Sau hơn hai năm chờ đợi, các con dân của MCU nói riêng và chuột Mickey nói chung cuối cùng cũng được đón nhận bom tấn Black Widow - một bộ phim được hứa hẹn là để tri ân một trong những nhân vật được yêu thích nhất của vũ trụ điện ảnh Marvel. Bộ phim được phát hành trên cả Disney Plus và rạp chiếu phim (ở những nơi có thể mở cửa) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tất nhiên là ở Việt Nam, mà cụ thể là Hà Nội, thì rạp chiếu không mở cửa rồi, đang chống dịch mà. Cộng với việc trả vài trăm nghìn một tháng để duy trì một cái tài khoản Disney Plus dường như là quá xa xỉ với một anh bạn sinh viên năm hai xa nhà đang không đi làm thêm được mà vẫn ở lại nhà trọ, nên là, mong các bạn thứ lỗi, nhưng tôi lại đành phải nhờ đến cú pháp “tên phim + vietsub” trên google để có thể thưởng thức tác phẩm này miễn phí và bất hợp pháp.
Và sau hai tiếng đồng hồ buổi trưa ngồi xem phim với hai gói mì Hảo Hảo. một quả trứng chần và một chai Mountain Dew, tôi đã phải tự nói với bản thân mình là “cái đ*o gì vừa diễn ra vậy”. Đấy là tôi còn xem lậu và chỉ phí mất hai giờ đồng hồ, chứ tôi không biết những người thực sự bỏ tiền ra mua tài khoản Disney Plus chỉ để xem phim này sẽ cảm thấy ra sao nữa, khi vừa mất tiền và cũng mất cả thời gian nốt. Tôi vốn không kì vọng quá nhiều vào phim Marvel kể từ sau thành công của Infinity War (đối với tôi Endgame cũng không phải quá xuất sắc, vẫn thua xa so với phần trước của nó). Tuy nhiên thì đến cả một người không kì vọng nhiều mà vẫn cảm thấy phim có quá nhiều điểm lấn cấn thì các bạn biết nó dở đến mức nào rồi đó.
Tất nhiên không thể phủ nhận là phim vẫn có một vài điểm tốt. Đầu tiên, nếu bạn chỉ cần một bộ phim để bạn có thể vứt não ra ngoài và giải trí thì chúc mừng, Black Widow là bộ phim dành cho bạn. Mọi thứ đều tương đối dễ hiểu, dễ nuốt, không có quá nhiều thứ nhập nhằng khó đoán, không đòi hỏi đầu óc bạn phải tập trung tuyệt đối và chạy hết công suất để ngấm được phim. Diễn xuất của Scarlett Johansson tất nhiên là không thể chê vào đâu được, diễn viên hạng A Hollywood mà lại. Cũng không thể không kể đến màn thể hiện đáng khen ngợi của cô nàng diễn viên trẻ Florence Pugh trong vai Yelena, em gái của Natasha. Thực sự thì sau bộ phim này, tôi rất muốn Yelena được có một phim riêng, hoặc trở thành một mắt xích quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của MCU.
<i>Florence Pugh</i>
Florence Pugh
Nhiêu đó vẫn chưa đủ để khiến tôi tin rằng đây là một bộ phim chấp nhận được. Có quá nhiều thứ khiến cho bộ phim này trở nên lố bịch, thậm chí là cực kì ngớ ngẩn. Sau đây sẽ là một vài nét chính, và tôi cũng sẽ phân tích chúng luôn.

A, Yếu tố phản diện.

Không cần phải tốt nghiệp loại xuất sắc ở các học viện điện ảnh hàng đầu thế giới, thì bạn cũng có thể nhận ra rằng một bộ phim hay là một bộ phim mà cả phe chính diện và phe phản diện đều để lại ấn tượng mạnh cho khán giả. Hãy nhìn vào những bộ phim siêu anh hùng được người đời ca tụng là hay nhất mọi thời đại xem có phản diện nào trong đó là thiếu điểm nhấn hay không? Có ai trong chúng ta lại không biết tới những Thanos, Joker, Darkseid như là những Tony Stark, Batman hay Superman? Ấy vậy mà Black Widow đã phạm phải sai lầm khi đã xây dựng một tuyến nhân vật phản diện hết sức nghèo nàn, thậm chí là khiến cho người xem cảm thấy ức chế.
