẻ thành công luôn biết đối mặt với vấn đề. Họ không viện cớ để trốn tránh trách nhiệm mà ngược lại, họ kiên định với mục tiêu, tìm cách để gỡ rối cho vấn đề họ đang gặp phải trước mắt để đạt được điều họ mong muốn.
Những gì diễn ra trong đầu chúng ta và những gì có trong cuộc sống là hoàn toàn khác nhau. Cho dù bạn có kế hoạch tỉ mỉ và kinh khủng đến đâu đi chăng nữa, thì khi đưa vào thực tế, bạn sẽ dần nhận ra nó vẫn chưa được hoàn thiện. Hàng tá vấn đề bạn chưa từng nghĩ tới sẽ xảy đến, nhưng nếu bạn không bị mất đi mục tiêu của mình, thì bạn vẫn sẽ tìm ra cách để đạt được điều đó.
Vừa rồi là một vài chia sẻ và quan điểm của tôi về một số trích đoạn trong Blue Lock mà tôi ấn tượng nhất. Với tôi, bộ manga này sẽ dạy cho người đọc nhiều điều hơn ngoài sân cỏ.
3. MỘT SỐ NHẬN XÉT CÁ NHÂN
Tính đến tháng 2 năm 2023, Blue Lock đã có hơn 21,3 triệu bản được bán ra. Riêng ở Việt Nam thì khỏi phải nói rồi. Bạn tôi làm ở Kim Đồng kể lại là ngay trong ngày đầu tiên đã cháy hàng luôn.
Để lý giải cho sự hấp dẫn này thì phải dành một lời khen dành cho bên phát hành phiên bản anime của Blue Lock. Họ đã rất sáng suốt khi lựa chọn phát hành ngay trước World Cup 2022 vài tuần. Và may mắn hơn cả là Nhật Bản đã có 2 chiến thắng trước 2 ông lớn của bóng đá châu Âu là Đức và Tây Ban Nha. Rồi tiếp theo đến việc Blue Lock trở thành trend trên TikTok. Thậm chí anime này còn được các fan gán cho 1 bài nhạc riêng:
Về visual thì khỏi phải bàn. Yusuke Nomura đã làm rất tốt công việc của mình khi minh họa bộ manga này vô cùng sắc nét. Còn về bìa truyện thì khỏi phải nói rồi. Tôi khá là chắc kèo nhiều chị em wibu sẽ mua tập 5 và tập 6 nhiều nhất. Nhìn cái bìa mà xem =)))
Một nhận xét nữa thì những pha bóng của Blue Lock cũng hơi bị phi thực tế, nhưng mà thôi, manga mà. Với tôi thì Blue Lock đã làm tốt nhiệm vụ của nó khi mang tới cho người đọc những quan điểm đáng để suy ngẫm.
Hãy thử đọc một vài chap của bộ truyện này nhé. Tôi tin mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau. Có thể bạn sẽ thích nó hoặc sẽ thấy nó vô cùng lố bịch. Cũng chẳng sao cả, mỗi chúng ta sẽ có những góc nhìn riêng và có thể cùng nhau bàn luận thêm về bộ truyện. Chỉ là nếu có đi đá bóng thì cũng đừng như anh bạn Rin này là được:
Vậy đó, cảm ơn các bạn đã đọc đến đây! See ya!
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất