Khó nhất trên đời không phải là có nhiều, mà là có đủ.
Thời gian này năm trước, mục tiêu của mình là “càng nhiều càng tốt”, dù là vật chất, tiền bạc hay quan hệ cá nhân.
Nhưng trải qua 1 khoảng thời gian, các chuyến đi, và rất nhiều câu chuyện, thì mình nhận ra rằng, thứ quan trọng đối với mình bây giờ không phải là “nhiều”, mà là “đủ”.

KHÔNG PHẢI BỖNG DƯNG MÀ MỌI THỨ ĐỀU QUÁ TẢI

Không phải một tự khóa tự dưng lại thành trào lưu, mà chính những gì đang diễn ra khiến ta bắt gặp cụm từ “quá tải” nhiều hơn bao giờ hết.
Quá tải thông tin, vật chất, và cả những cái like trên mạng xã hội.Và cho đến một lúc bạn nhận ra, nhiều like tỉ lệ nghịch với những gì thật sự có giá trị.
Có rất ích những nội dung có giá trị được lan truyền, chuyền tay. Thay vào đó, đa phần thứ người ta chú ý là tủ nhà người ta có bao nhiêu đôi giày, thay vì lượng rác nhà mình gấp đôi năm trước.
Chúng ta đang tự lưu lạc chính mình.
Chúng ta dùng vật chất để thu hút sự chú ý của người khác, và để sự chú ý của mình nằm trong sự tính toán của những ngọn sóng vật chất xô bồ, và ý nghĩa cuối cùng thu lại từ mọi phía là bằng không.
Hãy nhớ rằng, bất cứ điều gì cũng đều có được từ sự đánh đổi.
Tết năm nay mình đã dần thay những câu chúc tài lộc bằng những thứ quan trọng hơn như sức khỏe, và niềm vui, vì mình nhận ra tiền bạc cũng phần nào là những thứ nguy hại nếu con người ta không biết đủ.

ĐỪNG TƯỞNG CHỈ NGƯỜI GIÀU MỚI PHUNG PHÍ

Từng con người nhỏ bé dù cho chỉ làm ra những đồng tiền ít ỏi, cũng hiếm khi biết trân trọng và sử dụng toàn vẹn giá trị của từng đồng tiền.
Và một khi người ta không nhận ra bản chất cốt lõi mà những lớp học triết lý cứ mãi lặp đi lặp lại, rằng tiền chỉ là một công cụ trao đổi, người ta sẽ vẫn lại vô thức chạy theo và tôn vinh nó cho đến khi nào những giá trị thật dần mất đi: núi, rừng, cây cỏ, không khí, khoảnh khắc, sức khỏe, hạnh phúc.
Lúc đó con người mới bàng hoàng nhận ra, tiền, là thứ chính ta sáng tạo ra để phục vụ mình, nhưng đa phần chúng ta đã giành cả cuộc đời để phụng sự ngược lại một thứ vật chất vô hồn, vô giá trị.

NHÌN VÀO GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Mình đang tự xây dựng một hệ quy chiếu giá trị cho bất cứ thứ vật chất nào xuất hiện trong cuộc đời, nhằm phân biệt thứ mình cần và thứ mình nghĩ mình cần, để đưa ra những lựa chọn xứng đáng và hạn chế sự hoang phí không cần thiết. Ở thời điểm này, bất kỳ sự hoang phí nào cũng đang hủy hoại môi trường.
Khi nhìn vào một thứ vật chất, có 3 lớp giá trị mà mình phải tự thông suốt: giá trị thật, giá trị đối với mình và giá trị đối với người khác.
Lựa chọn dễ dàng nhất của con người chính là lựa chọn theo người khác.
Ví dụ, để mua một chiếc máy tính theo lựa chọn của người khác rất dễ, thường thì điều này sẽ đi kèm với sự xa hoa hay đắt đỏ, và tất nhiên phải là những dòng máy thời thượng được lựa chọn nhiều nhất.
Nếu nhìn bằng giá trị đối với mình, mình sẽ chọn những thứ hợp nhãn, và dù nó có đáp ứng tất cả những gì mình cần, thì đôi lúc sẽ dư thừa một vài chức năng, mà mình không cần, nhưng muốn sở hữu, đẹp chẳng hạn.
Và nếu nhìn bằng giá trị thật, thì chiếc máy chỉ đơn thuần đầy đủ tất cả các chức năng mình cần là được, hạn chế tối đa nhất những chức năng không cần thiết nhất, thì đó chính là thứ mình thật sự cần và giúp ích cho mình.
Mình đang tập loại trừ dần những lựa chọn chạy theo xu hướng, và cũng hạn chế dần những thứ phục vụ cho bản thân nhưng có những giá trị dư thừa không dùng đến.
Còn một cách khác mà mình đang tập dần, đó là tôn vinh giá trị của một món đồ.
Khi muốn sở hữu một thứ gì đó, mình sẽ hỏi bản thân sẽ sử dụng nó bao nhiêu lần trong năm. Nếu giá trị của món đồ thỏa mãn những yêu cầu căn bản như mua một chiếc áo thì phải mặc ít nhất 1 lần/tuần, thì mình sẽ chọn món đồ đó. Nếu đó là một thứ được giảm gía, thì mình sẽ lại càng đắn đo hơn. Khuyến mãi sẽ không phải là một món hời, nếu như nó không nằm trong danh sách những thứ bạn cần, mà ngược lại, sẽ còn là gánh nặng.
Một món đồ khuyến mãi thật sự có giá trị là thứ bạn dự định mua nhưng đang đợi lúc thích hợp, hoặc là món đồ bạn chấp nhận trả nguyên giá hoặc cao hơn. “Mua vì rẻ” không bao giờ là món hời, cứ nhìn đống đồ bám bụi cả năm không dùng đến của bạn thì biết.

DETOX TINH THẦN

Chủ nghĩa vật chất không chỉ gây ra quá tải về mặt vật chất, mà còn để lại nhiều hậu quả hơn đối với tinh thần.
Biết về chủ nghĩa tối giản cũng đã khá lâu, áp dụng và rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân, mình cũng dần nhận ra tại sao mọi người cần biết về điều này, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, khi người ta chỉ xếp hàng dài để mua một chiếc điện thoại đời mới, hạnh phúc vì sở hữu một món vật chất, thay vì dành thời gian đó bồi bổ cho tinh thần.
Gần đây, quan niệm về người giàu có của mình đã thay đổi.Mình không còn ngưỡng mộ những thứ vật chất mà người ta sở hữu, ngược lại, càng nhiều thứ họ trưng ra bên ngoài, mình càng lo lắng xem họ có thật sự giàu có bên trong.
Thường thì những thứ ta muốn cho người khác thấy, chỉ là do cảm giác muốn được bảo bọc trong lớp vỏ kim loại, nhưng giấu kín bên trong là một tâm hồn héo mòn, để cho đến khi có người cắt bỏ để nhìn vào, thì chỉ còn những là những cơ thể trầm cảm triền miên không sức sống.
Càng nhiều vật chất, sự ràng buộc càng sâu đậm.
Để đến một ngày vật chất không còn nữa, thì tinh thần ốm yếu đó không thể đứng vững như một người giàu có thật sự.
Người mà bản thân mình ngưỡng mộ và phấn đấu trở thành, chính là người có thể ổn ở cả số 0 lẫn số 10, hoặc không có con số nào cả.
Vì bản thân họ không tìm hạnh phúc ở những thứ bên ngoài, mà là nội tại bên trong.
Một người biết kiếm tìm những thứ hạnh phúc cơ bản và cốt lõi sẽ không bao giờ bị kiếm soát và chi phối bởi vật chất, vì ở bất kỳ đâu, họ cũng có thể sinh sống và tồn tại bằng nội lực bên trong, đó mới chính là giàu có.

BIẾT ĐỦ

Đối với mình, những người biết đủ là những người bản lĩnh nhất. Tất cả mọi người đều không muốn sống thiếu thốn, nhưng cũng gần như không thể chống lại sự dư thừa.
Cái gì nhiều quá cũng không tốt.
Quá nhiều tiền, quá nhiều vật chất, quá nhiều mối quan hệ, trong khi thời gian của chúng ta là bình đẳng, là 24 tiếng mỗi ngày.
Chỉ có những người biết đủ mới thật sự tận hưởng được từng giây từng phút của một ngày, thay vì chạy nước rút để thoát khỏi sự thiếu thốn, hoặc khó hơn, là từ chối sự dư thừa.
Nếu đặt trường hợp bạn cần di tản khẩn cấp, thì việc mang vác quá nhiều đôi khi lại còn gây bất lợi hơn là không mang theo gì cả.
Và từ bỏ, bao giờ cũng khó khăn hơn là nhận lấy.
Bạn càng sớm nhận ra những thứ bạn cần thật sự, bạn càng có nhiều thời gian hơn để tận hưởng hạnh phúc thật sự.
Biết đủ nhiều khi sẽ khiến bạn trông chậm chạp hơn người khác, nhưng miễn là bạn vẫn luôn phát triển từng ngày, thì sẽ không có điều gì khiến bạn phải so sánh mình với cuộc sống của người khác.
Biết đủ còn khiến mình hạn chế được sự ganh tị, vì bản thân mình nhận biết với vị trí và năng lực hiện tại, nếu sở hữu nhiều hơn những thứ mình cần, cho giống như người khác, thì những thứ đó sẽ kìm hãm và khiến mình chây lì. Đồng thời, những thứ đó cũng không giúp ích được gì cho mình, vì bản chất là mình không cần đến.
Nhận thức được những thứ mà mình thật sự cần là một hành trình khó khăn và cần rất nhiều sự đấu tranh tự thân mà mình chỉ vừa mới là kẻ bắt đầu.
Nhưng nếu dành thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về những ích lợi đối với bản thân, xã hội hay môi trường hiện nay, thì đây là điều có thể cứu vãn được rất nhiều vấn đề mà tất cả mọi người đều đang gặp phải.
Hãy trân trọng những gì bạn đang có và có ích cho bạn, loại bỏ đi những thứ bạn gần như đã lãng quên và thận trọng với từng thứ bạn dự định sở hữu. Không phải những thứ hào nhoáng mới làm nên kết quả, kết quả bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Thói quen tạo nên hành vi, hành vi cấu thành bản chất.
Bạn là người như thế nào, đều do chính bản thân bạn lựa chọn.