Đầu tiên là Dreykov. Việc Hollywood thường xuyên dìm hàng nước Nga bằng cách tạo ra các phản diện người Nga không phải là chuyện hiếm, nhưng làm ơn, ít nhất hãy tôn trọng nhân vật do chính mình tạo ra, kể cả khi các ông không ưa nước Nga. Dreykov thực sự không cho thấy mình là phản diện chút nào. Ông ta xuất hiện trong phân đoạn ở Cuba trong vòng khoảng hai phút, ba phút gì đó, rồi mất tăm. Rồi đến tận khoảng 30 phút cuối phim ông ta mới xuất hiện trở lại, và thực sự là trước mặt Natasha, tôi thấy ông ta thật đáng thương hại. Đáng thương hại không phải vì bị Nat bón hành cho ngập mồm, mà đáng thương hại vì ông ta bị biên kịch phim làm cho trở nên thật nhàm chán và nhạt nhẽo. Động cơ của ông ta là gì? Sau khi Liên Xô sụp đổ thì ông ta còn lại mục đích gì để chiến đấu? Trông ông ta có vẻ gì là người của chính phủ Nga đâu? Tại sao ông ta sống sót được vụ ám sát? Ông ta làm thế nào mà xây dựng được căn cứ trên không? Tất cả đều là các câu hỏi còn bỏ ngỏ. Cứ như thể đoàn làm phim muốn nói với khán giả rằng, ông ta ác bởi vì… ông ta ác. Ngay thậm chí cả phân đoạn ông ta nói về việc ông ta có thể reo rắc kinh hoàng, gây ra bất ổn chính trị và ảnh hưởng tới cả thế giới, nhưng tôi vẫn không cảm thấy ông ta là một mối đe dọa. Bởi vì cái motif “một quân đoàn siêu chiến binh có thể làm khuynh đảo thế giới” này đã xuất hiện rồi! Trong Civil War ấy, cùng một vũ trụ! Họ tái chế lại ý tưởng đó mà không biết rằng, đoàn quân Widow của Dreykov nếu so với chương trình Siêu Chiến Binh của HYDRA thì chẳng là gì cả. Thành ra, Dreykov đối với mình trông không giống một tay phản diện độc đoán, mưu mô thủ đoạn mà chỉ giống như một ông già hom hem, ảo tưởng, ăn bám quá khứ của chính mình.
Rồi đến cả Taskmaster. Hắn ta (chính xác phải là CÔ ta) được giới thiệu là có khả năng sao chép kỹ năng chiến đấu của các siêu anh hùng, một thứ đúng ra sẽ khiến hắn trở nên đáng sợ. Tuy nhiên thì, có nhiều yếu tố khiến cho hắn trở thành một tên hề không kém. Taskmaster chỉ là một cỗ máy trong hình dạng một con người, không có điểm gì nổi bật nào ngoại trừ sức mạnh. Càng về cuối phim thì Taskmaster càng bị mất đất diễn cho cái tay người Nga thiếu điểm nhấn phía trên. Các cảnh đánh đấm võ thuật cũng không được chăm chút thực hiện. Và đặc biệt là ngoại hình, bạn có thể tưởng tượng được việc một siêu sát thủ hoạt động trong một thế giới mang đậm màu sắc thực tế lại có một trang phục của Power Ranger và phi xe tăng qua các con phố như đúng rồi? Ừ thì bạn có thể nói với tôi rằng hắn cần có một bộ giáp như thế, bảo mật danh tính rồi chức năng rồi bla bla, tuy nhiên thì hắn đang hoạt động ở giữa ban ngày ban mặt, ở Budapest, thành phố đông dân thứ 9 tại EU! Một sát thủ làm việc cho một tổ chức ngầm thì có nhất thiết phải lòe loẹt như vậy không? Hãy thử nhìn vào Bucky Barnes ở phân đoạn anh ta mới xuất hiện trong Captain America: The Winter Soldier đi. Ngoại trừ cánh tay máy ra, còn lại thì không hề khoa trương hay màu mè, nhưng vẫn cực kì nguy hiểm.
<i>Bên phải: sát thủ làm việc cho tổ chức bí mật
Bên trái: thành viên mới của nhóm siêu nhân Gao?</i>
Bên phải: sát thủ làm việc cho tổ chức bí mật Bên trái: thành viên mới của nhóm siêu nhân Gao?

B, Yếu tố thực tế.

Một bộ phim siêu anh hùng thì yếu tố thực tế có thể được đặt nhẹ hơn so với các thể loại phim khác, vì vốn thể loại siêu anh hùng đã là phi thực tế rồi. Nhưng Black Widow có một vấn đề, chính là sự nhập nhằng giữa thể loại siêu anh hùng khoa học viễn tưởng và thể loại hành động điệp viên. Nửa đầu phim làm tương đối trọn vẹn vai trò của một thứ gì đó gần giống với Jason Bourne hay đại loại thế. Nửa sau của bộ phim thì lại là thể loại siêu anh hùng giải cứu thế giới trong một bữa tiệc CGI điển hình. Chính sự lằng nhằng về thể loại này đã khiến bộ phim thiếu đi tính thực tế mà một bộ phim điệp viên cần có, và cũng khiến cho bộ phim trở nên quá “an toàn” và vẫn chưa dám vượt qua giới hạn đó để tạo ra một làn gió mới. Thể loại điệp viên không giống như khoa học viễn tưởng, bạn cần yếu tố thực tế và logic nhất định, đây cũng là những gì phim làm chưa tốt.
Đầu tiên thì, Dominic Toretto nên liên hệ ngay với Natasha Romanoff để nói về một hợp đồng tuyển dụng đi, vì các pha hành động của Nat thực sự là vượt qua giới hạn chịu đựng của con người. Với tất cả những chấn thương mà đúng ra Nat đã dính mà cuối cùng lại không, tôi nghĩ là có khi Nat đã sống sót sau cú ngã ở Endgame. Plot amour gì mà dày như thể đây là phim riêng về Reiner Braun của Attack on Titan vậy?
Cả chặng bay từ Ohio đến Cuba, để lên được cái máy bay dân sự kia thì cả nhà bị truy đuổi kịch liệt còn lên được máy bay rồi, cất cánh rồi thì chính quyền lại kiểu “yo, chịu thôi, chúng nó bay được rồi”. Không quân Hoa Kỳ đúng là một lũ vô dụng, bảo sao năm 72 bị phòng không Việt Nam bắn te tua.
Rồi Nat bị cô em nện nguyên cái đĩa vào đầu (đến mức vỡ đĩa) mà trán của Nat vẫn không sứt mẻ gì??? Rồi đến cả lúc nhảy dù xuống và lôi theo Taskmaster, cách mặt đất gần như thế mới bung dù mà vẫn không gãy cái xương nào??? Rồi bị cả cái binh đoàn Widow hội đồng xong mà mặt vẫn tươi như vừa xuất hiện tại thảm đỏ Oscars??? Tôi có quen một vài anh bạn ở bên đại học Y, không biết họ xem xong phim này họ sẽ thấy sao nữa.
Căn Phòng Đỏ, thứ đúng ra là gần như không thể định vị được, hóa ra là… một cái pháo đài bay có kích cỡ tương đương với một hòn đảo. Đừng bảo tôi là không radar nào phát hiện được ra nó trừ khi những người này có công nghệ của người ngoài hành tinh. Một cái vệ tinh dân sự bình thường cũng có thể chụp ảnh được nó từ trên quỹ đạo, chưa kể thế giới này còn có cả vệ tinh của Tony Stark! Hơn nữa tưởng tượng một ngày trời quang mây tạnh xem. Tự nhiên bạn thấy một cái pháo đài to tổ chảng trên trời. Cũng chẳng phải là bên dưới cái pháo đài là chốn không người hay gì đâu. Sao nó có thể ở trên đó từ cái thời mà có Chúa mới biết từ bao giờ đến tận lúc này mà không gây chú ý?
Rồi đến phân đoạn giải cứu Alexei khỏi nhà giam. Đây chính là đỉnh cao nhất của sự phi thực tế. Không biết là các nhà làm phim Hollywood quên mất hay là cố tình dìm hàng quân đội Nga, mà để cho nguyên một cái nhà tù như thế không lính canh nào phát hiện ra là có cái trực thăng to tổ bố bay ngay trên đầu họ? Và cả cái nhà tù dùng để giam giữ những tên tội phạm nguy hiểm nhất (trong đó có cả Captain Xô-viết) mà chỉ có đúng một cái tháp canh có súng máy? Ai xây cái nhà tù này xứng đáng ở trong đấy luôn.
Có quá nhiều thứ phi logic diễn ra ở đây, và tôi không thể liệt kê ra hết được.

C, Nữ quyền.

Well shit, đây có thể là thứ có thể khiến nhiều người chửi tôi đây. Là đàn ông mà nhắc đến chữ “nữ quyền” thì nhiều người sẽ coi lời nói của tôi auto bị hạ thấp một nửa giá trị, nhưng mà, thời buổi bình đẳng giới mà nhỉ? Đàn ông cũng được nói về nữ quyền chứ?
Disclaimer: Tôi không phản đối gì phong trào nữ quyền cả. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nâng cao quyền bình đẳng cho nữ giới.
Nếu nói rằng Black Widow là một bộ phim đề cao nữ quyền thì… Sau các thảm họa Captain Marvel và Wonder Woman 84, công chúng kì vọng vào một bộ phim siêu anh hùng nữ quyền thực sự ý nghĩa và nhân văn, đề cao vẻ đẹp của nữ giới. Black Widow thì không những không làm được điều đó đến nơi đến chốn mà còn đi vào vết xe đổ của hai phim kia. Một sai lầm chung mà cả ba phim đều mắc phải khi khắc họa hình ảnh nữ quyền, đó là họ vừa khắc họa vẻ đẹp nữ giới đồng thời dìm hàng nam giới. Yeah yeah, tôi biết nhiều chị em (hoặc là anh em) đọc đến đây sẽ lại nói rằng tôi trọng nam khinh nữ thế nọ thế kia rồi toxic masculinity này nọ, vân vân và vân vân… Nhưng thực sự thì cái cách khắc họa nữ quyền này nó rất là có vấn đề.
Điển hình nhất là với nhân vật Alexei, hay chính là Red Guardian aka Captain Xô-viết. Đây có lẽ là nhân vật đáng thương nhất của cả phim. Siêu chiến binh lừng lẫy một thời của Liên Xô hóa ra lại là một gã hề không hơn không kém. Ông ta có ngoại hình béo phì (đến mức Melina lấy tên ông đặt cho con lợn), và đoàn làm phim dành nguyên một cảnh để khắc họa sự lố bịch của Alexei khi ông ta cố mặc bộ đồ Red Guardian cũ vào. Ông ta là một kẻ nói dối, khi ba hoa về chuyện chiến đấu với Captain America vào những năm 80 trong khi lúc đó anh ta vẫn còn ngủ đông. Ông ta có những trò đùa nhạt nhẽo, xàm xí và không hợp hoàn cảnh tí nào. Ông ta cũng chẳng phải là mạnh mẽ hay gì khi mà chiến đấu với Taskmaster mãi không xong, để rồi Melina lao tới và khống chế siêu phản diện này bằng… một đòn kẹp cổ bằng chân. Cả hai phân đoạn ông ấy cố gắng bộc lộ cảm xúc với Nat và Yelena - đúng ra phải trở thành điểm nhấn cho nhân vật Alexei - cũng trở thành trò đùa khi mà ở cả hai phân đoạn đó ông đều bị cắt ngang bởi những lí do rất dở hơi, rồi cuối cùng thì nhà làm phim cũng cho dẹp đi luôn. Có lẽ, bây giờ công thức làm phim nữ quyền của Disney là thế, kiểu gì cũng phải nhồi nhét một gã đàn ông vô dụng, ngu dốt và nhảm nhí vào để cho nhân vật nữ có đối tượng giải cứu. Cái mà tôi muốn nói ở đây chính là việc bạn KHÔNG cần phải tạo ra hình tượng một gã đàn ông vô dụng, ngu dốt và nhảm nhí để tôn vinh vẻ đẹp của những người phụ nữ. Các người coi thường phụ nữ đến vậy sao? Các người nghĩ phụ nữ cần đàn ông trở nên tệ đi để họ có thể trở nên tốt hơn sao?
Để so sánh, chúng ta cùng lấy ví dụ về một bộ phim mà tôi cho là làm tương đối tốt về hình ảnh phụ nữ, đó là Wonder Woman (2017). Đây không phải một bộ phim quá xuất sắc, nhưng một điều tuyệt vời mà bộ phim này làm được chính là việc hình ảnh nữ quyền được khắc họa thật đẹp mà không cần phải dìm hàng nam giới chút nào. Trong phân cảnh có thể được coi là đẹp nhất của phim, Diana đã bước vào No Man’s Land trong khi Steve Trevor và những người lính khác do dự. Chính hành động của cô đã truyền động lực và cảm hứng cho những người đàn ông khác cũng tiến lên tấn công kẻ thù. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, cô không lao xuống chiến hào của kẻ địch ngay lập tức và quét sạch toàn bộ kẻ thù. Cô sử dụng khiên của mình để thu hút hỏa lực địch, tạo điều kiện cho các đồng đội của cô có thể lao lên tấn công địch. Dù là nam hay là nữ, ai cũng có công trạng của họ. Họ cần tin tưởng và sát cánh bên nhau, chiến đấu cùng nhau để có thể cùng chiến thắng. Diana không lao ra chiến trường vì cô ấy muốn chứng tỏ rằng mình có thể làm được, hoặc mình có thể làm tốt hơn đàn ông. Cô ấy chiến đấu vì cô ấy muốn bảo vệ những người vô tội, và bảo vệ đồng đội của mình, và chính lòng trắc ẩn và hào hiệp của cô đã truyền cảm hứng cho những người đàn ông trên chiến trường chứ không phải sức mạnh. Đó chính là điều tuyệt vời của hình ảnh nữ quyền trong bộ phim đó. Khắc họa vẻ đẹp của phụ nữ mà không cần phải dìm hàng đàn ông. Wonder Woman mang đầy đủ vẻ đẹp của sức mạnh, uy quyền, lòng trắc ẩn, nhân hậu, hào hiệp và dũng cảm, và Steve Trevor cũng như những nhân vật nam khác không cần phải trở thành những gã hề phì nộn si đần để làm nổi bật lên vẻ đẹp ấy ở cô. Thật tiếc là ở Wonder Woman 1984, họ không làm lại được điều tương tự.
À, và chưa kể, phim nữ quyền kiểu gì mà toàn đi quay vòng 3 của Scarlett Johansson vậy?
<i>Bruh</i>
Bruh

TỔNG KẾT

Còn nhiều điểm mà tôi cảm thấy bộ phim làm chưa tới, còn trên đây là ba điểm chính. Nói tóm lại, Black Widow không phải là một sự tri ân xứng đáng dành cho Natasha Romanoff. Nó có một tuyến phản diện thiếu điểm nhấn, sự phi thực tế mà đúng ra không nên có ở thể loại của nó, và khắc họa nữ quyền một cách rất cực đoan. Có lẽ đây cũng chính là giai đoạn thoái trào của các bộ phim siêu anh hùng muốn đi theo lối mòn cũ. Marvel hiện nay đang lặp lại sai lầm của DC xưa kia, khi họ không dám vượt qua lằn ranh của mình, không dám mạo hiểm đi theo những con đường mới mà chỉ bám chặt lấy sự an toàn. Có lẽ với mảng phim điện ảnh, Marvel cũng cần phải đưa vào một làn gió mới để khán giả không nghĩ rằng phim chiếu rạp Marvel ở giai đoạn này hầu hết chỉ có những tác phẩm dễ xơi, nhưng thiếu ấn tượng và đáng quên.
Chấm điểm: 2.5/10